Điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khắt khe, chặt chẽ hơn
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không chỉ tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài mà cách thức điều tra cũng mới hơn, tiêu chuẩn điều tra có xu hướng chặt chẽ, khắt khe hơn.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 21/12, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp điều tra và biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tăng lên. Cứ 5 năm 1 lần, số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ.
“Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Không chỉ tăng về số lượng, những biện pháp mới như lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng đang được nhiều thị trường nhập khẩu sử dụng, bên cạnh các biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ”, ông Chu Thắng Trung cho biết.
Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam phải đối diện với 16 vụ việc, trong đó đã có một số vụ việc liên quan đến việc điều tra lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Điển hình là Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, đang tăng cường áp dụng biện pháp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, để mở rộng phạm vi áp dụng với nhiều nước khác, không chỉ với những nước đối tượng ban đầu.
Đặc biệt, ông Chu Thắng Trung lưu ý là ngay cả những thị trường ở gần và những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, cũng đang tăng cường điều tra phòng vệ thương mại. Điều mà trước đây chỉ nhìn thấy ở những thị trường như Hoa Kỳ, hay mức độ thấp hơn là Ấn Độ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, EU…
“Một số quốc gia ở ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines… hoặc là thậm chí một số quốc gia mà chúng ta vừa mới có hiệp định FTA như Mexico đã có những vụ việc điều tra phòng vệ ban đầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tức ngay cả những thị trường mang đến những cơ hội rất thuận lợi để phát triển hoạt động xuất khẩu”, ông Trung nói.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, hiện tiêu chuẩn điều tra, các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài đối với các doanh nghiệp cũng có xu hướng chặt chẽ hơn, khắt khe hơn. Vì vậy để đảm bảo lợi ích tốt nhất, doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn để có thể đáp ứng được những yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Ở một khía cạnh khác, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho rằng việc gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam cũng là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài và có thể tạo ra một sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của họ.
“Với sức ép cạnh tranh đó, không có một giải pháp nào khác là ngành sản xuất của nước nhập khẩu phải tìm đến công cụ phòng vệ thương mại. Đây là những công cụ được Tổ chức thương mại thế giới và các cam kết quốc tế cho phép các nước áp dụng để nâng mức thuế nhập khẩu lên một mức độ nhất định mà không vi phạm các cam kết đã có”, ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh.
TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, năm 2021, Việt Nam nằm trong Top 2 về xuất khẩu xi măng trên thế giới. Trong đó Philippines và Trung Quốc, Bangladesh là ba thị trường Việt Nam xuất khẩu xi măng nhiều nhất. Hiện xi măng Việt Nam chiếm khoảng 92% tổng lượng xi măng nhập khẩu vào Philippines. Đó là lý do các nhà sản xuất xi măng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá, gây thiệt hại sản xuất của họ.
Nhưng, theo ông Long, nếu như Philippines áp dụng thuế chống bán phá giá thì có khả năng có những doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế lên đến 23%, tức là thiệt hại rất lớn cho xuất khẩu. Do vậy, hệ thống cảnh báo sớm tiếp tục được Cục Phòng vệ thương mại duy trì để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về nguy cơ điều tra, giúp doanh nghiệp có chiến lược cụ thể để ứng phó.
Để hạn chế những rủi ro không cần thiết trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại, không e ngại, né tránh; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết vụ việc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lưu ý về truy xuất nguồn gốc, cạnh tranh về giá cả và đặc biệt cần thận trọng với hàng hóa chuyển tải, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước thứ ba.
Chủ động tránh thiệt hại từ điều tra phòng vệ thương mại
Trước bối cảnh các mặt hàng liên tiếp bị các nước khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại như gỗ, thép, thủy sản... các chuyên gia thương mại khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương cập nhật định kỳ để xây dựng kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu phù hợp.
Sản xuất tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Thép Hòa Phát xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Australia, Mỹ...Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tiềm năng với ngành gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, việc xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng gỗ Việt Nam phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ chính thị trường này.
Mới đây nhất, Liên minh tủ bếp Hoa Kỳ đại diện cho một số doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ (tủ bếp và tủ nhà tắm) của Hoa Kỳ đã nộp đơn tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đề nghị xem xét phạm vi sản phẩm và điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia.
Thống kê từ năm 2019 đến nay, việc bị điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ diễn ra liên tiếp như Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá với gỗ dán, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF và Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán.
Theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), trong năm 2021, giá trị xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
Giai đoạn 2019-2021, sau khi Hoa Kỳ áp thuế với Trung Quốc, nhập khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm 54% (từ 2,5 xuống còn 1,6 tỷ USD), trong khi đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lại tăng tới hơn 130% (từ 1,37 lên 2,7 tỷ USD).
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu về khả năng các thị trường khởi xướng điều tra. Đồng thời tăng cường quản lý, siết chặt chứng nhận xuất xứ, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của một số doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận.
Ngoài ra, để chủ động phòng tránh khả năng lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 về việc tạm dừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ.
Mới đây, DOC thông báo về nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ (tủ bếp và tủ nhà tắm) nhập khẩu từ Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại đã nhanh chóng có thông báo gửi tới Hiệp hội Gỗ và Lâm sản để thông tin cho các doanh nghiệp thành viên và các hiệp hội liên quan có hoạt động kinh doanh, sản xuất tủ gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ chuẩn bị ứng phó với vụ việc.
Tiếp đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tổ chức Hội thảo về việc Hoa Kỳ xem xét điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhận định từ Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Hoa Kỳ luôn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng số các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài.
Mặc dù nhận thức và khả năng ứng phó với các vụ việc của ngành hàng xuất khẩu Việt Nam đã được cải thiện, nhất là việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ điều tra.
Thế nhưng, trong vụ việc đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ để ứng phó với nguy cơ bị điều tra, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp cần nắm rõ quy định điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ cũng như cách thức truy cập Cổng thông tin điện tử của Bộ Thương mại Hoa Kỳ để cập nhật các diễn biến của vụ việc và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tủ gỗ chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, nghiên cứu, nắm chắc các quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế cũng như cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong trường hợp vụ việc điều tra được khởi xướng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến của vụ việc và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu bị áp dụng phòng vệ thương mại Ngày 16/12, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam ghi nhận có 224 vụ bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, các đơn vị, ban ngành đã phối hợp để tháo gỡ khó khăn khi hàng xuất khẩu bị áp dụng...