Điều kỳ diệu đến với mẹ con sản phụ mắc ung thư vòm họng
Khi mang thai tuần thứ 20, sản phụ liên tục chảy máu mũi họng, nôn ra máu lượng nhiều, các bác sĩ có lúc tính đến phương án phải bỏ con để bảo toàn tính mạng người mẹ.
Ngày 10-11, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ vừa phối hợp nhiều chuyên khoa cứu sống mẹ và con sản phụ mắc ung thư vòm họng khi đang mang thai.
Trước đó, sản phụ (ngụ Lâm Đồng) bị chảy máu mũi họng, nôn ra máu lượng nhiều được BV địa phương chẩn đoán u sùi vòm xuất huyết, thiếu máu khi mang thai 20 tuần.
BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chúc mừng bệnh nhân mẹ tròn con vuông. Ảnh: HL
Khi nhập viện, sản phụ xanh xao hốc hác, suy kiệt, hơi thở hôi, thở bằng miệng khó khăn, mũi đang nhét vật liệu cầm máu. Hạch cổ bên phải to, xét nghiệm thiếu máu nặng.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết khối u cho thấy khối u ác tính đang sùi loét hoại tử, tăng sinh nhiều mạch máu, tổn thương u bít kín vùng vòm mũi họng 2 bên, xâm lấn lên trên hố chân bướm và sàn mũi.
Bệnh nhân ói ra máu mỗi ngày 200 – 300 ml, mặc dù được thực hiện các biện pháp cầm máu nhưng không thành công.
Video đang HOT
Các bác sĩ đánh giá đây là một ca nặng, nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ và thai nhi vì xuất huyết mũi họng lượng nhiều gây suy hô hấp cấp. Cạnh đó sản phụ còn bị hiếu máu nặng, có thể suy đa cơ quan cho thai phụ và suy thai, mất tim thai bất cứ lúc nào…
BV đã hội chẩn liên chuyên khoa tai mũi họng, ung bướu, tai mũi họng, huyết học và phối hợp với Khoa Sản BV Hùng Vương nhiều lần để lên phương án cứu mẹ con sản phụ.
BS Dương Thị Thanh Mai, Khoa Tai mũi họng BV Chợ Rẫy cho biết : “Khối u liên tục chảy máu khiến chúng tôi không thể tiếp cận được. Gia đình bệnh nhân khó khăn, bệnh lại nặng nên người nhà đã có lúc xin về. Tuy nhiên Ban giám đốc BV đã quyết tâm giữ bệnh nhân lại để cứu bằng mọi giá. Ca bệnh nặng đến mức đã có những lúc chúng tôi phải tính đến phương án bỏ con để hạn chế chảy máu cho mẹ hoặc chỉ dưỡng thai”.
Cháu bé con sản phụ chào đời khoẻ mạnh, khóc to ngay từ lọt lòng. Ảnh: BVCC
Bằng quyết tâm cao độ, các bác sĩ đã có một quyết định táo bạo là mổ cắt toàn bộ khối u đang chảy máu liên tục nhưng vẫn phải dưỡng thai tối đa.
BS Mai cho biết trước đây, các ca mắc ung thư vòm mũi họng thường chỉ điều trị bằng xạ trị, hóa trị, chưa bao giờ phẫu thuật cắt khối u. Song song với ca mổ cắt khối u, các bác sĩ vừa phải thực hiện kẹp đốt các mạch máu nuôi u trong tình trạng truyền máu liên tục, nguy cơ bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào trên bàn mổ.
Sau ca mổ, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt dần, hết chảy máu, ăn uống được. Bệnh nhân được dưỡng thai và chọn phác đồ hóa trị ít tác dụng phụ nhất cho thai nhi.
Sau 15 tuần can thiệp, điều trị tích cực, sản phụ được các bác sĩ BV Hùng Vương mổ bắt thai lúc 35 tuần. Bé trai nặng 2,3 kg chào đời khỏe mạnh.
Hiện tại sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định, khối u vòm mũi họng của bệnh nhân thoáng, không chảy máu mũi. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị ung thư trong thời gian tới.
BS Trường nhận định, y văn thế giới cũng chỉ ghi nhận vài trường hợp ung thư vòm họng trên sản phụ, đây có thể là ca đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật thành công.
