Điều ít biết về bộ phim được ví như “Kẻ thất bại thế kỷ”
“The Shawshank Redemption” nhận được tới 7 đề cử Oscar nhưng không giành chiến thắng ở hạng mục nào
Thế giới điện ảnh có nhiều bộ phim hay nhưng không có cơ hội lan tỏa rộng rãi đến khán giả. Ai đã xem những bộ phim này đều muốn chia sẻ đến mọi người bởi sự cảm động, sâu sắc, nhân văn, lãng mạn… Những bộ phim như thế sẽ được giới thiệu tới độc giả vào lúc 11h, thứ 5 hàng tuần, mời các bạn đón đọc!
Oscar năm 1995 là một năm đáng nhớ với hai bộ phim ngang sức ngang tài. Cả Forrest Gump và The Shawshank Redemption đều nhận được tới 7 đề cử Oscar trong năm đó. Tuy nhiên, Forrest Gump nhận được tới 6 giải, cònThe Shawshank Redemption trắng tay. Thất bại của The Shawshank Redemption đến nay vẫn là một câu chuyện nhiều người nhắc đến như một thất bại của thế kỷ.
Đây là bộ phim đang đứng đầu bảng xếp hạng IMDB do người xem bình chọn
Dù không được giải Oscar nào nhưng The Shawshank Redemption lại là bộ phim “được lòng” khán giả nhất. Trong suốt hàng chục năm trời, The Shawshank Redemption vẫn là bộ phim xếp thứ 1 trên bảng xếp hạng phim xuất sắc của IMDB do người dùng bình chọn. Với số điểm trung bình là 9.3, bộ phim này còn đứng phía trên cả các tác phẩm kinh điển khác như Bố già hay The good, The Bad và The Ugly.
Số phận của The Shawshank Redemption cũng long đong lận đận ngay từ khi mới ra mắt, chứ không phải chỉ ở việc tranh tài các giải thưởng. Năm 1991, đạo diễn Frank Darabont quyết định đạo diễn bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách Rita Hayworth and Shawshank Redemption của Stephen King. Bộ phim được đầu tư tới 25 triệu USD tại thời điểm đấy với tham vọng sẽ trở thành một tác phẩm hút khách khi ra rạp.
Tuy nhiên khi bộ phim ra mắt năm 1994, không hiểu vì lí do gì đã khiến khán giả “ngó lơ” hoàn toàn bộ phim này. The Shawshank Redemption thất bại thảm hại về mặt doanh thu và không thu đủ lợi nhuận để khỏa lấp chi phí làm phim.
Bộ phim nhận được đến 7 đề cử Oscar nhưng không được giải thưởng nào
Mãi cho đến khi được phát hành dưới dạng đĩa DVD và chiếu trên truyền hình, các nhà phê bình mới dành cho nó những lời nhận xét tích cực. Từ đó, độ nổi tiếng của The Shawshank Redemption ngày càng tăng và thường được xếp vào hạng một trong những phim vĩ đại nhất mọi thời đại.
Điều gì đã khiến The Shawshank Redemption nhận được sự ủng hộ đông đảo của khán giả đến thế? Ngoài một kịch bản li kì và chặt chẽ, The Shawshank Redemption còn khiến người xem tin rằng, những điều kỳ diệu vẫn tồn tại trên thế gian.
Bối cảnh phim được lấy từ năm 1947, xoay quanh cuộc đời nhiều sóng gió của Andy Dufresne (Tim Robbins thủ vai) – một phó giám đốc ngân hàng. Vào một đêm mưa gió trở về nhà trong một cơn say, Andy phát hiện ra vợ và người tình nằm trên vũng máu, cùng khẩu súng có vân tay của mình. Ngay lập tức Andy nhận bản án chung thân tại Nhà tù Shawshank nổi tiếng ở Maine, một nhà tù nổi tiếng kiên cố với những biện pháp chống vượt ngục.
Trong tù, Andy làm quen và kết thân với Red (Morgan Freeman) – một phạm nhân cũng nhận án chung thân khác. Ở trong tù lâu nên Red có những mánh khóe để mang đồ đạc từ bên ngoài vào. Có trình độ cũng như biết cách cư xử, Andy lấy được lòng tin của các tù nhân cũng như cai ngục trại giam.
Biết Andy có trình độ kế toán, các nhân viên của nhà tù Shawshank đều nhờ anh ta tư vấn tài chính. Ngoài ra, giám đốc nhà tù còn bắt Andy rửa số tiền bất lương hắn ta kiếm chác được bằng các mánh khóe ở ngân hàng. Song song với việc đó, Andy mở các lớp bổ túc văn hóa cho các bạn tù và lập thư viện.
