Điều gì xảy ra ở New Zealand sau tuyên bố chiến thắng Covid-19?
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern từng tuyên bố đánh bại Covid-19 nhưng có những dấu hiệu cho thấy tình trạng lây nhiễm vẫn diễn ra ở quốc gia này.
Theo SCMP, trong khi các quốc gia trên thế giới tập trung làm giảm mức độ lây nhiễm virus, New Zealand gây chú ý bằng cách chặn đứng nguồn lây nhiễm.
Hôm 10.4, bà Ardern đã tuyên bố New Zealand đã chiến thắng trước đại dịch Covid-19. Đến ngày 16.4, bà Adern nói thêm: “Chúng ta có cơ hội để làm điều mà không một quốc gia nào khác đạt được. Đó là loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh”.
Nhưng đến ngày 18.4, quốc gia này vẫn ghi nhận thêm 13 ca nhiễm và ca nghi nhiễm Covid-19. Tổng cộng New Zeleand đã xét nghiệm cho 79.000 người và có 1.422 ca nhiễm.
New Zealand chưa loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh Covid-19.
Điều này khiến chính phủ New Zealand chưa vội nới lỏng lệnh phong tỏa mà chờ đến ngày 26.4, thời điểm lệnh phong tỏa kéo dài một tháng kết thúc.
Nick Wilson, giáo sư về y tế tại Đại học Otago, người cố vấn cho chính phủ, nói New Zealand hiện có 75% khả năng chấm dứt hoàn toàn tình trạng lây nhiễm trong vòng 1-2 tháng tới.
Ông Wilson nói chính phủ vẫn cần phải áp đặt biện pháp cách ly 14 ngày tại biên giới cho đến khi thế giới có vaccine.
Giới quan sát cho rằng mục tiêu loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh của New Zealand không thực tế và có thể gây tổn thất to lớn với nền kinh tế.
Video đang HOT
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hiện chưa thông báo nới lỏng phong tỏa.
Ngay cả khi New Zealand thành công, quốc gia này sẽ buộc phải đóng cửa biên giới với nhiều quốc gia trong một khoảng thời gian đáng kể để ngăn chặn virus. Điều đó sẽ làm suy giảm ngành công nghiệp du lịch, nguồn thu ngoại tệ chính của New Zealand.
Ở trong nước, tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 13% và nhiều người dân New Zealand đặt câu hỏi rằng nếu tiếp tục phong tỏa, họ sẽ kiếm đâu ra tiền chi trả cho các khoản chi phí hàng tháng.
Một giải pháp khác là mở lại trường học, khôi phục hoạt động kinh doanh, cho phép người dân di chuyển trong nước và vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội với nhóm người có nguy cơ cao, cấm tụ tập quá 100 người.
“Tôi không nghĩ rằng chính phủ có thể sớm chấm dứt hoàn toàn tình trạng lây nhiễm khi tỉ lệ người nhiễm không bộc lộ triệu chứng ở mức cao”, Simon Thornley, giảng viên dịch tễ học ở Đại học Auckland, người ủng hộ giải pháp khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội.
“Úc có tốc độ lây nhiễm virus thấp hơn mà không áp đặt các biện pháp cứng rắn như chúng ta”, Simon nói.
Những người ủng hộ giải pháp cứng rắn của chính phủ cũng thừa nhận việc loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh cần thời gian.
“Việc loại bỏ hoàn toàn Covid-19 trong cộng đồng cần thời gian và không hề đơn giản”, chuyên gia Michael Plank đến từ Đại học Canterbury, nói. “Số ca nhiễm có thể tăng trở lại nếu chúng ta vội vàng nới lỏng phong tỏa”.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Đăng Nguyễn
Thủ tướng New Zealand bị kiện vì áp lệnh phong tỏa
Hai người đàn ông kiện Thủ tướng Jacinda Ardern do cho rằng bà phong tỏa New Zealand ngăn Covid-19 "vì lợi ích chính trị".
