Điều tàu sân bay đến Biển Đông, Anh thách thức Trung Quốc
Anh thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi điều tàu sân bay tới Biển Đông, nhưng có thể gây căng thẳng ngoài ý muốn, theo chuyên gia.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hồi đầu tháng 5 rời cảng, chuẩn bị cho chuyến triển khai làm nhiệm vụ đầu tiên dài 28 tuần. Nhóm chiến hạm dự kiến vượt qua quãng đường hơn 40.000 km, di chuyển ngoài khơi 40 quốc gia.
Hải trình này sẽ là đợt hiện diện lớn nhất của hải quân Anh trong thời bình suốt 25 năm qua. London tuyên bố nhóm tàu sân bay sẽ tới Biển Đông để tham gia các chiến dịch tự do hàng hải, nhưng không đi qua eo biển Đài Loan. Giới chuyên gia cho rằng đây là cách London phát thông điệp ủng hộ tự do hàng hải tới Bắc Kinh, nhưng cũng cảnh báo nguy cơ leo thang căng thẳng khu vực.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth chạy thử trên biển hồi tháng 10/2020. Ảnh: Royal Navy .
“Đây là diễn biến đáng chú ý nhưng không quá bất ngờ. Chúng ta có thể thấy chính sách đối ngoại của họ tập trung hơn vào Đông Nam Á kể từ khi công bố tài liệu Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Anh sẽ coi trọng vấn đề với Trung Quốc hơn “, Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên ngành luật quốc tế tại Đại học Indonesia, chia sẻ với VnExpress .
Darmawan cho rằng chuyến triển khai của nhóm tàu sân bay Anh sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực. Sự hiện diện cho nhóm tác chiến hùng hậu là tín hiệu răn đe, thách thức tham vọng mở rộng ảnh hưởng và độc chiếm khu vực của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ làm leo thang căng thẳng khi lực lượng quân sự của bên thứ ba xuất hiện ở khu vực xảy ra tranh chấp.
“Các nước Đông Nam Á chắc chắn không muốn tình hình căng thẳng hơn, và rõ ràng không quốc gia nào muốn xung đột bùng phát trong khu vực”, chuyên gia Indonesia cho hay.
Giáo sư Lawrence B. Brennan, đại tá về hưu từng phục vụ 33 năm trong hải quân Mỹ, đồng quan điểm khi cho rằng Anh đang muốn “phát thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ tới Trung Quốc và các nước trong khu vực”.
Video đang HOT
“Thời điểm và cách thức công bố thông tin về hoạt động của tàu sân bay nhằm thể hiện Anh, Mỹ và nhiều nước khác luôn cam kết duy trì quyền tự do đi lại ở những vùng biển tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nói cách khác, đây là thông báo công khai từ hai cường quốc hải quân hàng đầu thế giới rằng họ sẽ chống lại những mưu đồ nhằm thực thi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc “, ông nói.
Giáo sư Brennan cho rằng đây “không phải thông báo suông”, khi Washington và London đã triển khai lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ lâu, trong đó Mỹ luôn duy trì một tàu sân bay tiền phương tại Nhật Bản trong suốt 50 năm qua.
Trung tâm nhóm tác chiến là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lớn và hiện đại nhất của Anh, cùng với đó là đội tàu hộ tống gồm hai khu trục hạm phòng không lớp Type 45, hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Type 23, một tàu vận tải hạm đội và một tàu tiếp vận cỡ lớn.
Hà Lan góp lực lượng cho nhóm tác chiến với tàu hộ vệ phòng không HNLMS Evertsen, trong khi Mỹ cử tàu khu trục USS The Sullivans và Phi đoàn tiêm kích thủy quân lục chiến (VMFA) số 211. Giáo sư Brennan cho biết có nhiều lý do khiến Mỹ triển khai lực lượng hùng hậu trong nhóm tàu Anh.
Lực lượng và hành trình dự kiến của nhóm tàu sân bay Anh. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ .
“Đây là cơ hội để HMS Queen Elizabeth tham gia một chiến dịch hiệp đồng liên quân, giúp họ tích lũy kinh nghiệm phối thuộc lực lượng với hải quân Mỹ sau này. Trong khi đó, VMFA-211 cũng được huấn luyện tác chiến ngoài đại dương trong bối cảnh hải quân Mỹ mất tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard trong đám cháy hồi giữa năm ngoái”, ông nói.
Chuyên gia Mỹ cho rằng sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh khó thay đổi tình hình Biển Đông trong tương lai gần , nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng trên Biển Đông và các vùng biển lân cận.
“Đây chỉ là một trong hàng loạt bước đi nhằm ổn định khu vực và hối thúc Trung Quốc kiềm chế khi theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc hải quân khu vực”, giáo sư Brennan nhận định.
Báo Trung Quốc coi thường tàu sân bay Anh, Ấn
Tờ Global Times cho rằng Anh, Ấn Độ triển khai tàu sân bay đến gần Trung Quốc chỉ là "chiêu trò chính trị" vì chúng còn nhiều lỗi kỹ thuật.