Đoạn phim ấn tượng nhất trong “The Shawshank Redemption”
Video đang HOT
Trong suốt thời gian bị giam cầm, Andy luôn sống bình thản nhưng đầy hy vọng. Anh ta không để cho cuộc sống của mình trong trại giam trôi qua một cách vô nghĩa, cũng không tìm cách chống cự lại bản án mù mờ không rõ ràng. Giữa những tên tội phạm sống dưới đáy xã hội, Andy hoàn toàn khác biệt. Anh ta tỏ ra hòa nhập rất nhanh với cuộc sống tại nhà tù Shawshank nhưng cũng luôn toát ra một vẻ không thuộc về nơi này.
Đúng 19 năm sau khi bị tống vào tù, Andy đã vượt ngục bằng một kế hoạch không thể tin nổi. Trước khi bỏ trốn, Andy đã hẹn Red đến một địa điểm khá mơ hồ ở gần Buxton, Maine để tìm một thứ đã được chôn tại đó. Được phóng thích sau 40 năm giam giữ dưới dạng ân xá, Red đã giữ lời hứa với Andy và đến điểm hẹn. Cảnh cuối phim là hai người hội ngộ tại Zihuatanejo trên bờ Thái Bình Dương của México.
The Shawshank Redemption hấp dẫn người xem bởi nội dung của mình. Kế hoạch của Andy được giấu kín đến phút cuối. Người xem được thỏa mãn bởi một kế hoạch vượt ngục hoàn hảo với các chi tiết kín kẽ không cách nào bắt bẻ được.
Chi tiết Andy lặn qua 500m ống cống nước thải và khi bơi được ra con mương bên ngoài nhà tù, anh ta đứng giữa cơn mưa như một hình ảnh ấn dụ rằng Andy đã hoàn toàn tự do, tự do khỏi nhà tù và tự do với chính quá khứ của mình, với ám ảnh mình đã giết vợ trong cơn say cũng như 19 năm của cuộc đời bị giam cầm oan uổng vì âm mưu của kẻ xấu.
Diễn xuất của Tim Robbins và Morgan Freeman cũng là điểm cộng vô cùng xuất sắc ở bộ phim này. Trong vai Andy, Tim Robbins luôn khiến khán giả nhận thấy sự hy vọng của anh ta ngập tràn trong đôi mắt, cùng một ý chí không thể khuất phục, dù hoàn cảnh sống khó khăn và gian nan đến thế nào.
Sự phối hợp ăn ý của Tim Robbins và Morgan Freeman
Suốt gần 20 năm trong tù, Andy luôn tìm cách sống sao cho có ý nghĩa nhất và khi nhận ra mình bị vu oan trong suốt ngần ấy năm trời, anh ta đã quyết định bỏ trốn. Sự thay đổi tâm lý của Andy cũng chuyển biến rõ ràng trong bộ phim này.
Ban đầu, Andy vào tù với tâm trạng tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất tất cả mọi thứ, gia đình, công việc, địa vị và cả sự tự do. Andy chấp nhận chuyện này như một định mệnh và buông xuôi tất cả. Thậm chí khi bị hành hung và lạm dụng trong tù, Andy cũng không dám phản kháng.
Nhưng khi quen dần với cuộc sống tại nhà tù này cũng như những bạn tù, Andy tỏ ra hòa nhập rất nhanh. Khác với sự tù túng khi bị giam cầm, Andy lại có một cuộc sống khá thoải mái với việc tự tìm cho mình những niềm vui và mục đích sống như sưu tầm đá, như xây dựng thư viện hay phổ cập giáo dục cho các bạn tù khác và cả kế hoạch vượt ngục của mình.
Andy đều giữ những điều đó như mục đích để anh ta có thể sống kiên cường và tràn đầy hy vọng ngày này qua ngày khác, ở một nơi là nhiều người tin rằng sẽ chôn cất cuộc đời họ ở đây với bản án chung thân.
Còn với Morgan Freeman, ông đóng vai trò hoàn hảo trong việc làm “trợ lý” cho Tim Robbins trong bộ phim này. Cả hai trở thành một cặp không thể thiếu cũng như Red đã trở thành điểm tựa tinh thần và trợ giúp cho Andy ra khỏi “địa ngục” này.
Theo Danviet
"Chột dạ" với bộ phim phơi bày điều xấu xa của con người
Dogville như quả bom nhắm thẳng vào khán giả, phơi bày tất cả những gì xấu xa mà loài người muốn che giấu.
Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay.
Tại LHP Cannes 2004, đạo diễn người Đan Mạch Lars Von Trier đã mang một tác phẩm gây tranh cãi đến tham dự. Dogville như một quả bom nhằm thẳng vào khán giả, phơi bày tất cả những gì xấu xa mà loài người muốn che giấu.
