ĐNa-90152, tàu bị Trung Quốc đâm chìm trong mắt học giả nước ngoài
“Khi nhìn thấy con tàu đắm, tôi cảm thấy buồn hơn, bởi mỗi lần đến Việt Nam tôi đều được đưa lên một con tàu”, khi là tàu bị đâm, khi là tàu có ngư dân bị cướp, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, chia sẻ khi tận mắt chứng kiến những vết thương nham nhở trên thân tàu ĐNa-90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
ĐNa-90152 với vết thương trên thân mình.
Trong những ngày ở Đà Nẵng tham dự hội thảo “Hoàng Sa Trường Sa: Sự thật lịch sử” từ 19-21/6, các học giả quốc tế, trong đó có người là chuyên gia về chính trị, quân sự, là chuyên gia luật, và cũng có người là thành viên của Tòa án trọng tài thường trực, cùng các học giả trong nước, phóng viên báo chí trong và ngoài nước, đã có dịp thăm tàu ĐNa-90152, tàu đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở cách khu vực nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vào ngày 26/5 vừa qua.
Con tàu chìm đã được trục vớt và đưa về Hợp tác xã trục vớt, đóng mới sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Tàu sẽ được lưu giữ nguyên trạng để làm bằng chứng tố cáo hành động vi phạm chủ quyền ngang ngược, vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Dù đã được nghe nói đến nhiều, đã được xem đoạn video cho thấy một Trung Quốc lớn hơn gấp nhiều lần hung hãn đâm chìm ĐNa-90152, nhưng với nhiều người, đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến những “vết thương” nham nhở trên thân mình con tàu đã kiên cường vươn khơi đánh bắt, như bao chiếc tàu khác từ bao thế hệ người Việt nay, dù biết ở khơi xa hiểm nguy luôn rình rập.
Không có một học giả nào không giơ máy ảnh, điện thoại lên lưu dấu hình ảnh về con tàu. Họ cũng không khỏi xúc động khi trực tiếp hỏi và nghe vợ chồng chủ tàu, cùng thuyền trưởng kể lại những gì mà họ trải qua ngày hôm đó.
Trả lời cho câu hỏi về diễn biến sự việc của Tướng Pháp Daniel Schaeffer, Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cho biết, hôm đó, một tàu của Trung Quốc to, lớn hơn rất nhiều đã cố tình rượt đuổi rồi đâm vào đuôi tàu của anh với tốc độ rất lớn mà không hề có bất kỳ cảnh báo nào. Sau lần đâm đầu tiên, rồi lần đâm thứ hai, tàu của anh đã bị lật chìm. 10 người trên tàu may mắn được một tàu đánh cá cùng gần đó cứu sống.
Còn chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa kể lại những gì mình đã trải qua khi hay tin tàu ĐNa-90152 bị Trung Quốc đâm chìm với các học giả trong và ngoài nước.
Còn chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng kể lại, khi hay tin “tàu Trung Quốc tông tàu mình, tôi rất bức xúc, chân tay run rẩy…bởi tàu là mồ hôi nước mắt, là trang trải đời sống, trả nợ trả nần…và cảm giác lúc đó chỉ muốn chết”. Nhưng rồi chị nhớ đến 10 ngư dân trên tàu. Khi biết họ vẫn còn sống, “rồi sau đó được sự quan tâm, động viên tinh thần của các đoàn thể, bà con, cũng thấy vững dạ hơn”. Chị cũng khẳng định tàu của chị đánh bắt ở vùng biển truyền thống, vùng biển Hoàng Sa của cha ông từ xa xưa để lại.
Video đang HOT
Đứng bên cạnh thân tàu ĐNa-90152, Tiến sỹ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình an ninh Châu Á, Thái Bình Dương khẳng định, hành vi đâm tàu cá ĐNa-90152 của tàu Trung Quốc khiến tàu cá bị chìm là hành vi gây ra “thảm kịch đối với con người”, không chỉ gây thiệt hại về vật chất, tinh thần đối với gia đình các ngư dân mà còn “gây lo ngại cho toàn bộ cộng đồng ở Biển Đông”.
Đã buồn càng buồn hơn
Giáo sư Carl Thayer muốn uống bia với ngư dân mỗi lần đến Việt Nam.
Chia sẻ với tôi, Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, nói: “Khi nhìn thấy con tàu đắm, tôi cảm thấy buồn hơn, bởi mỗi lần đến Việt Nam tôi đều được đưa lên một con tàu”, khi là tàu bị đâm, khi là tàu có ngư dân bị cướp. Hai năm trước, trong một lần đến Việt Nam, ông cũng đã được thăm một con tàu ở Lý Sơn bị cướp khi đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Nhưng trong trường hợp này, vụ việc thậm chí nghiêm trọng hơn, tàu bị đâm chìm, mạng sống của ngư trên tàu bị đe dọa nghiêm trọng”, Giáo sư Thayer nói và khẳng định đây là”vi phạm luật biển thông thường” và “điều này không được xảy ra”.Ông cũng tỏ ra bất bình khi nhắc đến chi tiết khi ĐNa-90152 bị đâm chìm, người Trung Quốc ở gần đó đã không hề hỗ trợ, cứu hộ các ngư dân.
