Đỗ Bảo: ‘Không có gia đình bất hạnh lắm’
“Danh vọng là thứ mọi người đều muốn nhưng nó cũng rất ‘vô thủy vô chung’. Tôi không biết có ai xem sự nghiệp hơn gia đình của mình?” – Nhạc sĩ Bức thư tình đầu tiên chia sẻ thêm.
Bận rộn với các dự án âm nhạc mới cũng như “những công việc không tên” của gia đình nhưng nhạc sĩ Đỗ Bảo vẫn dành thời gian để trò chuyện cùng Zing.vn trong không khí của “ tháng 2 uể oải”.
Mỗi lần sáng tác, một lần đi lạc
- Tháng 2 năm nay của anh khác gì với “những ngày bắt nhịp khó khăn” của 3 năm trước đây khi anh viết ca khúc “Tháng 2 uể oải”?
- Bây giờ nói ra còn quá sớm nhưng tôi đang thực hiện các dự án âm nhạc mới. Tôi đang thực hiện đĩa nhạc mới cho ca sĩ Tấn Minh. Tôi cũng song song hợp tác với Khánh Linh. Ngoài ra tôi cũng hứa sẽ thực hiện đĩa nhạc cùng Ngọc Anh và Hoàng Quyên.
Điều đặc biệt là các dự án âm nhạc này khác biệt nhau. Phong cách của Tấn Minh sẽ là semi-classic, hơi hoài cổ một chút. Với Khánh Linh lại khác. Từ trước đến nay cô ấy hát khá ít ca khúc của tôi. Giọng hát của Linh như một cần đàn nên cần chất nhạc riêng.
- Có vẻ như đây là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của anh?
- Tôi đang dành thời gian để sáng tác. Viết bài hát bây giờ khó và chậm lắm và không phải ngày nào mình cũng có thể viết ra được ca khúc mới. Đối với tôi sáng tác giống như việc đi lang thang, thậm chí là đi lạc. Thời điểm đến thì may ra viết được một ca khúc nghe được, chứ chưa nói đến là hay. Nhiều khi đang viết thì bị đi lạc; những lúc đó rất mất thời gian. Ngược lại, việc sản xuất và phối khí lại rất nhanh. Đôi khi chỉ mất khoảng vài tháng đến nửa năm là hoàn thành.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo.
- Khó như vậy nên anh hay rơi vào tình trạng bế tắc khi đang thực hiện các dự án âm nhạc mới của mình?
- Tất nhiên là có những ù lì, luận quẩn và đôi khi tôi không thoát ra được. Tất cả đĩa nhạc trước đây tôi thực hiện đều rơi vào những trạng thái như thế. Đến mức tôi cảm thấy quen thuộc và không còn hoảng sợ nữa.
Trước đây, tôi hoảng sợ khi thấy mình trống rỗng, cạn kiệt cảm xúc. Những lúc như thế, tôi phải bỏ việc đấy đi chơi và chờ đợi. Với sáng tác, tôi hơi đủng đỉnh và thong thả như thế.
- Thế một ngày anh dành bao nhiêu tiếng cho việc tìm cảm hứng, sáng tác?
- Tôi phải sắp xếp khoảng thời gian hoàn hảo nhất dành cho âm nhạc. Cách làm việc của toi hơi ngẫu hứng nhưng đã đưa mình vào kỷ luật thì rất kinh khủng. Vì thế, có những ngày tôi không có tiếng nào nhưng có những khi tập trung toàn bộ thời gian. Việc sáng tác của tôi khá vô tổ chức. Ở thời điểm hiện tại, tôi ưu tiên giành cho gia đình hơn.
Nhạc Việt vẫn thiếu hoàn hảo
- Tôi vừa thấy anh dành lời khen cho một ca khúc của ban nhạc indie rất trẻ là Ngọt mà nhiều khán giả đại chúng chưa biết đến. Anh thấy âm nhạc của họ thế nào?
