Điều trị các bệnh lý vùng nền sọ bằng phẫu thuật nội soi đường mũi
“Hằng năm Bệnh viện Đại học Y Dược thực hiện khoảng 600 ca phẫu thuật nội soi đường mũi (trong đó khoảng 50-60 ca phẫu thuật nội soi qua đường mũi mở rộng), mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt cho người bệnh”.
Đó là thông tin được BV cho biết tại “Hội nghị Khoa học và đào tạo thường niên năm 2019″ được khai mạc vào chiều 9-8.
TS. BS. Lý Xuân Quang đang thăm khám cho bệnh nhân
Theo TS. BS. Lý Xuân Quang – Phó Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Đại học Y Dược TPHCM, hiện nay với sự phối hợp giữa Khoa Tai Mũi Họng và Khoa Ngoại thần kinh, BV Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện được những phẫu thuật nội soi đường mũi như vá rò dịch não tủy vùng nền sọ, phẫu thuật u tuyến yên, phẫu thuật u xơ vòm mũi họng, xâm lấn sàn sọ, thoát vị não màng não…
Những phẫu thuật này trước đây chỉ có thể mổ hở, nhưng ngày nay hoàn toàn có thể phẫu thuật qua nội soi đường mũi. Bên cạnh đó, những tổn thương ung thư vùng hốc mũi xâm lấn sàn sọ cùng nhiều phẫu thuật liên quan đến những tổn thương nằm ở phần hố dưới thái dương, đỉnh xương đá… cũng được giải quyết tốt bằng phương pháp này.
Video đang HOT
“Việc ứng dụng phương pháp phẫu thuật nội soi đường mũi giúp thay thế được những phẫu thuật hở trước đây, giảm thiểu những tai biến, biến chứng cho người bệnh, nhờ đó mang lại nhiều lợi ích trong việc chăm sóc và điều trị. Đồng thời mở ra được những nghiên cứu và điều trị mới, kỹ thuật mới giúp các bác sĩ dễ dàng xâm nhập hơn trong các phẫu thuật ở vùng nền sọ, hốc mắt… đem lại hiệu quả điều trị cao hơn cho người bệnh” – TS. BS. Lý Xuân Quang thông tin
Tại Hội nghị, các chuyên gia cho biết, phẫu thuật nội soi đường mũi có từ những thập niên 70, đến nay đã phát triển các điều trị vượt ra khỏi phạm vi vùng mũi xoang, tiến tới phẫu thuật những tổn thương ở vùng nền sọ thậm chí sâu vào tận nhu mô não. Đó cũng chính là những tiến bộ của phẫu thuật nội soi đường mũi trong khoảng 2 thập niên gần đây.
Phẫu thuật nội soi đường mũi và nội soi đường mũi mở rộng như hiện nay có ưu điểm hơn so với những phẫu thuật kinh điển (mổ hở). Việc nội soi qua đường mũi có thể giúp thực hiện những phẫu thuật can thiệp tối thiểu mà những phẫu thuật mổ hở không thực hiện được. Việc mổ hở có thể để lại nhiều di chứng, biến chứng, hoặc thậm chí mất chức năng của một số cơ quan. Trong khi đó, phẫu thuật nội soi đường mũi sẽ tránh được những điều này.
