Độ bền đáng kinh ngạc của vũ khí Đức
Khi nói đến mức độ “Nồi đồng cối đá” thì hầu như tất cả mọi người sẽ nghĩ ngay tới vũ khí Nga, tuy nhiên vũ khí của Đức cũng có độ bền không hề thua kém.
Xe tăng SdKfz 171 Panzerkampfwagen V Panther Ausf G (PzKpfW V)
Panzerkampfwagen V Panther cùng với Tiger là 2 loại xe tăng nổi tiếng nhất của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ 2. Trên khía cạnh kỹ thuật, Panther cùng với T-34 của Liên Xô là 2 loại xe tăng tốt nhất trong cuộc chiến.
Công việc thiết kế xe tăng Panther được bắt đầu vào tháng 11/1941 dựa trên nguyên mẫu xe tăng T-34/76 của Liên Xô.
Vào tháng 3/1942, Daimler-Benz lần đầu tiên sản xuất mẫu thử VK3002 do hãng MAN thiết kế, loại xe tăng này thực sự giống như là T-34 phiên bản Đức với một vài chỉnh sửa.
Ngày 11/5/1942, dự án VK3002 nhận định danh Panther và đến ngày 14/5/1942, sau khi chương trình thử nghiệm mở rộng các thiết kế hoàn tất, Hitler đã quyết định chọn thiết kế của hãng MAN để đưa vào sản xuất hàng loạt trong tháng 6/1942.
Đã có khoảng 6.000 chiếc xe tăng Panther được Đức quốc xã sản xuất trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II, chúng tiếp tục được sử dụng sau chiến tranh ở nhiều nước, ngoài ra Pháp còn dựa trên Panther để thiết kế xe tăng hạng nặng AMX-50.
Vào năm 2009, một chiếc xe tăng Panther có tuổi đời hơn 60 năm sau khi trải qua vài công đoạn chỉnh sửa đã thực hiện các thao tác vận động một cách hoàn hảo không thua gì xe tăng mới sản xuất.
2. Pháo tự hành chống tăng Jagdpanther
Video đang HOT
Pháo tự hành chống tăng Panzerjager V Jagdpanther Sd. Kfz. 173
Pháo chống tăng tự hành Jagdpanther chính là mắt xích còn thiếu trong kế hoạch thâu tóm cục diện chiến trường của Phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2.
Mặc dù đã có dòng tăng Tiger II và Panther, pháo chống tăng Jagdpanther vẫn trở nên vô cùng hữu ích khi được đưa vào các sư đoàn thiết giáp nhằm bù đắp về số lượng.
Dù được sản xuất trong điều kiện thiếu thốn khi các nhà máy của Đức bị không quân Đồng Minh ném bom đêm ngày, Jagpanther vẫn là một trong những thứ vũ khí tinh xảo và chết người nhất mà Phát xít Đức từng tạo ra.
Jagdpanther được trình lên cho Hitler xem và gây ấn tượng mạnh đến mức chính ông ta đã ra lệnh đổi tên ban đầu của khẩu pháo từ “Panzerjager Panther” thành “Jagdpanther”.
Khẩu pháo tự hành chống tăng này bắt đầu được đem ra chiến trường vào năm 1944 với tổng số 382 chiếc được chế tạo.
Tuy đã có tuổi đời rất cao nhưng trong đoạn video dưới đây chúng ta có thể thấy khả năng di chuyển của pháo tự hành chống tăng Jagdpanther vẫn còn rất tốt.
3. Máy bay chiến đấu phản lực Me-262
Máy bay chiến đấu phản lực Messerschmitt Me-262
Messerschmitt Me-262 do Đức quốc xã chế tạo được ghi nhận là máy bay chiến đấu sử dụng động cơ phản lực đầu tiên trên thế giới.
Me-262 được nghiên cứu chế tạo vào đầu thập niên 40 của thế kỷ 20 và nguyên mẫu Me-262V1 thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm ngày 18/4/1941.
Me-262 đã tạo ra nước nhảy vọt từ máy bay sử dụng động cơ pít tông truyền thống sang động cơ phản lực, trên thực tế Me-262 là một chiếc máy bay ném bom chiến đấu.
Ngày 25/7/1944, máy bay chiến đấu phản lực Me-262A đã đụng độ với máy bay chiến đấu sử dụng động cơ pít tông của Không quân Anh. Đây là lần đầu tiên trên thế giới máy bay phản lực được sử dụng trong thực chiến.
Vào năm 2006 tại triển lãm hàng không ILA tổ chức tại Berlin, một chiếc Me-262 đã bay biểu diễn bên cạnh những máy bay hiện đại khác.