- Tôi thấy tinh thần rất mới mẻ. Đây là một ví dụ tốt cho các bạn trẻ, các ban nhạc trẻ tìm ra phong cách riêng, không trộn lẫn với người khác. Ngọt có sự tếu táo, chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển nhưng cũng có nhịp điệu của người trẻ. Tôi thấy họ có tiềm năng và biết mình muốn gì, làm gì trong âm nhạc.
- Anh thấy nền âm nhạc trong nước có nhiều nhân tố như Ngọt?
- Theo như tôi thấy thì khá ít. Nếu có nhiều, tôi đã giới thiệu cho mọi người nghe. Tôi có những tiêu chí riêng, nếu nó hội tụ đủ thì nó mới hấp dẫn bản thân tôi. Nhưng với các sản phẩm âm nhạc trong nước tôi thấy không nhiều, thường được cái này thì mất cái kia.
Video đang HOT
Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho rằng nhạc Việt thiếu những tác phẩm hoàn hảo.
- Anh có lo lắng hay trăn trở gì với nền âm nhạc hiện tại của nước ta?
- Tôi đã qua cái giai đoạn nghĩ là mình phải lo lắng về thế sự rồi. Tôi nhận ra sự lo lắng của mình không giải quyết vấn đề gì cả. Điều quan trọng là mình phải làm điều mình tin; tạo ra những sản phẩm từ chính niềm tin của mình. Tôi thấy việc mình lo lắng đến hành động của người khác là phi lý. Đó không phải việc của người nghệ sĩ.
Tôi vẫn quan tâm nhưng trầm lắng hơn. Những cái mình quan tâm thì nó ít quá. Tôi khen ngợi, ca tụng người khác nếu họ có những sáng tạo, đột phá. Tuy nhiên, tôi rất ít khi nghe được bài hát hay từ người khác hay những sản phẩm làm tôi phải rú lên rồi “khoe” với mọi người. Tôi là người rất công bằng, công bằng với người khác cũng như sản phẩm âm nhạc của họ.
- Với album gần đây nhất của mình “ Cánh cung 3: Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta”, anh tự đánh giá như thế nào?
- Đĩa nhạc này có thể vừa là bước phát triển và cũng là một nhánh rẽ trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Bước phát triển ở đây là về tư tưởng và sự trải nghiểm; là sự dồn nén vào cả một album. Khi thực hiện, tôi không làm cái gì đó đột phá hay vượt qua về mặt âm nhạc. Thay vào đó, tôi muốn truyền đạt thông điệp, cảm xúc nhiều hơn.
Đó là album tôi thực sự rất thích và tự hào. Tôi chỉ tiếc về chất lượng âm thanh không được như mong muốn. Từ ý tưởng, âm nhạc đến thông điệp hay những giá trị về tinh thần nó đem lại thì tôi thấy tuyệt vời. Tôi không cho rằng người nghe một lần sẽ thấy yêu ngay mà phải nghe từ từ bởi mỗi bài hát là sự dồn nén rất nhiều, tình cảm rất nhiều.
Đó là một “file zip” nén lại tất cả mọi thứ. Nếu dùng từ nào đó để đưa nó về 1 thứ thì đã hạn chế đi mục đích, bản chất và vẻ đẹp vốn có.
Gia đình quan trọng hơn âm nhạc
- Anh chia sẻ rằng cuộc sống của mình là những khoảnh khắc bị “mắc kẹt”, điều gì neo lại cuộc sống của anh?
- Danh vọng là điều ai cũng muốn nhưng nó có thể đến và đi bất cứ lúc nào. Danh vọng là thứ vô thủy vô chung. Gia đình là quan trọng nhất. Nó giống như một cái cây, con cái như cành lá vậy. Đó còn là mối quan hệ máu thịt nữa.
- Với anh, gia đình là quan trọng nhất?
