Điệu nhảy ngớ ngẩn ‘Gangnam Style’ và sự cay đắng ở ‘Ký sinh trùng’
Với “Gangnam Style” hay “ Ký sinh trùng”, người Hàn Quốc đang cho thế giới thấy khả năng gây bão đẳng cấp của họ.
Năm 2012, điệu nhảy ngựa Gangnam Style của rapper người Hàn, PSY ( Park Jae Sung) làm “rung chuyển” thế giới. Ở khắp mọi nơi, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, người ta nói về Gangnam Style, người ta hát “Oppan Gangnam Style” (Anh có phong cách Gangnam) và nhún nhảy theo điệu nhảy ngựa trứ danh, như một cơn bão văn hóa.
Lời giễu nhại đằng sau một điệu nhảy tưởng như ngớ ngẩn
Ra mắt tháng 7/2012, MV Gangnam Style khi ấy khiến cả thế giới choáng váng với những con số nhảy vọt từng giờ về lượt truy cập. Điều gì hấp dẫn ở hình ảnh một rapper có phần thừa cân, quê mùa nhắc đi nhắc lại một điệp khúc “anh có phong cách Gangnam”?
Điệu nhảy Gangnam Style từng làm mưa làm gió của rapper người Hàn – PSY.
Gangnam là một góc của Seoul. Từ những năm 1970 thế kỷ trước, sự phát triển bùng nổ về kinh tế đã biến Gangnam trở thành một biểu tượng về sự xa hoa, giàu có ở Hàn Quốc. Giới siêu giàu đổ về đây biến Gangnam thành nơi tập trung của những biệt thự trong mơ, siêu xe, hàng hiệu xa xỉ.
Gangnam Style với hình ảnh một rapper thừa cân, ăn mặc quê mùa lòe loẹt, nhắc đi nhắc lại điệp khúc “anh có phong cách Gangnam”, đã giống như một sự giễu nhại, đả kích lối sống trưng trổ, khoe mẽ của giới nhà giàu, xa xỉ ở Gangnam.
MV với những phân cảnh không ăn nhập, không theo kịch bản, lời bài hát đơn giản và điệu nhảy ngựa tưởng như ngớ ngẩn lại chứa đầy sức nặng của sự trào lộng. MV được yêu thích khắp thế giới. Những chính khách hàng đầu, những ngôi sao danh tiếng của châu Á, châu Mỹ cũng tập điệu nhảy ngựa để thể hiện mình đang bắt kịp xu hướng.
Đúng vào thời điểm Gangnam Style đang “làm mưa làm gió” khuấy đảo khắp thế giới, người ta đã bàn về tính trào lộng, về sự giàu có phủ ngập ở Gangnam và cuộc sống nghèo đói đối lập ở ngay gần đó, khu ổ chuột lớn nhất Hàn Quốc có tên Guryong.
Guryong được coi là biểu tượng của sự phân cách giàu nghèo ở xứ sở kim chi, đã tồn tại qua nhiều năm tháng. Nằm dưới bóng của khu xa xỉ Gangnam là rất nhiều mảnh đời cùng khổ, là những căn nhà dựng tạm tồi tàn, những phận người mưu sinh vất vả, những cuộc sống thiếu thốn tận cùng.
Ảnh chụp khu ổ chuột Guryong năm 2014 của The Guardian.
Cùng với cơn bão Gangnam Style, nhiều tờ báo danh tiếng thế giới đã đổ về khu ổ chuột Guryong để chụp ảnh, viết bài về những phận người nơi đây, cho thấy sự đối lập, khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo ở Hàn Quốc.
“Quận Gangnam giàu có rất nổi tiếng vì Gangnam Style. Đó cũng là khu mua sắm, cửa hàng, quán bar, hộp đêm và nhà hàng xa xỉ, nơi mà giới sao Hàn thường xuyên ghé qua. Nhưng ngay cạnh đó là một khu ổ chuột lớn nhất ở Seoul với những căn chòi dựng tạm bợ bằng những tấm gỗ và tấm bạt, là nơi trú ngụ của nhiều người nghèo”, hãng AP so sánh.
7 năm sau, một tác phẩm điện ảnh với cách kể gây sốc về khoảng cách giàu – nghèo ở Hàn Quốc lại gây bão, đó là Ký sinh trùng.
