Điều tra: Đường dây mua bán thận ở TP.HCM – Bài 3: Ông “trùm” không lộ mặt
Nhóm này ra giá 1,3 tỉ đồng nếu muốn mua thận và khẳng định sẽ lo mọi thủ tục, không bị ai phát hiện.
Để tìm hiểu đường dây mua bán tạng người này lấy bao nhiêu tiền của người có nhu cầu ghép thận, chúng tôi đã liên lạc với Bùi Tiến Lực (người cầm đầu), thông báo rằng “cần mua”.
“Cò” Hải hướng dẫn người mua thận các thủ tục xét nghiệm chuyên sâu để tìm người mua thận phù hợp. Ảnh: TRẦN NGỌC
Điều hành đường dây từ xa
Qua điện thoại, khi chúng tôi bày tỏ cần ghép thận, Lực căn vặn: “Vì sao biết số điện thoại; tên tuổi của người cho số…”. Qua bài test ban đầu, Lực hỏi quê quán, nhà cửa và cho biết chỉ giao dịch mua bán thận khi có người quen giới thiệu.
Sau khi hỏi sâu về bệnh tình thì Lực thăm dò về địa chỉ khám bệnh, tên của bác sĩ chỉ định ghép thận… và nói: “Bác sĩ đã chỉ định thì anh đủ điều kiện để ghép thận rồi. Tôi sẽ giúp anh”.
Lực cho biết đang ở Hà Nội nên mọi việc ở TP.HCM giao cho một người em hướng dẫn. “Tất cả giao dịch mua bán thận và tiền nong do tôi giải quyết, còn đứa em chỉ dẫn từng công đoạn cũng như đưa đi xét nghiệm” – Lực nói và yêu cầu chúng tôi kết bạn qua Zalo để trao đổi các bước tiếp theo.
“Tôi xử lý nhiều ca rồi, sẽ xử lý được mọi thủ tục, giấy tờ. Hải sẽ liên hệ để hướng dẫn những bước tiếp theo…” – Lực nhắn tin cho chúng tôi.
Hơn 5 tiếng sau, Lực nhắn tin yêu cầu chúng tôi gửi kết quả xét nghiệm qua Zalo. Lực hướng dẫn chúng tôi đi xét nghiệm nhóm máu và các bệnh truyền nhiễm… “Mọi thứ ok thì báo tôi để sắp xếp làm HLA (xét nghiệm phát hiện kháng nguyên kháng bạch cầu người trong máu – PV) và kháng thể. Xong xuôi, tôi tìm người phù hợp và tiến hành làm (ghép thận – PV) luôn, trong tối sẽ có đứa em liên hệ dẫn đi xét nghiệm” – Lực nói tiếp.
Về khoản phí, Lực thông báo nếu thực hiện ghép thận tại Bệnh viện (BV) C ở TP.HCM thì có giá trọn gói là 1,3 tỉ đồng và kéo dài trong sáu tháng. Còn nếu ghép thận ở các BV phía bắc như BV Việt Đức, BV Quân y 103, BV Trung ương Quân đội 108 thì có giá 1,5 tỉ đồng và kéo dài trong hai tháng.
Lực cho biết thêm người bán thận tầm 30 tuổi, khỏe mạnh. “Tôi xử lý nhiều ca rồi, sẽ xử lý được mọi thủ tục, giấy tờ… Hải sẽ liên hệ để hướng dẫn những bước tiếp theo, số điện thoại của Hải là 096541182…” – Lực nhắn tin cho chúng tôi.
Nhóm “cò” “nuôi” PV và những người chờ bán thận trong căn hộ ở huyện Bình Chánh. Ảnh: MINH HẬU
Công an bắt giữ ba đối tượng trong đường dây mua bán thận
Ngày 10-10, một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Công an TP.HCM đã bắt giữ Bùi Tiến Lực, Trần Văn Phong và một người tên Hải để điều tra về hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Ba người bị bắt là những thành viên trong đường dây mua bán thận mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong tuyến bài điều tra.
