DN nổi giận vì phải trả tiền cho điện lực chơi tennis
Giá điện liên tục tăng và “phát lộ” việc EVN đưa cả hạng mục xây dựng biệt thự kèm bể bơi, sân tennis… vào giá điện như giáng một đòn mạnh vào niềm tin của doanh nghiệp, người dân đối với ngành điện.
Trong khi hàng loạt doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng đóng cửa, ngừng hoạt động thì EVN liên tục kêu lỗ, đòi tăng giá mà không hề có lí do rõ ràng.
Việc Thanh tra Chính phủ tiết lộ thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa cả hạng mục xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự, liền kề, chung cư kèm bể bơi, sân tennis … với giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng vào chi phí xây dựng dự án điện, các doanh nghiệp đang phải mua giá điện cao không nén nổi bức xúc.
Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nam thẳng thẳn “EVN làm như vậy thì thật sự rất phi lý”.
Theo vị Trưởng ban quản lý các KCN, điện là ngành độc quyền nên dù tăng thì doanh nghiệp cũng không còn cách nào khác là phải tuân thủ theo. Nhưng mỗi lần tăng giá điện là một lần doanh nghiệp lại đối mặt với khó khăn mới bởi nó đẩy chi phí sản xuất tăng lên.
“Ngay trong hợp đồng giữa ngành điện và đơn vị kinh doanh cũng đã có nhiều bất cập. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp nộp tiền điện muộn, không đủ tải…thì phạt doanh nghiệp. Trong khí đó doanh nghiệp đang sản xuất nhưng đột nhiên mất điện thì phía ngành điện chỉ thông báo là do sự cố mà không chịu bất ký trách nhiệm nào. Rõ ràng thiệt thòi vẫn thuộc về phía người sử dụng, doanh nghiệp”, ông Dưỡng nói.
Khá bức xúc khi biết thông tin người dân, doanh nghiệp đang phải trả tiền cho biệt thự, sân tennis, chung cư và những khoản nợ, đầu tư bất hợp lý của ngành điện lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Anh Phạm Huy Tâm, đại diện Công ty Cổ phần giấy H.T cho biết mỗi tháng công ty phải trả hơn 200 triệu tiền điện.
“Cách tính giá điện như vậy thì không chỉ công ty tôi mà chắc chắn các doanh nghiệp khác cũng kịch liệt phản đối. Gía điện ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp sản xuất trực tiếp sản phẩm như công ty tôi. Nó ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Nhưng phía doanh nghiệp đâu thể nói tăng giá bán là tăng được bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố trên thị trường. Chúng tôi chỉ mong muốn giá điện được ổn định và minh bạch”, anh Tâm nói.
Video đang HOT
Mỗi lần tăng giá điện, ngoài chi phí phát sinh từ việc tăng giá điện còn là sự tăng giá từ các nguồn nguyên liệu khác. Chia sẻ khó khăn với ngành điện, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm, điều chỉnh sản xuất phù hợp nhưng phía EVN lại coi thường người dân khi bắt người dân phải “cõng” những khoản đầu tư vô lý của mình.
Ông Nguyễn Hải Ca, Phó GĐ công ty cổ phần sản xuất giấy ở Chương Mỹ, Hà Nội cũng cho rằng trong khi bao doanh nghiệp làm ăn khó khăn, cắt giảm nhiều khoản họ lại còn phải gánh hậu quả của ngành điện thì quá phi lý.
Mỗi lần tăng giá EVN lấy lí do than, chi phí sản xuất tăng, thua lỗ và cho rằng phải tăng thì mới thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào ngành điện. Thực tế thì sự thua lỗ của EVN lên đến hàng nghìn tỷ đồng do đầu tư ngoài ngành đều được tính vào giá điện.
Sau khi đọc được thông tin trên báo, không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng vô cùng bức xúc.
Ngọc An, sinh viên ĐH Bách Khoa cho biết: “Bản thân bọn em là sinh viên, phải đi thuê trọ nhưng phải chịu giá điện rất cao. Ngay khi EVN tăng giá điện đợt tháng 8, chủ nhà đã thông báo tăng giá, hiện tại em đang phải trả 4.500 đồng cho mỗi KWh, thậm chí nhiều nơi sau đợt tăng giá vừa rồi còn 5.000- 5.500 đồng/KWh”.
