Điều trị hiệu quả dị tật khoèo chân bẩm sinh bằng phương pháp Ponseti
Các bác sĩ Khoa ngoại, Bệnh viện Bình An Quảng Nam đã tiếp nhận và điều trị hiệu quả cho một bệnh nhân nhi với dị tật khoèo chân bẩm sinh bằng phương pháp Ponseti.
Ngày 4/4, các bác sĩ Khoa ngoại, Bệnh viện Bình An Quảng Nam cho biết vừa tiếp nhận và điều trị hiệu quả cho một bệnh nhân nhi với dị tật khoèo chân bẩm sinh bằng phương pháp Ponseti.
Theo đó, bệnh nhân nhi là con gái của vợ chồng chị N.T.N.P. (26 tuổi, trú tại huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Được biết, trong quá trình siêu âm tại bệnh viện Bình An Quảng Nam, chị P. được các bác sĩ phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ hai chân khoèo của thai nhi và tư vấn cho người nhà phương pháp Ponseti để điều trị kịp thời, giúp mang lại hiệu quả hồi phục cao, trẻ có thể đi lại bình thường khi đến tuổi tập đi.
Sau khi bé được sinh ra tại Bệnh viện Bình An Quảng Nam, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám chi tiết và tư vấn điều trị cho người nhà.
Các bác sĩ đã phát hiện dị tật khoèo chân của trẻ trong quá trình siêu âm thai kỳ.
Theo ThS.BS Nguyễn Ánh Ngọc, Phó Khoa ngoại – Bệnh viện Bình An Quảng Nam, điều quan trọng trong điều trị là phải làm cho cha mẹ hiểu bệnh này điều trị được và cần theo dõi lâu dài. Trẻ bị dị tật bàn chân khoèo được điều trị sớm, đúng cách sẽ có khả năng tránh phải phẫu thuật và có cơ hội phục hồi đôi chân trở lại bình thường cao hơn.
Video đang HOT
“Vì vậy, nếu sinh con ra có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên cơ thể, đặc biệt là ở chân thì các ông bố, bà mẹ cần phải đưa ngay đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời”, BS Ngọc cho biết.
Hình ảnh trước và sau 1 tháng điều trị bằng phương pháp Ponseti.
Trẻ mang giày chỉnh hình bàn chân khoèo sau quá trình bó bột.
Được biết, điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponseti là một cuộc cách mạng về kỹ thuật bó bột chỉnh hình nắn sửa các biến dạng vùng bàn, cổ chân mà tâm điểm là thay đổi trục xương sên và kéo dãn các dây chằng quanh xương sên. Phương pháp Ponseti có nhiều lợi thế hơn so với các phương pháp khác bởi có thể được tiến hành từ sớm, ngay từ tuần đầu sau sinh của trẻ. Các bác sĩ sẽ nắn chỉnh nhẹ nhàng và bó bột bàn chân trẻ khoảng 6 lần trong 5 – 6 tuần để duy trì kết quả nắn.
Đối với những ca khó, có thể cần 1 tiểu phẫu cắt gân gót để hoàn tất quá trình nắn chỉnh bàn chân. Sau khi tháo bột lần cuối, bé cần phải được mang đôi giày chỉnh hình cả ngày lẫn đêm trong 3 tháng đầu tiên và sau đó tiếp tục mang ban đêm trong 3 năm. Nếu tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị, các cháu bé sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tình trạng khoèo chân sẽ biến mất.
Phúc An
20 bệnh nhi được hỗ trợ khám dị tật bàn tay, bàn chân
Trong chuyến công tác tới Việt Nam năm nay, đoàn chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật chỉnh hình của Bỉ, Pháp, Brazil thuộc Tổ chức hỗ trợ y tế cho trẻ em Việt Nam (AMEV) đã khám sàng lọc dị tật bàn tay, bàn chân cho 20 bệnh nhi và trực tiếp phẫu thuật cho một số bé.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các chuyên gia của AMEV cho biết, những ca bệnh phức tạp nhất là các bệnh nhi thiểu sản, dị tật trong ngón tay, bàn tay. Do đó, việc phẫu thuật khắc phục những dị tật bẩm sinh, giúp sửa, hoàn thiện tối đa những khiếm khuyết trên cơ thể trẻ, tạo cơ hội cho trẻ tự tin để hòa nhập cuộc sống rất cần thiết.
TS. Hoàng Hải Đức - Trưởng Khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, mỗi năm, có hàng chục trường hợp trẻ bị dị tật bàn tay, bàn chân phức tạp tới khám tại Bệnh viện. Song, vì nhiều lý do khác nhau, các cháu chưa được phẫu thuật điều trị.
Vì vậy, các ca phẫu thuật hợp tác với chuyên gia nước ngoài tại Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ hội tốt để những bệnh nhi này được chữa dị tật. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bác sĩ Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và cập nhật kỹ thuật từ các chuyên gia đầu ngành trên thế giới, từ đó nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Hai bé Kim Ngân (Thái Bình) và Đinh Bảo Nam (Hà Nam) là một trong số những bệnh nhi có dị tật bàn tay phức tạp. Ngân có 1 cẳng tay có 3 xương trụ quay và 2 bàn tay, còn Nam có dị tật dính ngón tay cái và ngón trỏ. Cả 2 trẻ đều gặp hạn chế, khó khăn trong sử dụng chức năng bàn tay.
Bàn tay của trẻ trước và sau phẫu thuật
Nhờ được các chuyên gia phẫu thuật, nay, bàn tay của các bệnh nhi này đã có hình dạng bình thường, có thể vận động tốt.
Chia sẻ thêm về việc phẫu thuật cho trẻ, các chuyên gia tâm sự: "Có những ca mổ kéo dài từ 8h sáng đến gần 10h đêm, nhưng khi nhìn thấy chức năng bàn tay, bàn chân các bệnh nhi ngày càng tốt hơn, chúng tôi đều cảm thấy xứng đáng".
Các chuyên gia cảu AMEV đã tới khám và phẫu thuật thường kỳ cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2014 đến nay. Các bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh, di chứng do chấn thương, các bệnh nhi với dị tật ở bàn tay, bàn chân phức tạp, ví dụ tay dính ngón, xương và da liền khiến các ngón không thể phát triển; thừa, thiếu ngón, khối u ở bàn tay, di chứng chấn thương bàn tay do tai nạn... sẽ được các chuyên gia ưu tiên phẫu thuật chữa trị.
Theo viettimes
ACC khai trương phòng khám trị liệu thần kinh cột sống mới tại Đà Nẵng Ngày 30 tháng 10 vừa qua, Phòng khám Chuyên khoa Trị liệu Thần kinh Cột sống Hoa Kỳ - ACC (American Chiropractic Clinic) chính thức khai trương cơ sở mới tọa lạc tại 112 - 116, đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, trung tâm thành phố Đà Nẵng. Đây là phòng khám thứ 4 của ACC tại Việt Nam, cũng là phòng...