Anh thợ điện được cứu sống ngoạn mục sau 3 ngày 'ngủ đông'
Anh thợ điện ngưng tim, ngưng thở, được đưa đến bệnh viện cấp cứu sau 45 phút, tim mới đập trở lại...
Ngày 4-11, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy chia sẻ vừa cứu sống ngoạn mục một bệnh nhân bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy mới được áp dụng tại BV này.
Bệnh nhân là anh NDT (26 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) làm nghề thợ điện. Vào ngày 28-10, anh T. leo lên mái tôn để sửa điện, bất ngờ bị dòng điện rò rỉ gây giật khiến anh rơi từ trên cao xuống đất, ngưng tim ngưng thở.
Chứng kiến sự việc, những người dân xung quanh đã sơ cứu và đưa anh đến BV huyện Bình Chánh.
Tại đây, sau 45 phút hồi sức tim phổi nâng cao, tim bệnh nhân mới đập trở lại, sau đó bệnh nhân được chuyển viện đến BV Chợ Rẫy.
Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy để cứu sống bệnh nhân và giảm di chứng não. Ảnh: BVCC
ThS-BS Nguyễn Trường Duy - Khoa nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch BV Chợ Rẫy, cho biết đã áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy và duy trì ở 36 độ C cho bệnh nhân. Đây là biện pháp nhằm giảm thiểu những tổn thương não, bảo vệ não cho bệnh nhân khi thiếu oxy não kéo dài.
Do ngưng tim kéo dài, tim của bệnh nhân bóp lờ đờ, tụt huyết áp, suy thận... Do đó, ngoài hạ thân nhiệt, các bác sĩ phải dùng thuốc nhằm kiểm soát tình trạng của bệnh nhân.
Sau 3 ngày theo dõi sát thân nhiệt 24/24 giờ, bệnh nhân bắt đầu hồi tỉnh, có phản xạ mắt, tay, gọi biết, làm theo y lệnh của bác sĩ. Sau đó, bệnh nhân được ngưng thở máy, tự thở được, dần dần hồi phục, không có các biến chứng về não, chức năng thận cũng hồi phục, không xảy ra tình trạng ly giải cơ.
Bác sĩ chúc mừng bệnh nhân hồi phục. Ảnh: BVCC
BS CK2 Đặng Quý Đức - Phó khoa nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân ngưng tim ngưng thở ngoại viện chỉ có 2-9% sống để xuất viện, trong đó có 1/3 bệnh nhân bị rối loạn ý thức. Đối với bệnh nhân nội viện bị ngưng tim ngưng thở, tỉ lệ được cứu sống và có thể xuất viện khoảng 18%.
"Hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật rất quan trọng giảm tỉ lệ tử vong, tổn thương tế bào não, tim, các tạng khác, giảm tổn thương thiếu máu cục bộ, giảm tổn thương hàng rào máu não và chết neuron thần kinh. Cạnh đó nó giúp giảm phản ứng viêm và các sản phẩm oxy hoá độc tế bào, giảm tỉ lệ chuyển hoá tế bào não, giảm nhu cầu oxy hoá và glucose.
Đây là kỹ thuật "làm lạnh" chủ động để đưa thân nhiệt bệnh nhân xuống 33-36 độ C. BV Chợ Rẫy đang thực hiện 2 kỹ thuật hạ thân nhiệt: nội mạch xâm lấn và bề mặt không xâm lấn, cứu sống nhiều bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, hạn chế các biến chứng, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường"- BS Đức cho hay.
Cũng theo BS Đức, bệnh nhân được chỉ định phương pháp này là những người hôn mê không đáp ứng với lời nói, kích thích đau, ngưng hô hấp tuần hoàn, hồi sức tim có đập trở lại.
Khi thực hiện, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, bỏng lạnh, huyết khối, loạn nhịp tim, sốc giảm thể tích, tăng đường huyết, rối loạn điện giải. Do đó các bác sĩ phải kiểm soát các yếu tố, theo dõi tình trạng của bệnh nhân liên tục.
Thêm bệnh nhi được phẫu thuật tim hở thành công Dưới sự hỗ trợ của ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa phẫu thuật tim hở thành công cho bé T.H.N.M. (4 tuổi, ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa). Ê-kíp phẫu thuật gồm các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)...