Bộ phim gây nhiều tranh cãi khi ra mắt
Với Dogville, Lars Von Trier muốn chứng mình rằng: Cái ác có thể xảy ra ở khắp nơi, miễn là đúng hoàn cảnh. Vì có lẽ, con người sinh ra vốn mang tính ác, thứ mà đã bị đẩy sâu và giấu kín bên trong mỗi người. Tuy nhiên, chỉ cần cho nó hoàn cảnh, giống như cách William Golding mô tả trong tác phẩm văn học Chúa Ruồi, cái ác sẽ phát sinh để thoả mãn dục vọng của con người.
Lars Von Trier là một trong những đạo diễn tiên phong trong việc tối ưu hoá bộ phim của mình bằng sự tối giản hoá, theo cách không sử dụng kĩ xảo, không lạm dụng kĩ thuật nhằm nêu bật diễn xuất, chủ đề mà người đạo diễn muốn truyền tải.
Dogville được thực hiện dưới những ý tưởng cơ bản này. Bối cảnh được tối giản hoá hết mức có thể, đến nỗi ta cần dùng trí tưởng tượng để hiện thực hoá một không gian có hơi hướng trừu tượng.
Nếu một vở kịch sử dụng những đạo cụ cụ thể để phân tách rõ không gian của câu chuyện, thì Dogville, chỉ dùng những đường kẻ trắng trên một sân khấu lớn, giống như mặt cắt của bản vẽ trên tờ giấy, để thể hiện không gian của một thị trấn mỏ Dogville. Trong bối cảnh chật hẹp và trừu tượng đó, câu chuyện bắt đầu.
Bối cảnh phim được bài trí như một sân khấu kịch
Tại một thị trấn khai thác mỏ nghèo nàn và ít dân ở một vùng núi Colorado nước Mỹ, người dân sống lương thiện, khiêm tốn, những thói quen hàng ngày được lặp đi lặp lại. Để duy trì nếp sống đơn điệu nhưng an toàn đó, mọi việc chung đều cần được cả thị trấn đồng thuận thông qua, với sự dẫn dắt về mặt tinh thần của một ông bác sĩ già.
Một ngày, Grace (Nicole Kidman) xuất hiện, cô được cho là đang bị truy đuổi bởi một nhóm gangster, Tom Edison Jr. (Paul Bettany) - con trai của vị bác sĩ trưởng làng đã rủ lòng thương giúp cô thoát khỏi bọn gangster bằng cách giấu cô trong khu mỏ. Grace yếu ớt, xinh đẹp và dịu dàng. Tom muốn giữ cô ở lại thị trấn để trốn một thời gian.
Nhưng dù người dân lương thiện, họ cũng không khỏi bối rối trước một tạo vật ngoại lai, có thể phá bỏ đi cái không gian yên bình vốn có của mình. Họ không muốn mạo hiểm, không muốn thay đổi. Cho đến khi, Grace chiếm được tình cảm của họ, và lòng tham muốn lợi dụng và chiếm hữu cô trỗi dậy.
Từng tính cách trong ngôi làng nhỏ biến đổi
Bộ phim chia thành 9 chương và một phần dẫn nhập. Chậm rãi, chắc chắn, Lars Von Trier giúp ta khám phá thị trấn, từng nhân vật, tính cách và hoàn cảnh gia đình. Họ hiện lên với những nét phác kĩ mà đơn giản, ta có thể bắt gặp bất kì đâu trong cuộc sống xung quanh mình.
Một ông già mù nhưng không bao giờ chấp nhận rằng mình đã mù, vì lòng kiêu hãnh, vì sự sợ hãi phải đối diện với sự thật, một ông bác sĩ luôn cho rằng mình đang bị bệnh nặng sắp chết... mỗi người sống trong cộng đồng có những vấn đề của riêng họ. Không ai cho rằng mình cần phải thuê ai đó làm việc, cho đến khi, họ thấy Grace hữu dụng và có thể lợi dụng cô.
Grace cần công việc, cần lòng thương hại của người dân để được ở lại. Cô tận tuỵ, không nản chí, bằng đôi tay chưa bao giờ lao động, cô thuyết phục dân làng bằng sự chân thành. Đã có lúc người dân coi cô là một thiên thần. Nhưng đấy là khi họ vẫn còn cảm thấy an toàn.
Điều đặc biệt ở bộ phim là trên một bối cảnh tối giản khiến camera chỉ việc đi theo và ghi lại cách câu chuyện diễn biến, quay phim Anthony Dod Mantle (người đoạt giải Oscar sau này với bộ phim Slumdog Millionnaire) đã làm được hơn thế rất nhiều, cách chọn góc máy, sự dũng cảm của những cú máy quay cận để lột tả được thái độ của nhân vật trong bối cảnh chật hẹp.
