Điều ít biết về danh ca Lệ Thu: Bài hát vận vào đường tình duyên và chuyện cát-xê nhiều phải đựng trong bao tải
Tên tuổi của danh ca Lệ Thu gắn liền với nhiều giai thoại. Mỗi lần nhắc đến ai nấy đều ‘ngả mũ thán phục’ tài năng của bà. Bà ra đi để lại niềm tiếc thương. Xung quanh cuộc đời bà có những giai thoại và bí mật không phải ai cũng biết…
Tin buồn từ bên kia đại dương
Chưa bao giờ, làng nghệ sĩ Việt nhiều tin buồn đến vậy! Mất mát, chia ly sao cứ mãi nối tiếp… Thêm một tên tuổi gạo cội giã từ cõi tạm trong niềm tiếc thương vô hạn của bao thế hệ khán giả – danh ca Lệ Thu .
Từ Mỹ, MC hải ngoại Jimmy Nhựt Hà – người thân của gia đình danh ca Lệ Thu xác nhận với ĐS&PL: ‘Sau thời gian chống chọi với bạo bệnh vì Covid-19, danh ca Lệ Thu đã qua đời lúc 19h, ngày 15/1 (giờ địa phương). Từ đây, ‘ Nước mắt mùa thu’ sẽ thôi khóc thân phận mình’.
Sự ra đi của danh ca Lệ Thu đã để lại khoảng trống lớn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ. Ca sĩ hải ngoại Leon Vũ nghẹn ngào: ‘Tưởng chừng phép màu đã đến với cô… Vậy mà… Cuộc đời thật vô thường! Tôi may mắn có nhiều dịp được trò chuyện và làm việc chung với cô Lệ Thu. Cô là người rất nhiệt tình, vui vẻ, và đặc biệt, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Nhưng, giờ đây, nụ cười ấy chỉ còn trong ký ức!’.
Đau lòng trước tin dữ, ca sĩ Dương Triệu Vũ xót xa: ‘Xin thương tiếc vĩnh biệt thần tượng – danh ca Lệ Thu. Cầu mong cô được an nghỉ. Trong đầu con luôn văng vẳng câu ‘dương trần đã vang lên bài thánh ca’ với chất giọng sáng chói đặc trưng của cô mỗi khi đông về. Hay bài Thuyền viễn xứ đầy hoài niệm. Con cảm ơn cô đã mang lại biết bao nhiêu cảm xúc cho nhiều thế hệ. Cô đã để lại một di sản âm nhạc đáng kể cho đời’.
Khánh Ly – Lệ Thu – Thái Thanh (từ trái qua phải).
Từng có dịp đứng chung sân khấu với danh ca Lệ Thu, Đoan Trường ngậm ngùi: ‘Sự ra đi của danh ca Lệ Thu là nỗi mất mát quá lớn với chúng ta. Nhớ lại những kỷ niệm khi mời cô qua Nga lưu diễn vào năm 1995. Lúc đó cô nói, em cứ gọi cô là chị cho trẻ. Hai chị em đi hát khắp nơi và chỉ bảo mình tận tình cách phát âm sao cho rõ và giao lưu với khán giả. Chị nói rất thích mùa thu vàng nước Nga. Tạm biệt giọng ca vàng mười của bao thế hệ!’.
Cùng chung tâm trạng, nghệ sĩ Trịnh Tú Trung không khỏi bàng hoàng khi hay tin giọng ca lẫy lừng từng gắn liền với 3 thế hệ gia đình anh đã rời cõi tạm. ‘ Từ bé, tôi đã được bà nội ru ngủ bằng những bài hát của cô bằng băng cát-sét. Lớn lên, tôi nghe cùng ba mẹ. Cứ thế, giọng hát du dương lạ thường ấy cứ ngấm dần vào tâm trí tôi. Nhưng, từ nay trở về sau, tôi sẽ không còn được nhìn thấy cô biểu diễn trên sân khấu nữa. Nhưng, chắc chắn sau này, tôi sẽ vẫn cho con cháu mình lắng nghe giọng hát của cô’ , anh xúc động.
