Điều tra bổ sung vụ Grab mua Uber do phát sinh tình tiết mới
Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đã trả hồ sơ cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ( Bộ Công Thương) để điều tra bổ sung thêm về vụ việc này do phát sinh thêm tình tiết mới.
Theo Hội đồng cạnh tranh, ngoài GrabTaxi và Uber Việt Nam, trong vụ việc này còn có 6 doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo thông tin từ Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đã nghiên cứu hồ sơ và tiến hành nhiều phiên làm việc để các bên liên quan có thể trình bày quan điểm về những vấn đề pháp lý cũng như thực tiễn.
Theo đó, xét thấy có một số tình tiết mới phát sinh từ các thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp, căn cứ quy định liên quan, Chủ tọa Phiên điều trần Phan Chí Hiếu đã thay mặt Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh ký Quyết định về việc trả hồ sơ để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD – Bộ Công Thương) điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trong vụ việc. Quyết định này được công bố sau đúng một tháng kể từ khi thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của hai công ty này.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có thời hạn là 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định số 08/QĐ-HĐCT để tiến hành các trình tự liên quan tới việc điều tra bổ sung.
Trước đó, ngay trong ngày đầu năm 2019, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh đã ký Quyết định về việc thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Cụ thể, doanh nghiệp bị điều tra là công ty TNHH GrabTaxi, có địa chỉ tại 268 Tô Hiến Thành, Phường 15, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh; theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 6 ngày 23 tháng 5 năm 2018, Công ty TNHH GrabTaxi đổi tên thành Công ty TNHH Grab.
Cùng với đó là Công ty TNHH Uber Việt Nam có địa chỉ tại tầng 2, Tòa nhà Robot Tower, số 308 – 308C Điện Biên Phủ, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Quyết định nêu rõ, ngoài Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam, trong vụ việc này còn có 06 doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ tiến hành các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh.
Video đang HOT
Được biết, ngày 30/11/2018, CT&BVNTD đã kí kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh. Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm: Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh; và Hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Thời điểm đó, Cục CT&BVNTD cũng cho biết, đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Phản hồi kết luận này, ông Jerry Lim — Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết, đã tiến hành giao dịch mua lại Uber này với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch này là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh sau khi tham vấn cẩn thận với các chuyên gia pháp lý.
“Điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của chúng tôi về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh. Các ứng dụng gọi xe chỉ là một trong nhiều lựa chọn của khách hàng”, ông Jerry Lim nói.
Theo viettimes
Vinasun tiếp tục yêu cầu Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng
Sau 3 lần tạm dừng và hoãn phiên tòa để bổ sung tài liệu và chứng cứ, ngày 17/10, TAND TP.HCM mở lại phiên xét xử vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab).
Rất nhiều tài xế của Vinasun tập trung tại cổng TAND TP.HCM
Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần. Tuy nhiên, đại diện bên phía Grab khẳng định đã làm đúng theo quy định của Đề án 24, đồng thời không chấp nhận yêu cầu từ phía Vinasun.
Toàn cảnh phiên xét xử ngày 17/10
Vinasun cho rằng GrabTaxi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm với Nhà nước!
Ngay từ sáng sớm, đã có hàng trăm tài xế Vinasun vây kín trước cổng TAND TP.HCM (Số 3, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) để theo dõi phiên tòa.
Sáng ngày 17/10, TAND TP. HCM tiếp tục mở phiên toà sơ thẩm lần thứ 4, xét xử vụ án "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty Vinasun và bị đơn là Công ty Grab.
Trong phiên tòa này, công ty giám định thiệt hại do tòa chỉ định là Công ty Cửu Long vắng mặt, phía Grab cho biết có nhiều thắc mắc xoay quanh kết quả giám định muốn được đối chất nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Đại diện phía bị đơn cũng yêu cầu Tòa không để phía Vinasun tiếp cận hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình với lý do "bí mật kinh doanh".
