Disney và những bộ phim chuyển thể live-action: Nước đi thông minh hay sự bế tắc trên con đường sáng tạo?
Rõ ràng Disney đang tự đặt mình vào thế khó khi dựa dẫm quá nhiều vào việc chuyển thể những tác phẩm kinh điển của hãng.
Năm 1994 đánh dấu bước đi đầu tiên của Disney trên con đường chuyển thể các tác phẩm hoạt hình thành live-action với sự ra đời của tác phẩm The Jungle Book với nội dung được lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên ra mắt năm 1967. Thế nhưng nó chỉ thực sự trở thành trào lưu từ năm 2010 khi Disney bắt tay với đạo diễn tài năng Tim Burton để một lần nữa đưa Alice In Wonderland trở lại màn ảnh. Và với doanh thu hơn 1 tỷ USD đầy bất ngờ, Disney dần nhận ra sự hiện diện của mỏ vàng mà hãng đang nắm giữ bấy lâu nay.
Kể từ ấy hàng loạt những cái tên quen thuộc với khán giả như Maleficent, Cinderella, The Jungle Book, Beauty and the Beast dần dần chuyển mình từ những nét vẽ thủ công để khoác lên tấm áo CGI tân thời, hiện đại và bắt mắt. Riêng trong năm 2019 này Nhà Chuột còn trình làng tới ba tác phẩm remake khác nhau là Dumbo, Aladdin và The Lion King.
Với một tần suất ra mắt dày đặc như vậy, người hâm mộ không khỏi đặt ra nghi vấn rằng, liệu Disney đang ấp ủ một kế hoạch dài hơi hay chỉ là giải pháp tạm thời khi mà bộ phận sáng tạo của hãng đang dần cạn kiệt ý tưởng?
Một điều dễ dàng nhận thấy là các tác phẩm chuyển thể không cần quá bận tâm về khâu kịch bản hay danh tiếng vì cả hai yếu tố đó đều đã được kế thừa hoàn toàn từ tác phẩm gốc. Như vậy kinh phí cho quá trình quảng bá sản phẩm sẽ đỡ đi được phần nào và hãng chỉ cần tập trung vào việc tái hiện một cách lung linh nhất, đẹp đẽ nhất tác phẩm của mình bằng cách áp dụng kỹ xảo và những công nghệ làm phim tiên tiến bậc nhất.
Việc tận dụng những cốt truyện cũ có thể là một hướng đi khôn ngoan của Disney, nhưng nó cũng là điểm chí mạng cho mỗi tác phẩm khi tiếp cận tới khán giả. Hầu hết những bộ phim chuyển thể live-action của Disney đều có nội dung na ná hoặc giống hệt kịch bản gốc như Cinderella, The Jungle Book, Beauty and the Beast, Aladdin hay mới đây nhất là The Lion King. Chỉ có Maleficent và Christopher Robin là đem đến cho khán giả một câu chuyện hoàn toàn mới, khác xa so với những gì chúng ta từng được biết trong quá khứ.
Video đang HOT
Nếu nhìn vào đánh giá của giới chuyên môn thì có thể thấy rằng chất lượng của các tác phẩm này đều ở chỉ dừng lại ở dưới mức trung bình, thua xa phần phim gốc. Trên trang đánh giá Rotten Tomatoes thì có đến quá nửa trong số đó nhận “cà chua thối”, thấp nhất là Alice Through The Looking Glass với 29%.
Hai trong số ba tác phẩm ra mắt trong năm này là Dumbo và Aladdin đều không khá khẩm hơn là bao khi chỉ nhận được lần lượt 46% và 56%. Thậm chí tác phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành siêu phẩm thế hệ mới là The Lion King cũng chỉ được giới phê bình chấm 59% trên Rotten Tomatoes trước khi ra mắt.
Tuy nhiên giữa đánh giá của chuyên gia và cảm nhận của khán giả vẫn luôn tồn tại những khoảng cách, bằng chứng là những Alice in Wonderland, Maleficent hay Aladdin tuy bị giới phê bình chê bai nhưng vẫn đủ sức kiếm hàng trăm triệu, thậm chí trên tỷ đô, còn hai tác phẩm Pete’s Dragon và Christopher Robin dù được chấm điểm khá nhưng lại ít được công chúng đón nhận.
