DN tặng ô tô: Không nhận thì phí, nhận thì… run tay
Đại biểu QH ngày 20-4 cho rằng việc biếu, tặng ô tô nếu không nhận cũng rất phí, tuy nhiên để đánh giá sự trục lợi từ việc tặng này, động cơ là gì thì rất khó.
Ngày 20-4, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng ô tô không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc biếu, tặng không nên cấm mà quan trọng là sử dụng tài sản được biếu, tặng như thế nào. “Sử dụng cho cá nhân thì không được nhưng thanh lý đi làm việc công thì cũng được. Do đó, cần quan tâm việc biếu, tặng từ thiện”- ông Phúc nói.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu ngày 20-4 (ảnh: Quochoi.vn)
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu, việc tặng xe, phương tiện ở nước ngoài cũng thường có tặng các tổ chức này kia, nhưng ở ta việc tặng lại có hình thái khác. Do đó, nếu toàn bộ xe cộ biếu, tặng được tập hợp về và xử lý nghiêm túc thì không có việc gì xảy ra. “Tất nhiên một số phương tiện đặc biệt, như xe cứu thương tặng xã phường, bệnh viện thì nên quy định riêng vì rất bình thường. Còn tặng Mercedes… thì quá đáng”- ông Giàu chưa hết băn khoăn.
Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm: “Việc biếu, tặng xe ô tô thì nếu không nhận cũng rất phí, tuy nhiên để đánh giá sự trục lợi từ việc tặng này, động cơ là gì thì rất khó. Các doanh nghiệp trên địa bàn tặng ô tô cho lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, sở ban ngành nhưng sau đó lại có các mối quan hệ, các hợp đồng kinh tế với các cơ quan được cho/biếu/tặng này thì không minh bạch”.
Video đang HOT
Bà Hải dẫn ngạn ngữ nước ngoài có câu “không có một bữa ăn nào là miễn phí” và kiến nghị Luật cần có nội dung để việc tặng cho, biếu, tặng ô tô đảm bảo không có động cơ xấu.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhận định tặng/cho là hoạt động mang tính giao dịch dân sự, mang ý nghĩa chính trị, giao tiếp xã hội, nhân văn… nhưng tài sản là có giá trị. Nếu tài sản giá trị lớn nên giải trình trong luật để phòng chống tham nhũng, không lợi dụng điều này để sử dụng tài sản không đúng mục đích, không hiệu quả. Tài sản tặng, cho mà không đúng tiêu chuẩn thì sử dụng cũng không hay. Phó Chủ tịch QH đề nghị cần góp phần chấn chỉnh, uốn nắn lại những cái vừa rồi có “xộc xệch”.
Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng UBTVQH thống nhất về vấn đề biếu/ tặng thì không nên cứng. Hoạt động của một tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng cho nhà nước là bình thường. Nhưng cái chính là người được tặng có đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức hay không. Nếu thừa tiêu chuẩn thì phải đi đấu giá để sung công quỹ. Nếu tiêu chuẩn xe chỉ 1 tỉ đồng mà nhận xe 3 tỉ đồng thì là sai ở chỗ đó.
Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, phối hợp Uỷ ban Pháp luật để hoàn chỉnh báo cáo, trình ra QH.
Theo Nguyễn Quyết (Người lao động)
Địa phương trả lại xế hộp doanh nghiệp tặng: Chưa hẳn đúng!
Nói về trường hợp các địa phương trả lại xe sang doanh nghiệp tặng trước áp lực dư luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích, tài sản cho, biếu, tặng khi đã trở thành tài sản Nhà nước, được đưa vào danh sách tài sản nhà nước thì trả lại theo cách bình thường cũng không hẳn đúng...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: "Ô tô được tặng có thể có giá trị 3 tỷ đồng, nhưng tiêu chuẩn chỉ được sử dụng xe 1 tỷ, thì không thể dùng chiếc xe quà biếu đó".