Anh Đình Khương ở Hoàng Mai bức xúc, lây nay DN và người dân gồng gánh chi tiêu vì giá điện liên tục tăng hóa ra để trả cho những thứ xa xỉ đó. Quá thất vọng về ngành điện. Hi vọng cơ quan quản lý sớm vào cuộc đem lại sự minh bạch trong giá điện, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Diệu Thùy
Theo infonet
Giá điện sẽ tăng cao?
Giá điện cần được tăng theo lộ trình từng bước ngắn để không tác động quá lớn đến lạm phát.
Giá than bán cho ngành điện chính thức được phép điều chỉnh tăng khá cao, kéo theo nguy cơ giá điện tăng mạnh.
Tăng thêm gần 30%
Theo ông Nguyễn Văn Biên- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CN Than-Khoáng sản VN (Vinacomin)- từ 20.4 giá than bán cho ngành điện đã được Thủ tướng và Bộ Công Thương chấp thuận cho tăng bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011- tương đương 84% giá thành sản xuất than năm 2013.
Lý giải cho việc tăng giá này, theo Vinacomin, trong quý I/2013 giá than bán cho ngành điện mới chỉ bằng 71 - 73% giá thành năm 2011 đã kiểm toán và bằng 63 - 66% giá thành năm 2013. Tính riêng trong quý I, tổng giá trị than bán cho ngành điện thấp hơn giá thành năm 2013 khoảng 1.500 tỉ đồng. Vinacomin cho rằng, giá bán cho ngành điện thấp, trong khi phải cung cấp cho ngành điện tới 50% sản lượng trong nước (4 triệu tấn) nên ngành than "đuối sức". Bên cạnh việc được điều chỉnh giá than bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011, Vinacomin cũng cho rằng nếu được điều chỉnh tiếp theo lộ trình bằng giá thành năm 2013 và có lãi thì điều kiện sản xuất, đời sống công nhân... mới tốt lên.
Trên thực tế, việc ngành than nôn nóng tăng giá than bán cho ngành điện không chỉ vì giá này đang phải duy trì ở mức thấp, mà còn do xuất khẩu than không thuận lợi, giá xuất khẩu xuống thấp không đủ để bù lỗ giá than bán cho ngành điện như trước đây.
Đáng nói, để bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011 thì giá than bán cho ngành điện sẽ phải tăng thêm khoảng 27 - 29% so với giá năm 2011, đẩy đầu vào ngành điện tăng mạnh tương ứng. Trao đổi với PV, ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN)- cho biết chưa nhận được phương án tăng giá của ngành than. "Than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than. Hiện tại, nguồn huy động nhiệt điện than xấp xỉ hơn 100 triệu kWh/ngày và ngày càng tăng lên. Tỉ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng cơ cấu nguồn điện phát, nên nếu giá than tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt điện than, qua đó tác động đến giá điện"- ông Tri cho hay.
Cũng theo lãnh đạo EVN, theo thông tư 31 của Bộ Công Thương, giá các yếu tố dẫn tới giá điện tăng lên thì mới tính cụ thể mức tăng giá điện. Tháng 5-6 sẽ tính cụ thể giá, nếu nước về sớm ở các nhà máy thủy điện thì thuận lợi; nếu không, sản xuất điện sẽ còn khó khăn hơn, phải đổ dầu vào chạy điện.
Phải có lộ trình tăng
Theo chuyên gia kinh tế- TS Nguyễn Minh Phong, kéo dài tình trạng giá than bán cho ngành điện dưới giá thành là không hợp lý, nên tiến tới điều chỉnh dần theo giá thị trường là đúng. "Nhưng có hai điểm cần lưu ý khi tăng: Tăng phải có lộ trình, vì phải cân nhắc tác động đầu vào tới ngành điện và các ngành sản xuất khác, nếu không sẽ tạo cú sốc về giá, hệ lụy lớn hơn; thứ hai, tất cả các con số này phải được công khai, kiểm toán để tạo sự đồng thuận"- TS Phong nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Chính phủ đồng ý chủ trương tăng giá than bán cho ngành điện bằng 100% giá thành năm 2011, nhưng ngành than không thể tăng sốc một lần, mà cần chia làm nhiều đợt tăng, giảm áp lực cho giá điện.