- Gia đình đối với tôi lúc nào cũng là quan trọng nhất. Mọi người ai cũng vậy cả, tôi chỉ quả quyết hơn khi nói ra. Nếu không có âm nhạc nữa cũng chẳng sao cả nhưng không có gia đình, cuộc sống tôi sẽ bất hạnh lắm. Mình có gia đình, có con cái, tình cảm đó to lớn bất cứ điều gì và không có sự nghiệp nào to lớn hơn. Tôi không biết có ai xem sự nghiệp của mình hơn cả gia đình.
- Thế Đỗ Bảo của gia đình là người như thế nào?
- Tôi thừa nhận mình không giỏi trong việc đóng vai trò là người đàn ông trong gia đình. Tôi nghĩ mình vẫn cần phải hoàn thiện.
Đỗ Bảo thừa nhận gia đình là điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại.
- Trong cuộc sống anh có lãng mạn như trong âm nhạc?
- Sự lãng mạn của tôi khác với đám đông. Tôi không quan niệm lãng mạn là ngày này, ngày kia tặng hoa thì mới lãng mạn hay phải nói những lời âu yếm mà ai cũng nói. Tôi thấy lãng mạn không nên rập khuôn.
- Có phải vì thế nên anh rất ít khi tặng hoa cho vợ mình?
- Tôi chỉ mới tặng hoa một, hai lần cho vợ mình. Tôi nghĩ có nhiều lựa chọn khác ngoài việc tặng hoa. Đối với phụ nữ, đàn ông chỉ cần biết lắng nghe đã là sự lãng mạn. Có những lúc họ có tâm sự chưa nói ra nhưng mình hiểu và chia sẻ sẽ còn giá trị hơn 1.000 bó hoa. Nếu biết lắng nghe, mình sẽ có ứng xử phù hợp cho thời khắc đó. Tôi không thiếu cách để thể hiện sự lãng mạn nhưng xét về việc tặng hoa cho vợ có thể tôi không bằng ai cả.
- Gia đình với anh quan trọng vậy, hẳn anh phải sáng tác nhiều ca khúc tặng cho những người thân yêu?
- Tôi có sáng tác ca khúc giành tặng cho vợ và con mình. Tôi không sáng tác nhiều vì không phải dễ mà viết được những ca khúc hay, chứa đầy tình cảm như vậy. Đôi khi phải dành cả cuộc đời lâu dài mới dám viết ra những câu hát, ca khúc không giấu giếm như vậy. Không phải lúc nào cũng tìm một câu hát đủ sức để chuyển tải được hết cảm xúc khi viết cho vợ và các con. Tôi cứ phải chờ cho đến một lúc nào đó thấy đủ tôi sẽ sáng tác.
Theo Zing
Con gái 3 tuổi của Trần Thu Hà chập chững lên sân khấu hát cùng mẹ
Đêm nhạc "Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông" chỉ có âm nhạc của Trần Tiến và giọng ca của những thành viên trong gia đình họ Trần mang lại nhiều cảm xúc với người nghe.
Tối ngày 3.10, đêm nhạc "Chuyện phố bên sông" là một câu chuyện âm nhạc của gia đình nghệ sĩ Trần Thu Hà . Những câu chuyện ấy được nhạc sĩ Trần Tiến ghi lại bằng âm nhạc đầy hình ảnh chân thực nhất nhưng vẫn không thể không hào hoa, kiêu bạc. Trong tiết mục Liên khúc Ra ngõ, cô bé Nala đã được mẹ Hà Trần dắt lên sân khấu cùng biểu diễn với ca sĩUyên Linh, bác Thanh Phương và hai chị Hoàng Hà, Mỹ Anh.
Nana năm nay đã 3 tuổi, mặc dù chưa hát được nhiều nhưng cô bé tỏ ra khá dạn dĩ trước khán phòng và sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.
Khi mẹ Hà Trần lấy lại mic để hát thì Nana vẫn đòi giữ lấy mic để được hát cho khán giả.
