Dinh thự xây hết 15.000 đồng bạc hoa xòe của ông Vương Chính Đức
Tòa dinh thự của ông Vương Chính Đức được xây dựng trên quả đồi hình con rùa, xung quanh có núi bao bọc, được xem là mảnh đất của bậc anh kiệt.
Dinh thự tại xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) được xây từ thời Vương Chính Đức. Theo tư liệu từ gia đình, ông Vương Chính Đức sinh năm 1865, được người Mông gọi là Vàng Dúng Lùng. Gia cảnh nghèo khó, ông phải lang thang nay đây mai đó kiếm kế sinh nhai.
Vương Chính Đức tham gia vào tổ chức Hươu nai của người Mông ở Đồng Văn để chống lại quân Cờ Đen (Trung Quốc). Quá trình chiến đấu, Vương Chính Đức được người Mông suy tôn làm thủ lĩnh, gọi là Vua Mèo.
Dinh thự được xây dựng trên mảnh đất của “bậc anh kiệt”
Để xây dựng tòa dinh thự ở Sà Phìn, năm 1890 Vương Chính Đức cho mời thầy địa lý người Hán tên là Trương Chiếu tìm địa điểm. Sau khi đi khắp Đồng Văn, cuối cùng Trương Chiếu chọn Sà Phìn làm nơi dựng nhà. Thầy địa lý giải thích giữa thung lũng Sà Phìn nổi lên một quả đồi hình con rùa, xung quanh là núi cao bao bọc. Xây nhà trên lưng con rùa sẽ giàu sang phú quý suốt đời.
Sau lưng quả đất hình con rùa là dãy núi hình ghế tựa, có đất để co duỗi chân. Bên phải, bên trái đều có núi cao. Đằng trước có hai núi tượng trưng cho văn, võ đứng hầu. Sau hai quả núi là một dãy núi chắn ngang như rồng uốn lượn. Trương Chiếu kết luận “đây là mảnh đất ở của bậc anh kiệt”.
Khi thầy địa lý chọn xong, Vương Chính Đức giao cho cụ Hoàng – mưu sĩ người kinh gốc Nam Định và ông Cử Chúng Lù – người phụ trách đội quân người Mông của Vương Chính Đức, nghiên cứu, phác họa tòa nhà trên mảnh đất. Vương Chính Đức mời người Hán ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là Tống Bách Giao thầu, thiết kế và thi công. Tống Bách Giao lấy người Hồi ở huyện Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam, để thiết kế và thi công.
Tòa dinh thự khởi công năm 1898 đến 1903 thì khánh thành. Tổng kinh phí hết khoảng 15.000 đồng bạc hoa xòe (năm 1930, một đồng bạc hoa xòe bằng 10 franc của Pháp). Khu dinh thự được xây kiểu pháo đài phòng thủ. Xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày 60-70 cm, cao 2 m, có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố.
Dinh thự được xây dựng tốn 15.000 đồng bạc hoa xòe. Ảnh: VT.
Nhà thiết kế theo kiểu của người Hán, lò sưởi kiểu Pháp, tảng đá kê chân cột hình quả thuốc phiện. Hoa văn gỗ trong nhà cũng có hình hoa, quả thuốc phiện – mặt hàng buôn bán chính khiến Vương Chính Đức giàu nhất vùng thời đó.
Dinh thự là nơi chiêu mộ hiền sĩ
Tòa dinh thự được chia làm ba phần tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Trước cửa tiền dinh có hai câu đối: “Gia tích thiện nhân hiền xuất nhập. Môn trọng người hào kiệt vãng lai” (Nhà quý hiền, người vào ra. Cửa phong lưu, khách lui tới). Năm 1938, Pháp xóa bỏ chế độ người Mông tự quản và yêu cầu Vương Chính Đức sửa lại câu đối nhằm không cho ông chiêu hiền, nạp sĩ.
