Điều gì xảy ra nếu Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương?
Triều Tiên hôm nay 22/9 cảnh báo có thể thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương để đáp trả Mỹ. Nếu Bình Nhưỡng hiện thực hóa đe dọa này, đây sẽ là một vụ thử hạt nhân trên không trung đầu tiên trong vài thập niên trở lại đây.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một thiết bị được cho là bom nhiệt hạch. (Ảnh: Reuters)
Hãng tin Yonhap cho biết, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho hôm nay nói rằng, Triều Tiên có thể tiến hành một vụ nổ bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảnh báo “đáp trả mạnh mẽ nhất” nhằm vào Mỹ.
“Đó có thể là một vụ nổ bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay ở Thái Bình Dương. Chúng tôi không biết liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chỉ thị hành động như thế nào”, Yonhap dẫn lời ông Ri cho biết với báo chí khi đang ở New York dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ngay sau những bình luận này, giới chức ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc có mặt tại New York đã nhóm họp để đánh giá tình hình cũng như các phương án đối phó cần thiết.
Triều Tiên có thể làm được không?
Những năm gần đây Triều Tiên được cho là đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa với mục tiêu chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Qua 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, giới chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng sắp đạt được mục tiêu đó.
Jeffrey Lewis, chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, nói rằng hiện chưa thể nói chính xác khi nào Triều Tiên có thể chế tạo được tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Vụ phóng tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên trong một bức ảnh do KCNA công bố ngày 16/9 (Ảnh: Reuters)
Video đang HOT
Trong khi đó, quân đội Mỹ cho rằng, Triều Tiên đã có khả năng đó.
“Tôi biết rằng có rất nhiều tranh cãi về khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương phải sẵn sàng chiến đấu tối nay, bởi tôi luôn giả định những tuyên bố của ông Kim Jong-un là thật”, Đô đốc Mỹ Harry Harris nói hồi tháng 6.
Triều Tiên sẽ thử bom nhiệt hạch trên không trung?
Mặc dù về lý thuyết, một quả bom có thể thả từ trên máy bay xuống, song các chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ tìm cách thả bom bằng tên lửa để chứng tỏ công nghệ mới nhất, tinh vi nhất.
Vipin Narang, một giáo sư khoa học chính trị, cho rằng kịch bản xấu nhất là một vụ thử bom nhiệt hạch trên không trung của Triều Tiên sẽ thành hiện thực.
Chuyên gia Narang cho rằng, ban đầu Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiến hành một vụ thử với quy mô nhỏ hơn như phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, do các yếu tố kỹ thuật và rủi ro chính trị, Triều Tiên có thể sẽ chưa thử bom nhiệt hạch trên không trung vào thời điểm này.
Trong khi đó chuyên gia Lewis cho rằng, bình luận của Ngoại trưởng Triều Tiên là một phần trong chiến lược của Triều Tiên trước khi có những động thái gây chấn động. Ông cho rằng sẽ rất rủi ro nếu coi nhẹ những cảnh báo của Triều Tiên.
Nếu Triều Tiên thử bom nhiệt hạch trên không trung…
Người dân ở quần đảo Marshall, nơi Mỹ tiến hành các vụ thử hạt nhân, đến nay vẫn gặp hàng loạt vấn đề về sức khỏe. (Ảnh: Getty)
Chưa kể đến các yếu tố địa chính trị, một vụ thử bom nhiệt hạch trên không trung của Triều Tiên nếu xảy ra sẽ kéo theo những tác động cực lớn đến môi trường.
Minh chứng rõ nhất đó là người dân sống gần khu vực quân đội Mỹ thử nghiệm nhiều vũ khí hạt nhân trong giai đoạn từ giữa đến cuối thế kỷ 20 đến nay vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe.
Một vụ nổ bom nhiệt hạch trên không trung có thể sẽ phá hủy hoặc làm ô nhiễm hệ sinh thái biển, CNN dẫn nhận định của giới chuyên gia. “Nếu vụ thử diễn ra không theo dự tính, vụ nổ xảy ra ở tọa độ thấp, chúng ta sẽ phải chứng kiến một vụ nổ mà hậu quả giống như một vụ tấn công bằng xung điện từ”, chuyên gia Narang nhận định.
Thế giới chưa từng phải trải qua một vụ thử hạt nhân trên không trung nào kể từ năm 1980 khi Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân ở Lop Nur, tây bắc nước này, theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm.