Giai thoại về ‘giọng ca vàng ròng’
Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16/7/1943 tại Hải Phòng. Năm 1953, bà cùng mẹ vào miền Nam sinh sống. Con đường đến với âm nhạc của bà cũng vô cùng tình cờ. Tài năng ca hát của Lệ Thu được phát hiện vào năm 16 tuổi, khi bà trình diễn ca khúc Dang dở tại phòng trà Bồng Lai. Ông chủ phòng trà vì quá bất ngờ trước giọng hát của bà nên đã mời ký hợp đồng. Kể từ đó, bà đi hát với nghệ danh Lệ Thu.
Chỉ vài năm sau, Lệ Thu trở thành một ngôi sao sáng, tên tuổi ăn khách trên khắp các sân khấu phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội. Những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu được yêu thích hàng đầu bên cạnh Thái Thanh, Khánh Ly.
Bà nổi tiếng bởi chất giọng nữ trung dày, hơi khàn độc đáo cùng lối hát tự sự, truyền cảm của mình. Đặc biệt, nếu Thái Thanh nổi tiếng với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly vang danh nhờ nhạc Trịnh, thì sự nghiệp Lệ Thu trải dài bởi ca khúc bất hủ của nhiều tác giả.
Bà không gắn liền tên tuổi với ai, nhưng nhắc đến nhiều bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Phạm Đình Chương…, cái tên Lệ Thu luôn xuất hiện đầu tiên. Bên cạnh đó, nhờ tài năng và chất giọng đi vào lòng người, Lệ Thu được nhiều nhạc sĩ viết tặng riêng các ca khúc như: Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Thu, hát cho người (Vũ Đức Sao Biển)…
Trong làng nhạc Việt thời đó, danh tiếng của Lệ Thu lớn tới mức, người ta nói rằng bà chỉ cúi đầu trước Thái Thanh. Từng có thời kỳ, Lệ Thu đạt mức cát-xê cao kỷ lục, nhiều tiền tới mức phải nhét bao bố mang về. Vì lẽ đó, bà được mệnh danh là ‘giọng ca vàng ròng’ hay ‘vàng mười’. Đến sau này, câu chuyện đặc biệt này vẫn được thế hệ sau nhắc lại như giai thoại.
Danh ca Lệ Thu thời trẻ.
Năm 1980, Lệ Thu sang Mỹ định cư cùng gia đình. Tại hải ngoại, bà vẫn ca hát không ngơi nghỉ. Và, cũng chính đam mê âm nhạc đã giúp bà gắn kết với khán giả quê nhà. Năm 2007, Lệ Thu trở về nước làm show đầu tiên ở Nhạc viện TP.HCM sau hơn 30 năm xa xứ. Năm 2013, dù bị tai nạn giao thông ở Mỹ, được khuyến cáo nghỉ ngơi, bà vẫn vội vã về nước, tổ chức liveshow một tuần sau đó vì không muốn lỡ hẹn với những người trót yêu tiếng hát bà. Đến năm 2017, nữ danh ca lại về Việt Nam thực hiện đêm nhạc Như là kỷ niệm cùng Tuấn Ngọc.
Trong sự nghiệp trải dài 6 thập kỷ, tiếng hát Lệ Thu khiến bao khán giả mê đắm. Điều trùng hợp, bà thành công nhất với các ca khúc về mùa thu, được nhiều người công nhận là ca sĩ hát về mùa thu hay nhất: Chiếc lá cuối cùng, Xin còn gọi tên nhau, Nước mắt mùa thu, Bài không tên số 7, Hoài cảm, Bản tình cuối, Mùa thu chết, … Sau này, dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn giữ được giọng hát truyền cảm, đi hát liên tục khắp trong và ngoài nước, được nhiều khán giả yêu thích.
Dâng cho đời giọng ca vàng, nhận cho mình tình duyên trắc trở
Dù rất thành công trên con đường ca hát, nhưng số phận tình duyên của Lệ Thu lại đầy nỗi truân chuyên. Bài hát đưa Lệ Thu vào con đường âm nhạc mang tên Dang dở để rồi như một sự báo hiệu cho con đường hạnh phúc không trọn vẹn của nữ danh ca.
Nữ danh ca lên xe hoa lần đầu khi vẫn còn rất bỡ ngỡ về tình yêu. Nhưng, chỉ hai tháng sau đã đường ai nấy đi. Đến năm 1963, bà kết hôn lần 2 với một Việt kiều và có 2 con gái. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này kéo dài 7 năm thì đổ vỡ. Sau đó, bà đi thêm bước nữa vào năm 1974, và có thêm 1 người con gái.