Ông cũng bùi ngùi xen lẫn bức xúc nói: “Và khi đến đây, bạn nhìn thấy cuộc sống của những người bình thường, cả gia đình sống nhờ vào con thuyền, một phần của nền kinh tế của Việt Nam bị đe dọa trước điều gì đây? Vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền hợp pháp của Việt Nam! Vùng kinh tế thuộc đặc quyền của Việt Nam và nguồn tài nguyên, cá, ở đó, cho Việt Nam đánh bắt, chứ không phải là một cường quốc ở bên ngoài, như Trung Quốc. Nếu dùng từ mạnh mẽ, Trung Quốc đã tham gia vào “cướp biển cấp nhà nước”, bởi tàu lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc là tàu của nhà nước Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hành động này và phải bị trừng phạt.”
“Vừa buồn, vừa giận Trung Quốc”
Andre Mecas, một người Pháp đã sống nhiều năm ở Việt Nam từ trước khi đất nước thống nhất vào năm 1975 và lấy tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, cũng cho biết “vừa buồn, vừa giận Trung Quốc” khi chứng kiến con tàu bị đâm chìm và nghe những gì thuyền trưởng và chủ tàu kể lại. “Tôi cảm thấy họ như vậy mà bất lực, mất tất cả, những gì họ có để sống hàng ngày. Mất tàu, mất cuộc sống của mình, ngư dân không được ra khơi, không biết khi nào có thể đi làm… dù tất nhiên nhà nước sẽ hỗ trợ, ngân hàng sẽ ưu tiên”.
Ông “vừa buồn, vừa giận Trung Quốc, bởi sự việc không phải xảy ra một lần, một ngày mà mấy năm qua xảy ra thường xuyên, không chỉ ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, mà ở cả Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh”. Ông “vừa buồn, vừa giận” bởi ngư dân Việt Nam “luôn luôn bị ăn hà ăn hiếp”, nào bị đánh, bị cướp, bị đâm chìm, bị bắt đòi tiền chuộc, khiến họ khuynh gia bại sản.
Andre Mecas cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế về vấn đề nhân quyền và nếu kiện thì nên có sự hỗ trợ của một văn phòng luật sư quốc tế. Ông chia sẻ với tôi, bản thân ông cũng đang nung nấu ý tưởng thành lập một hiệp hội quốc tế, trong đó gồm cả các luật sư quốc tế, nhằm hỗ trợ ngư dân miền Trung khởi kiện nhà nước Trung Quốc, như giúp họ xây dựng hồ sơ, thu thập bằng chứng một cách khoa học, theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Hoàng Sa: Nỗi đau mất mát”
Andre Mecas Hồ Cương Quyết chia sẻ về “Hoàng Sa: Nỗi đau mất mát”.
Năm 2011, Andre Mecas đã làm một bộ phim nói về ngư dân miền Trung Việt Nam ở Lý Sơn và bộ phim đã lần đầu tiên được chiếu tại triển lãm quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” vào ngày 21/6, đúng ngày ông đến thăm con tàu bị đâm chìm. Ông không khỏi giấu được sự xúc động khi bộ phim được công chiếu sau bao nhiêu công sức, mồ hôi và cả nước mắt, tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa, sau bao nhiêu tháng “ăn nằm” với ngư dân Lý Sơn.
Andre Mecas chia sẻ, phim “Hoàng Sa: Nỗi đau mất mát” có thời lượng gần một tiếng đồng hồ, tuy về mặt kỹ thuật đơn giản, nhưng nó đã toát lên “bản chất sống thực” nhất. Với chỉ chiếc micro, một chiếc máy quay, ông đã cho ngư dân tự nói về cuộc đời họ, về cuộc sống vật chất, tinh thần của họ. Theo ông, bộ phim là tiếng nói chân thực của các ngư dân bị tàu Trung Quốc cướp bóc, đánh đập, uy hiếp tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Sau khi bộ phim được hoàn thành ông cũng đã phối hợp cùng ADEF France Vietnam mở một quỹ hỗ trợ cho những phụ nữ có chồng bị chết trong cuộc mưu sinh, bám biển, bám đảo, và cho những đứa trẻ mồ côi cha ở Lý Sơn và Bình Châu, Quảng Ngãi.
Muốn uống bia với ngư dân thay vì thăm tàu đắm!
Chia sẻ quan điểm với các học giả khác tới thăm tàu, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Việt Nam nên khởi kiện vụ đâm chìm tàu ra một tòa án độc lập để đòi Trung Quốc phải bồi thường cho những gì họ đã làm và cho cả thế giới thấy Trung Quốc đang thực sự làm gì và cho thấy “các bạn đã tuân thủ luật pháp” như thế nào.