Đại diện bên phía Vinasun cho rằng Grab không tuân thủ pháp luật Việt Nam
"Kết quả giám định có vai trò rất quan trọng, liên quan đến toàn bộ vụ án, HĐXX phải triệu tập giám định viên để đảm bảo tính khách quan" - đại diện bị đơn khẳng định.
Thế nhưng yêu cầu này của bị đơn không được chấp nhận, TAND TP.HCM quyết định phiên tòa vẫn diễn ra bình thường. Lý do được HĐXX đưa ra là vì các kết quả giám định đã có đầy đủ trong hồ sơ, không ảnh hưởng đến quá trình tranh tụng. Riêng tài liệu, HĐXX cho rằng Vinasun đã tiếp cận trước đó hoàn toàn đúng luật.
Ông Trương Đình Quý (Phó tổng giám đốc Vinasun) cho rằng, nguyên nhân khoản lợi nhuận của công ty bị giảm là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật Việt Nam của Grab. Grab lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng" (gọi tắt là Đề án 24), Dù Grab taxi tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi.
Nguyên đơn cũng chỉ ra GrabTaxi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm với Nhà nước. Điều này thể hiện ở việc trong 3 năm, doanh nghiệp này khai lỗ hơn 938 tỷ đồng, lớn gấp 4,7 lần vốn điều lệ của Grab. Trong khi số xe lên tới 12.000 chiếc ở TP.HCM, nhưng chỉ đóng thuế 9,5 tỷ. GrabTaxi được đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt về thuế.
Vì vậy, Vinasun yêu cầu buộc GrabTaxi bồi thường hơn 41 tỷ đồng thiệt hại ngoài hợp đồng vì GrabTaxi có hành vi trái pháp luật và gây thiệt hại cho Vinasun trong nhiều năm qua.
Phía nguyên đơn cũng cung cấp nhiều hình ảnh, video và văn bản được cho là "chứng cứ Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam" cho TAND TP.HCM.
"Theo Đề án 24, Grab khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hãng taxi công nghệ này đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm...." - đại diện Vinasun nêu rõ.
Grab phủ định mọi cáo buộc!
Bác bỏ những thông tin mà Vinasun cung cấp, ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore, CEO của Grab tại Việt Nam) cho rằng thiệt hại hơn 41 tỷ đồng của nguyên đơn đưa ra dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không được coi là căn cứ để xác định thiệt hại.
Đồng thời, ông Jerry Lim cũng khẳng định công ty này không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra. Căn cứ để thường xuyên thay đổi mức giá là phụ thuộc vào thời gian, thời tiết, nhu cầu thị trường và lập trình dựa trên đơn giá cũng do hợp tác xã cung cấp.
Ông Jerry Lim cùng người phiên dịch đang tranh tụng với Luật sư bên phía Vinasun
Theo hãng taxi công nghệ, nếu cho rằng hoạt động của Grab gây thiệt hại, Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính, chứ không phải vụ kiện này.
Tại phiên tranh luận vào chiều ngày 17/10, đại diện của Grab cho rằng, Grab là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối cho các cá nhân đúng theo những gì Đề án 24 đưa ra. Grab và các công ty vận tải được quyền tự thống nhất phí cơ bản và khách hàng được quyền lựa chọn đi hoặc không.
Ông Jerry Lim cũng cho biết thêm, theo điều 5.1.8 trong Đề án 24, Grab được quyền nhận thay các khoản thanh toán từ khách hàng vì đã được các đơn vị vận tải ủy quyền về quản lý cũng như thanh toán chi phí dịch vụ.
Bài và ảnh: Sông Trường
Theo nguoitieudung
Thêm vụ đâm trọng thương tài xế Grab, cướp tài sản ở TP.HCM Ngày 10.11, Công an quận 9 (TP.HCM) cho biết, vừa bắt giữ Nguyễn Ngọc Thành (SN 1995, ngụ TX.Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi cướp tài sản. Nạn nhân là anh Nguyễn Thái Sơn (SN 1980, là tài xế công nghệ GrabTaxi). Theo đó, rạng sáng 6.11, anh Sơn ôm vết thương trên người với vẻ mặt hoảng...