Như đã nói ở trên, Disney thường lựa chọn cách làm thỏa mãn khán giả bằng việc đắp thêm CGI vào phim hơn là tạo ra một cốt truyện hấp dẫn. The Lion King ra mắt trong tuần này khiến cả thế giới phải sững sờ với bối cảnh châu Phi tuyệt mỹ nhưng ấn tượng về cái mẽ bên ngoài liệu có tồn tại lâu khi mà nội dung bên trong không có gì mới mẻ. Đó cũng là tình trạng chung của những bộ phim chuyển thể khác khi sở hữu cốt truyện quen thuộc khiến khán giả không thấy hứng thú khi ra rạp.
Dường như song hành với sự lớn mạnh của mình, Disney đang dần mất đi sự sáng tạo của mình – thứ vũ khí màu nhiệm đã khơi dậy trí tưởng tượng của biết bao nhiêu thế hệ. Thời gian gần đây người ta nhớ tới đế chế này đều nhờ vào những tác phẩm của Pixar, Marvel và phim chuyển thể live-action, còn những bộ phim cộp mác Disney thì lại quá ít hoặc thất bại thảm hại.
Mặc cho cơn sốt The Lion King chỉ mới bắt đầu bùng nổ, hàng loạt dự án chuyển thể khác của Disney đã chuẩn bị “lên sàn” hoặc rục rịch sản xuất. Sắp tới chúng ta sẽ có Maleficent: Mistress of Evil, Mulan, The Little Mermaid, xa hơn nữa là Pocahontas, Pinocchio, Peter Pan,…Dẫu vẫn còn quá sớm để có thể dự đoán về sự thành bại của những tác phẩm này, nhưng nếu Disney vẫn tiếp tục hướng đi một cách mù quáng, thiếu chọn lọc và nhất là thiếu sáng tạo thì chắc chắn sẽ bị chính người hâm mộ quay lưng.
Theo yeah1.vn
Điều gì sẽ xảy ra nếu Disney hết phim hoạt hình gốc để làm lại?
Phải chăng gã khổng lồ Disney đang dần cạn ý tưởng khi liên tục làm lại những bộ phim hoạt hình kinh điển từ hàng chục năm trước?
Trong vài năm vừa qua, Disney đã bắt đầu kế hoạch làm lại hàng loạt tác phẩm hoạt hình nổi tiếng của hãng như Cinderella (2015), The Jungle Book (2016) và Beauty and the Beast (2017),... Trong năm sau, "nhà chuột" có thêm 3 phim làm lại chuẩn bị công phá các rạp chiếu gồm Dumbo (2019), Aladdin (2019) và The Lion King(2019). Nhưng Disney sẽ ra sao nếu không còn phim hoạt hình gốc để làm lại nữa?
1. Tiếp tục... làm lại những bộ phim hoạt hình ít nổi tiếng hơn
Trên thực tế, Disney đã thực hiện tổng cộng 57 phim hoạt hình kể từ Snow White and the Seven Dwarves (1937) cho tới Ralph Breaks the Internet (2019). Tuy nhiên, không phải tất cả các tác phẩm đều thành công và được khán giả biết đến. Nếu cứ tiếp tục làm lại phim hoạt hình thành người đóng thì sẽ tới lúc hãng buộc phải sử dụng tới những bộ phim ít tiếng hơn.
Loạt phim như Hercules (1997), The Rescuers (1977) hay Robin Hood (1973) dù không nổi tiếng nhưng vẫn có một lượng fan nhất định. Thậm chí, nhiều bộ phim bị đánh giá thấp như Treasure Planet (2002) hay Atlantis: The Lost Empire (2001) cũng xứng đáng có một phần người đóng.
Nếu chọn làm lại những bộ phim thuộc hàng kém nhất như The Fox and the Hound(1981) thì Disney vẫn có thể tạo nên sự mới lạ nếu biết thay đổi cốt truyện một cách hợp lý. Trường hợp của The Black Cauldron (1985) khá thú vị khi được xem là bộ phim tệ nhất của Disney. Tuy nhiên, "nhà chuột" vừa có được bản quyền loạt tiểu thuyết gốc The Chronicles of Prydain và nhiều khả năng đưa vào khai thác trong tương lai.
