Điều nhức nhối sau bản án dành cho 2 bảo mẫu
Với hành vi sai trái, mỗi bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non tại cơ sở giữ trẻ Phương Anh đã phải trả giá bằng bản án 3 năm tù. Thế nhưng điều đọng lại phía sau vụ án là bài học đắt giá về câu chuyện “người chọn nghề, nghề chọn người” đối với công việc mà xã hội rất cần và đặc biệt quan tâm này.
Gần 8h sáng, bị cáo Lê Thị Đông Phương (32 tuổi, chủ cơ sở giữ trẻ mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, nhân viên của Phương) được dẫn ra trước vành móng ngựa.
Vụ án chấn động dư luận
Đứng trước vành móng ngựa, trước những tiếng hô hào, ánh mắt xăm xoi, phẫn nộ của người dự khán, các bị cáo không một lần dám ngoảnh mặt nhìn lại phía sau lưng, gương mặt cúi gằm. Cách đây hơn 1 tháng, họ còn là những cô bảo mẫu được các bậc cha mẹ phụ huynh rất kính trọng, tin tưởng gửi con.
Hôm nay mọi sự đã khác, gương mặt Phương và Lý gầy xọp, tiều tụy đi nhiều. Không còn ngẩng cao đầu như mỗi khi đón trẻ từ tay phụ huynh, cả hai bị cáo với ánh mặt sợ sệt, vội cúi xuống khi bất chợt gặp phải ánh nhìn hay nghe phải những lời xỉ vả từ phía người dự khán.
Hai bảo mẫu trước vành móng ngựa.
Được gọi lên thẩm tra lý lịch, giọng nói Phương run run. Phương khai từng tốt nghiệp Đại học sư phạm mầm non tại trường Đại học Sài Gòn. Khoảng tháng 9/2012, Phương thuê nhà tại số 18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM để mở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, nhận giữ trẻ từ 1 đến 4 tuổi.
Do chưa có bằng quản lý nên Phương không được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động. Bị kiểm tra, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng Phương vẫn duy trì hoạt động. Sau đó còn tuyển thêm Nguyễn Thị Điều và cháu chồng là Nguyễn Lê Thiên Lý vào làm nhân viên cấp dưỡng, nhân viên vệ sinh kiêm bảo mẫu.
Tính đến tháng 12/2013, cơ sở giữ trẻ của Phương có 19 bé theo học. Do bản tính nóng nảy nên mỗi khi các cháu bé lười ăn thường bị Phương và Lý hù dọa, đánh đập, thậm chí bế thốc lên dọa thả vào thùng nước. Những hình ảnh trên đã được người dân ghi lại, báo cơ quan công an, đưa lên mạng internet gây chấn động dư luận.
Có mặt tại tòa, mẹ của bé Trần Hoàng (một trong 4 bé bị bạo hành) còn nguyên xúc động khi nhắc đến hình ảnh của con trong đoạn clip.
Chị cho biết, chị gửi Hoàng vào cơ sở Phương Anh từ tháng 12/2012. Trước đây cháu khỏe mạnh nhưng từ khi đi trẻ thường bị bệnh tiêu hóa, ăn hay ói. Bé sợ ăn, sợ đi học nhưng mẹ không ngờ phía sau biểu hiện của con là câu chuyện đau lòng về những gì con phải chịu mỗi khi tới trường.
Video đang HOT
Chị đề nghị tòa xét xử nghiêm theo pháp luật. Những phụ huynh còn lại cũng có chung cảm xúc và đề nghị tòa xử theo pháp luật.
Nghe những lời phụ huynh trình bày, Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý chỉ biết cúi gằm.
Tại tòa, Phương và Lý đều thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Giải thích về lý do hoạt động không phép, Phương cho biết do mỗi tháng phải trả chi phí thuê mặt bằng 4 triệu đồng, nếu đợi đến khi học xong bằng quản lý, bị cáo sợ không kham nổi nên vẫn hoạt động, chờ bổ túc hồ sơ sau.