"Các vùng biển quanh Trung Quốc sẽ sớm tràn ngập hàng không mẫu hạm nước ngoài với mục tiêu đối phó Bắc Kinh. Anh dự kiến triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến tây Thái Bình Dương sớm nhất vào đầu năm 2021, còn Ấn Độ đang xem xét phát triển tàu sân bay thứ ba", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong bài xã luận đăng tối 1/12.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tháng 11 thông báo tàu sân bay HMS Queen Elizabeth năm sau sẽ dẫn dầu nhóm tác chiến hải quân Anh và đồng minh hiện diện ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Đông Á trong "đợt triển khai tham vọng nhất suốt 20 năm". Lực lượng này dự kiến diễn tập cùng hải quân Mỹ và Nhật Bản tại chuỗi đảo Nansei, tây nam Nhật Bản.
HMS Queen Elizabeth tiếp nhận phi đoàn F-35B Mỹ ngoài khơi Anh hồi tháng 9. Ảnh: US Navy .
Tư lệnh hải quân Ấn Độ Karambir Singh đang thúc đẩy chính phủ đầu tư dự án tàu sân bay thứ ba với lượng giãn nước 65.000 tấn và trang bị máy phóng điện từ (EMALS). Chiến hạm này sẽ bổ sung lực lượng cho tàu INS Vikradimatya trong biên chế và tàu sân bay nội địa INS Vikrant đang chạy thử, nhằm "đối phó kế hoạch phát triển hạm đội 6 hàng không mẫu hạm của Trung Quốc".
"Các tàu sân bay Anh và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề kỹ thuật, trong khi Trung Quốc đang sở hữu những tên lửa đạn đạo diệt hạm khiến tàu hàng không mẫu hạm Mỹ lo sợ. Điều này khiến các tàu sân bay Anh, Ấn Độ không có ảnh hưởng về mặt quân sự và chỉ là chiêu trò chính trị", bài viết có đoạn.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hong Kong cho rằng HMS Queen Elizabeth chưa đạt khả năng chiến đấu đầy đủ, phi đoàn trên hạm cũng nó cũng chưa sẵn sàng làm nhiệm vụ.
HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Tiêm kích Anh chưa triển khai làm nhiệm vụ trên tàu, số chiến đấu cơ F-35B trên tàu hiện nay thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 211 thủy quân lục chiến Mỹ. "Điều tàu sân bay chưa sẵn sàng chiến đấu đến tây Thái Bình Dương chỉ làm lộ những điểm yếu của nó", ông nhận xét.
Song cũng cho rằng Ấn Độ nên tập trung hoàn thành INS Vikrant, tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, trước khi xem xét chế tạo chiếc thứ ba trong biên chế.
Chương trình đóng tàu INS Vikrant liên tục bị chậm kế hoạch và đội vốn. Quá trình thiết kế bắt đầu từ năm 1999, lễ khởi đóng diễn ra vào tháng 2/2009. Khung thân tàu rời xưởng cạn cuối năm 2011 và lễ hạ thủy được tổ chức sau đó gần hai năm. INS Vikrant dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên biển từ tháng 1/2021 và có thể được bàn giao cho hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2020. Dự án đã tiêu tốn gần 4 tỷ USD trong suốt 10 năm chế tạo.
"Ngành công nghiệp đóng tàu yếu kém của Ấn Độ khiến dự báo này mang tính lạc quan quá mức. Ngay cả khi được đưa vào biên chế, nó vẫn có thể đối mặt nhiều trục trặc kỹ thuật", Song nhận định.
INS Vikrant thử động cơ tại nhà máy hôm 30/11. Ảnh: Indian Navy .
Bài viết trên Global Times cho rằng Ấn Độ có thể phải dựa vào Mỹ để phát triển tàu sân bay thứ ba, trong đó ứng dụng nhiều công nghệ như lò phản ứng hạt nhân, EMALS và tiêm kích hạm. "Điều này chỉ khiến New Delhi ngày càng phụ thuộc Washington", Song nói thêm.
Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo Anh và Ấn Độ cũng phải lo lắng về những hệ thống tên lửa đạn đạo diệt hạm, nhất là sau vụ thử hai quả đạn DF-21D và DF-26 nhằm vào mục tiêu di động trên Biển Đông để "răn đe tàu sân bay Mỹ". Tuy nhiên, họ cho rằng hai nước sẽ không định dùng tàu sân bay để đối đầu quân sự với Bắc Kinh.
"Họ chỉ muốn chứng tỏ sự hiện diện quân sự, năng lực tác chiến của các tàu sân bay không phải trọng tâm. Chúng có thể hỗ trợ hải quân Mỹ bằng cách tạo thành nhiều nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, nhưng chủ lực vẫn sẽ là các tàu sân bay Mỹ", Song nhận xét.
Anh khoe nhóm tác chiến tàu sân bay Anh lập nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth, gọi đây là lực lượng hải quân mạnh nhất do một nước châu Âu chỉ huy trong 20 năm qua. "Nhóm tác chiến tàu sân bay thế hệ mới của hải quân Anh đã tập hợp lần đầu tiên, đánh dấu mở đầu giai đoạn vận hành tác chiến mới. Tàu sân bay...