Ký sinh trùng – một câu chuyện đầy ám ảnh
Ký sinh trùng – một tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho đang nhận cơn mưa lời khen từ giới mộ điệu điện ảnh thế giới.
Trên khắp những diễn đàn về phim, người ta vẫn xôn xao phân tích về ý tứ ẩn dụ của bộ phim Hàn Quốc đầu tiên giành giải Cành cọ vàng.
“Ký sinh trùng hay đến nghẹt thở, nhìn vào đâu cũng thấy ẩn dụ” – khán giả bình luận. Từ những chiếc tất trên dây phơi trước cửa nhà đến tảng đá của khát vọng và gánh nặng, hay trận mưa mà người giàu gọi là “phước lành”, còn người nghèo thì ngập ngụa trong bi kịch. Tất cả đều khiến người quan tâm đến điện ảnh phải tốn “giấy mực” mổ xẻ.
Nhưng giữa rất nhiều ẩn dụ đắt giá đó, chi tiết xuyên suốt và gây ám ảnh hơn cả có lẽ là hình ảnh của những bậc cầu thang, cũng là biểu tượng cốt tủy trong thông điệp giàu – nghèo của tác phẩm.
Ông Ki-taek và vợ con mình sống trong căn nhà bán hầm.
Như nhiều đạo diễn của dòng phim nghệ thuật, Bong Joon-ho là người coi trọng chi tiết. Chi tiết cũng là thứ làm nên sự khác biệt tài hoa của Bong Joon-ho, làm nên dư âm ám ảnh khi phim hạ màn.
Hình ảnh cầu thang trong Ký sinh trùng là một dẫn chứng điển hình. Cầu thang, thứ vốn có thể bị coi là một hình ảnh “chết” nhưng qua sáng tạo của Bong lại thành chi tiết ấn tượng về thông điệp.
Cầu thang xuất hiện liên tiếp, từ đầu đến cuối trong Ký sinh trùng. Nhà ông Ki-taek (Song Kang-ho) với 4 thành viên nghèo khổ hay nhà ngài Park (Lee Sun-kyun) sang trọng đều có những cầu thang. Bản chất công dụng không khác biệt nhưng ý nghĩa biểu đạt thì hoàn toàn khác.
Nhà Ki-taek có hai cầu thang xuất hiện trong phim. Cầu thang đầu tiên được dùng để đi từ con ngõ nhỏ xuống nhà. Vì căn nhà ở tầng bán hầm, thấp hơn mặt đường nên cầu thang nhà Ki-taek nhằm mục đích đi xuống, xuống một nơi ẩm thấp và chật chội.
Cầu thang thứ hai nằm ở trong nhà và được dùng để đi lên toilet. Toilet cũng là nơi cao nhất trong căn nhà của Ki-taek. Đó là nơi duy cậu con trai cả Ki-woo (Choi Woo-sik) bắt được “wifi chùa”, còn cô con gái Ki-jung (Park So-dam) có thể “lánh nạn” ngập lụt và hút một điếu thuốc.
Trái ngược với một gia đình mà bề mặt sống còn thấp hơn cả toilet, nhà ngài Park lại là những bậc cầu thang đi lên liên tiếp. Để bấm được chuông cổng nhà Park, cần phải đi lên cao. Và để vào được phòng khách nhà Park lại phải đi thêm những bậc thang nữa. Bởi vì, nhà Park nằm trên một sườn đồi rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh và cao hơn mặt bằng chung. Tất yếu cũng khác “một trời một vực” so với không gian nhà Ki-taek.
Rõ ràng, cầu thang là thứ thể hiện khoảng cách về thứ bậc và sự khác biệt trong cảnh sống của hai gia đình, một bên giàu có thượng lưu, bên kia nghèo khổ, tăm tối. Và có lẽ cũng rất khó để tìm một hình ảnh nào khác mang giá trị biểu đạt cho thông điệp tác phẩm tốt hơn, nếu không phải là những bậc cầu thang.
Bậc thang lên toilet được xem là một ẩn dụ trong phim.
Ngoài mang tính thông điệp về khoảng cách giàu – nghèo, hình ảnh cầu thang còn đóng vai trò làm nút thắt trong cấu trúc điện ảnh 3 hồi của Ký sinh trùng. Càng về sau, vai trò của cầu thang trong phim càng trở nên đắt giá.