Với tuổi đời trên 60 năm, Me-262 đã thực sự phá vỡ giới hạn độ bền của máy bay chiến đấu sử dụng động cơ phản lực.
Theo Đại Lộ
Hạm đội tàu khu trục nhỏ đáng nể của Hải quân Nhật
Mặc dù thu hút được ít sự quan tâm hơn so với những khu trục hạm cỡ lớn nhưng đội tàu khu trục nhỏ của Hải quân Nhật Bản cũng có sức mạnh rất đáng gờm.
Dưới đây là 3 lớp tàu khu trục cỡ nhỏ chủ lực của Hải quân Nhật Bản:
1. Khu trục hạm cỡ nhỏ (Frigate) lớp Hatsuyuki
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.050 tấn, đầy tải 4.000 tấn; dài 130m; rộng 13,6m, mớn nước 4,2 - 4,4m. Tàu được trang bị kết hợp 2 động cơ turbine khí cỡ lớn Kawasaki-Rolls-Royce Olympus TM3B công suất 45.000 mã lực (34 MW) với 2 động cơ turbine khí cỡ nhỏ RR Type Kawasaki RM1C công suất 9.900 mã lực (7,4 MW) cho phép chạy với tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h); thủy thủ đoàn 220 người.
Hatsuyuki thuộc thế hệ khu trục hạm thứ 3 của Hải quân Nhật với vai trò chính là chống ngầm giống như người tiền nhiệm của nó - tàu khu trục lớp Yamagumo. Có tất cả 12 tàu lớp Hatsuyuki đã được đóng trong giai đoạn từ 1979 - 1986, đến nay chỉ còn 6 tàu lớp này còn hoạt động. Mặc dù gọi là khu trục nhưng kích thước cũng như chức năng của Hatsuyuki chỉ được thế giới xếp vào hạng frigate.
Hatsuyuki là lớp tàu chiến đầu tiên của Nhật được trang bị tên lửa phòng không Sea Sparrow và tên lửa chống hạm Harpoon, đồng thời đây cũng là lớp tàu khu trục đa dụng đầu tiên của Nhật được giới thiệu với năng lực vận hành trực thăng chống ngầm Sikorsky HSS-2B Sea King.
Vào năm 1982 và 1990, Hải quân Nhật quyết định thí điểm triển khai bổ sung hệ thống CIWS Phalanx và sonar kéo trên 2 tàu Matsuyuki DD-130 và Hatsuyuki DD-122 sau đó mới nhân rộng cho các tàu khác. Từ chiếc DD-129 Yamayuki trở đi vật liệu nhôm đã được sử dụng để thay thế thép trong các bộ phận quan trọng của cấu trúc thượng tầng.
Vũ khí trang bị của các khu trục hạm lớp Hatsuyuki sau khi bổ sung và nâng cấp gồm: 1 pháo Otobreda 76mm, 8 tên lửa hành trình đối hạm Harpoon, 2 hệ thống CIWS Phalanx 20mm, 1 bệ phóng Mk-29 để phóng tên lửa đối không RIM-7 Sea Sparrow, rocket chống ngầm ASROC và 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 324mm HOS-301.
Hatsuyuki và Shirayuki - 2 tàu đầu tiên của lớp lấy lại tên của những khu trục hạm Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II. Vào năm 2013, chính phủ Nhật đã thông qua kế hoạch chuyển đổi 4 tàu khu trục nhỏ lớp Hatsuyuki cho lực lượng tuần duyên, trước khi chuyển giao chúng sẽ được tháo bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí (ví dụ như tên lửa Harpoon) và đổi phân lớp thành tàu tuần tra cỡ lớn mang trực thăng (PLH - Patrol Vessel Large With Helicopter).
2. Khu trục hạm cỡ nhỏ (Frigate) lớp Asagiri
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.500 tấn, đầy tải 4.900 tấn; dài 137m; rộng 14,6m, mớn nước 4,5m. Hệ thống động lực gồm 4 động cơ turbine khí công suất 54.000 mã lực cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h); tầm hoạt động 8.030 hải lý (14.870 km) khi chạy với tốc độ 14 hải lý/h (26 km/h); thủy thủ đoàn 220 người.
Khu trục hạm cỡ nhỏ (frigate) lớp Asagiri (lấy lại tên của tàu khu trục Hải quân Đế quốc Nhật Bản thời chiến tranh thế giới II) gồm tất cả 8 tàu mang số hiệu từ DD-151 đến DD-158, được đóng trong giai đoạn từ 1986 - 1989. Hiện tại 2 tàu DD-151 Asagiri và DD-152 Yamagiri đã được hoán cải thành tàu huấn luyện và đổi số hiệu thành TV-3516 và TV-3515.