Về lý do bạo hành trẻ, Phương và Lý đều đồng loạt cho rằng do các bé lười ăn, hay bệnh, bị cáo muốn trẻ phải ăn được nhiều nên mới hành động như vậy để hù dọa.
Bài học đau lòng
Không khí phiên tòa từ khi bắt đầu đã vô cùng căng thẳng. Chỉ đến phần thẩm vấn của vị Hội thẩm nhân dân, mọi thứ như chùng xuống.
Nghe Phương trả lời, tòa phân tích: “những đứa trẻ như một trang giấy trắng, nếu được giáo dục tốt sẽ hình thành và hướng trẻ đến những giá trị chân – thiện – mỹ. Còn khi trẻ được giáo dục trong môi trường bạo lực, bé sẽ bị ảnh hưởng nhân cách. Tất cả các sinh viên học khoa sư phạm đều được học điều này.
Trong xã hội, do đặc thù công việc nên hình ảnh người thầy, người cô vốn rất được xã hội tôn vinh. Việc làm của bị cáo đã làm hoen ố hình ảnh đẹp về người cô giáo mầm non”. Nghe những lời nói ấy, bị cáo Phương bật khóc.
Đặc biệt, khi trả lời câu hỏi bị cáo nghĩ gì khi chọn và thi vào ngành sư phạm mầm non, quyết định gắn bó với nó suốt đời, Đông Phương nói: “Dạ, bị cáo nghĩ công việc đó cũng nhẹ nhàng, mình là phụ nữ nếu làm công việc đó thì sáng đi, chiều về còn lại có thời gian chăm sóc gia đình”.
Vị Hội thẩm nhân dân bức xúc: Bị cáo phải biết rằng ngành mầm non là ngành thường xuyên tiếp xúc với trẻ, phải có tính kiên trì, biết yêu thương trẻ…Tại sao chỉ vì nghĩ có thời gian chăm sóc gia đình mà bị cáo bước vào nghề này?”, Đông Phương cúi đầu im lặng.
Hóa ra một cô giáo mầm non, một bàn tay ươm mầm tương lai cho đất nước lựa chọn nghề, bước vào nghề không phải xuất phát từ khát khao gắn bó, từ lòng yêu nghề, yêu trẻ mà chỉ vì đó là “một công việc nhẹ nhàng, có thời gian chăm sóc gia đình”.
Có lẽ, đây mới thực sự là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến vụ án hôm nay cũng như bao vụ án bạo hành trẻ mầm non khác.
Được nói lời nói sau cùng, Phương và Lý nức nở xin lỗi các bậc phụ huynh, xin lỗi người thân. Bị cáo Phương còn gửi lời xin lỗi đến những thầy cô giáo đã dìu dắt bị cáo, dạy cho bị cáo những bài học nhưng bị cáo vẫn vấp ngã, vẫn phạm sai lầm.
Bị cáo cũng hi vọng những cô giáo mầm non khác nói chung và những người hoạt động trong ngành giáo dục nói chung không lặp lại sai lầm như bị cáo…
Có lẽ bấy nhiêu lời xin lỗi không đủ làm nguôi lòng người dân dự khán. Nghe tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 3 năm tù về tội “hành hạ người khác”, người dự khán ồ lên, vỗ tay đồng tình.
Bản án 3 năm tù không quá dài so với một đời người nhưng với một nhà giáo, đó là một vấp ngã, một sự trả giá quá đau lòng.
M.Phượng
Theo_VietNamNet
Ném vợ xuống sông để giúp người bạn đời "thỏa nguyện"
Ngày 20/1, bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kim can tội "giết người". Đứng trước vành móng ngựa, người chồng ném vợ xuống sông khổ sở khai lại hành vi tội lỗi của mình.
Ông Nguyễn Đức Kim (SN 1965) và vợ là bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1963, ở quận Long Biên, Hà Nội) đã có ngót 30 năm ân nghĩa vợ chồng.
Bà Hiền được biết đến là người phụ nữ đảm đang, hết lòng yêu chồng, thương con. Lúc còn khỏe mạnh, bà là lao động chính, chăm lo cho chồng con từ việc lớn đến việc nhỏ.