Mặt khác, ngày nay có nhiều phương tiện hỗ trợ cho nội soi đường mũi, như các phương tiện cầm máu, khoan, cắt hút trong hốc mũi hoặc nền sọ… giúp kiểm soát rất tốt trong phẫu thuật. Nhờ những phương tiện hỗ trợ đó mà phẫu thuật nội soi đường mũi có thể thực hiện được và thay thế cho phẫu thuật mổ hở trước đây. Đối với người bệnh, việc thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi đường mũi giúp tránh được những đường mổ rạch da ở bên ngoài gây sẹo ở vùng mặt, can thiệp tối thiểu và ở những vị trí cần thiết, tránh gây tổn thương vào những cấu trúc cần bảo tồn mà phẫu thuật mổ hở không làm được như các xương vùng hàm mặt, dây thần kinh ở vùng mặt, nền sọ…
Từ đó tránh những tai biến, di chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt. Với kỹ thuật nội soi đường mũi và sâu hơn là phẫu thuật nội soi đường mũi mở rộng, có thể can thiệp vào rất nhiều vị trí tổn thương ở vùng nền sọ như vá rò dịch não tủy, lấy u sàn sọ, giải áp thần kinh thị, lấy u hốc mắt, cắt u xơ vòm mũi họng, lấy u nền sọ và các tổn thương nội sọ…
Từ ngày 9 đến 17-8, BV Đại học Y Dược TPHCM tổ chức Hội nghị khoa học và đào tạo năm 2019 dành cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên y tế. Đây là sự kiện được BV tổ chức thường niên nhằm công bố những công trình nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng cũng như cập nhật các tiến bộ mới nhất trong y khoa từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Hội nghị thu hút sự tham gia của 160 báo cáo viên từ 29 chuyên khoa, trong đó có sự góp mặt của 9 báo cáo viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Maylaysia, Đài Loan… Hội nghị diễn ra trong 8 ngày với 32 phiên đào tạo y khoa liên tục (CME), 21 đề tài nghiên cứu khoa học được công bố cùng hơn 3000 đại biểu tham dự. Nội dung xoay quanh các lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa, dược, cận lâm sàng, chăm sóc người bệnh…
THÀNH SƠN
Theo SGGP
Liên tục chảy nước mũi, hoá ra mắc bệnh hiếm gặp trên thế giới
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa phẫu thuật thành công vá lỗ rò dịch não tủy tự cho một bệnh nhân 15 tuổi. Đây là ca bệnh hiếm gặp và là trường hợp được phẫu thuật thứ 3 trên thế giới
Ngày 9-7, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết bệnh nhân tên P.M.H (15 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa).
Từ năm 4 tuổi, mỗi khi H. cúi đầu xuống thấp hoặc nằm nghiêng sang trái sẽ có dòng dịch trong chảy ra trước mũi. Lúc đầu, người nhà chỉ nghĩ viêm mũi thông thường nhưng điều trị nhiều nơi, tình trạng chảy nước mũi trong không cải thiện. Em nhiều lần phải nhập viện điều trị viêm màng não không rõ nguyên nhân tái đi tái lại. Sau đó, các bác sĩ chẩn đoán em H. bị rò dịch não tuỷ qua mũi và chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược.
TS-BS Lý Xuân Quang, Phó Trưởng Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược, thăm khám cho bệnh nhân
Tại đây, qua khảo sát hình ảnh học, các bác sĩ đã chẩn đoán đây là trường hợp rò dịch não tuỷ do giãn rộng lỗ tròn nơi đi qua của dây thần kinh V2 (nhánh hàm trên của thần kinh sinh ba - chi phối cảm giác một phần vùng mặt). Vị trí rò dịch não tuỷ tự phát này khá hiếm gặp trên y văn thế giới.
Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi đường mũi vá lỗ rò dịch não tuỷ bằng vật liệu tự thân với mảnh cân cơ thái dương, sụn vách ngăn và vạt mũi vách ngăn. 2 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn chảy dịch trong qua mũi. Sau 6 tháng, phần vạt mũi vách ngăn hồng hào, che phủ tốt vùng phẫu thuật, tình trạng chảy dịch trong qua mũi đã hoàn toàn chấm dứt.
TS-BS Lý Xuân Quang, Phó Trưởng Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết lỗ rò dịch não tủy tạo nên sự thông nhau giữa khoang dịch não tuỷ và hốc mũi. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nên viêm màng não - một bệnh lý nhiễm trùng nặng nguy cơ tử vong cao. Phẫu thuật vá ngay lỗ rò để ngăn cách khoang mũi và màng não là vấn đề bắt buộc.
"Trước đây có vài ca được báo cáo như trường hợp này nhưng không được phẫu thuật, người bệnh bị viêm màng não và tử vong. Đây là ca bệnh hiếm gặp và cũng là trường hợp được phẫu thuật thứ 3 ghi nhận theo báo cáo y văn trên thế giới" - BS Quang thông tin.
Nguyễn Thạnh
Theo nguoilaodong
Cứu bệnh nhân đột quỵ: Chậm 1 phút, mất 2 triệu tế bào não Đối với người bị đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có thêm gần 2 triệu tế bào thần kinh chết đi. Mọi người phải chạy đua với thời gian để cứu tế bào não vì "mất thời gian là mất não" và nguy cơ tử vong cao. Người bị đột quỵ phải được nhận biết nhanh chóng và đưa đến bệnh...