Sân giữa tiền dinh có tấm biển sơn son thếp vàng với dòng chữ Hán: “Biên chính khả phong” (Chính quyền biên cương vững mạnh), được nhà Nguyễn mang từ Huế ra gắn cho dinh thự Vương Chính Đức vào năm Khải Định thứ 13 cùng thẻ bài ngà voi và mũ áo tấn phong cho ông làm quan triều đình.
Hai dãy nhà hai tầng bên phải và trái là nơi ăn ở của các thủ lĩnh, mưu sĩ, tổng quản, người giúp việc cho Vương Chính Đức. Nhà chính tiền dinh có phòng ngủ, phòng ăn, tiếp khách của gia đình Vương Chí Sình, con út Vương Chính Đức. Tầng 2 là nơi tiếp khách của Vương Chính Đức.
Hai dãy nhà hai bên trung dinh là nơi nghỉ, ăn uống của họ hàng khi đến chơi (tầng 1 dành cho đàn bà, tầng 2 của đàn ông). Nhà chính trung dinh có bàn thờ tổ tiên kiêm phòng ăn của Vương Chính Đức tiếp người thân trong họ hàng; phòng ngủ của Vương Chí Chư (con trai thứ ba của Vương Chính Đức); phòng ngủ của vợ con Vương Chí Chư.
Hậu dinh là nơi ăn, nghỉ sinh hoạt của Vương Chính Đức cùng vợ và các con chưa lập gia đình.
Theo ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vương Chí Thành), trước khi mất, Vương Chính Đức chia tòa dinh thự ở Sà Phìn thành ba phần. Tiền dinh do cháu đích tôn Vương Quỳnh Sơn quản lý. Trung dinh do con thứ ba Vương Chí Chư quản lý. Hậu dinh do con út Vương Chí Sình quản. Việc này có sự chứng dám của các đầu dòng, đầu họ người Mông.
Hiện vật dụng còn sót lại gắn với cuộc đời của Vương Chính Đức là tấm phản đặt ở dãy nhà ngang trong cùng của hậu dinh và bể nước đục bằng đá khối đặt tại sân hậu dinh. Tấm phản là nơi để Vương Chính Đức hút thuốc phiện cùng khách.
Video đang HOT
Cha con ông Vương Chính Đức gắn bó với cách mạng
Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Hoàng Việt Hưng từ Cao Bằng sang Sà Phìn giác ngộ ông Vương Chính Đức đi theo cách mạng để đánh Pháp, Nhật, chống lại quân Tưởng Giới Thạch. Cụ Hồ sau đó gửi thư mời ông Đức về Hà Nội. Nhưng do tuổi cao, Vương Chính Đức cử con trai Vương Chí Sình về gặp.
Về đến Hà Nội, ông Vương Chí Sình nhận kết nghĩa anh em với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặt tên là Vương Chí Thành. Tại buổi kết nghĩa, Vương Chí Sình hứa quyết tâm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ mảnh đất Đồng Văn, lãnh đạo người Mông theo Việt Minh. Khi nào đánh Tây, đuổi Nhật xong, họ Vương sẽ trả lại đất Đồng Văn cho Hồ Chủ tịch. Ông Sình sau đó tham gia đại biểu Quốc hội khoá 1, làm Chủ tịch huyện Đồng Văn.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, ngân khố quốc gia cạn kiệt, Vương Chí Sình đã ủng hộ Chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7 kg vàng.
Cùng năm đó, để khẳng định tình cảm và lòng tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Bùi Công Trừng mang hai kỷ vật tấm áo trấn thủ và cây đao lên tặng ông Vương Chí Sình. Thanh đao do xưởng quân giới Việt Bắc rèn có viết dòng chữ “Tận trung báo quốc. Bất thụ nô lệ”.
Khi Vương Chính Đức mất năm 1947, Chủ tịch Hồ Chỉ Minh cử ông Mai Trung Lâm, Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng khu tự trị Việt Bắc và ông Hoàng Đức Thắng, Thành ủy viên Hà Nội lên cùng con cháu họ Vương chôn cất ông Đức trên đỉnh núi La Gia Động, cách Sà Phìn 3 km. Ông Vương Chí Sình (sinh năm 1886) được Vương Chính Đức chọn làm người kế tục sự nghiệp.