Rồi bà đột ngột bị tai biến, phải nằm bẹp một chỗ. Bà Hiền bị ốm khiến cả gia đình vốn quen nhận được sự chăm sóc và chu cấp từ bà bỗng lao đao.
Hai người con trai của bà Hiền không giúp được nhiều cho mẹ, người chăm sóc chủ yếu cho bà là người chồng. Ông Kim đã phải xin nghỉ việc để chăm sóc người vợ bệnh tật, thường xuyên đưa vợ đi châm cứu, mong vợ sớm bình phục.
Bị cáo tại tòa
Từ lúc bị bệnh, phải nằm một chỗ, không giúp gì được cho chồng con, bà Hiền nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, hay kêu ca và nhiều lần tìm cách tự vẫn. 11 giờ ngày 1/6/2013, sau khi ông Kim ngủ dậy và uống rượu, thấy vợ nằm ở ghế, ông đi đến, bế vợ ngồi lên phía sau yên xe máy rồi chở lên cầu sông Đuống.
Đến giữa cầu, ông Kim xuống xe, bế bà Hiền ra khỏi xe máy, đặt vợ đứng sát lan can thành cầu. Khi cả hai vợ chồng đứng sát lan can cầu, bất ngờ ông Đức bế vợ vứt xuống sông.
Lúc này hai tay bà Hiền vẫn bám chặt vào lan can kêu cứu. Thấy vậy, ông Đức dùng tay phải gỡ tay vợ ra khỏi lan can làm bà Hiền rơi xuống sông. Trong khi ông Đức thực hiện hành vi trên, anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1961, ở Bắc Ninh) trên đường đi làm về đã bắt gặp quả tang và trình báo công an bắt giữ.
Cơ quan điều tra đã tổ chức truy tìm nạn nhân. Đến ngày 2/6 đã phát hiện và vớt được xác bà Hiền.
Tại tòa, ông Đức và hai người con trai đều xác nhận, bà Hiền bị bệnh, ông Đức đã phải nghỉ làm để chăm sóc vợ. Hàng ngày ông Đức vẫn sắc thuốc và đưa vợ đi châm cứu.
Ông Đức khai rằng, hôm xảy ra vụ án, ông đã thấy vợ lấy cây đinh và đoạn dây định cắm vào ổ điện để tự vẫn. Theo lời bị cáo, đây không phải lần đầu tiên vợ ông có ý định tự sát.
Thấy vợ hành động như vậy, ông Đức vừa ăn sáng, trong người có chút hơi men nên đến gần vợ nói rằng sẽ giúp bà "thỏa nguyện". Rồi ông lấy xe chở vợ ra cầu Đuống. Đi đến đây, ông nói với vợ: "Ở đây cho mát mẻ nhé". Thấy vợ không đáp lời, ông liền bế vợ vứt xuống sông. "Tôi ném bà ấy xuống sông như người ta vứt quả bóng vậy",lời bị cáo.
Tại tòa, bị cáo cho rằng mình ném vợ xuống sông là để giúp bạn đời được "thỏa nguyện". Vị thẩm phán giải thích rằng: "Dù sao đó vẫn là hành vi giết người".
Được nói lời sau cùng, người đàn ông tội lỗi quay xuống nói lời xin lỗi với gia đình:"Bố xin lỗi hai con, mong các con sống có ích, đừng làm gì vi phạm pháp luật. Tôi xin lỗi anh chị em trong gia đình, nhất là gia đình bên ngoại..."
Nhìn người bố tội lỗi, khổ sở trước vành móng ngựa, cả hai con trai của bị hại và cũng là con của bị cáo đều có lời xin HĐXX cho cha mình được giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân.
T.Nhung
Theo_VietNamNet
Thiếu nữ cùng trai trẻ siết cổ "bồ già" cướp tài sản Thấy vị khách đáng tuổi ông nhưng còn "hám ngọt" có nhiều tài sản đắt tiền, ả bán cà phê bàn với người tình dùng khăn siết cổ nạn nhân để cướp tài sản. Ngày 15/1, thiếu tá Lê Văn Nhiên, đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Thủ Đức, TPHCM cho biết...