Video đang HOT
Đây là động thái quyết liệt của Công an TP.HCM ngay sau khi báo khởi đăng loạt bài điều tra “Thâm nhập đường dây mua bán thận ở TP.HCM”.
Theo điều tra của chúng tôi, Lực và Phong là hai người điều hành đường dây mua bán thận; Hải là người giúp sức, trực tiếp đưa người có nhu cầu bán thận đi xét nghiệm, bố trí chỗ ăn ở để chờ ngày cắt thận.
Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc này.
“Sẽ không ai phát hiện mua bán thận!?”
Sau đó Hải gọi điện thoại yêu cầu chúng tôi mang theo CCCD và 12 triệu đồng đến một trung tâm dịch vụ di truyền trên đường Ba Vì (phường 15, quận 10) để lấy máu xét nghiệm HLA và kháng thể.
Hải giải thích đây là chi phí làm xét nghiệm, không nằm trong gói 1,3 tỉ đồng phải mua thận. “Khoản chi phí này anh bỏ ra, còn khi nào vào BV khám thì mới tính vào phí trọn gói kia. Về vấn đề tiền bạc, anh bàn riêng với anh Lực” – Hải nhắn và nói thêm khi có kết quả xét nghiệm mới cho hai bên mua và bán gặp nhau.
Sáng 21-9, Hải dẫn chúng tôi đến xét nghiệm và yêu cầu hoàn thành các thủ tục xét nghiệm, sau đó nhân viên y tế đã tiến hành lấy mẫu máu của chúng tôi.
Chiều 23-9, tại một quán ăn ở quận 3, Hải cho biết đã có người bán thận và yêu cầu chúng tôi hoàn thành các thủ tục còn lại để Hải thu xếp cho gặp mặt người bán. Riêng về hồ sơ lý lịch và thủ tục thân nhân, phía Hải sẽ làm hết.
“Về giấy tờ, Lực có nhiều mối quan hệ nên tất cả đều trót lọt. Với lại Lực sẽ bôi trơn mọi công đoạn nên không ai phát hiện việc mua bán thận” – Hải trấn an chúng tôi.
Sử dụng nhiều nơi nuôi người chờ bán thận
Song song với việc tìm hiểu hoạt động mua thận và giá cả, chúng tôi cũng “đầu quân” vào nhóm những người cần bán thận trong đường dây của Lực và Hải.
Như đã thông tin trên các số báo trước, sau khi vượt qua các bước xét nghiệm có kết quả “có thể bán”, chúng tôi được nhóm “cò” đưa vào căn hộ chung là một căn hộ ở tầng 18, chung cư HQC Plaza (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh) để bổ sung vào nhóm người chờ bán thận.
Trong căn hộ này, thời điểm chúng tôi “đầu quân”, đã có năm người chờ đến lượt lên bàn mổ để bán thận.
T (34 tuổi, quê Thái Bình) cho biết đã vào đây ở năm tháng và được nhóm của Hải thông báo là vừa tìm được người mua có kết quả tương thích để ghép. T đã làm các xét nghiệm chuyên sâu, chỉ còn chờ xạ thận là được phẫu thuật.
Còn N (28 tuổi), từ Hà Tĩnh vào TP.HCM và đã vượt qua các bước xét nghiệm, đã được Phong kết nối với người cần mua thận.
Trong căn hộ này còn có Q, D, P và chúng tôi, là những người đã qua các xét nghiệm ban đầu, đang chờ các xét nghiệm chuyên sâu, phù hợp để bán thận cho một phụ nữ.
Một ngày, N cho biết đã tới lượt đến BV C. Hôm sau, chúng tôi không thấy N quay lại nữa. “Sau khi phẫu thuật cắt mất một quả thận, mấy ảnh (chỉ nhóm của Hải – PV) tuyệt đối không cho về lại nhà chung và liên lạc với bất kỳ ai tại đây vì sợ họ sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của người chuẩn bị cắt thận” – một người từng bán thận kể.
Theo điều tra của chúng tôi, nhóm của Hải còn sử dụng một căn hộ khác tại tầng 22 của chung cư này và một căn hộ tại chung cư Intela Sài Gòn (huyện Bình Chánh), cách chung cư HQC Plaza khoảng 10 km làm nơi ở chung cho nhiều người chờ tới lượt cắt thận.
