“Đinh tặc”: Không phải tấn công là đủ
Hơn 780 ý kiến đã gửi về Tuổi Trẻ trong mười ngày qua xung quanh chủ đề “đinh tặc”. Bạn đọc đưa ra nhiều giải pháp cũng như lo lắng việc “đinh tặc” sẽ trở lại.
Ông Lê Dũng Trí khổ sở dắt xe bị cán đinh trên xa lộ Hà Nội đoạn gần cầu Rạch Chiếc (Q.9, TP.HCM) hôm 18-2. Trong một tuần xe ông đã bị cán đinh ba lần – Ảnh: Đình Dân
Trước cuộc tiến công rất quyết tâm của toàn xã hội vào nạn rải đinh, tôi chắc chắn tin mà không sợ quá chủ quan rằng trong một thời gian ngắn nữa “đinh tặc” sẽ hết đường hoạt động, người dân có thể yên tâm bon bon trên đường.
Trước một vấn nạn có ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của người dân, làm sao chính người dân có thể khoanh tay đứng nhìn. Thêm nữa, một hành vi không thể chấp nhận được như thế đang diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật làm sao được phép diễn ra thường xuyên suốt thời gian dài, chắc chắn chính quyền sẽ phải có biện pháp.
Nhưng tôi lo ngại rằng rồi cũng như nhiều nạn khác, “đinh tặc” như con yêu tinh bạch tuộc nhiều vòi, chặt cái này lại mọc cái kia. Trước một cuộc ra quân rầm rộ (cho dù đúng thực chất chứ không làm màu) như thế này, nạn rải đinh sợ rằng chỉ tạm lắng xuống một thời gian, bọn “đinh tặc” chỉ tạm cất đồ nghề vài ngày. Khi không khí sục sôi trong việc chống rải đinh của người người, nhà nhà qua đi, “đinh tặc” tiếp tục hành nghề, nạn rải đinh biết đâu lại tái xuất ở một hình thức tinh vi hơn.
Bởi cho dù đó là cái nghề có bị nguyền rủa là mất nhân tính, là đang gieo tội ác, thì sợ rằng không sinh nhai cũng phải sinh tồn, ngựa lại quen đường cũ. Tấn công “đinh tặc”, phải rồi! Nhưng tấn công làm sao cho triệt để, cho nạn rải đinh không còn cơ hội quay lại… thì cơ hồ những cuộc ra quân, những đường dây nóng, những món tiền thưởng, những danh hiệu khen tặng… dường như vẫn chưa đủ, nếu như không muốn nói cũng chỉ là những biện pháp ban đầu mang tính đối phó.
Nên muốn triệt tận gốc, có khi không chỉ dừng lại ở việc phạt người có tội, thưởng người có công. Thiết nghĩ chính quyền địa phương phải nắm bắt được chính hoàn cảnh của những “đinh tặc”, vận động và giúp họ có được những công ăn việc làm với mức thu nhập tốt hơn, dần dần ổn định cuộc sống… Có thế mới thật sự giúp họ tránh xa con đường sai phạm đang mắc phải. Ví dụ tại sao lúc này không đưa họ vào ngay đội rà đinh hoặc vá xe lưu động… để góp phần đẩy lùi vấn nạn do chính họ gây ra. Sau đó, tạo điều kiện cho họ học nghề, tìm một công việc làm khác ngay tại địa bàn…
Từng có câu chuyện nhiều thanh niên tham gia nhóm “hiệp sĩ” bắt cướp ở Bình Dương một thời là yêng hùng quái xế, hằng đêm tụ tập phá làng phá xóm. Nhưng rồi họ được cảm hóa và với niềm say mê tốc độ, họ đã được dùng vào việc có ích (Từ quái xế thành “hiệp sĩ” – Tuổi Trẻ ngày 18-11-2010) thì tại sao chúng ta không tin có những “đinh tặc” trở thành người có ích.
Theo Tuổi Trẻ
Khởi tố, tạm giam vợ chồng "đinh tặc"
Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát, Bình Dương vừa khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng "đinh tặc" Phạm Văn Cảnh (32 tuổi) và Bùi Thị Nga (29 tuổi) cùng quê Thanh Hóa về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Phạm Văn Cảnh (bìa phải) cùng những mảnh đinh có thể giết người
Trước đó, chiều ngày 13-2, các "hiệp sĩ" CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương) bắt nóng Phạm Văn Cảnh lúc đang chuẩn bị rải đinh trên Quốc lộ 13 (xã Thới Hòa, huyện Bến Cát).
Qua kiểm tra, các "hiệp sĩ" phát hiện trong chiếc xe máy do Cảnh điều khiển có hơn 200 miếng sắt cắt nhọn đầu.
Tại tiệm sửa xe Thuận Phát do Cảnh làm chủ, ngay khi phát hiện bóng dáng lực lượng chức năng, vợ Cảnh là Bùi Thị Nga đã nhanh chân leo lên gác xép, quăng 2 chiếc kềm cắt sắt qua lỗ thông gió xuống sân nhà bên cạnh nhưng đã bị thu giữ.
Theo Người Lao Động
TPHCM: Truy bắt, xử lý hình sự 'đinh tặc' Ngày 17-2, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo lực lượng công an và các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, truy quét các đối tượng rải đinh, vật sắc nhọn trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông. Những miếng sắt cắt nhọn đầu được đinh tặc sử dụng để "bẫy" các phương tiện giao thông....