Trên thực tế, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn, nên việc tăng giá than không thể là lý do chính để dẫn tới điện tăng giá. Nhưng ngay từ đầu năm, ngành điện đã "cảnh báo" nhiều yếu tố bất lợi cho giá điện, như tình hình khô hạn diễn biến phức tạp trên cả nước, dự kiến sản lượng thủy điện năm nay thiếu hụt khoảng 1,2 tỉ kWh so với năm 2012 và có nguy cơ phải bù lại bằng điện chạy dầu và tăng tỉ lệ huy động nhiệt điện than.
Cụ thể, tình hình khô hạn ở miền Trung và khả năng thiếu khí có thể khiến EVN phải huy động 1,8 - 2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam. Và nếu trường hợp này xảy ra- theo một phó tổng giám đốc EVN- tập đoàn này sẽ phải bù khoảng 10.000 tỉ đồng và khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện trong những lần tăng tiếp theo quy định. Chưa kể, EVN vẫn còn khoản lỗ treo hơn 8.000 tỉ đồng của năm 2010, cộng với 26.000 tỉ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá- đã được cho chủ trương bù đắp dần vào giá điện cho tới năm 2015, đe dọa rất lớn tới mức tăng giá điện.
Mặt khác, theo quy định hiện hành khi có biến động giá đến 5% thì EVN được phép điều chỉnh giá điện. Nếu các yếu tố trên (tỉ lệ huy động nhiệt điện than, điện chạy dầu cao) diễn ra cùng thời điểm với việc điều chỉnh giá than bán cho ngành điện, thì yếu tố đầu vào chắc chắn sẽ vượt trên 5%. Đây là lý do một chuyên gia trong ngành cho rằng cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương cần có tính toán cân nhắc chặt chẽ tới thời điểm tăng giá của cả than và điện. Nếu giá than được điều chỉnh ngay trong mùa khô năm nay thì sức ép lên giá điện là rất lớn.
Đáng chú ý hơn, giá điện lại đang được nhận cơ chế rất "mở" của Bộ Công Thương trong dự thảo cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện. Theo đó, khi thông số đầu vào ảnh hưởng đến chi phí phát điện có biến động, làm giá điện tăng 2% so với giá đang áp dụng và nằm trong khung giá thì EVN được phép tăng giá bán điện. Với mức tăng rất thấp này, giá điện sẽ được tạo cơ hội biến động tăng nhanh và nhiều hơn.
Theo TS Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược- mức tăng giá than bán cho ngành điện theo dự kiến rất lớn- gần 1/3 so với giá thành năm 2011. "Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tăng giá điện đột biến, tác động rất lớn đến lạm phát. Bởi vậy, không thể tăng đột ngột mà phải tăng dần, tăng từng bước ngắn. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải tính toán lộ trình tăng để giữ ổn định cho nền kinh tế, không tác động lớn đến lạm phát. Với các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như than, điện, việc nhích dần lên cơ chế thị trường là đúng, nhưng nhích lên như thế nào cần phải tính toán kỹ, đặc biệt các con số lỗ lãi của các tập đoàn độc quyền phải thực sự minh bạch, không thể khi muốn tăng giá thì nói lỗ, cuối năm hạch toán lại nói lãi"- TS Hồ nhìn nhận.
Theo laodong
Hà Nội thu tiền điện qua hóa đơn điện tử Từ ngày 1/10, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) triển khai thí điểm dùng hóa đơn tiền điện dạng điện tử thay vì hình thức hóa đơn tiền điện dạng giấy. Theo bản thông cáo phát đi ngày 9/9 của EVN Hà Nội, từ tháng 9 này, ngành Điện lực Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm đối với...