Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump không trả được khoản phạt 454 triệu USD?
Ngày 25/3 là hạn chót để cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trả khoản phạt 454 triệu USD (bao gồm tiền lãi) liên quan cáo buộc kê khống giá trị tài sản để lừa gạt người cho vay và công ty bảo hiểm.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, hàng đầu) tại một phiên xét xử của tòa án quận Manhattan, bang New York, Mỹ, ngày 2/10/2023. Ảnh: USA TODAY/TTXVN
Theo đài NPR, hồi tháng 2, Thẩm phán Arthur Engoron ra phán quyết yêu cầu ông Trump nộp phạt 354,9 triệu USD sau khi phát hiện ra ông cùng các con trai là Eric và Donald Trump Jr., cùng với các nhân viên của tập đoàn Trump Organization đã nói dối về giá trị tài sản trong các giao dịch.
Tại New York, nếu kiếm tiền bằng cách lừa đảo, số tiền bất chính sẽ phải trả lại cho chính quyền bang. Trong trường hợp của ông Trump, Thẩm phán Engoron xác định ông Trump đã kiếm được hơn 350 triệu USD so với số tiền mà ông thu được nếu ông trung thực. Cộng thêm tiền lãi, khoản phạt lên tới 454 triệu USD.
Theo quy định, ông Trump không cần có một khoản tiền ngay để trả số tiền đó. Tuy nhiên, ông phải nhờ một công ty bảo hiểm bảo lãnh khoản tiền phạt với tòa án. Nhưng để làm điều này, ông Trump phải có tài sản chứng minh. Tuần trước, đội ngũ luật sư của ông Trump cho biết họ đã tiếp cận 30 công ty bảo hiểm nhưng đã bị từ chối vì họ không có sẵn một tỷ USD như các công ty bảo hiểm yêu cầu.
Video đang HOT
Các hãng truyền thông ước tính trên thực tế, ông Trump có khoảng 300 triệu USD tài sản lưu động, nhưng ông đã phải dành khoảng 100 triệu USD để đặt cọc kháng án trong vụ án dân sự liên quan E. Jean Carroll. Phần tiền còn lại nằm ở các tòa nhà và sân gôn. Mặc dù ông Trump có thể bán một tài sản nhưng việc đó không thể làm ngay.
Các ủy ban hành động chính trị của ông Trump đã chi hàng triệu USD cho phí pháp lý trước đó nhưng họ khó có thể giúp ích gì cho ông trong trường hợp này vì luật tài chính tranh cử.
Adam Pollock, cựu Trợ lý Tổng chưởng lý ở New York, cho hay: “Ngay cả khi trong trường hợp bên bị kiện muốn bảo đảm kháng cáo, ngừng thi hành bản án, họ vẫn phải nộp toàn bộ số tiền. Luật quy định như vậy. Và đó là quyết định chính sách mà toà án bang đã đưa ra”.
Đối mặt với tình cảnh căng thẳng tài chính trước khoản phạt, ông Trump đã kêu gọi sự trợ giúp từ người ủng hộ trước viễn cảnh phải bán tháo tài sản để chi trả chi phí pháp lý.
Bên cạnh đó, ông Trump có thể kháng cáo lên tòa án cao nhất của New York. Nếu không, ông có thể nhờ một nhà hảo tâm hoặc cố gắng trì hoãn cho đến khi kiếm được tiền từ việc bán công ty truyền thông xã hội, hoặc tệ hơn nữa là tuyên bố phá sản.
Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng chưởng lý bang New York Letitia James nói rõ: “Nếu ông Trump không trả tiền, bà sẽ đích thân tịch thu tài sản của ông”.
Tạp chí Forbes ước tính tài sản không phải dạng tiền mặt của ông Trump lên tới 3 tỷ USD. Theo quy định của luật pháp, Tổng chưởng lý bang chỉ được tịch thu tài sản liên quan đến vụ án và có khoảng hai chục tài sản như vậy. Nữ quan chức có thể điều cảnh sát trưởng đến thi hành phán quyết. Bà cũng có trong tay một số biện pháp để tìm cách thuyết phục ông Trump trả khoản phạt. Thứ nhất, bà có thể gửi cho ông Trump một thông báo hạn chế nhằm hạn chế chi tiêu trong các lĩnh vực khác cho đến khi ông đảm bảo được khoản tiền bảo lãnh.