Có người “lăn lông lốc” ở cầu thang và cũng có người đã chết ở cầu thang. Cầu thang trong Ký sinh trùng trở thành thứ chứng nhân cho mọi thứ: giàu nghèo, tình thương vợ chồng, gia đình, đạo đức lẫn những ác độc, sợ hãi của các “ký sinh trùng”.
Không phải ngẫu nhiên người ta khen Bong Joon-ho dũng cảm dù câu chuyện về khoảng cách giàu nghèo vốn chẳng xa lạ trong điện ảnh. Nhiều bộ phim từng nói về đề tài này và đó cũng là thực trạng tồn tại ở bất cứ quốc gia nào.
Nhưng Bong Joon-ho đáng được khen ngợi vì công nghiệp giải trí Hàn Quốc nhiều năm nay đã xây dựng nên rất nhiều những mỹ miều, đẹp đẽ.
Những ngôi sao giải trí hào nhoáng, những bài hát, những bộ phim truyền hình dày đặc “trai xinh, gái đẹp” giàu có, sung túc đã tô hồng cuộc sống biến Hàn Quốc trở thành biểu tượng của sự lý tưởng, thiên đường, đáng ngưỡng vọng.
Ít ai biết, đằng sau sự phát triển như vũ bão của công nghiệp giải trí, đằng sau những tòa nhà xa hoa, tráng lệ vẫn là những góc tăm tối bế tắc, là những phận người, cảnh đời cùng khổ.
Theo zing.vn
Park Seo Joon: Người Tốt, Kẻ Xấu Hay Cầu Nối Giữa Ký Sinh Trùng Và Vật Chủ?
Đạo diễn Bong Joon Ho từng giải thích lý do lựa chọn Park Seo Joon cho tác phẩm "Ký sinh trùng".
"Park Seo Joon và Choi Woo Sik là bạn thân ở ngoài đời thật, vì thế mà họ có những phản ứng hóa học tự nhiên làm chúng tôi hài lòng". Thế nhưng đó không phải điều duy nhất khiến khán giả ấn tượng về nhân vật Min Hyuk của Park Seo Joon. Trong bộ phim Hàn Quốc có chiến thắng lịch sử tại Cannes 2019, "ông hoàng rom-com" đã có màn cameo ấn tượng bậc nhất sự nghiệp.
Nhân vật của Park Seo Joon: Cầu nối giữa ký sinh trùng và vật chủ
Nhân vật Min Hyuk do Park Seo Joon thủ vai chính là khởi nguồn cho mọi chuyện.
Trailer Ký sinh trùng
Chuyện phim "Ký sinh trùng" theo chân gia đình nghèo bốn người gồm ông bố Ki Taek (Song Kang Ho), bà mẹ Choong Sook (Jang Hye Jin) thất nghiệp ở nhà, con trai cả Ki Woo (Choi Woo Sik) phụ việc bố mẹ sau bốn lần thi trượt đại học và em gái Ki Jung (Park So Dam) phải nghỉ học do không đủ tiền trả học phí. Cuộc sống gia đình sang trang mới sau khi Min Hyuk (Park Seo Joon) - bạn thân của Ki Woo - mang đến tặng hòn đá tài lộc và nhờ Ki Woo làm gia sư thay mình tại một gia đình giàu có.
Ở hồi thứ nhất của "Ký sinh trùng", Min Hyuk trở thành cầu nối đưa ký sinh trùng gặp vật chủ. Ngay từ khi xuất hiện, anh đã sớm cho thấy mình đến từ thế giới hoàn toàn khác với bạn thân: cả nhà Ki Woo ngồi bất lực nhìn gã đàn ông say xỉn đi vệ sinh bậy lên cửa sổ, còn Min Hyuk lớn tiếng quát đuổi đi; Min Hyuk coi một hòn đá vô tri là biểu tượng của đức tin quý báu, trong khi bà Choong Sook chẳng thèm che giấu nỗi thất vọng: "Thà tặng đồ ăn còn hơn".
Min Hyuk chọn Ki Woo làm gia sư cho cô tiểu thư Da Hye là vì nghĩ một chàng trai xuất thân bần hàn, nghèo khó, thi rớt đại học nhiều lần sẽ chẳng thể nào là mối đe doạ.