BS PHẠM THANH VIỆT, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy:
Bộ phận pháp chế của bệnh viện sẽ xác minh nếu nghi ngờ
Ghép thận mang tính chất nhân đạo, rất rõ ràng. Tuy nhiên, do nhu cầu ghép thận cao nên xảy ra hiện tượng mua bán thận gây ra nhiều hệ lụy xấu như chỉ định không đúng, người bán bất chấp sức khỏe…
Để hạn chế tối đa việc gian lận trong ghép tạng, BV Chợ Rẫy không phân công một bộ phận giám sát mà có nhiều bộ phận tham gia. Trước khi ghép tạng phải tập hợp nhiều chuyên khoa liên quan để hội chẩn, sau đó tất cả hồ sơ của bệnh nhân có chỉ định ghép thận sẽ được chuyển tới bộ phận pháp chế xem xét.
Nếu nghi ngờ mua bán thận thì bộ phận pháp chế của BV sẽ có văn bản gửi địa phương xác minh.
Hiện BV còn phụ thuộc vào giấy tờ quá nhiều nên kéo dài thời gian xác minh hồ sơ nếu có nghi ngờ. Một khi hệ thống chính phủ điện tử hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì hồ sơ không cần xác minh, mở hệ thống chính phủ điện tử là có thể phát hiện hồ sơ giả mạo hay không.
Về trường hợp ông Huỳnh Minh Vượng và bệnh nhân Lê Nhật Quang (tên nhân vật đã được đổi và PV Pháp Luật TP.HCM cung cấp mã số hồ sơ cho BV – PV), căn cứ vào hồ sơ thì BV Chợ Rẫy xác nhận hai người có quan hệ huyết thống.
Tuy nhiên, nếu cần thiết, BV sẽ cho xác minh với chính quyền địa phương để chắc chắn về hồ sơ của cả hai người này.
………………………………
PGS-TS-BS THÁI MINH SÂM, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu BV Chợ Rẫy
Khoảng 200 cặp bị loại
Để tránh tiêu cực trong quy trình ghép thận, BV Chợ Rẫy đưa ra nguyên tắc mọi thứ phải minh bạch, rõ ràng và chỉ ghép thận cho người thân hoặc từ người chết.
Một năm, BV Chợ Rẫy tiếp nhận trung bình 300 cặp tư vấn hiến và nhận thận nhưng chỉ thực hiện trên dưới 100 cặp. Khoảng 2/3 cặp bị loại, do người hiến và người nhận không phù hợp hoặc không chứng minh được quan hệ huyết thống.
Quy trình ghép thận không đảm bảo an toàn, thậm chí thận không tốt vẫn lấy ghép. Người hiến thể trạng không tốt nhưng vẫn cố tình lấy thận sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe về sau.
Thực tế một số nơi đã xảy ra nhiều trường hợp đau lòng do mua bán thận. Một người mắc bệnh lý máu không đông nhưng vẫn mổ lấy thận, dẫn đến tình trạng suy kiệt cơ thể. Một người ghép quả thận không phù hợp nên tử vong. Một người được chỉ định ghép thận mặc dù thận vẫn còn nước tiểu nên khi ghép xong thì thận bị hư, không thể hoạt động.
5 án tử hình vụ đường dây vận chuyển 575kg ma túy Lào - Việt Nam - Philippines
Chiều 27-7, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên 5 án tử hình đối với 5 bị cáo trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên biên giới Lào - Việt Nam - Philippines với khối lượng vận chuyển lên đến 574,9kg.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Các bị cáo vừa nhận án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy gồm: Huang Zai Wen (55 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), Wu He Shan (59 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), Thào Nở Páo (48 tuổi), Lý A Vừ (35 tuổi) và Thào A Dơ (40 tuổi, dân tộc Mông, ngụ tỉnh Điện Biên).
Theo hồ sơ vụ án, trưa 20-3-2019, tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an phát hiện Thào Nở Páo lái ôtô đến trước số nhà 15A, khu dân cư Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) gặp và giao chiếc xe này cho Huang Zai Wen.
