Điều trị bệnh lõm ngực bằng phương pháp mới
Lõm xương ức là dị tật thành ngực phổ biến nhất ở trẻ em với tỷ lệ mắc 1/300 trẻ sinh sống. Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vừa áp dụng thành công phương pháp điều trị không xâm lấn có tên “đặt chuông nâng xương ức” đem lại cơ hội cho nhiều trẻ mang căn bệnh này.
Bệnh nhi được bác sĩ đo diện tích vùng ngực bị lõm tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Thấy lõm ngực, không ngờ con bị bệnh
Cách đây nửa năm, cháu Nguyễn Thanh Hoàng (14 tuổi, Thái Bình) được gia đình đưa đến BV Nhi T.Ư khám do có vết lõm ở ngực. Gia đình cho biết, khi Hoàng được 8 – 9 tuổi, cháu vẫn phát triển bình thường, ngực chưa thấy rõ vết lõm sâu. Năm cháu 11 tuổi, thấy con có vết lõm nhưng gia đình vẫn không để ý vì chưa biết đến bệnh lõm xương ức. “Mãi tới khi đọc thông tin trên mạng về căn bệnh này, nhìn thấy hình ảnh bệnh nhân, tôi mới nghi ngờ con có bệnh. Rồi khi thấy con kêu khó thở, tức ngực, tôi mới đưa con đi khám” – mẹ cháu Hoàng chia sẻ.
Được bác sĩ giải thích về bệnh của con, đồng thời tư vấn phương pháp điều trị, gia đình cháu Hoàng đồng ý cho con điều trị bằng phương pháp đặt chuông nâng xương ức. Trẻ được đặt chuông với đường kính vòm hút 26cm. Đến nay, sau 6 tháng điều trị, cháu Hoàng không còn đau ngực, khó thở. Trong quá trình đặt chuông, bệnh nhi cũng không có cảm giác ngứa, không dị ứng hay xuất huyết dưới da trong quá trình sử dụng. Độ sâu vùng lõm đã cải thiện từ 18 mm xuống chỉ còn 10 mm, đường kính diện lõm từ 23cm xuống còn 18cm.
Cùng đợt điều trị với cháu Hoàng là bé Hoàng Thanh An (6 tuổi, Hà Nội). Cháu được gia đình phát hiện tình trạng lõm xương ức từ cách đây một năm. Thấy con hay kêu khó thở, biếng ăn, ngực có một vết lõm sâu, gia đình đưa con đến BV Nhi T.Ư khám thì được biết con mắc căn bệnh lõm xương ức. Bệnh nhi cũng được các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị đặt chuông nâng xương ức đường kính vòm hút 16cm. Tần suất dùng chuông tăng dần theo thời gian và khả năng đáp ứng với thiết bị: Tuần đầu 30 phút/lần, 2 lần/ ngày. Tuần 2: 30 phút/lần, 4 lần/ngày. Tuần 3: sử dụng liên tục trong khi ngủ. Tuần 4: sử dụng liên tục với thời gian tối đa có thể. Bệnh nhân được theo dõi các dấu hiệu cơ năng và thực thể trong quá trình đặt chuông và đánh giá độ sâu diện lõm sau 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng (30 phút sau khi bỏ thiết bị). Sau 6 tháng điều trị, diện tích vùng lõm ở vùng xương ức của cháu bé đã được cải thiện. Độ sâu diện lõm giảm từ 15mm xuống còn 8mm, đường kính diện lõm giảm từ 14cm xuống còn 11 cm.
Tương tự, nhiều trẻ bị căn bệnh này đã được các bác sĩ điều trị thành công bằng phương pháp mới.
Thay thế phẫu thuật
TS Tô Mạnh Tuân – Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi T.Ư cho biết, nhiều bố mẹ chủ quan với những vết lõm trên ngực con mà không nghĩ rằng nó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm. Trước đây, để điều trị bệnh này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ phẫu thuật đặt thanh nâng ngực. Tuy nhiên, phương pháp được coi là duy nhất này vẫn còn tồn tại nhiều biến chứng trong và sau mổ, bệnh nhân mang dị vật trong cơ thể trong khoảng thời gian dài. Do đó BV Nhi T.Ư đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp điều trị không xâm lấn “đặt chuông nâng xương ức”. Sau một năm triển khai, 20 bệnh nhân với tình trạng bệnh khác nhau đã được điều trị thành công với kết quả khả quan.