Asagiri là phiên bản mở rộng của lớp tàu khu trục Hatsuyuki thế hệ trước với nhiệm vụ chủ yếu là chống tàu nổi và chống ngầm. Những cải tiến chủ yếu bao gồm: thay thế hệ thống động cơ turbine khí kết hợp Kawasaki-Rolls-Royce Spey SM1A công suất cao hơn; trang bị radar tìm kiếm bề mặt OPS-28 (tương tự radar tìm kiếm Mk-32 của Mỹ) có năng lực tốt hơn. Các tàu về sau còn được trang bị radar tìm kiếm trên không 3 tham số OPS-24 - loại radar mảng pha quét điện tử đầu tiên trang bị cho tàu chiến và tích hợp hệ thống quản lý tác chiến OYQ-7 với OYQ-101, hệ thống C4I và hệ thống định vị vệ tinh tiên tiến hơn.
Vũ khí của Asagiri gồm 1 pháo Otobreda 76mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon, 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx và 1 bệ phóng Mk-29 để bắn tên lửa đối không tầm ngắn Sea Sparrow. Năng lực chống ngầm của tàu khu trục lớp Asagiri rất đáng nể nhờ được trang bị sonar OQS-4A kết hợp với sonar kéo OQR-1 cùng rocket chống ngầm Mk-16 ASROC, 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 324mm HOS-302A. Nhà chứa của tàu cho phép mang theo 2 trực thăng nhưng thực tế thường chỉ mang được 1 trực thăng chống ngầm SH-60J(K) trong các chuyến hải trình.
3. Khu trục hạm hộ vệ (Corvette) lớp Abukuma
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.000 tấn, đầy tải 2.500 tấn; dài 109m; rộng 13m, mớn nước 3,7m. Hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ turbine khí Kawasaki-RR SM1A công suất 26.650 mã lực (19,9 MW) và 2 động cơ diesel Mitsubishi S12U MTK 6.000 mã lực (4,4 MW, tốc độ tối đa 27 hải lý/h (50 km/h); thủy thủ đoàn 120 người.
Khu trục hạm hộ vệ (corvette) đa dụng lớp Abukuma của Hải quân Nhật Bản được phát triển từ lớp Yubari thế hệ trước với nhiều cải tiến như: áp dụng công nghệ tàng hình, nâng cấp thiết bị điện tử và sửa đổi hệ thống vũ khí. Ban đầu Hải quân Nhật lên kế hoạch đóng 11 tàu lớp Abukuma nhưng cuối cùng chỉ có 6 chiếc hoàn thành. Chiếc đầu tiên của lớp, DE-229 Abukuma hạ thủy ngày 17/3/1988, vào biên chế ngày 12/12/1989 trong khi chiếc cuối cùng DE-234 hạ thủy ngày 8/2/1991 và chính thức biên chế ngày 8/2/1993. Cả 6 chiếc của lớp đều lấy lại tên những tuần dương hạm Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II và hiện tất cả vẫn còn đang hoạt động.
Abukuma được trang bị radar tìm kiếm bề mặt OPS-28 tương tự như khu trục hạm Asagiri đi kèm với radar trinh sát đường không OPS-14 (chức năng tương tự radar AN/SPS-49 của Mỹ). Vũ khí trang bị của Abukuma gồm 1 pháo Otobreda 76mm, 8 tên lửa đối hạm Harpoon, rocket chống ngầm RUR-5 ASROC và 2 cụm 6 ống phóng ngư lôi 324mm HOS-301.
Bên cạnh hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe cũng đã được lên kế hoạch trang bị nhưng chưa triển khai. Năng lực chống ngầm của Abukuma không mạnh như 2 lớp tàu khu trục trước đó khi chỉ được trang bị sonar OQS-8, đã có dự án bổ sung thêm sonar kéo cho tàu nhưng giống như RIM-116, công việc vẫn chưa được triển khai.
Theo Trí Thức Trẻ
Sức mạnh của Quân đội Việt Nam trong chiến dịch tiến công địch đổ bộ đường không Tại Trường bắn Quốc gia Khu vực 3 (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức diễn tập bắn đạn thật đề mục Tiểu đoàn Bộ binh tiến công địch đổ bộ đường không, được pháo binh, pháo phòng không, xe tăng của Quân khu 7 chi viện. Lực lượng tham gia diễn tập đã...