Đến hồi thứ ba của tác phẩm, cái tên Min Hyuk lại xuất hiện thêm một lần nữa. Sau đêm mưa đầy biến động, những con người nghèo khổ dưới đáy xã hội buộc phải gạt bỏ mọi ảo tưởng xa hoa và trở về nơi họ thuộc về một cách đầy nhục nhã, cậu con trai cả Ki Woo hoang mang tự vấn: "Min Hyuk sẽ làm gì trong hoàn cảnh này?" rồi nhận ra trong cay đắng: "Cậu ấy vốn chẳng bao giờ có thể rơi vào hoàn cảnh này".
Đạo diễn Bong Joon Ho không chỉ tạo nên sự tương phản cay đắng giữa nhà Ki Woo và gia đình ông Park, mà còn khắc họa hai chân dung đối lập của hai người bạn thân. Trong đó, người chỉ đơn thuần nghĩ đến tình cảm dành cho cô con gái nhà Park vô tình kết nối ký sinh trùng với vật chủ.
Min Hyuk, hòn đá và câu chuyện về niềm tin
Giàu và nghèo vẫn luôn là hai thế giới không thể nào chạm vào nhau.
Khoảnh khắc Min Hyuk tặng cho gia đình nhà Ki Woo hòn đá tài lộc và giới thiệu bạn thân đến làm gia sư cho con gái ông Park, anh trao niềm tin tuyệt đối cho Ki Woo. Min Hyuk đơn thuần nghĩ rằng, người bạn có xuất thân bần cùng, thi trượt đại học đến bốn lần nhưng nắm chắc kiến thức Anh - Văn sẽ trở thành lựa chọn không thể tốt hơn để thay thế vị trí gia sư của mình. Thời gian Min Hyuk đi du học, Ki Woo sẽ giúp anh giữ Da Hye không thuộc về ai khác.
Nhiều khán giả cũng đặt câu hỏi: liệu sự giúp đỡ của Min Hyuk có xuất phát từ lòng tốt thật sự, hay cũng chỉ là một toan tính mang nặng tư tưởng phân biệt giàu - nghèo khi cho rằng cậu bạn với xuân thân kém cỏi như Ki Woo sẽ không thể nào là mối đe doạ tình cảm của anh?
Thế nhưng Min Hyuk không bao giờ ngờ đến, chính gia cảnh nghèo hèn dưới đáy xã hội khiến Ki Woo choáng ngợp trước cuộc sống xa hoa và tìm mọi cách đưa gia đình mình vào. Cuộc sống nhục nhã ê chề không cho phép tư duy nhà Ki nghĩ xa hơn, họ chỉ muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó ngày nào hay ngày đó. Và trở thành ký sinh trùng là con đường dễ dàng nhất.
Đồng thời, loài ký sinh trùng với lớp ngụy trang hào nhoáng bên ngoài dễ dàng chiếm lòng tin từ những người giàu "ngây thơ, tốt bụng, có tiền làm bệ đỡ". Ngay trong ngày đầu gặp mặt, Ki Woo - kẻ nghèo hèn bám lấy cuộc sống xa hoa, nhanh chóng nhận được cái gật đầu từ vợ ông Park - người phụ nữ sống lệ thuộc vào tiền của chồng, và có được trái tim Da Hye - cô con gái thiếu thốn tình thương phải bấu víu lấy tình cảm nam nữ đầy ảo mộng.
Park Seo Joon có vai diễn cameo thú vị nhất sự nghiệp bên cạnh cậu bạn thân ngoài đời lẫn trong phim.
Hòn đá là vật mở đầu và kết thúc bi kịch. Nhưng Min Hyuk của Park Seo Joon không xuất hiện ở kết phim. Trong muôn vàn nỗi ám ảnh mà "Ký sinh trùng" để lại cho khán giả, tâm trạng của Min Hyuk khi biết mọi chuyện có lẽ là điều khiến người xem suy nghĩ nhất. Từ vật mang đến may mắn, tiền tài cho gia chủ, hòn đá trở thành vũ khí lấy mạng người; còn đức tin được gửi gắm trong nó bị biến dạng, méo mó thành những ảo tưởng xa hoa. Và niềm tin mà Min Hyuk dành cho Ki Woo cũng chẳng khác gì.
Theo dep.com.vn
Quái kiệt Bong Joon-ho và sở thích xem phim lấy mạng người hàng loạt Với "Parasite", bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes, Bong Joon-ho đã trở thành một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh thế giới hiện nay. Thực ra, không cần đến Parasite, Bong Joon-ho đã được giới phê bình quốc tế đánh giá cao. Năm 2017, trang Metacritic - tập trung những bài điểm...