Thấy có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác tiến hành kiểm tra thì phát hiện trên thùng xe có 300 gói ma túy đá với khối lượng 298,6kg. Páo khai còn có Lý A Vừ, Thào A Dơ cùng tham gia với Páo vận chuyển số ma túy trên.
Quá trình điều tra xác định năm 2000, Wu He Shan đến TP.HCM làm việc và thành lập Công ty TNHH He Shan vào năm 2012, đăng ký kinh doanh đồ chơi trẻ em và đồ may mặc.
Khoảng tháng 4-2018, Huang Zai Wen đến TP.HCM làm thuê cho ông chủ mang quốc tịch Trung Quốc, có tên thường gọi là A Hùng (không rõ lai lịch). Wen được biết A Hùng và Shan có quan hệ làm ăn với nhau. A Hùng giới thiệu Wen với Shan để khi nào A Hùng không có việc thì Wen đến làm việc cho Shan.
Khoảng tháng 11-2018, A Hùng nhờ Shan mua hộ A Hùng 20 tấn hạt nhựa và nhờ Shan làm thủ tục xuất khẩu sang Philippines. Trước khi đóng 20 tấn hạt nhựa vào container, A Hùng dùng xe tải chở đến kho của Shan 12 chiếc loa thùng có kích thước khoảng 40x40x60cm đã được đóng kín vào thùng giấy cactông và cho vào bao tải buộc kín.
Khi đến kho của Shan, A Hùng gọi Wen đến để cùng chuyển 12 chiếc loa thùng vào kho, rồi yêu cầu Shan bốc 12 chiếc loa thùng này lên đóng vào container cùng 20 tấn hạt nhựa để xuất khẩu sang Philippines. Chuyến hạt nhựa và loa thùng này đã xuất khẩu trót lọt sang Philippines.
Khoảng 24-2-2019, A Hùng lại nói Shan mua giúp A Hùng 2,4 tấn hạt nhựa và nhờ làm thủ tục xuất khẩu sang Philippines.
Khi đóng số hạt nhựa này vào container để chuyển đi thì A Hùng và Wen mang đến kho của Shan 12 bao tải dứa và nói là muốn gửi mấy bao gạo nếp để đóng vào container xuất khẩu đi.
Lần này Shan cũng nghi ngờ và thắc mắc nhưng vì mỗi lần mua bán hạt nhựa, A Hùng cho Shan ít tiền lãi nên Shan không muốn làm khó dễ cho A Hùng và chuyến hàng này đã xuất khẩu trót lọt sang Philippines.
Từ những chứng cứ thu thập được, Bộ Công an đã phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy Philippines tiến hành truy tìm để thu giữ lô hàng container nêu trên. Ngày 22-3-2019, Cơ quan phòng chống ma túy Philippines, Cục Hải quan Philippines và Cảnh sát biển Philippines đã phát hiện bắt giữ container tại cảng container quốc tế Manila.
Kết quả khám xét container này, Cơ quan phòng chống ma túy Philippines đã phát hiện thu giữ 12 bao tải có cất giấu 36 hộp dùng đựng trà Trung Quốc, các hộp này được hút chân không và bọc màng nhựa, bên trong mỗi hộp đều chứa ma túy, tổng khối lượng là 276,3kg.
Ngoài 5 bị cáo trên, đường dây vận chuyển ma túy này còn có nhiều đối tượng tham gia. Các bị can Giàng A Phụng, Vàng A Chừ, Vàng A Nhè, Thào Trồng Tá, Lý A Sà hiện đang bỏ trốn. Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.
Bị can Lê Thu Vân trong vụ 'Tịnh thất Bồng Lai' ra trình diện Bị can còn lại trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai là bà Lê Thu Vân đã nhờ luật sư tư vấn, hướng dẫn bà để ra trình diện với cơ quan chức năng vào tối 27-7. Sáng 28-7, thông tin từ cơ quan Công an tỉnh Long An cho biết bị can Lê Thu Vân trong vụ '"Tịnh thất Bồng Lai" mà...