Đình chỉ 9 bến đò ngang không an toàn
Ngày 26.6, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam cho biết đã ra quyết định đình chỉ hoạt động 9 bến đò không đảm bảo an toàn trong đợt kiểm tra 23 bến đò ngang, lập lại trật tự giao thông đường thủy.
Tại các bến đò này, Đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản xử phạt 11 tàu thuyền hoạt động nhưng không đăng ký, đăng kiểm và thiếu đảm bảo an toàn vận chuyển khách, trong đó có 2 nhà hàng nổi ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Các bến đò ngang tại Hội Khách (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc), Tam Sơn (huyện Núi Thành), hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh), Phú Đa (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên), sông Hội (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An)… bị đình chỉ cho đến khi hoàn thiện các thủ tục.
Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết thêm các bến đò ngang sẽ được trang bị thêm áo phao, phao cứu sinh từ nguồn kinh phí an toàn giao thông trước mùa mưa bão năm nay. Ngoài ra, qua kiểm tra 55 phương tiện tàu thuyền đưa đón khách khác, tổ kiểm tra liên ngành đã xử phạt và đình chỉ hoạt động 7 phương tiện không giấy phép và thiếu an toàn.
Video đang HOT
Bến đò hồ Phú Ninh bị đình chỉ hoạt động – Ảnh: Nguyễn Tú
Còn tại TP Đà Nẵng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông đường thủy… cũng đã phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu thủy nội địa.
Qua kiểm tra 13 tàu du lịch, lực lượng liên ngành phát hiện tất cả người điều khiển đều không có bằng điều khiển phương tiện đường thủy phục vụ hoạt động du lịch. Toàn bộ tàu du lịch đều không có bảng hướng dẫn và nội quy đi tàu, không hướng dẫn cho du khách cách thức sử dụng áo phao trước khi khởi hành.
Đa số chủ phương tiện đều chưa nắm rõ về Luật Giao thông đường thủy nội địa. Nhân viên phục vụ trên tàu du lịch không có chuyên môn trong ngành, không được tập huấn và thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn, sự cố. Ngoài ra, các chủ phương tiện trang bị phao cứu sinh, bình chữa cháy mang tính đối phó với đoàn kiểm tra hơn là bảo đảm an toàn cho hành khách.
Đặc biệt, lực lượng liên ngành cũng phát hiện công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. Như giấy phép hoạt động của tàu du lịch Công ty TNHH Cát Tiên Á Châu đã hết hiệu lực từ ngày 20.5.2006 nhưng 5 năm qua vẫn hoạt động bình thường.
Tàu du lịch Hải Âu 1 (Công ty TNHH MTV Lâm Gia Phú) chưa có chỗ neo đậu chính thức vẫn đưa vào hoạt động từ tháng 3.2011. Hành khách lên tàu phải bước qua tấm ván đặt trên vỉa hè đường Bạch Đằng rất nguy hiểm.
Theo Thanh Niên
Đình chỉ 18 bến đò ngang không phép
(Dân trí) - Thanh tra giao thông Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra 53 bến đò ngang trong tỉnh và quyết định đình chỉ 18 bến chưa có giấy phép. Tuy nhiên theo lực lượng Thanh tra, việc các bến đò không phép còn tồn tại nhiều một phần do thủ tục cấp phép quá rắc rối.
Trong số 53 bến đò và phương tiện chở khách ngang sông trong toàn tỉnh, huyện Quảng Trạch có tới 22 bến. Nhưng từ sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 42 người chết tại bến đò ngang xã Quảng Hải, tất cả các bến này đều đã hoàn tất thủ tục và được cấp phép.
Đò ngang là lựa chọn duy nhất của một số địa phương, do đó việc đình chỉ không phải là lời giải "bài toán" cấp phép (Ảnh minh họa: H.K).
Ngược lại, ở huyện Bố Trạch, cả 9 bến đò ngang hoạt động từ trước tới nay đều chưa có giấy phép và bị đình chỉ. 7/13 số bến đò ngang thuộc huyện Tuyên Hóa cũng bị đình chỉ vì lý do này.
Theo báo cáo của Thanh tra Sở GTVT Quảng Bình, từ đầu năm 2009 lực lượng Thanh tra đã phát hiện 25 trường hợp vi phạm trong hoạt động đò ngang, trong đó điển hình là không có phao cứu sinh, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không đảm bảo, chở quá số người quy định.
Ông Trần Ngọc Thắng - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Quảng Bình cho biết: "Đình chỉ bến đò là việc chẳng đặng đừng, bởi rất nhiều trong các bến bị đình chỉ là những bến truyền thống và đò ngang là phương tiện đi lại quan trọng của dân một số xã".
Theo ông Thắng, việc có tới 1/3 số bến không có giấy phép một phần là do thủ tục mở bến đò ngang hiện quá rối rắm, liên quan đến nhiều ngành nghề. "Các thủ tục đôi khi quá cứng nhắc, thiếu tính thực tế nên vô tình gây khó khăn cho chính quyền địa phương nơi có bến. Để được cấp phép một bến đò ngang, cần tới 8 loại giấy tờ, thủ tục, trong đó có yêu cầu về bản đồ vùng nước, biển báo luồng lạch... mà đò ngang thì gần như chỉ chạy cố định qua về một tuyến" - ông Thắng phân tích.
Ông cho rằng, khi bến đò ngang đủ tiêu chuẩn về các yếu tố cấp thiết như có đường lên xuống an toàn, có bảng nội quy, niêm yết giá, phương tiện đảm bảo và chủ phương tiện có chứng chỉ chuyên môn thì nên tạo điều kiện cấp phép.
Hồng Kỹ