Điều tra làm rõ lô hàng loa thùng nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam
Hàng trăm chiếc loa thùng di động nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm lại thể hiện xuất xứ Việt Nam. Cơ quan Hải quan đang làm rõ nghi vấn việc sản xuất hàng giả nhãn hiệu này.
600 chiếc loa thùng NK giả nhãn hiệu Việt Nam
600 chiếc loa Trung Quốc “Made in Vietnam”
Lô hàng nêu trên thuộc tờ khai hải quan số 102111205230/A11 ngày 12/7/2018 do Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện. Ngày 12/7/2018, Công ty TNHH XNK Trần Vượng mở tờ khai hải quan, khai báo nhập khẩu mặt hàng loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh 35, không nhãn hiệu; hàng mới 100%. Lô hàng gồm 601 chiếc, xuất xứ Trung Quốc, trị giá hơn 10.000 USD. Thực tế kiểm tra lô hàng, cơ quan Hải quan phát hiện gồm 601 chiếc loa thùng được đóng gói mỗi chiếc một hộp. Điều đáng nói, lô hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc, DN cũng khai hàng có xuất xứ China, nhưng trên toàn bộ sản phẩm đều thể hiện hàng có xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam).
Cụ thể, kiểm tra từng sản phẩm, cơ quan Hải quan phát hiện trên thùng carton đựng loa và micro ghi tiếng Việt Nam, nội dung: “Loa NANOMAX; Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng, trụ sở: 83/5 Thoại Ngọc Hầu – P.Hòa Thạnh – Q.Tân Phú – TP.Hồ Chí Minh; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số: VN4-0082480; Made in Vietnam”. Trên loa thùng thể hiện: Nhãn hiệu NANOMAX, Model: SK-15A2, công suất 300W. Như vậy, riêng với lô hàng bị phát hiện tại cảng Cát Lái sai khai báo về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa (làm giả xuất xứ Việt Nam).
Được biết, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trần Vượng mới được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 12/2/2018 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0314889608 do ông Trần Thanh Tùng làm Giám đốc và đại diện pháp luật.
Kể từ khi thành lập, đi vào hoạt động đến 7/2018, Công ty Trần Vượng đã mở 8 tờ khai nhập khẩu các mặt hàng như loa thùng kéo, linh kiện điện tử từ Trung Quốc. Trong đó có 4 tờ khai đều khai báo cùng một tên hàng là loa thùng và có cùng đối tác xuất khẩu là GUANGZHOU SANSKRIT TRADING COMPANY LIMITED; địa chỉ: ROOM 404, #110 XIWAN ROAD, LIWANDISTRICT – GUANGZHOU – CHINA.
Trong văn bản gửi cho cơ quan Hải quan ông Trần Thanh Tùng cho rằng, giữa tháng 5/2018, ông này có gặp và quen với một người đàn ông Trung Quốc, giới thiệu về sản phẩm loa kéo của công ty do người này phụ trách. Thấy giá cả hợp lý, nên đã hợp tác mua loại loa này về Việt Nam bán. Từ tháng 6/2018 đến 5/7/2018, Công ty TNHH XNK Trần Vượng đã làm thủ tục nhập khẩu 3 lô hàng loa thùng dạng kéo, không nhãn hiệu về Việt Nam tiêu thụ. Tất cả 3 lô hàng trên đã bán ra thị trường Việt Nam, hàng hóa ít xảy ra lỗi của nhà sản xuất nên tiếp tục nhập khẩu lô hàng thứ 4 (!?).
Trên thị trường, giá bán mặt hàng loa thùng kéo kết hợp âm ly hiệu NANOMAX tương tự như mặt hàng loa thuộc tờ khai hải quan số 102111205230/A11 do Công ty Trần Vượng nhập khẩu 6.600.000 đồng/chiếc. Như vậy, trị giá lô hàng khoảng gần 4 tỷ đồng.
Sản xuất hàng giả?
Video đang HOT
Lý do khai báo sai về nhãn hiệu và xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Tùng cho rằng trước đó Công ty TNHH XNK Trần Vượng ký Hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu (không số, không ghi ngày, tháng, năm) với Công ty Cổ phần xây dựng điện tử Sơn Tùng. Công ty Trần Vượng chỉ nhập ủy thác theo hợp đồng nêu trên. Việc đặt hàng và in ấn bao bì do Công ty Cổ phần xây dựng điện tử Sơn Tùng đề nghị, Công ty Trần Vượng đã biết về các nội dung in ấn này trước khi nhập khẩu. Công ty hiểu lầm đó là nhãn phụ ghi trên sản phẩm.
