Điều tra nhiều sự cố hàng không
Mọi chỉ số an toàn hàng không đều tốt hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng rất đáng lưu ý là nguyên nhân xảy ra sự cố chủ yếu do lỗi của con người.
Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy 8 tháng đầu năm, hoạt động hàng không ghi nhận tổng cộng 54 sự cố được báo cáo, giảm so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, điển hình là các vụ máy bay trục trặc kỹ thuật nhưng vẫn cất cánh, phi công điều khiển máy bay theo huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu (KSVKL) dẫn đường cho một máy bay khác…
Không đủ điều kiện vẫn cất cánh
Trong 6 sự cố nhóm C (uy hiếp an toàn bay ở mức cao) thuộc loại được nhà chức trách hàng không lập tổ công tác điều tra thì có đến 2 vụ máy bay không đủ điều kiện cất cánh. Đó là chuyến bay VN227 của Vietnam Airlines (VNA) từ Hà Nội đi TP HCM ngày 5-2 đang trong hành trình thì xảy ra hiện tượng cảnh báo giảm áp suất buồng kín. Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân do khi tiếp nhận máy bay, tổ lái không đánh giá đúng tình trạng hỏng hóc hiện tại nên vẫn thực hiện chuyến bay với hệ thống điều áp không hoạt động.
Vụ thứ 2 xảy ra ngày 23-8 đối với chuyến bay VN1262 từ TP HCM đi TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong quá trình kéo đẩy, bộ phận kỹ thuật không bố trí đủ nhân sự cảnh giới nên máy bay bị kéo đi quá xa, va vào cột điện gây rách ở vị trí thăng bằng đuôi. Với tình trạng kỹ thuật như vậy, máy bay không đủ điều kiện cất cánh nhưng sự cố đã không được phát hiện nên chuyến bay vẫn khởi hành với tình trạng máy bay hỏng một trong những hệ thống bánh lái chính. Cục Hàng không Việt Nam đang chuẩn bị công bố kết luận điều tra sự cố này.
Video đang HOT
Khu vực đỗ của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Ảnh: Hoàng Triều
Theo quy định, cả 2 phi công trên buồng lái đều phải trực tiếp nghe huấn lệnh của KSVKL, sau đó lái phụ nhắc lại và giám sát lái chính thực hiện theo huấn lệnh. Thế nhưng, ngày 29-4, tại phân khu 3 của Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội), tổ lái chuyến bay VJ 529 của hãng hàng không Vietjet (VJ) đã canh nghe huấn lệnh kiểm soát không lưu không tốt nên đã thực hiện theo huấn lệnh được cấp cho chuyến bay VN7177 của VNA. KSVKL cũng không phát hiện sự nhầm lẫn này dẫn đến sự cố vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu xảy ra giữa 2 chuyến bay VJ 529 và VN7177.
Lơ đãng trong công việc
Trong khi đó, các sự cố va chạm dưới sân bay cũng xảy ra tương đối nhiều. Đáng lưu ý nhất là tại sân bay quốc tế Nội Bài, siêu máy bay Boeing 787-9 của VNA hôm 4-7 hỏng cửa trước và cấu trúc xung quanh do một thợ máy tự ra lệnh cho tài xế xe kéo/đẩy thực hiện kéo máy bay ra khỏi vị trí đỗ trong khi xe thang vẫn còn cập vào ống lồng. Hậu quả là cả siêu máy bay và ống lồng đều hư hỏng, phải mất hơn 20 ngày sau mới khắc phục xong.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đánh giá mọi chỉ số trong bộ chỉ số an toàn quốc gia về hàng không đều tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, rất đáng lưu ý là nguyên nhân xảy ra sự cố chủ yếu do lỗi của con người. Sau mỗi sự cố, cơ quan quản lý đều có chỉ thị, khuyến cáo các đơn vị, đình chỉ người vi phạm, yêu cầu huấn luyện đào tạo lại và có kết quả báo cáo về việc khắc phục sự cố mới được khôi phục vị trí công tác hoặc hoạt động đó. Thế nhưng, đây mới chỉ là làm tốt công tác đánh giá rủi ro bị động, tức là để xảy ra rồi mới tìm nguyên nhân, chấn chỉnh và khắc phục, còn các biện pháp đánh giá rủi ro chủ động vẫn chưa thực hiện tốt.
Cần chấn chỉnh cả hệ thống “Hoạt động hàng không có 2 hệ thống bảo đảm an toàn, bao gồm hệ thống quản lý an toàn (SMS) và hệ thống quản lý chất lượng (NQA). Thực hiện theo SMS sẽ giúp cho các đơn vị nhận diện được những điểm yếu mà nếu không chấn chỉnh sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố. Sau các sự vụ xảy ra, cần phải chấn chỉnh cả hệ thống chứ không chỉ dừng lại ở việc phạt hoặc đình chỉ hoạt động của các cá nhân vi phạm” – ông Lại Xuân Thanh nói.
Theo Tô Hà (Người lao động)
Suýt chết vì vật thể nghi là phân từ máy bay rơi trúng người
Một vật thể được cho là khối phân và nước tiểu đã đóng băng từ máy bay rơi trúng một phụ nữ Ấn Độ khiến bà bị thương ở vai.
Dân làng cầm vật thể được cho phân và nước tiểu đóng băng rơi từ máy bay. Ảnh:Times of India
Metro hôm qua đưa tin sự cố xảy ra ở bang Madhya Pradesh từ hôm 17/12, khi bà Rajrani Gaud, 60 tuổi, đang đi bộ.
Người phụ nữ đã gặp may do "bom phân" rơi xuống mái nhà gần đó trước khi va vào người. Kích cỡ của chất thải lớn bằng một quả bóng và có thể gây chết người. Nó được tin là xuất phát từ một máy bay bay ngang qua khu vực này.
"Tôi chỉ đứng cách nơi nó lao xuống 25 feet (7,6 m). Trẻ em và dân làng đã chứng kiến vụ việc và hét lên", Deepak Jain, một giáo viên kể. "Chúng tôi chạy về phía nhà bà Rajrani và đưa bà ấy đến bệnh viện. Mảnh băng đã va vào mái nhà trước. Nếu không, nó đã đâm vỡ sọ bà ấy".
Nếu vật thể trên được xác nhận là chất thải đóng băng từ máy bay, vụ việc sẽ được xếp vào sự cố hàng không và nạn nhân sẽ được bồi thường theo luật.
Times of India dẫn lời một chuyên gia hàng không cho hay chất thải bị rò rỉ khỏi nhà vệ sinh trên máy bay ở dạng lỏng nhưng đóng băng vì gặp nhiệt độ thấp bên ngoài trời. Tuy nhiên, xác suất nó rơi xuống mặt đất là rất thấp, dù không phải là không xảy ra.
Tháng 10 năm ngoái, phân và nước tiểu đóng băng từ một chiếc máy bay chở khách rơi xuyên qua mái nhà của một cặp vợ chồng ở Anh từ độ cao 9.000 m.
Anh Ngọc
Theo VNE