Cũng theo số liệu của viện nghiên cứu này, trong số hơn 2.000 vụ thử hạt nhân trên thế giới, hơn 100 vụ kích nổ ở khu vực xa xôi hẻo lánh ở Thái Bình Dương.
“Nhiều thập niên qua không có quốc gia nào thử hạt nhân trên mặt đất, nếu xảy ra, nguy cơ lan truyền phóng xạ sẽ rất khủng khiếp”, chuyên gia nghiên cứu của Mỹ David Albright nhận định.
Trên quần đảo Marshall, nơi Mỹ tiến hành các vụ thử hạt nhân, tỷ lệ người mắc ung thư, dị tật bẩm sinh hay rối loạn tuyến giáp cao hơn các khu vực khác.
Ở lãnh thổ hải ngoại Polynesia của Pháp, cư dân ở đây cũng gánh những hậu quả tương tự. Ngoài ra, các vụ thử hạt nhân ở đây được cho là nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở đất, sóng thần, động đất.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tác động tới con người có thể hạn chế nếu Triều Tiên tiến hành thử bom nhiệt hạch ở một vùng xa xôi.
“Điều đó phụ thuộc vào việc họ kích nổ quả bom ở đâu, trong điều kiện thời tiết như thế nào”, Melissa Hanham, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân nhận định.
Theo Dân Trí
Triều Tiên dọa thử bom nhiệt hạch "mạnh chưa từng có" ở Thái Bình Dương
Khi đề cập tới tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un "đáp trả mạnh mẽ nhất" nhằm vào Mỹ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết, Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương, hãng tin Yonhap cho biết.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho (Ảnh: Reuters)
"Đó có thể là một vụ nổ bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay ở Thái Bình Dương. Chúng tôi không biết liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chỉ thị hành động như thế nào", Yonhap dẫn lời ông Ri cho biết với báo chí khi đang ở New York dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA phát đi những tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm chỉ trích và cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump vì phát ngôn "phá hủy hoàn toàn" Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un nói: "Với tư cách là người đại diện cho Triều Tiên, đại diện cho lòng tự tôn và tự hào của dân tộc tôi, nhân dân tôi và của chính tôi, tôi sẽ khiến người đàn ông nắm vai trò tổng tư lệnh của Mỹ (Tổng thống Trump) phải trả giá đắt cho phát ngôn của mình. Chúng tôi sẽ cân nhắc biện pháp đáp trả mạnh mẽ mẽ nhất trong lịch sử. Ông Trump sẽ phải đối mặt với hậu quả vượt ngoài sức tưởng tượng. Tôi chắc chắn và đảm bảo sẽ thuần phục Mỹ bằng hỏa lực".
Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng có xu hướng căng thẳng khi các bên liên tục đưa ra đe dọa hủy diệt lẫn nhau.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Nếu Mỹ buộc phải bảo vệ chính mình cũng như các đồng minh của mình, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên". Đáp lại, Triều Tiên nhiều lần cảnh báo, Mỹ có thể đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân có sức hủy diệt khủng khiếp.
Triều Tiên hồi đầu tháng này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có khả năng trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa. Giới chuyên gia ước tính, quả bom này có sức nổ thậm chí lên tới 250 kiloton, mạnh gấp nhiều lần so với quả bom thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Hôm 15/9, Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa tầm trung qua Nhật Bản. Tên lửa này bay xa 3.700km, bay cao 770km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Như vậy, tên lửa Triều Tiên hiện tại có tầm bắn đủ sức bắn tới đảo Guam của Mỹ. Các chuyên gia ước tính, nếu phóng theo đường bay chuẩn, tầm bắn của tên lửa này thậm chí còn xa hơn nữa.
Giới tình báo Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có thể tiếp tục các hành động "gây hấn" khác quanh dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động của nước này vào ngày 10/10 tới.
Trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên, Hàn Quốc nhiều lần đề nghị đối thoại liên Triều. Tuy nhiên, cho đến nay, Triều Tiên vẫn bác bỏ những đề nghị đó với lý do đối thoại không thể song hành với lệnh trừng phạt gây sức ép.
Minh Phương
Theo Yonhap
Triều Tiên có thể làm gì tiếp theo sau vụ thử bom nhiệt hạch? Một cuộc thử nghiệm tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể là mục tiêu mà Triều Tiên đang hướng tới. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị trong chương trình hạt nhân. Ảnh: KCNA. 14h17 ngày 6/5/1962, một tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân lao khỏi mặt nước trên Thái Bình Dương rồi nhanh chóng biến mất...