Sự kết hợp của Lars Von Tier và DOP (director of photography - đạo diễn hình ảnh) thực sự rất ăn ý. Khi tất cả những ngôi nhà được trừu tượng hoá bằng cách bỏ hết đi tường, vách, mọi thứ trần trụi và hiển lộ, thì tất cả những hành động của họ trong ngôi nhà của họ, là hành động của sự đồng loã, thoả hiệp.
Cô gái trở thành nạn nhân của sự hèn nhát và tham lam
Grace trở thành nạn nhân trực tiếp cho sự thoả hiệp đó, cho sự hèn nhát, tham lam của người dân. Chúng ta chợt nhận ra phong cách phim thử nghiệm của Lars Von Tier đã có hiệu quả không thể tốt hơn.
Một cảnh quay nhiều lớp, ta có thể thấy những lớp đối tượng phân tách nhau bằng sự tưởng tượng, bức tường tượng tượng, tính cách ẩn sâu, một sự phân lớp tuyệt với kéo căng cảm xúc người xem, lúc này, ở lớp cuối cùng của khung cảnh, nơi Grace đang phải chấp nhận nhục nhã để cứu mình đã phá vỡ hoàn toàn những lý lẽ có thể đưa ra để bao biện cho hành động của họ.
Lars Von Tier đã phá tan lớp vỏ đạo đức của xã hội, những người cho rằng mọi hành động đều có thể giải thích khi đặt mình vào hoàn cảnh của người kia.
Biện minh, giải thích, Grace cố đặt mình vào họ, để thương họ, để tha thứ cho họ. Bố cô nói cô là kẻ kiêu ngạo nhất trên đời, vì không phải điều gì cũng có thể tha thứ, không phải cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh thì ta có quyền làm bất kì điều gì ta muốn.
Luôn luôn có một giới hạn cho phép ta biện minh cho hoàn cảnh, đi quá giới hạn đó, con người chỉ còn lại thú tính, sự ích kỉ, lòng tham lam, và bám riết lấy sự sống còn bất chấp mọi giá.
Ở thị trấn nhỏ bé đó, chỉ có con chó là vô tội. Sự mỉa mai được đẩy cao bằng một tình tiết nhỏ, vô tình mà cố ý, vô nghĩa nhưng lại khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều.
Những điều xấu xa trong ngôi làng nhỏ bị phơi bày
Với phong cách thử nghiệm, bối cạnh phim nhiều phần trừu tượng, dàn diễn viên đã thể hiện khả năng diễn xuất tuyệt vời, đặc biệt là Nicole Kidman.Vẻ đẹp không nguỵ tạo, sự nhã nhặn, nhẹ nhàng, thái độ quyết đoán và niềm tin sắt đá vào con người, Nicole Kidman rạng rỡ trong hoàn cảnh thảm hại, cô chịu đựng như một vị thánh phải chịu tội hộ con người.
Bộ phim là một minh chứng tuyệt vời cho tài năng của cô đào nước Úc, một người có vẻ đẹp đầy ma mị, và khả năng hoá thân đầy ám ảnh. Đây là một trong những bộ phim yêu thích nhất của Quentin Taratino, ông cũng nói rằng, nếu bộ phim được được viết cho sân khấu kịch, hẳn Lars Von Trier sẽ được nhận giải Pulitzer (giải thưởng dành cho lĩnh vực báo chí và văn học).
Phim còn cho ta cái nhìn thấu thị vào bản chất của con người, về vị trí của mỗi người trong hoàn cảnh của họ, họ có được phép tha thứ hay không khi gây ra những lỗi lầm tưởng chừng rất đáng tiếc, hay thực ra, hoàn cảnh là một nhân chứng nguỵ tạo, không có thật, để che giấu đi cái bản năng xấu xí của con người.
Dogville có thể là một thị trấn khốn khổ nhất thế giới, nhưng Dogville là chính chúng ta trong sự lựa chọn cách hành xử với cuộc đời của mỗi người
Trailer của bộ phim
Theo Danviet
Phim đỉnh nhất Oscar chiếu trên HBO, Star Movies, Cinemax "Spotlight" - bộ phim xuất sắc nhất Oscar năm nay đã được phát sóng trên HBO, Star Movies, Cinemax tuần này. Spotlight (Star Movies) Đạo diễn: Tom McCarthy Diễn viên: Mark Ruffalo, Michael Keaton, Rachel McAdams Thể loại: Phim Tâm Lý Quốc gia: Mỹ Lịch chiếu: 20:00 ngày 17.09 Spotlight là một bộ phim của đạo diễn Thomas McCarthy, xoay quay những sự...