TS Tô Mạnh Tuân cho biết, chuông nâng xương ức là dụng cụ điều trị lõm xương ức ở trẻ em đã được sử dụng từ 10 năm nay trên thế giới. Ý tưởng sử dụng một công cụ nâng xương ức từ bên ngoài lồng ngực đã có từ hàng thế kỷ trước, nhưng gần đây sự ra đời của chuông nâng xương ức khiến việc điều trị không xâm nhập trở nên khả thi. Chuông nâng xương ức là bộ thiết bị hút đặt bên ngoài lồng ngực, úp lên diện lõm của thành ngực trước, được điều chỉnh áp lực bằng bóng bóp. Thiết bị này có tác dụng nâng xương ức và khung xương sườn bằng lực hút chân không, có thể quan sát hiệu quả bằng cách nhìn vào kính quan sát.
Cấu tạo chuông gồm 3 phần: Thân vòm, kính quan sát và bộ dây bóng bóp. Kích thước vòm cần đủ rộng để hộ trợ toàn bộ vùng ngực lõm, vừa đủ để không chạm vào họng và bụng. Ở bệnh nhân nữ, chuông cần được đặt khéo léo để không đè lên phần vú, gây đau.
Trước tiên, chuông nâng xương ức có thể sử dụng thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật đặt thanh nâng. Ngoài ra, chuông cũng có thể dùng trong thời gian chuẩn bị mổ, thậm chí trong cuộc mổ để tạo khoang sau xương ức, giúp việc đặt thanh an toàn hơn.
Theo TS Tô Mạnh Tuân, lõm ngực bẩm sinh có tỷ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỷ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.
Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng, càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp.
Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào. Nhưng thường thì tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa. Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường.
Ngoài ảnh hưởng đến tim, lõm ngực còn ảnh hưởng đến phổi. Do dị tật lõm ngực nên thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo. Người bệnh bị chứng thiếu khí thở, thiếu máu thường xuyên,. Vì vậy, nếu thấy dấu hiệu của bệnh lõm ngực ở trẻ, gia đình nên đứa con đến BV sớm để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo kinhtedothi
Chỉ 2 giờ học, hoặc xem xong clip này bố mẹ đã có thể cứu con thoát khỏi tử thần
Hóc dị vật mà không biết
Năm nào BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca với các dị vật đồng xu, đồ chơi, cúc áo, hạt nhãn, hạt vải, hạt ngô... thậm chí các vật sắc nhọn như đinh vít, dây... Thậm chí có trẻ bị hóc dị vật mà người nhà không biết, đôi khi cả người lớn đau bệnh tới viện mới biết bị hóc dị vật... và rất ít người biết sơ cứu đúng cách để cứu người thoát khỏi tai nạn nguy hiểm này.
Rất nhiều ca hóc dị vật, có những ca hóc mà không biết mình bị hóc dị vật. Tai nạn này là nguy cơ tử vong hàng đầu, nhưng chỉ 2 giờ học, hoặc xem clip này là có thể giúp nạn nhân thoát nạn.
Bé Nguyễn L.N (5 tháng tuổi, ở Hà Tĩnh) vào BV Nhi TƯ trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, ho, khò khè. Kết quả chụp X-quang mới thấy có dị vật bằng kim loại gây áp-xe thành thực quản kèm theo viêm phổi, gây loét sâu xung quanh thành thực quản. Người nhà cho biết, gần 1 tháng trước bé và chị gái có cầm đinh vít để chơi, nhưng gia đình hoàn toàn không biết trẻ hóc dị vật lúc nào.
BS Trần Anh Tuấn (Khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1), từng cấp cứu cho một bé bị xẹp phổi, khi chụp CT đường thở các bác sĩ mới phát hiện có dị vật - lấy ra được không xác định nổi là gì vì để quá lâu. Nếu không phát hiện ra, dị vật có thể ảnh hưởng phổi, dẫn đến viêm phổi, hoại tử, áp xe phổi... và các biến chứng nặng khác.
Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn cũng không biết mình bị hóc dị vật cho tới khi biến chứng, tổn thương bên trong cơ thể. như thực quản, dạ dày, ruột... Có người đau bụng kéo dài, qua chẩn đoán hình ảnh, chụp CT mới thấy mẩu xương lợn như xuyên qua khỏi thành dạ dày gây nên. Đa số là do hóc dị vật khi ăn uống như các loại xương, miếng thịt lớn, tăm xỉa răng... sau vài tuần đi viện mới biết.
Hình ảnh ca hóc dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ. Ảnh minh họa.
