Đình chỉ cơ sở sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt không đảm bảo ATVSTP
Sáng 9-7, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATVSTP huyện Từ Liêm (Đoàn Kiểm tra) kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt Thủy Tiên (cơ sở Thủy Tiên), có địa chỉ tại số 8A đường K1, tổ 2, thị trấn Cầu Diễn.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở Thủy Tiên không xuất trình được Giấy chứng nhận ATVSTP; giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.
Với những vi phạm trên Đoàn Kiểm tra đã đình chỉ sản xuất cơ sở, yêu cầu khi nào hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định của Nhà nước thì mới được tiếp tục sản xuất. Đây là địa điểm sản xuất bánh mỳ bánh, bánh ngọt thứ 3 của cơ sở Thủy Tiên.
Đoàn kiểm tra được thành lập sau khi thông tin về việc cơ sở này có nhiều dấu hiệu vi phạm về chất lượng, VSATTP được người dân tố cáo và cơ quan báo chí lên tiếng, đích thân Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư ký Quyết định 2693/QĐ-UBND “Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra ATVSTP” đối với cơ sở này.
Khi Đoàn Kiểm tra xuất hiện và đọc Quyết định kiểm tra, chủ cơ sở và nhân viên quản lý đã không hợp tác với đoàn, thậm chí còn có những lời lẽ, hành động xúc phạm các thành viên trong đoàn. Sau một hồi được ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y Tế huyện Từ Liêm, đồng thời là Trưởng Đoàn Kiểm tra thuyết phục và nói rõ lý do kiểm tra thì chủ cơ sở là bà Phan Thị Dung mới chịu hợp tác. Nhưng khi Đoàn Kiểm tra yêu cầu cơ sở xuất trình cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Dung gọi điện “cầu cứu” tới cán bộ “cấp cao” để “tác động” tới Đoàn Kiểm tra, nhưng không được. Lúc đó bà Dung mới buông điện thoại và tiếp tục làm việc.
Thời điểm Đoàn Kiểm tra liên ngành làm việc, cơ sở Thủy Tiên chỉ xuất trình được ĐKKD. Ảnh:N.Thắng
Video đang HOT
Cơ sở Thủy Tiên chỉ xuất trình được Giấy CNĐKKD số 01K8010478. Còn lại các thủ tục pháp lý khác cơ sở không xuất trình được, như: Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; Hồ sơ công bố chất lượng; Cơ sở này cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ nhập nguyên liệu sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt như: Bột mỳ, trứng, bơ, kem…và phụ gia thực phẩm. Đáng lưu ý là sản phẩm sản xuất ra không có bao bì nhãn mác cũng như ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Theo ghi nhận của Đoàn Kiểm tra, các sản phẩm bánh mỳ, bánh ngọt của cơ sở Thủy Tiên được sản xuất trong môi trường chật chội, không phân khu riêng biệt. Nơi sản xuất không được ốp lát gạch men trắng, công nhân sản xuất không được trang bị bảo hộ, không có phòng lạnh để sản xuất bánh gatô, sản phẩm không được che đậy mà để ngay sát đường bụi bặm.
Với những vi phạm của cơ sở Thủy Tiên 3, Đoàn liên ngành đã đình chỉ sản xuất của cơ sở, yêu cầu khi nào hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định của Nhà nước thì mới được phép sản xuất.
Theo ông Nguyễn Quế Long, Cán bộ Đội QLTT số 6, thành viên Đoàn Kiểm tra, việc đình chỉ hoạt động sản xuất cơ sở Thủy Tiên 3 là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. “Phải làm như vậy thì mới mang tính răn đe với cơ sở này cũng như các cơ sở khác” – ông Long nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Đoàn Kiểm tra liên ngành cho rằng, cần sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí để kịp thời phát hiện phản ánh và xử lý những cơ sở sản xuất vì lợi nhuận trước mắt đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo PLXH
Thực phẩm "bẩn" vẫn tràn qua biên giới
Gần đây, tại biên giới tỉnh Quảng Ninh rộ lên tình trạng thực phẩmTrung Quốc nhập lậu vào Quảng Ninh với số lượng lớn, từ những loại thuỷ hải sản có giá trị cao đến thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý là có nhiều loại thủy hải sản, thực phẩm đã chết, ôi thiu, thối rữa nhưng vẫn bằng mọi cách tuồn vào nội địa.
Thủy hải sản, dầu ăn thải loại nhập lậu
Những con cá tầm từ 2 đến 3kg đựng trong các thùng caton vận chuyển, ngụy trang dưới các lớp hoa quả trên những chuyến container từ biên giới vào nội địa. Cá tầm có giá thành khá cao nên gần đây các đối tượng buôn lậu đã không bỏ qua cơ hội vận chuyển loại cá này từ nước ngoài vào nội địa. Không những thế, gần đây những loại thủy hải sản có giá trị cao như cá chình, cá khoai, cá trắm giòn thương phẩm, cá quả, mực... đã ồ ạt nhập lậu vào tỉnh Quảng Ninh để trung chuyển đi các vùng lân cận.