Đêm nhạc "Trần Gia Nhã Nhạc" mở màn bằng ca khúc "Chào cuộc đời" với màn trình diễn của 3 nhân vật chính là NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Trần Thu Hà.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ: Trần gia nhã nhạc hay đêm nhạc của những nghệ sĩ trong gia đình họ Trần ra đời từ nhạc sĩ Trần Tiến. Nhưng Hà Trần là người đã biến ý tưởng đó thành một "thương hiệu" riêng của gia đình với mục đích tri ân bố mình là NSND Trần Hiếu và đặc biệt là người chú Trần Tiến đã dành cho cô rất nhiều ca khúc làm nên tên tuổi.
Hai anh em Trần Hiếu - Trần Tiến có tính cách trái ngược nhau như màu đen và trắng nhưng nhạc sĩ Trần Tiến xúc động chia sẻ rằng NSND Trần Hiếu là người anh ông luôn kính trọng, "người anh không bao giờ đánh tôi và dạy tôi không bao giờ được đánh ai".
Hà Trần bắt đầu đêm nhạc với những bản tình ca: Phố nghèo, chị tôi khiến khán giả Hà Nội lặng đi vì lâu lắm rồi mới lại được nghe những ca khúc sâu lắng đến vậy.
Trần Tiến chia sẻ thêm về chàng ca sĩ Hà thành Tấn Minh là một trong những giọng ca đầy tình cảm và anh cũng là học trò của NSND Trần Hiếu 8 năm. Đây là đêm nhạc gia đình nên không thể thiếu giọng ca Tấn Minh được.
Góp mặt trong đêm nhạc còn có hai người cháu của gia đình họ Trần là Hoàng Hà và Mỹ Anh (con gái nhạc sĩ Trần Thanh Phương) thể hiện ca khúc "Em vẫn như ngày xưa".
Uyên Linh nồng nàn với cách xử lý ca khúc rất tình cảm. Cô chinh phục cả khán giả và chính nhạc sĩ Trần Tiến khi hát Mặt trời bé con theo cách riêng của mình.
NSND Trần Hiếu, Trần Thu Hà, Uyên Linh và nhạc sĩ Trần Tiến làm nổ tung khán phòng với ca khúc "Thành phố trẻ".
NSND Trần Hiếu vẫn giản dị với những bản tình ca "Ngẫu hứng phố" và "Cô bé vô tư" với cách hát thính phòng và bản phối khá lạ của nhạc sĩ Thanh Phương khiến người nghe có cảm giác rất sạch và thoải mái.
Đây là lần đầu tiên hai thầy trò Trần Hiếu - Tấn Minh đứng chung sân khấu. Họ song ca ca khúc Tiếng trống Paranưng bằng phong cách thính phòng ấn tượng.
Trần Thu Hà vẫn nồng nàn và da diết khi thể hiện ca khúc "sắc màu"
Đã rất lâu rồi người yêu nhạc Hà Nội mới gặp lại hình ảnh Trần Tiến ôm cây đàn guitar vừa hát vừa trò chuyện với khán trên sân khấu như trong đêm nhạc tối 3/10. Ông chơi lại theo phong cách ngẫu hứng chùm tác phẩm Ra ngõ đã viết từ khá lâu và "chỉ dành hát riêng ở Hà Nội".
Đêm nhạc "Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông" đã để lại quá nhiều cảm xúc và ấn tượng thực sự đẹp cho những người yêu nhạc Trần Tiến, Trần Hiếu. Chỉ có âm nhạc mới mang mọi người lại đến gần nhau hơn, cùng tình yêu giọng hát của những thế hệ họ Trần và yêu Hà Nội.
Theo Bài và Ảnh: Hải Bá / Trí Thức Trẻ
Con gái Hà Trần lên sân khấu hát cùng mẹ Không cầu kỳ sân khấu, không phức tạp dàn dựng tiết mục, đêm diễn Trần gia nhã nhạc chỉ có âm nhạc của Trần Tiến và giọng ca của những thành viên trong gia đình họ Trần. Trong tiết mục Liên khúc Ra ngõ, cô bé Nala đã được mẹ Hà Trần dắt lên sân khấu cùng biểu diễn với ca sĩ Uyên...