2. Tạo các phần phim tiếp theo từ thương hiệu cũ
Một cách khác để Disney có thể tạo ra thêm nhiều tác phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng thay vì tìm đến những tựa phim ít khán giả hơn chính là làm các phần tiếp theo. Đơn cử như Maleficent (2014) - tác phẩm làm lại từ Cinderella (1950) - đang trong quá trình thực hiện phần thứ hai và dự kiến ra mắt khán giả năm 2020.
The Jungle Book với doanh thu lên đến gần 1 tỷ USD cũng đã được hãng bật đèn xanh cho phần hậu truyện. Đây là một chiến lược dễ hiểu khi các phần tiếp theo vẫn được hưởng lợi thế từ thương hiệu của phim gốc cũng như thành công của người tiền nhiệm.
Thú vị ở chỗ, Disney buộc phải tạo ra những câu chuyện hay chuyến phiêu lưu mới cho các tác phẩm hậu truyện. Đây là lúc họ thể hiện tài năng sáng tạo dựa trên những chất liệu cũ. Khán giả hẳn sẽ hào hứng muốn xem tiếp những gì sẽ xảy đến với nữ phù thủy Maleficent (Angelina Jolie) cùng nàng công chúa Aurora (Elle Fanning) trong tương lai.
Loạt phim như Aladdin (1992), Mulan (1998), The Little Mermaid (1989), Peter Pan (1953) hay The Sword in the Stone (1963),... đều chứa đựng những thế giới thần thoại, đầy màu sắc mà "nhà chuột" có thể khai thác sâu hơn với nhiều câu chuyện mới thú vị.
3. Chuyển thể những tác phẩm khác
Ai cũng biết rằng Disney ngày nay chính là một đế chế phim ảnh với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Hãng đã mua lại nhiều tài sản và thương hiệu từ nhiều studios khác. Pirates of the Caribbean là một ví dụ điển hình. Vốn chỉ là một trò chơi thuộc Disneyland, "nhà chuột" đã biến thương hiệu này thành loạt phim điện ảnh ăn khách trên toàn cầu và chuẩn bị một kế hoạch tái khởi động trong tương lai gần.
Sắp tới đây, Jungle Cruise cũng là một trò chơi khác ở Disney chuẩn bị bước lên màn ảnh rộng trong năm 2020. Và dĩ nhiên ai cũng biết công viên giải trí khổng lồ này còn vô số trò chơi khác đang xếp hàng chờ được chuyển thể. Sau đó, họ có thể dễ dàng tạo ra các phần tiếp theo như trước đây.
Ngoài ra, hãng cũng còn vô số nhân vật hoạt hình trên màn ảnh nhỏ nổi tiếng như chuột Mickey, vịt Donald hay hai chàng sóc Chip và Dale,... Jordan Peele - đạo diễn tác phẩm kinh dị Get Out (2017) đình đám - đang ngõ ý muốn làm phim về Gargoyles dựa trên series cùng tên của Disney năm 1994-1996.
Có vẻ như đế chế Disney vẫn sẽ còn kéo dài và hãng dư sức làm lại phim hoạt hình trong nhiều năm nữa trước khi tính đến phương án dự phòng vốn còn đồ sộ hơn nữa. Dumbo dự kiến công chiếu ngày 23/03/2019, Aladdin ngày 24/05 còn The Lion King là ngày 19/07.
Theo Trí thức trẻ
Disney bắt đầu thực hiện live action The Hunchback of Notre Dame Disney đang trong quá trình phát triển live action The Hunchback of Notre Dame, dựa trên bộ phim hoạt hình của Disney và tiểu thuyết năm 1831 Notre-Dame de Paris. Ảnh: Variety David Henry Hwang sẽ viết kịch bản và Mandeville Films cùng Josh Gad sẽ sản xuất. Alan Menken và Stephen Schwartz sẽ đảm nhận phần nhạc. Câu chuyện phim xoay quanh...