Đình chỉ vụ án tham ô kéo dài 9 năm chưa kết thúc
Ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau vừa tống đạt quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với nguyên Giám đốc Bảo Minh Cà Mau.
Cán bộ trộm tiền đồng nghiệp bị khởi tốÔng Nguyễn Tiến Hải làm Chủ tịch UBND tỉnh Cà MauKỷ luật Đảng một cán bộ tham mưu ở Cà MauSa thải người tố cáo, giám đốc bị kỷ luật hay được xét nguyện vọng?
Ba mươi năm trước, ông Nguyễn Viết Lượng (56 tuổi, ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) từng là Giám đốc Xí nghiệp giấy in của Văn phòng Tỉnh ủy Minh Hải.
Sau đó, ông lần lượt chuyển công tác sang Hội Nhà báo, Công ty Khai thác thủy sản, rồi lãnh đạo Bảo Minh Cà Mau từ tháng 6/2001 đến cuối năm 2005.
Đầu năm 2006, ông Lượng làm việc cho một công ty bảo hiểm khác. Tháng 5/2007, nghi can bị Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam về hành vi Tham ô tài sản, liên quan đến thời gian còn điều hành Bảo Minh Cà Mau.
Căn cứ buộc tội thiếu thuyết phục
Theo cơ quan công tố, từ năm 2002-2005, ông Lượng được cho là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền Bảo Minh Cà Mau bồi thường 30 hồ sơ bảo hiểm, tổng số tiền trên 890 triệu đồng.
Trong đó, nghi can này chiếm đoạt riêng 552 triệu (17 hồ sơ) và câu kết với các đồng phạm là thuộc cấp của Lượng chiếm đoạt hơn 331 triệu.
Video đang HOT
Hồ sơ tố tụng thể hiện, nhiều khách hàng không nhận hoặc nhận tiền bồi thường ít hơn so với duyệt chi. Có vài trường hợp, hồ sơ tai nạn được cho là làm khống, giả mạo giấy tờ nhưng được cảnh sát giao thông giúp sức.
Từ đó, VKSND tỉnh Cà Mau truy tố Lượng với 10 thuộc cấp về tội Tham ô tài sản; Nguyễn Việt Hồng, Phạm Bình Minh (nguyên thủ quỹ) tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.
Trong vụ án này còn có 3 cảnh sát giao thông là Nguyễn Thanh Vĩnh, Nguyễn Hoàng Dũng (sĩ quan Công an thị xã, nay là TP Vĩnh Long) và Bùi Minh Thắng (thiếu tá, nguyên Đội phó Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị truy tố tội Giả mạo trong công tác.
Chấp nhận cáo buộc của cơ quan công tố, tháng 9/2012, TAND tỉnh Cà Mau tuyên án Lượng 20 năm tù, 10 đồng phạm cùng tội với nguyên Giám đốc mỗi người lĩnh từ 1 năm tù treo đến 15 năm tù giam.
Đối với hai thủ quỹ, HĐXX tuyên cải tạo không giam giữ từ 12-18 tháng; 3 cảnh sát giao thông mỗi người lĩnh 1 năm tù.
Cho rằng không phạm tội như cấp sơ thẩm đã tuyên, Lượng với một số đồng phạm kháng cáo kêu oan. Tháng 6/2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm.
Ông Nguyễn Viết Lượng tiếp xúc với phóng viên sau khi nhận tống đạt quyết định đình chỉ điều tra (Ảnh: Trúc Linh)
Theo cấp phúc thẩm, các chứng cứ quan trọng được những bị cáo nêu ra tại tòa, HĐXX thấy rằng, Minh và Hồng dù là thủ quỹ nhưng hầu như không giữ tiền mặt, chi rất ít, đa số là cấn trừ trên phiếu thu và chi.
Tại tòa, nguyên đơn dân sự không biết số tiền thất thoát tại Bảo Minh Cà Mau là bao nhiêu, thì chưa có căn cứ để buộc tội các bị cáo.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn nhận xét không đầy đủ, thiếu thuyết phục, còn nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
12.700 bút lục nhưng vẫn chưa thể chứng minh
Theo ông Lượng, trong vụ án này Công an Cà Mau có đến 9 lần kết luận và kết luận điều tra bổ sung.
Điều này cho thấy, cơ quan tố tụng đã vi phạm Khoản 2 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự. Khoản này quy định, Viện kiểm sát hoặc toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần.
Cụ thể, tháng 9/2008, Công an Cà Mau ra kết luận lần đầu và sau đó là 3 kết luận điều tra bổ sung vào năm 2009. Từ năm 2010 đến 2011, ông Lượng tiếp tục nhận thêm 4 bản kết luận điều tra bổ sung, rồi lĩnh 20 năm tù.
“Khi bản án sơ thẩm bị hủy, Công an Cà Mau có kết luận điều tra số 59 (tháng 9/2014). Theo đó, hồ sơ vụ án tăng từ 12.000 lên 12.700 bút lục, nhưng kết luận điều tra không thấy đề cập đến những nội dung có trong 700 bút lục tăng thêm.
Vì vậy, kết luận và cáo trạng mới không khác gì những bản cũ”, người đàn ông bị truy tố tội Tham ô tài sản chia sẻ.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Công ty Luật Hợp danh Phúc Đức, TP HCM) cho biết, ông Lượng bị tạm giam (gần 4 năm, 8 tháng) quá hạn theo luật định, vượt ngoài thẩm quyền tạm giam và gia hạn tạm giam của các cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau.
“Trong vụ án này, cơ quan bảo vệ pháp luật đã vi phạm pháp luật trong việc giam giữ bị can. Vụ án có dấu hiệu oan sai và theo nguyên tắc, sau khi hết thời gian gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can có hành vi phạm tội thì phải đình chỉ điều tra”, người bảo vệ quyền lợi cho ông Lượng nói.
Hai tháng trước, vụ án được TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm trở lại. Sau một tuần xét hỏi, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung.
Tiếp xúc với phóng viên sau buổi nhận quyết định tạm đình chỉ điều tra, ông Nguyễn Viết Lượng bức xúc thông tin, 5 năm trước, TAND tỉnh Cà Mau chưa đưa vụ án ra xét xử, tức là ông chưa có tội.
Thế nhưng, ngày 9/3/2010, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Dân chính đảng tỉnh ủy Cà Mau là ông Võ Quốc Việt, đã ký quyết định số 47 khai trừ ông ra khỏi Đảng.
Theo quyết định, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Dân chính đảng tỉnh Cà Mau đã căn cứ vào cáo trạng năm 2009 của VKSND tỉnh Cà Mau.
Từ đó, Ủy ban Kiểm tra cho rằng, ông Lượng đã câu kết với một số cán bộ dưới quyền để lập và ký 52 hồ sơ bồi thường, chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng.
Qua Báo Công Lý, ông Lượng yêu cầu cơ quan chức năng khôi phục Đảng đối với bản thân ông theo đúng quy định pháp luật.
Trúc Linh