Năm 1950, nhờ sự giúp sức của Vương Chí Sình, bộ đội chủ lực của Việt Minh bí mật hành quân qua Đồng Văn sang Cao Bằng mở mặt trận biên giới thu đông.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông Vương Quỳnh Sơn (cháu nội Vương Chính Đức) cho chính quyền mượn tiền dinh làm trụ sở Ủy ban hành chính xã Sà Phìn. Năm 1993, Bộ Văn hoá Thông tin công nhận dinh thự họ Vương tại Sà Phìn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Bộ trùng tu di tích năm 2003.
Năm 2006, ông Vương Chí Sình được truy tặng Huân chương đại đoàn kết dân tộc.
Ngày 21.7, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương. Trong đơn, ông Bảo bày tỏ bức xúc khi biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Trong khi Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hoá Thông tin là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật” thì ông Bảo cho rằng việc tước đoạt quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự họ Vương của gia đình ông là bất hợp lý và sai luật vì dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay.
Ngày 16.8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
Theo Viết Tuân (VnExpress)
Cần gì đợi mùa tam giác mạch, đây là 7 địa danh cứ checkin là đẹp thần sầu ở Hà Giang
Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch Hà Giang đừng quên check-in tại những địa danh hùng vĩ đẹp như trong truyền thuyết này.
1. Rừng cây hồ Noong
Rừng cây đẹp như tiên cảnh
Hồ Noong cách thành phố Hà Giang chừng 17 km, được ví như "con mắt của rừng". Với diện tích mặt nước rộng khoảng 20 ha, nằm giữa cánh rừng nguyên sinh rộng gần 100 ha bao quanh, rừng "bồng bềnh" giữa hồ Noong có cảnh sắc hoang sơ đến kỳ thú.
Cùng với thiên nhiên hoang sơ, nước hồ mênh mông chạy dài, ôm gọn lấy chân ngọn núi Noong với những gốc cây xanh tốt và gốc cây khô mọc lên từ trong lòng hồ.
Đến Hà Giang mà không check-in hồ Noong thì quả là phí cả chuyến đi
Hồ Noong có hai mùa, tạo cho du khách có hai cảm giác khác biệt. Vào mùa mưa (tháng 4 - tháng 10), nước hồ lên cao, du khách có thể cùng dân địa phương ngao du trên bè hay chiếc thuyền độc mộc lênh đênh khắp lòng hồ. Vào mùa khô (tháng 10 - tháng 4 năm sau), khi nước cạn, người dân nơi đây tận dụng phần đất khô quanh bờ hồ để trồng ngô, lạc, đậu, bí, dưa... còn phần đất phía dưới trồng rau xanh.
2. Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng là địa danh hấp dẫn nhiều phượt thủ
Hà Giang là một địa danh khiến rất nhiều dân đi bụi cảm thấy trầm trồ, không chỉ với những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hay những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn, mà còn là những con đường ngoằn nghèo, uốn lượn giữa các ngọn núi, trong đó có Mã Pì Lèng.
Mã Pì Lèng - tên tiếng Mông là Sống Mũi Ngựa - con đèo cao, hiểm trở bậc nhất miền Bắc với cảnh sắc tuyệt vời nằm trên cung đường Hạnh Phúc nối Đồng Văn và Mèo Vạc là một trong những điểm đáng chinh phục nhất ở Hà Giang.
3. Thác Tiên Đèo Gió
Thác Tiên đẹp như tranh vẽ
Thác Tiên Đèo Gió -một trong những danh thắng bậc nhất huyện Xín Mần là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch đến Hà Giang .
Để đến Thác Tiên du khách phải vượt qua khoảng 17 km từ trung tâm thị trấn Cốc Pài. Thác nằm giữa rừng nguyên sinh Đèo Gió thuộc địa phận xã Nấm Dẩn.
