Điều trần công khai không ảnh hưởng tới nhìn nhận của người Mỹ về Tổng thống Trump
Phiên điều trần luận tội đầu tiên dường như không làm thay đổi quan điểm của người Mỹ về Tổng thống Trump.
Khi phiên điều trần luận tội công khai đầu tiên diễn ra hôm 13/11, Murphy, tới từ thành phố Flint, bang Michigan nói rằng các thủ tục tố tụng khó có khả năng thay đổi quan điểm của ông về việc Tổng thống Trump không nên tiếp tục ở lại văn phòng.
“Tôi không tìm thấy bất cứ điều gì thuyết phục mình rằng ông ấy đang làm những gì tốt nhất cho đất nước“, ông nói. Công nhân xe hơi 45 tuổi từng bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016.
Cách đó 725 km, tại một tiệm cắt tóc ở Bethlehem, bang Pennsylvania, Joe D’Ambrosio – một người ủng hộ Tổng thống Trump cũng kiên quyết không kém khi khẳng định cuộc điều tra không ảnh hưởng tới nhìn nhận của ông về nhà lãnh đạo Mỹ.
Quincy Murphy theo dõi phiên điều trần tại nhà. (Ảnh: Reuters)
“Tôi hoàn toàn ủng hộ Tổng thống. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người. Họ cảm thấy hài lòng với kế hoạch nghỉ hưu, thị trường chứng khoán và công việc của họ. Đảng Dân chủ không muốn nói về những điều đó và tôi nghĩ họ sẽ phải trả giá”, người đàn ông 76 tuổi nói khi chiếc TV trong tiệm đang phát sóng phiên điều trần trực tiếp.
Theo Bloomberg, khoảng 13 triệu người Mỹ theo dõi phiên điều trần luận tội đầu tiên. Con số này kém xa so với 19,5 triệu lượt xem phiên điều trần trước Quốc hội của cựu Giám đốc FBI James Comey năm 2017.
Video đang HOT
Đảng Dân chủ hy vọng các phiên điều trần công khai sẽ giúp họ thuyết phục người Mỹ rằng Tổng thống Trump xứng đáng bị luận tội và phải rời khỏi văn phòng.
Nhưng các cuộc phỏng vấn với người dân ở Michigan và Pennsylvania, 2 trong số các bang nắm giữ những lá phiếu quan trọng trong cuộc bầu cử năm tới cho thấy cử tri ở cả 2 bang này đều đã đưa ra quyết định.
Cuộc thăm dò hồi đầu tháng 11 của Pennsylvania cho thấy 75% cử tri Dân chủ ủng hộ luận tội trong khi 79% cử tri đảng Cộng hòa phản đối.
Đối với người ủng hộ Tổng thống Trump, cuộc điều tra luận tội không gì hơn một âm mưu đảng phái của đảng Dân chủ nhằm hạ bệ vị Tổng thống Cộng hòa mà họ từng không thể đánh bại năm 2016.
“Đối với tôi, đó là một cuộc đảo chính”, Frank Buchualt, 70 tuổi, công nhân xây dựng về hưu nói khi ngồi trong tiệm cắt tóc của D’Ambrosio.
Một số cử tri bày tỏ thất vọng khi cho rằng các nghị sỹ dường như đã mang trong mình sẵn các định kiến về Tổng thống Trump.
Quang cảnh phiên điều trần. (Ảnh: NYTimes)
“Điều mà tôi không đánh giá cao là nhiều dân biểu và thượng nghị sỹ dường như đã đưa ra quyết định trước khi họ nhìn thấy bằng chứng và có cơ hội thảo luận về nó trong bối cảnh thích hợp”, Amy Hussar, 42 tuổi, cựu quân nhân tới từ Michigan cho biết.
Ngay cả các cử tri đang phân vân có nên bầu cho ông Trump vào năm tới không cũng không tin rằng tiến trình luận tội sẽ giúp họ quyết định.
“Nó chỉ giống như một buổi trình diễn. Mọi người đều biết tất cả sự thật và họ đã có quyết định của riêng mình. Tiến trình tố tụng sẽ chẳng thể thay đổi điều gì”, Kurt Zuhlke, chủ doanh nghiệp 64 tuổi ở Hạt Northampton, Pennsylvania cho hay.
(Nguồn: Reuters)
SONG HY
Theo vtc.vn
Ông Bill Clinton đưa lời khuyên Tổng thống Trump đối phó điều tra luận tội
Cựu Tổng thống Bill Clinton, người từng bị luận tội, nhắn nhủ ông Trump tập trung phụng sự dân Mỹ, để nhân viên lo chuyện đối phó với cuộc điều tra luận tội.
"Tôi sẽ nói, tôi có luật sư và nhân viên xử lý cuộc điều tra luận tội này, và họ nên dồn sức cho nó. Trong khi đó, tôi sẽ làm việc phụng sự người Mỹ. Đó là những gì tôi sẽ làm", ông Clinton nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNN hôm 14/11.
Cựu Tổng thống Bill Clinton. (Ảnh: AP)
Đây là lần đầu tiên ông Clinton đưa ra bình luận liên quan tới cuộc điều tra luận tội đang hâm nóng chính trường Mỹ.
Lời nhắn nhủ được vị cựu Tổng thống Mỹ đưa ra 1 ngày sau phiên điều trần luận tội Tổng thống Trump công khai đầu tiên của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, thay vì kỳ vọng, phiên điều trần hôm 13/11 không có gì mới mẻ ngoài tiết lộ về cuộc điện thoại giữa Tổng thống Trump và Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland. Dù vậy, tiết lộ này không đủ để thay đổi quan điểm của nhiều người Mỹ về cáo buộc lạm quyền mà đảng Dân chủ gắn cho ông Trump.
Trước Tổng thống Trump, ông Clinton là nhà lãnh đạo Mỹ gần nhất vướng vào một cuộc điều tra luận tội. Ông bị luận tội ở Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát năm 1998 nhưng được tha bổng trong phiên xét xử ở Thượng viện.
(Nguồn: Sputnik)
SONG HY
Theo vtc.vn
Người Mỹ có hứng thú xem điều trần luận tội Tổng thống Trump qua truyền hình? Phiên điều trần luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hạ viện ngày đầu thu hút khoảng 13,8 triệu khán giả xem truyền hình. Theo thống kê từ công ty cung cấp dữ liệu Nielsen, khoảng 13,8 triệu người theo dõi phiên lấy lời khai công khai đầu tiên trong cuộc điều tra luận tội ông Trump trên các kênh truyền hình...