Điều tra tội ác chiến tranh tại Palestine
Tòa án Hình sự quốc tế mở cuộc điều tra sơ bộ về các cáo buộc tội ác chiến tranh tại Palestine bất chấp sự phản đối từ Mỹ và Israel.
Những tòa nhà đổ nát vì bom đạn trong cuộc xung đột ở Dải Gaza vào năm ngoái – Ảnh: AFP
Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, các công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cho biết sẽ điều tra “hoàn toàn độc lập và không thiên vị” về những tội ác có thể xảy ra tại Palestine liên quan tới cuộc xung đột ở Dải Gaza hồi mùa hè năm ngoái. Hơn 2.100 người Palestine và 73 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 7 tuần từ tháng 7 – 8.2014. Theo Reuters, các công tố viên ICC sẽ đánh giá bằng chứng về các cáo buộc tội ác chiến tranh và xác định xem liệu chúng có đủ mạnh để đảm bảo những cáo buộc nhằm vào các cá nhân ở Israel hoặc Palestine hay không. Phía Palestine cho rằng Israel đã phạm tội ác chiến tranh khi tiến hành các cuộc không kích và xâm lược Gaza. Tel Aviv thì khẳng định chính người Palestine đã phạm tội ác chiến tranh, bao gồm các vụ phóng rốc két vào Israel.
Video đang HOT
Động thái của ICC được thực hiện sau khi Palestine chính thức nộp đơn gia nhập ICC vào đầu tháng này. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon xác nhận Palestine sẽ chính thức là thành viên ICC vào ngày 1.4 tới. Điều này đồng nghĩa với việc Palestine có thể đệ đơn lên ICC kiện Israel phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người. Tuy nhiên, việc trở thành thành viên ICC cũng mở ra khả năng nhiều người Palestine bị truy tố.
Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Malki đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của ICC, theo AFP. “Mọi thứ đều theo đúng kế hoạch, không nhà nước hoặc bất cứ ai hiện có thể cản trở hoạt động chúng tôi yêu cầu. Một cuộc điều tra toàn diện sẽ được thực hiện sau cuộc điều tra sơ bộ này”, ông al-Malki hoan hỉ nói.
Trong khi đó, Mỹ và Israel đã nhanh chóng phản đối mạnh mẽ. Washington lập luận Palestine không phải là nhà nước và do đó không đủ điều kiện gia nhập ICC. “Chúng tôi phản đối kịch liệt hành động của các công tố viên ICC. Nơi giải quyết mọi bất đồng giữa các bên là thông qua đàm phán trực tiếp chứ không phải hành động đơn phương của mỗi bên”, Reuters dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì gọi cuộc điều tra của ICC là “đáng hổ thẹn”, theo AFP. “Israel hoàn toàn bác bỏ tuyên bố của công tố viên ICC về việc mở một cuộc điều tra sơ bộ theo yêu cầu thái quá của chính quyền Palestine. Chính quyền Palestine không phải là quốc gia và cũng theo luật của ICC thì tòa không thể mở cuộc điều tra như vậy”, ông Netanyahu phản ứng đầy giận dữ. Còn Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố mục đích duy nhất của cuộc điều tra sơ bộ là “tìm cách làm tổn hại quyền tự vệ trước khủng bố của Israel”, đồng thời gọi quyết định của ICC chỉ mang động cơ chính trị chống Israel.
Châu Yên
Theo Thanhnien
Lý giải chuyện khó hiểu
Ngay sau khi bị HĐBA LHQ bác dự thảo nghị quyết đòi Israel chấm dứt chiếm đóng trái phép những khu vực lãnh thổ của người Palestine trong vòng 3 năm tới, chính quyền Palestine đã chính thức tham gia Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) của LHQ.
Người dân Palestine tung cờ trong một cuộc biểu tình - Ảnh: Reuters
Việc Palestine tham gia ICC là điều đã được dự đoán trước vì Palestine có thể làm việc ấy vào bất cứ khi nào sau khi đã được LHQ nâng quy chế và tư cách pháp lý. Nhưng việc Palestine quyết tâm đưa ra dự thảo nghị quyết nói trên vào thời điểm cơ cấu thành phần HĐBA LHQ bất lợi cho Palestine lại gây khó hiểu vì như thế đâu khác gì biết trước sẽ thất bại mà vẫn cố làm và cuối cùng thì cũng sẽ bị Mỹ phủ quyết.
Sự thay đổi thái độ ở phút cuối của Nigeria khiến dự thảo chỉ giành được 8 phiếu thuận trong khi phải cần 9 phiếu thuận trong số 15 thành viên của hội đồng. Chỉ cần đợi đến sau ngày 1.1, Úc là nước chống dự thảo nghị quyết hoặc Hàn Quốc, Rwanda và Nigeria là những thành viên bỏ phiếu trắng sẽ bị thay thế bằng những nước ủng hộ Palestine như Malaysia, Venezuela hay New Zealand. Khi đó, dự thảo nghị quyết có thể dễ dàng được thông qua, trừ khi bị Mỹ phủ quyết.
Cho nên thiên hạ mới nghiêng về lời giải thích rằng Palestine chủ ý chấp nhận thất bại ấy để tạo thuận lợi cho những bước đi tiếp theo. Làm như thế sẽ giúp Mỹ giữ được thể diện trong HĐBA LHQ và không phải quyết định ngừng viện trợ tài chính bởi những bước đi đơn phương của Palestine. Làm như thế, chính quyền Palestine vừa trang trải được áp lực từ nội bộ, tiếp tục tranh thủ được Hamas và có cớ để tham gia vào ICC, không đạt được cái này thì lại giành được cái khác.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
HĐBA không thông qua dự thảo nghị quyết của Palestine Hội đồng Bảo An LHQ hôm qua đã không thông qua dự thảo nghị quyết của Palestine về việc hối thúc Israel từ nay đến năm 2017 phải chấm dứt việc chiếm giữ phần đất của người Palestine. Bản dự thảo nghị quyết chỉ nhận được tám phiếu thuận. Mỹ và Australia bỏ phiếu chống, năm ủy viên Hội đồng Bảo an Liên...