Nhưng, mối tình này cũng ‘ngắn chẳng tày gang’ khi Lệ Thu và chồng chia tay sau 10 năm chung sống. Khi con cái đã trưởng thành, danh ca Lệ Thu chọn cuộc sống một mình ở Mỹ. Bà từng chia sẻ rằng, cuộc sống hiện tại rất thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc bởi bản thân vốn có tính cách mạnh mẽ, yêu sự tự do.
Bất chợt nghe câu hát ‘ Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều/ Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu ‘ - ai nấy đều khóc thương cho một kiếp người tài hoa, nhiều truân chuyên và lắm thăng trầm
Lệ Thu - tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Lệ Thu ở vị trí của một tượng đài tân nhạc. Giọng hát của bà được ví như "vàng mười", nghĩa là vàng nguyên chất, không một chút pha tạp.
Vài năm trước, Lệ Thu vẫn còn xuất hiện ở nhiều sân khấu trong nước. Bà đứng song ca với Khánh Ly, xuất hiện trên truyền hình và góp mặt ở không ít đêm nhạc. Giọng hát đã trải qua 50 năm phục vụ khán giả mà năng lượng của chất mezzo alto (nữ trung trầm) vẫn tỏa ra đầy mê hoặc.
Vì lẽ đó, sự ra đi của Lệ Thu ở tuổi 78 vì Covid-19 không chỉ là sự bàng hoàng, tiếc thương của giới nghệ sĩ, khán giả, đó còn là một tổn thất của tân nhạc, nhất là khi chỉ vài tháng trước trước đó, người hâm mộ đã phải vĩnh biệt giọng ca diễm tuyệt Thái Thanh. Bộ ba nữ danh ca tân nhạc nổi đình nổi đám một thuở, giờ chỉ còn Khánh Ly.
Danh ca Lệ Thu qua đời ở tuổi 78 tại Mỹ
Tại sao Lệ Thu là "giọng ca vàng mười"?
Giữa Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly, mỗi người là một sắc vị âm nhạc.
Nếu Thái Thanh là giọng soprano (nữ cao) xuất chúng với lối hát bạch thanh mĩ miều, sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật Tây phương với cách hát dân gian truyền thống, một giọng hát được ví là vượt thời gian, như thanh âm ngân giữa trời xanh; Khánh Ly lại là chất alto (nữ trầm) liêu trai, một giọng hát rất lạ, bao năm chẳng lặp lại, cuốn hút đến kỳ lạ mà cũng từng gây tranh cãi rằng bà có thực sự hát không hay chỉ là cất âm lên, với chất trầm khàn độc đáo, với cách di chuyển khoang miệng ấy, đã thành tiếng hát.
Lệ Thu ở giữa những đối lập của Thái Thanh và Khánh Ly với chất giọng nữ trung trầm, đến nay vẫn là hàng hiếm có của nhạc Việt. Lệ Thu nổi lên khi Thái Thanh đã được coi là giọng ca tân nhạc số một nhưng bà vẫn xác lập được vị trí riêng, là ngôi sao của không ít phong trà, vũ trường. Khánh Ly nổi tiếng sau bà.
Danh ca Khánh Ly nhiều lần chia sẻ rằng "nhờ Lệ Thu nhường tôi mới trở thành người hát nhạc Trịnh" . Bởi vì trước Khánh Ly, Lệ Thu đã thể hiện rất thành công nhiều ca khúc nhạc Trịnh. Hạ trắng sau này có rất nhiều người hát nhưng màn thể hiện của Lệ Thu vẫn là mẫu mực, được yêu thích nhất.
Nhưng Lệ Thu không chọn nghiệp du ca, và "nữ hoàng chân đất" Khánh Ly đã xuất hiện, rong ruổi cùng Trịnh Công Sơn trên những nẻo đường, những sân khấu sinh viên. Khánh Ly sau đó trở thành người thể hiện thành công nhất các sáng tác của Trịnh.
Lệ Thu khác với các nữ danh ca cùng thời ở chỗ tên tuổi của bà không gắn với bất cứ một nhạc sĩ nào. Lệ Thu là hình mẫu của sự đa dạng trong âm nhạc và chỉ ghi dấu ấn với tác phẩm thay vì định danh với một nhạc sĩ dù cho đó là người viết nhạc hào hoa như: Phạm Duy, Ngô Thụy Miên hay Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương.