Tuy nhiên, vài ngày sau ông Tùng xin rút lại hợp đồng ủy thác đã cung cấp cho Đội 3 với lý do: Công ty Trần Vượng nhập lô hàng thuộc tờ khai số 102111205230/A11 ngày 12/7/2018 với mục đích nhập kinh doanh loa chưa thành phẩm và dự kiến bán lại cho Công ty Cổ phần xây dựng điện tử Sơn Tùng nhưng do cung cấp nhầm Hợp đồng ủy thác trước đó ký với Công ty Sơn Tùng. Thực sự đây là lô hàng Công ty Trần Vượng nhập kinh doanh, không phải nhập ủy thác!. Lô hàng này do phía doanh nghiệp Trung Quốc gửi nhầm, bên bán hàng đã có thư gửi cho doanh nghiệp thông báo việc gửi nhầm hàng và đề nghị nhận lại lô hàng đã gửi nhầm nêu trên!
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng cho biết, công ty không nhập khẩu mặt hàng điện tử thành phẩm (loa kéo, loa, âm ly) nào từ nước ngoài. Đối với mặt hàng loa thùng kéo kết hợp âm ly hiệu NANOMAX, Công ty Sơn Tùng sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam. Công ty Sơn Tùng đã đăng ký bảo hộ thương hiệu này tại Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82480.
Đại diện Công ty Sơn Tùng tiết lộ, công ty này đặt mua lô hàng loa di động của Công ty Trần Vượng và đề nghị Công ty Trần Vượng dán nhãn hiệu NANOMAX theo mẫu. Nhưng do Công ty Trần Vượng đã không hiểu hoặc nhầm lẫn nên đặt in trên bao bì chữ Made in Vietnam ngay từ Trung Quốc thay vì ghi Made in China (!?). Đại diện Công ty Sơn Tùng cũng xác nhận có ký Hợp đồng ủy thác cho Công ty Trần Vượng nhập khẩu lô hàng loa thuộc tờ khai hải quan số 102111205230/A11 ngày 12/7/2018. Do khi nhập khẩu lô hàng này, Công ty Trần Vượng thiếu các giấy tờ liên quan để bổ sung hồ sơ hải quan. Vì vậy, ông Tùng đề nghị Công ty Sơn Tùng ký Hợp đồng ủy thác nêu trên và Công ty Sơn Tùng đã đồng ý ký Hợp đồng này để bổ sung hồ sơ cho lô hàng nhập khẩu của ông Công ty Trần Vượng!
Theo lãnh đạo Đội 3, hành vi nhập khẩu loa kéo hiệu NANOMAX giả nhãn hiệu và xuất xứ Việt Nam của Công ty Sơn Tùng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam. Cụ thể, hành vi này vi phạm quy định tại Điều 192 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Vụ việc đang được cơ quan Hải quan làm rõ.
Lê Thu
Theo baohaiquan
Vụ 2 công ty nhập phế liệu trái phép: Hải quan phát hiện như thế nào?
Tổng cục Hải quan vừa có thông tin chính thức liên quan đến vi phạm trong vụ việc nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) sản xuất bao bì Trường Thịnh và Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt.
Theo Tổng cục Hải quan, qua công tác quản lý nhà nước về hải quan và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã trực tiếp phát hiện hai doanh nghiệp trên có hành vi làm giả, sử dụng chứng từ giả (Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan; Giấy xác nhận ký quỹ) để nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam qua các cửa khẩu tại TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh An Giang.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, những giấy tờ trên bắt buộc doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục hải quan, thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017);
Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự, ngày 28/8/2018, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành các Quyết định số 15/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 16/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại DNTN sản xuất bao bì Trường Thịnh và Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt.
Cục Điều tra chống buôn lậu cũng ban hành Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL và 02/QĐ-ĐTCBL Quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án nêu trên đến Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an để thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.
Sau khi Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) khởi tố vụ án; Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng có liên quan. Do vụ án đang trong giai đoạn điều tra, Tổng cục Hải quan chỉ cung cấp được một số thông tin bước đầu cho các cơ quan báo chí.