Bên cạnh đó, về lý thuyết, Tổng chưởng lý James có thể cân nhắc vụ dàn xếp, nếu ông Trump viết một tấm séc trị giá khoảng 250 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Pollock, không có lý do gì mà Tổng chưởng lý James làm vậy.
EU phải thanh toán một phần chi phí pháp lý trong vụ kiện chống độc quyền với Qualcomm
Mới đây, Tòa án sơ thẩm Liên minh châu Âu (EU) đã ra phán quyết yêu cầu các cơ quan quản lý của khối liên minh này phải thanh toán khoản chi phí pháp lý 785.857 euro (khoảng 851.634 USD) cho hãng công nghệ Qualcomm trong vụ tranh cãi giữa công ty này với giới chức châu Âu liên quan đến vấn đề chống độc quyền.
Biểu tượng Qualcomm tại Hội nghị di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 2/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hồi năm 2018, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng trong 5 năm, từ năm 2011-2016, tập đoàn sản xuất chip của Mỹ Qualcomm đã trả hàng tỷ USD cho Apple để trở thành nhà cung cấp chip điện tử độc quyền cho hãng công nghệ này, một chiến thuật được cho là nhằm ngăn chặn các đối thủ như Intel. Với lý do này, EC đã phạt Qualcomm 997 triệu euro (1,1 tỷ USD).
Phản đối quyết định trên, Qualcomm đã khởi kiện EC lên Tòa án sơ thẩm, cơ quan tư pháp lớn thứ hai của EU. Đến năm 2022, tòa án này đã ra phán quyết hủy án phạt 997 triệu euro do EC áp dụng với lý do cơ quan này đã có một số "thủ tục bất thường" khi xử lý vụ việc, ảnh hưởng đến quyền bào chữa của Qualcomm.
Tiếp đó, Qualcomm tiếp tục đệ trình một văn bản pháp lý của công ty này lên EC yêu cầu EU phải bồi thường khoản tiền phí mà hãng này đã phải chi trả liên quan tới vụ kiện, dựa trên tầm quan trọng và mức độ phức tạp của vụ việc cũng như số lượng công việc được thực hiện do một nhóm gồm 19 người. Khoản tiền mà Qualcomm yêu cầu EC phải thanh toán là hơn 12 triệu euro.
Tuy nhiên, EC đã phản đối số tiền trên, mà thay vào đó, giới chức cơ quan này cho rằng số tiền bồi thường chỉ ở mức 405.315 euro.
Trong phán quyết được công bố ngày 29/2 trên website của Tòa án sơ thẩm EU, các thẩm phán đã bác bỏ luận cứ của Qualcomm, cho rằng tòa án chỉ quan tâm đến tổng số giờ làm việc cần thiết cho thủ tục tố tụng, bất kể số lượng luật sư liên quan đến vụ kiện. Các thẩm phán cũng cho rằng những yêu cầu bồi thường về mức lương theo giờ trả cho các luật sư, số lượng tài liệu nghiên cứu, phân tích cũng như chi phí dùng để tập hợp các tài liệu đưa ra trước tòa... là không đủ để chứng minh số tiền bồi thường mà Qualcomm yêu cầu EU phải trả.
Do đó, phán quyết của tòa án cho rằng tổng số tiền mà EU phải bồi thường cho Qualcomm chưa tới 10% trong tổng số 12 triệu euro mà hãng này đã yêu cầu trước đó, theo đó các chi phí cho công ty luật Quinn Emanuel là 754.190 euro và 31.667 euro cho công ty tư vấn kinh tế Compass Lexecon/FTI.
Các thẩm phán cũng bác bỏ yêu cầu bồi thường 302.658 euro cho các dịch vụ pháp lý do công ty luật Cravath Swaine & Moore cung cấp, vì cho rằng những dịch vụ này là nhằm phục vụ cho quá trình tố tụng tại Mỹ và sau đó được đưa ra làm bằng chứng trong vụ kiện tại EU.
Cựu Tổng thống Donald Trump kháng cáo án phạt 355 triệu USD Ngày 26/2, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kháng cáo phán quyết nộp phạt 355 triệu USD mà một tòa án ở New York đưa ra trước đó sau khi thẩm phán của tòa kết luận ông Trump đã thổi phồng về giá trị tài sản của mình để đạt được những khoản vay ưu đãi của ngân hàng. Cựu Tổng thống...