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển là người điều hành và kết luận phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 4.4, trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Trong các nội dung được thảo luận tại phiên họp, việc quản lý, sử dụng tài sản cho, biếu, tặng nhận nhiều ý kiến "mổ xẻ", phân tích.
Cơ quan thẩm tra dự án luật (Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, cần luật hoá việc tiếp nhận và sử dụng tài sản cho, biếu tặng tại dự thảo luật này. Vì vừa qua một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định dẫn đến việc một số cơ quan, địa phương phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xác nhận, việc nhận ô tô biếu tặng là nổi cộm nhất thời gian qua. Còn nếu nhận tài sản cho, tặng để triển khai nhiệm vụ an sinh xã hội thì câu chuyện rất bình thường.
Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ bám sát tiêu chuẩn định mức chế độ với các chức danh, quy định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước để triển khai thực hiện quản lý tài sản cho, biếu tặng. Theo đó, những trường hợp xe được cho, tặng mà vượt tiêu chuẩn định mức thì các cơ quan, chức danh nhận tài sản cũng không được sử dụng.
Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển quán triệt: "Quan trọng nhất là quản lý, đảm bảo cán bộ sử dụng tài sản đúng tiêu chuẩn định mức. Ô tô người ta tặng có thể có giá trị 3 tỷ đồng, nhưng tiêu chuẩn anh chỉ được sử dụng xe 1 tỷ, thì anh không được dùng chiếc xe là quà biếu đó... Anh cứ làm đúng thì không ai nói cả".
Nói thêm về hướng xử lý của một số địa phương vừa qua trước áp lực dư luận là trả lại những xe sang đã nhận, cho gắn biển xanh và sử dụng trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Khi tài sản cho, biếu, tặng đã trở thành tài sản Nhà nước thì trả lại theo cách bình thường là không hẳn đúng, mà phải thực hiện theo quy định pháp luật như tiến hành đấu giá hay điều chuyển cho đối tượng sử dụng phù hợp".
Bên cạnh nội dung trên, một vấn đề mới phát sinh khác cũng được cơ quan thẩm tra dự án luật báo cáo là xử lý số tiền khấu hao tài sản cố định tại các đơn vị sự nghiệp.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cho biết, trong thời gian qua, UB đã phối hợp với cơ quan quản lý tài sản công của Bộ Tài chính tiến hành khảo sát tình hình quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước tại một số đơn vị công lập.
Qua khảo sát cho thấy, các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng (nhà khách, khách sạn) đang hoạt động cơ bản theo cơ chế thị trường (doanh thu chiếm trên 70% từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho thị trường).
Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để xử lý khấu hao tài sản tại các đơn vị sự nghiệp theo hướng: đánh giá lại tài sản của các đơn vị sự nghiệp theo giá thị trường (không theo giá trị sổ sách), toàn bộ kinh phí khấu hao phải nộp vào ngân sách Nhà nước (không trích khấu hao vào quỹ phát triển hoạt động của đơn vị sự nghiệp).
Đối với các trường hợp cần thiết phải đầu tư ở một số lĩnh vực quan trọng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Lợi nhuận sau khi thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật được thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính do cấp có thẩm quyền quy định.
Đồng tình với quan điểm này nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn để có bước đi phù hợp chứ không thể nóng vội, có thể làm mất động lực của các đơn vị sự nghiệp.
Nhất trí với Bộ trưởng Tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng thực hiện việc này phải có lộ trình, nếu không thì sẽ đẩy giá dịch vụ lên rất cao.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được trình Quốc hội xem xét , thông qua tại kỳ họp thứ ba, sẽ diễn ra trong tháng 5, tháng 6 năm nay.
Theo P.V (Dân trí)
Phó Chủ tịch Quốc hội: "Nhiều lò mổ quá rùng rợn, đứng tim luôn" "Việc sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm, qua giám sát nhiều địa phương đều thấy làm chưa tốt, có địa phương chỉ kiểm soát được 40%, nhiều lò mổ rất rùng rợn, quá khủng khiếp, đứng tim luôn" - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khái quát sau nhiều đợt trực tiếp đi thị sát tại các địa phương...