Trước đây, nhiều tư thương người Trung Quốc sang Quảng Ninh "săn" các loài hải sản quý như cá song, cá mú, ghẹ... nhưng hiện nay những loại hải sản này lại đang quay ngược nhập lậu về Việt Nam.
Theo Đại tá Trịnh Văn Hoàn, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh thì gần đây rộ lên tình trạng nhập lậu thủy hải sản từ Trung Quốc vào Quảng Ninh rồi trung chuyển đi các tỉnh lân cận. Cụ thể, trong tháng 3 và tháng 4/2012, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý 38 vụ với 39 đối tượng vận chuyển hàng hóa vi phạm, trong đó có 12.880kg thực phẩm gồm: cá chình, cá khoai, cá quả, cá trắm, cá trê, cá tầm, sò huyết nhập lậu... Đáng chú ý là trong số này có một lượng lớn cá quả đã chết, đang trong thời kỳ phân hủy.
Cũng theo Công an tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường và Cảnh sát giao thông đã bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển, buôn bán dầu ăn thải loại, tóp mỡ, mỡ động vật nhập lậu vào nội địa. Có vụ trinh sát đã bắt và thu giữ tới 1.800kg dầu ăn đã qua sử dụng, 66.000kg mỡ động vật, 5.000 kg tóp mỡ bò đã mốc, ôi thiu nhập lậu vào nội địa.
Trứng gia cầm nhập lậu bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ.
Chân gà đông lạnh tẩm ướp hóa chất
Thời gian qua, lợi dụng vào chính sách tạm nhập tái xuất, một số người đã nhập chân gà từ Trung Quốc vào Việt Nam, nhưng không xuất sang Trung Quốc ngay mà lại tái chế tại biên giới, sau đó mới xuất sang Trung Quốc. Đây là việc làm trái phép vì không có thủ tục pháp lý.
Theo Đại tá Trịnh Văn Hoàn thì gần đây tại TP Móng Cái xuất hiện một số khu vực tái chế chân gà đông lạnh. Do chênh lệch giữa chân gà nguyên liệu và chân gà thành phẩm, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ chân gà thành phẩm ở nước ngoài tăng cao nên một số người đã lợi dụng thu gom chân gà trôi nổi đem gia công, chế biến thành "trắng phau" để xuất sang biên giới. Sở dĩ việc tái chế diễn ra trái phép là bởi chủ hàng thuê được nhân công rẻ, kỹ thuật rẻ, giảm tải được số lượng mang ra nước ngoài...
"Việc tái chế trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chúng tôi đã kiểm tra và lập biên bản 3 cơ sở chế biến chân gà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, không có bản cam kết bảo vệ môi trường, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, trong đó có hộ kinh doanh Hoàng Quang Hải ở TP Móng Cái, bị xử phạt 40 triệu đồng, thu gần 20 tấn chân gà"- Đại tá Trịnh Văn Hoàn cho biết.
Không chỉ lợi dụng sự sơ hở của cơ quan chức năng để tái chế chân gà mà hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm thải loại, gia cầm giống nhập lậu vẫn tiếp tục gia tăng. Từ tháng 1 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường và Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, trong đó có vụ thu giữ 3.060kg chân gà đông lạnh, 794kg chân gà thương phẩm đông lạnh, 9.378kg chân gà thành phẩm... Hàng tấn gia cầm, chân gà sau thu giữ không đảm bảo VSATTP cũng đã được tỉnh Quảng Ninh tiêu hủy.
Người tiêu dùng lo ngại rằng, chân gà ôi thiu sau khi được tái chế bằng những hóa chất độc hại sẽ thẩm lậu vào Việt Nam. Những lo ngại này không phải không có lý nếu chúng ta không làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn thực phẩm "bẩn" vào nội địa. Trước tình hình này, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Công an các địa phương kiểm tra, rà soát, giám sát số container chở hàng thực phẩm đông lạnh chờ tái xuất tại các cảng, kho trên địa bàn, không để hiện tượng đưa hàng hư hỏng vào nội địa
Theo CAND
Ăn cơm có dòi, nhiều người bị nôn Việc 11 người ngộ độc phải nhập viện do ăn bánh mì có dòi ở Bình Dương vẫn chưa được xử lý rốt ráo thì nay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại phát hiện trong suất cơm trưa của công nhân cũng có... dòi! Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH Quốc tế All Wells Việt Nam (đường số 81,...