Các nguyên đơn không được nêu tên hôm nay đệ đơn lên Tòa án tối cao ở Auckland, New Zealand, cáo buộc Thủ tướng Ardern áp mức cảnh báo cấp 4 trên cả nước khiến họ "bị nhốt trong nhà một cách bất hợp pháp và không đáng để đánh đổi thiệt hại kinh tế vì số người chết do nCoV ở mức thấp". Họ cho rằng lệnh phong tỏa của bà Ardern "tất cả vì lợi ích chính trị".
Nguyên đơn thứ nhất nói với thẩm phán Mary Peters rằng việc phong tỏa đất nước "là một trò đùa" và Covid-19 chỉ là "cơn hoảng loạn chứ không phải một đại dịch", dù anh ta vẫn được phép rời khỏi nhà trong khoảng từ 8h đến 17h.
Người này cho rằng Thủ tướng Ardern không có căn cứ để ban hành lệnh phong tỏa, đồng thời cáo buộc bà cấu kết với Stephen Tindall, nhà sáng lập hãng bán lẻ lớn nhất New Zealand, nhằm hủy hoại nền kinh tế và việc phong tỏa đất nước cần phải tham khảo ý kiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại thành phố Christchurch, New Zealand, hôm 13/3. Ảnh: Reuters.
Nguyên đơn còn so sánh bà Ardern với trùm phát xít Adolf Hitler và ví việc phong tỏa như "tàn sát". Người đàn ông nói rằng 9 ca tử vong do Covid-19 ở New Zealand được xác nhận ở thời điểm đệ đơn, cho thấy việc phong tỏa hoàn toàn không phù hợp với tình hình.
Nguyên đơn thứ hai cho rằng số người chết vì các bệnh khác như ung thư còn cao hơn Covid-19, nhưng lại không được chẩn đoán và điều trị do nguồn lực của các bệnh viện chỉ tập trung chống Covid-19. "Thủ tướng đã đưa ra quyết định sai lầm, tất cả vì lợi ích chính trị của bà ấy".
Luật sư Austin Powell, đại diện cho Thủ tướng Ardern, giải thích lệnh phong tỏa gây hạn chế đáng kể với quyền tự do đi lại của mọi người, song người dân vẫn có quyền đi lại thiết yếu. Ông cũng phủ nhận các cáo buộc của nguyên đơn, viện dẫn Đạo luật Y tế cho phép Bộ Y tế có quyền áp dụng các hạn chế liên quan đến lệnh phong tỏa. Thẩm phán Peters cho hay bà sẽ sớm đưa ra phán quyết.
Thủ tướng Ardern hồi cuối tháng 3 phát cảnh báo cấp độ 4 trên toàn quốc, tức mức cao nhất vì Covid-19, có hiệu lực trong 4 tuần. Theo đó, toàn bộ trường học, quán bar, nhà hàng, quán cà phê, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, hồ bơi, bảo tàng, thư viện và tất cả những nơi tập trung đông người đều ngừng hoạt động, hủy toàn bộ sự kiện trong nhà và ngoài trời.
Giao thông công cộng ngừng hoạt động và mọi người làm việc từ xa. Siêu thị, tiệm thuốc, phòng khám y tế và các dịch vụ ngân hàng thiết yếu vẫn mở cửa. Biện pháp phong tỏa quyết liệt này được coi là một trong những lý do chính giúp New Zealand nhanh chóng "làm phẳng đường cong" của Covid-19.
210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, khiến gần 2,2 triệu người nhiễm, gần 147.000 người chết. New Zealand hiện ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm, trong đó 11 ca tử vong.
Mai Lâm
Thủ tướng New Zealand được đánh giá cao về ứng phó với đại dịch Covid-19 Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern được đánh giá cao về thành công ứng phó với đại dịch Covid-19. Tờ Bưu điện Washington đã khen ngợi nữ Thủ tướng Ardern về các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 25/3, đủ sớm để làm gián...