Khi nào cần nghi ngờ hóc dị vật
Theo các bác sĩ, dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ từ 1-6 tuổi - do trẻ thích nhét các vật lạ vào miệng, mũi. Vì trẻ em phản xạ đóng, mở thanh quản để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện nên những dị vật này rất dễ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản của trẻ, gây khó thở, rất nguy hiểm với tính mạng. Nếu không nhận biết và xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều hậu quả đáng tiếc, khiến não bị tổn thương với những di chứng nặng nề về sau.
- Khi thấy trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài - bố mẹ cần nghĩ tới trẻ đã bị hóc dị vật đường thở. Có trường hợp tình trạng này thoáng qua rồi tự hết, nhưng có những trường hợp trẻ ngưng thở và tử vong ngay.
- Người lớn hay bị hóc dị vật là hàm răng giả, xương gà, xương cá, vỉ thuốc có cạnh sắc nhọn, que sắt, cây đinh, tăm xỉa răng, cục gân bò to... Khi thấy các triệu chứng như đau họng, vướng ở họng, đau vùng ngực... có trường hợp đau ở dạ dày (dễ nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày thông thường), cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để lấy dị vật ra đúng cách.
Hóc dị vật đường thở thường theo 2 hướng là hóc dị vật thực quản (đường ăn) hoặc hóc dị vật đường hô hấp (đường thở) - đều là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, sung tấy, nhiễm trùng (thậm chí là tử vong trong 3-5 phút nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời).
Cấp cứu đúng cách trong vài phút đầu khi tai nạn xảy ra mới có thể cứu sống bệnh nhân, nhất là dị vật kẹt ở đường thở. Nếu muộn, hoặc sơ cứu không đúng, khi vận chuyển trẻ tới bệnh viện, trẻ bị thiếu oxy lên não, dù cứu sống được cũng để lại di chứng suốt đời.
Do đó khi nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật đường thở bố mẹ cần chú ý:
- Bình tĩnh, tránh cố móc dị vật ra khỏi miệng trẻ - vì rất khó lấy mà còn đẩy vào sâu hơn, làm trẻ nôn ói, hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.
- Thực hiện động tác sơ cứu dứt khoát, chính xác để cứu bé:
Nếu trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích ho, trẻ không khó thở, vẫn khóc và nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi rồi đưa đến bệnh viện kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở bác sĩ sẽ lấy ra.
Nếu trẻ tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì gọi xe cấp cứu 115, và trong thời gian đợi xe tới nhân viên y tế sẽ tư vấn cách sơ cứu cho trẻ.
Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực, bằng cách cho trẻ ngồi trên ghế và đặt lên cánh tay mình, cho đầu chúi xuống, nghiêng một bên, sau đó vỗ lưng 5 lần. Sau đó kiểm tra xem dị vật có ra không. Nếu dị vật vẫn bị mắc thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ngực trẻ nhiều lần, sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ...
Cách sơ cứu hóc dị vật khi trẻ tỉnh, nhưng ho không hiệu quả. Ảnh minh họa.
Sơ cứu đúng cách khi trẻ hóc dị vật
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) hướng dẫn sơ cứu trẻ hóc dị vật:
Hướng dẫn trực tiếp sơ cứu hóc dị vật cho trẻ nhũ nhi
Từ 8h - 10g00, sáng thứ Bảy ngày 13/7/2019, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TS. BS Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa mở chuyên đề dành cho phụ huynh, giáo viên tiểu học, mầm non và người chăm sóc trẻ với chủ đề: "Xử trí khi trẻ nuốt dị vật đường tiêu hóa".
Địa điểm: Phòng Huấn luyện - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (số 532 Đường Lý Thái Tổ, Phường 10, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh). Chương trình 2 giờ nhằm giúp các bố mẹ xử trí khi trẻ hóc dị vật đường tiêu hóa do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi...
Đăng ký tham dự qua điện thoại: 028.38.346.242 hoặc email: sinhhoatbamebvnd1@gmail.com (trước 16h ngày 12/7/2019.
Ngọc Hà
Nguồn: BV Nhi Trung ương/giadinh.net
Cảnh báo: Lại có nhiều trẻ nhập viện do ngộ độc chì từ thuốc cam không nguồn gốc Chỉ thời gian ngắn vừa qua, Khoa Cấp cứu chống độc của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Thông tin này được BV Nhi Trung ương cho biết vào chiều 24/6. Đáng nói khi đây không phải lần đầu BV Nhi Trung ương đưa ra lời cảnh...