Nhìn từ xa, Thác Tiên đẹp dịu dàng và đầy thơ mộng giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đổ xuống từ độ cao 70m giữa rừng già kỳ vĩ, thác Tiên không ầm ào, hung dữ mà mềm mại, réo rắt, mang đến bầu không khí mát lành nhờ những hạt nước li ti lan tỏa theo làn gió thổi quanh chân thác. Bởi thế thác Tiên ngoài tên gọi Táng Tinh (theo tiếng Nùng) còn được gọi là thác Gió.
4. Hoàng Su Phì
Những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao giáp biên giới, nằm phía Tây của tỉnh Hà Giang, tập trung nhiều dân tộc sinh sống như Dao, Mông, La Chí, Tày, Nùng... Khung cảnh thiên nhiên ở Hoàng Su Phì luôn làm say lòng những người đam mê du lịch, khám phá. Phượt Hoàng Su Phì luôn là lựa chọn của các phượt thủ mỗi khi thu về, những ruộng bậc thang kỳ vĩ uốn lượn phủ một màu vàng tạo nên một vẻ đẹp ngỡ ngàng.
5. Dinh thự họ Vương
Dinh thự họ Vương là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Hà Giang
Khu Dinh thự họ Vương tọa lạc dưới thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Khu dinh thự được bao quanh bởi những núi đá vôi và che khuất trong những hàng cây sa mộc, là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Hà Giang.
Toàn bộ dinh thự họ Vương có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành năm 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.
Dinh thự 150 tỷ của dòng họ Vương giữa vùng cao nguyên Hà Giang
Ngày 23/7/1993, khu dinh thự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia. Hiện tại, bên trong dinh thự còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc như cối đá, bếp sưởi, bàn ghế gỗ tiếp khách, chậu tắm làm bằng đá... Du khách muốn vào tham quan phải mua vé từ ngoài cổng.
6. Nhà của Pao
Nơi ở của Pao là ngôi nhà tường đất, mái ngói cổ, chân tường và cột nhà được làm bằng đá.
"Nhà của Pao" nằm ở thôn Lũng Cẩm, thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đây là ngôi nhà của ông Mua Súa Páo, người dân tộc Mông.
Ngôi nhà "tứ đại đồng đường" đã được đạo diễn Ngô Quang Hải chọn làm bối cảnh quay phim "Chuyện của Pao", chuyển thể từ tác phẩm "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn Đỗ Bích Thủy. Nhờ những khung cảnh mộc mạc, bình dị mà bộ phim đã đạt nhiều giải tại Cánh diều vàng 2005 của Hội điện ảnh Việt Nam.
Sau thành công của bộ phim, trên tường nhà vẫn treo khung ảnh của diễn viên Đỗ Thị Hải Yến vai Pao và một số diễn viên phụ khác. Nhà của Pao bây giờ trở thành một điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách mỗi lần đến Đồng Văn (Hà Giang).
7. Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú hiên ngang giữa đỉnh núi
Đến Lũng Cú, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi địa đầu Tổ quốc, chắc chắn, chúng ta đều sẽ có những cảm xúc thiêng liêng khó tả.
Đây sẽ là một trải nghiệm đặc biệt, đi để khám phá, để hiểu được tiếng nói của cha ông, của những thế hệ đi trước đã bảo vệ và gìn giữ sông núi ngày nay. Từ cột cờ Lũng Cú bạn sẽ được ngắm toàn cảnh đời sống, ruộng nương, bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số giản dị, mộc mạc.
Theo Danviet.vn
Cận cảnh biệt thự siêu đẹp của cầu thủ ghi một bàn giúp Pháp vô địch - Paul Pogba Cầu thủ này tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng vô cùng tài năng và sở hữu nhiều biệt thự cũng như siêu xe giá trị. Paul Pogba la câu thu ngươi Phap, gôc Guine. Câu thu nay hiên đang chơi cho câu lac bô Manchester United ơ giai ngoai hang Anh. Paul Pogba đươc nhăc đên như môt nhân tô quan trong...