Theo Giáo sư Thayer, việc cho phép các nhóm học giả, trong đó có nhiều học giả quốc tế, tới thăm tàu bị đâm chìm, chứng kiến bằng chứng rõ ràng minh chứng cho hành động của Trung Quốc, “thông điệp của Việt Nam sẽ được chuyển tới châu Âu, như Pháp, Đức, Nga, tới Úc, và nhiều nước khác nữa”.
Carl Thayer cũng cho rằng Việt Nam hãy cảnh giác trước mưu khiêu khích của Trung Quốc. Ông dẫn chứng trong trường hợp ở Scarborough năm 2011, khi Philippines dùng tàu cũ của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Trung Quốc đã ầm ĩ tuyên truyền: “Tàu lớn nhất của hải quân Philippines đang tấn công ngư dân của chúng ta!” Theo Carl Thayer, việc triển khai tàu của Philippines đã khiến các nước khác lập tức băn khoăn tự hỏi: “Ồ sao lại dùng tàu quân sự”. Song ông cho biết, “trong trường hợp của Việt Nam, chúng tôi biết Việt Nam dùng tàu cảnh sát biển và tàu đánh bắt cá của các bạn là tàu dân sự.”
Kết thúc câu chuyện với tôi bên con tàu ĐNa-90152, Giáo sư Carl Thayer đã nói một câu nửa thật nửa đùa mà đầy trăn trở: “Thật buồn là mỗi lần tôi đến Việt Nam, thay vì hỏi liệu tôi có thể uống bia với các ngư dân thì tôi lại phải nói: “Này Trang, tôi phải nói chuyện với ngư dân có tàu bị cướp, bị đánh đắm!”"
Thùy Trang
Theo Dantri
Mít tinh tại Mexico phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép
Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico-Việt Nam đã tổ chức mít tinh đồng thời ra tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
ảnh minh họa
Ngày 25/6/2014, Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam đã tổ chức cuộc mít tinh trước trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Mexico để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ban lãnh đạo và khoảng 100 thành viên của Viện cùng 8 cơ quan truyền thông và một số tổ chức chính trị - xã hội của Mexico đã tham gia cuộc mít tinh, phất cao quốc kỳ hai nước Việt Nam và Mexico, giương hàng chục biểu ngữ với nội dung đòi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, rút ngay giàn khoan và tàu bè hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ hòa bình và công lý.
Tại cuộc mít tinh, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Virgilio Caballero, nguyên Hạ nghị sĩ Liên bang Félix Castellanos, Chủ tịch danh dự Viện Hữu nghị và hợp tác Mexico Việt Nam đọc bản "Tuyên bố của Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", tố cáo Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 từ ngày 2/5/2014, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, triển khai và duy trì lượng tàu lớn, trong đó có nhiều tàu và máy bay quân sự ở vùng biển này, ngăn cản và tấn công các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhằm bảo vệ hành động trái phép trên, nghiêm trọng hơn là còn đâm chìm một tàu đánh cá có 10 ngư dân Việt Nam vào ngày 26/5/2014 vừa qua.
Tuyên bố có đoạn viết: "Các hành động trên cũng đã vi phạm nghiêm trọng Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản trong việc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển được ký kết giữa Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam vào tháng 10/2011, đi ngược lại với Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002, đồng thời, phớt lờ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; chúng tôi khẳng định lập trường đấu tranh vì hòa bình và sự tôn trọng vô điều kiện đối với chủ quyền của các dân tộc trên thế giới.
Theo đó, chúng tôi kêu gọi các Nhà chức trách cao nhất của Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết với Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận cam kết giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình; kêu gọi Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí nói trên cùng toàn bộ tàu hộ tống đang triển khai trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời chấm dứt các hành động đâm va tàu nhằm giảm căng thẳng ở khu vực và thúc đẩy bầu không khí hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia."
Trong bản tuyên bố, Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ Mexico đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao José Antonio Meade, gửi Công hàm Ngoại giao tới Chính phủ Trung Quốc, nêu rõ các nguyên lý cơ bản, các công ước và thỏa thuận về hòa bình đã ký kết trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cũng như các hiệp ước và hiệp định quốc tế tái khẳng định chủ quyền của các quốc gia; đề nghị Thượng viện Mexico gửi thông điệp tới các Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam với lời kêu gọi gìn giữ hòa bình tại khu vực này; kêu gọi toàn thể xã hội dân sự Mexico tham gia chiến dịch "Vì hòa bình và chủ quyền của Việt Nam" được Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico-Việt Nam phát động để chuyển thông điệp tới Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Sau cuộc mít tinh, Ban lãnh đạo Viện chuyển bản Tuyên bố trên cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Mexico.
Theo Dantri
Đừng vì những khẩu súng mà bắt chúng ta phải nhớ ơn! Trước việc Trung Quốc lấy cớ từng giúp Việt Nam trong quá khứ để gây hấn ở biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đừng vì những khẩu súng giúp nhau trong thời chiến tranh mà bắt ta phải nhớ ơn. Việt Nam mang ơn thì có cách trả ơn, chứ Trung Quốc không được áp đặt. Sáng 26/6, Chủ...