Lô hàng phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu bị phát hiện tại cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa
Vẫn cấp phép nhập khẩu phế liệu nhưng yêu cầu kiểm soát chặt
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 vừa qua, trả lời báo chí liên quan tới kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường có phát hiện tình gian lận trong cấp phép nhập khẩu cho các doanh nghiệp và cấp phép cho các lô hàng nhập khẩu có sai phạm nào không?, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể: Rất nhiều container do doanh nghiệp có nhu cầu nhập về sản xuất giấy, thép là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại, các cơ quan hải quan của Bộ Tài chính báo cáo không hẳn tất cả container có chủ, nhiều lô hàng container vô chủ.
Ngay cả vấn đề giám định thư, giấy phép nhập khẩu, vấn đề chủ lô hàng, vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra để đánh giá như thế nào là lô hàng phế liệu thì Bộ Tài nguyên và Môi trường không có công bố, chỉ là một văn bản hướng dẫn, không đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn.
"Trong quản lý của Nhà nước, cần xem xét lại", ông Dũng nêu rõ. Do đó, Thủ tướng có kết luận giao cho Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và Bộ Công an, TPHCM, TP. Hải Phòng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh có liên quan đến cảng biển, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thanh tra toàn bộ kết quả liên quan đến các lô hàng container nhập khẩu vào Việt Nam. Từ đó, đánh giá chính xác để báo cáo Chính phủ và có phương án giải quyết, xử lý vấn đề này.
Thủ tướng chỉ đạo xem xét rà kỹ lại, đặc biệt là việc lợi dụng cấp phép, lợi dụng danh nghĩa công ty để nhập khẩu, có sự mua bán, thương mại hóa trong vấn đề này hay không.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu phế liệu giấy, sắt thép thì tiếp tục được Nhà nước cho phép và cấp giấy phép nhập khẩu để duy trì hoạt động bình thường. Còn tất cả những việc khác yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, lết quả thanh tra và báo cáo cụ thể từng vấn đề thì hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra, chưa báo cáo. Đồng thời Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công an tiến hành xem xét điều tra tổng thể vấn đề này.
"Có thể nói đây là vấn đề rất được Thủ tướng và Thường trực Chính phủ quan tâm, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đồng thời cũng giao cho Bộ Công an xem xét báo cáo Thủ tướng để khách quan hơn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Từ những sốt ruột, bức xúc như vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ngày 27/8 tiếp tục họp xem xét, đôn đốc các bộ thực hiện công văn 281 ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ khi kết luận tại cuộc họp Chính phủ xem tiến độ thế nào. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ khẩn trương, tiến hành sớm và báo cáo xử lý ngăn chặn ngay vấn đề này.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp, trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu phế liệu nhựa, giấy và sắt thép là khoảng 4,6 triệu tấn. Tới năm 2017, lượng hàng hóa trên nhập khẩu đã lên hơn 6,5 triệu tấn.
Tính đến ngày 25/7/2018, tại cảng Cát Lái- Tp.HCM có tới 3.579 container tồn đọng. Trong đó, có 594 container tồn từ 30-90 ngày. Đặc biệt, hiện có tới 2.423 container tồn quá 90 ngày.
Tại cảng Hải Phòng, tính đến 1/8/2018, có 1.000 container phế liệu tồn đọng (quá hạn làm thủ tục 90 ngày).
Liên quan tới công tác quản lý phế liệu nhập khẩu, ngày 30/8/2018, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 03/8/2018, Tổng cục Hải quan đã cử đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng về các nội dung: tình hình triển khai Công văn 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về quản lý phế liệu nhập khẩu; kiểm tra việc khai báo, phân tích manifest, thực hiện thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải...; kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan trực tiếp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu đang thực hiện thủ tục nhập khẩu các lô hàng là phế liệu như giám sát, kiểm tra, lấy mẫu, chụp ảnh, niêm phong, lập biên bản lấy mẫu, phiếu ghi kết quả thực tế...;
Tổng cục Hải quan đã đồng thời cập nhật lên trang Cổng thông tin điện tử danh sách 151 doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực để hải quan địa phương biết, tra cứu khi làm thủ tục hải quan.
Tiến Vinh
Theo vnmedia
TPHCM: Triệt phá đường dây vận chuyển 57 kg cần sa từ Mỹ về Việt Nam Ngày 26.8, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) cho biết đã triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy từ Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Từ đầu năm đến nay, nhóm đối tượng này đã vận chuyển 57kg ma tuý từ Mỹ về Việt...