Nhắc đến Thái Thanh là nhắc đến Phạm Duy, nói đến người hát nhạc Trịnh không thể quên Khánh Ly. Nhưng cũng có những ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, phải là giọng của Lệ Thu mới hợp tình, hợp cảnh. Ai hát hay hơn Lệ Thu bài hát Mùa thu chết của Phạm Duy. Và Phạm Duy cũng là người đã viết tặng nữ danh ca bài hát Nước mắt mùa thu, ca khúc như vận vào phận đời của bà vậy.
Trước năm 1975, Lệ Thu được mệnh danh là "giọng ca vàng ròng" hay "vàng mười". Nhiều người cho rằng sở dĩ Lệ Thu có danh xưng đó là vì bà chỉ hát ở các phòng trà độc quyền với cát-xê ở mức ngất ngưởng.
Nhưng trong cuộc trò chuyện với người viết cách đây 4 năm, giọng ca Mùa thu chết bảo đó là sự mến mộ của một nhạc sĩ dành tặng cho bà. Khi nghe album Lệ Thu hát, vị nhạc sĩ đó nhận xét bà là "giọng ca vàng mười", nghĩa là vàng nguyên chất, không pha tạp.
Lệ Thu được mệnh danh là giọng ca vàng mười của tân nhạc.
Xin còn gọi tên... Thu
Lệ Thu đã đứng trên khấu hơn 20 năm, từ một thiếu nữ đến khi là người đàn bà kể chuyện tình, từ sân khấu trong nước đến hải ngoại, thể hiện sáng tác của nhiều nhạc sĩ về nhiều chủ đề khác nhau.
Một giọng hát với âm vực trời cho, lên cao sáng, căng tràn nội lực mà xuống trầm lại chắc nịch, u hoài. Danh ca hát bằng tiếng lòng gan ruột. Tiếng hát ấy bay trên những thành phố băng khuâng và để lại những dư cảm tự sự ám ảnh, không dễ gì quên được.
Và tiếng hát ấy đến từ một ca sĩ đã gần như dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc. Như bà từng trải lòng về những được mất sau hơn 50 ca hát: "Tôi được nhiều chứ. Trước hết là được lòng yêu thương của khán giả, sau nữa là được hát, tức là được nói lên cảm xúc của mình qua âm nhạc. Với tôi, âm nhạc là một phần không thể thiếu của đời sống. Tôi luôn tự hỏi nếu một ngày không có âm nhạc thì tôi sẽ như thế nào. Và tôi không trả lời được".
Vì yêu âm nhạc, mến khán giả và muốn gìn giữ vẻ lộng lẫy trong giọng hát của mình, Lệ Thu cũng từng chia sẻ rằng mong được ra đi sớm: "Tức là mong được chết sớm. Tôi muốn giọng hát và hình ảnh của mình được giữ mãi trong lòng khán giả. Chết là cái không thoát được, vậy tại sao lại không muốn đi sớm hơn".
Danh ca từ lâu đã tâm sự về lẽ vô thường của kiếp người. Bà không sợ phải tạm biệt khán giả. Dù vậy, sự ra đi của Lệ Thu là khoảng trống khó thay thế cho lịch sử âm nhạc.
Đó là khoảng trống từ vị trí của giọng ca vàng mười - người đã thể hiện thành công nhiều sáng tác của Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương...
Vĩnh biệt một tiếng hát bay trên những hàng phố bâng khuâng, một tiếng hát đong đưa những bước chân đau mòn. Vĩnh biệt một đời ca sĩ hát trong buồn tênh. Nhưng "thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài. Trời ơi nước mắt mùa thu khóc thân phận mình...".
Lệ Thu - giọng ca bất hủ của âm nhạc Việt Với chất giọng đẹp được khán giả và người trong giới ca tụng là "vàng mười", danh ca Lệ Thu đã trở thành tượng đài bất hủ của âm nhạc Việt Nam. Giọng ca kinh điển Danh ca Lệ Thu có tên thật là Bùi Thị Oanh,SN 1943 tại Hải Phòng. Gia đình bà không có ai theo nghệ Bố mẹ Lệ Thu...