Điều gì khiến cho hàng loạt nghệ sĩ gạo gội sẵn sàng nhận lời làm bệ phóng cho các diễn viên trẻ trong phim Thạch Thảo?
Thạch Thảo là một bộ phim điện ảnh về đề tài thanh xuân, vườn trường… của những học sinh ở miền núi Tây Nguyên. Chính vì lẽ đó, hầu hết các diễn viên tham gia trong phim đều là những diễn viên trẻ, hoặc lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh. Tuy nhiên, Thạch Thảo còn là một bộ phim “đạt kỷ lục” khi quy tụ hàng loạt nghệ sĩ khách mời đều là những “cây đa, cây đề” trong nghệ thuật diễn xuất.
Đầu tiên, không thể không nhắc đến sự góp mặt của NSND – Tiến Sĩ Bạch Tuyết. Bà đã từng ghi dấu trong lòng khán giả mộ điệu với những vở diễn cải lương để đời, như: Kim Vân Kiều (vai Thúy Kiều), Thái hậu Dương Vân Nga (vai Thái hậu Dương Vân Nga), Đời cô Lựu (vai Lựu ), Lục Vân Tiên (vai Kiều Nguyệt Nga), Đoạn tuyệt (vai Loan)…, ít ai nghĩ tới ở độ tuổi ngoài 70, NSND -Tiến Sĩ Bạch Tuyết lại rẽ sang lĩnh vực nghệ thuật thứ 7. Nói về kinh nghiệm đóng phim, NSND – Tiến Sĩ Bạch Tuyết đã tham gia đóng khá nhiều phim ảnh, như: Như hạt mưa sa (1971), Như giọt sương khuya (1972), Tình Lan và Điệp (1972 ), Con ma nhà họ Hứa(1973)… nhưng kể từ đấy trở về sau, NSND – Tiến Sĩ Bạch Tuyết tập trung hẳn sang lĩnh vực nghiên cứu cải lương và giảng dạy nghệ thuật. Đặc biệt, năm 1995, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài “ Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á” và trở thành tiến sĩ nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam.
Trong phim điện ảnh Thạch Thảo, NSND – Tiến Sĩ Bạch Tuyết vào vai một cô hiệu trưởng Châu nghiêm nghị ở bề ngoài, nhưng bên trong lại là một cô giáo giàu tình yêu thương với học trò. Cô hiệu trưởng Châu cũng chính là chiếc cầu nối để giúp cho các giáo viên trẻ và các học sinh có thể gần gũi và thấu hiểu nhau hơn, bởi lứa tuổi 17 cũng là lứa tuổi có khá nhiều trăn trở, mâu thuẫn, và phức tạp về tâm sinh lý, các em cần có sự giúp đỡ, dạy bảo từ những người đi trước.
Là một nghệ sĩ gạo cội, khi đóng cùng với các diễn viên trẻ, thậm chí có những diễn viên lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh, NSND – Tiến Sĩ Bạch Tuyết vẫn cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu, bà chia sẻ: “ Tôi không thấy người nào nhỏ hơn mình, hoặc trẻ hơn mình. Tôi chỉ thấy giá trị thực sự của đời người khi mình sống và tham gia một số việc nào đó, mình làm hết lòng, thì không có gì để phân biệt người lớn tuổi và người trẻ tuổi. Tôi trân trọng những việc nhỏ nhất trong cuộc sống này. Vì vậy, đối với các bạn trẻ mới bước vào nghề, tôi thấy các bạn có một nét gì đó rất long lanh và dễ thương. Chúng tôi kính trọng nhau, thì tôi nghĩ là mình làm việc không có khó khăn gì hết“.
NSUT Kim Xuân và diễn viên Hồng Trang.
Sự góp mặt của NSƯT Kim Xuân và diễn viên Hồng Trang trong vai những hành khách trên cùng một chuyến xe của Thạch (ca sĩ Tùng Maru) và Thiết (ca sĩ, diễn viên Khắc Minh) khi cả hai đang di chuyển từ Sài Gòn đến Kon Tum là một điểm nhấn thú vị. Những hành khách lạ mặt này là người đã mở ra một câu chuyện bí mật ở một vùng đất mới, khiến cho hai anh em Thạch và Thiết không khỏi thắc mắc, tò mò.
Video đang HOT
“ Thạch Thảo là một bộ phim dành cho độ tuổi học trò, nên các diễn viên trong phim đa phần là các bạn trẻ. Tôi đến đây chỉ với cương vị là một người diễn hỗ trợ cho các bạn, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vui vì điều này. Mai Thế Hiệp là một đạo diễn luôn hết lòng với nghề, hầu như tất cả mọi tâm trí của cậu ấy đều đặt vào bộ phim. Tôi cũng thấy rõ đam mê của Hiệp qua bộ phim Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa, cho nên với một đạo diễn đáng quý như vậy, thì sự ủng hộ của tôi không đặt trên vị trí là vai lớn hay vai nhỏ nữa. Bên cạnh đó, sự có mặt của chúng tôi sẽ là nguồn động viên cho các bạn diễn viên trẻ để các bạn thấy rằng một khi đã bước chân vào nghề diễn viên này, đôi khi sự ơn nghĩa, tình cảm với nhau còn lớn hơn những giá trị vật chất khác nữa“. – NSƯT Kim Xuân chia sẻ.
Khi được hỏi có hay không sự cách biệt giữa các thế hệ diễn viên trẻ, diễn viên Hồng Trang cười vui, bộc bạch: “ Tôi có phần hơi ganh tỵ với các bạn vì các bạn đã có được những vai diễn mà ngày xưa tôi cũng từng mơ ước. Khi xem các bạn vô vai, tôi cảm thấy mọi thứ rất là dễ thương, đáng yêu và đúng với lứa tuổi của các bạn. Tôi thấy đạo diễn Mai Thế Hiệp đã tuyển chọn rất đúng các diễn viên và bối cảnh cho bộ phim này, tôi hy vọng phim điện ảnh Thạch Thảo sẽ được sự hưởng ứng không chỉ ở các bạn trẻ, mà các bậc phụ huynh, người lớn… cũng sẽ ủng hộ bộ phim bởi những giá trị nhân văn ẩn chứa đằng sau tác phẩm điện ảnh Thạch Thảo“.
Đồng hành cùng với phim điện ảnh Thạch Thảo còn có sự góp mặt của cặp đôi NSƯT Trương Minh Quốc Thái và nghệ sĩ Ngọc Trinh. Ít ai biết NSƯT Trương Minh Quốc Thái và NS Ngọc Trinh từng là cặp đôi lẫy lừng của sân khấu kịch nói Phú Nhuận của hơn 18 năm về trước. Vào thời điểm vàng son của kịch nói, Quốc Thái và Ngọc Trinh từng được bà bầu – NSND Hồng Vân gọi yêu là “Tiên đồng – Ngọc nữ” của làng kịch.
Trong phim Thạch Thảo, NS Ngọc Trinh (vai Trinh) sẽ vào vai mẹ của nhân vật Thảo (diễn viên Bích Ngọc) và là vợ của Sơn (NSƯT Trương Minh Quốc Thái). Ngoài tình cảm mẹ con, Trinh còn là một cô vợ rất mực yêu thương chồng, và luôn được chồng quan tâm, chiều chuộng. Khi diễn những phân cảnh tình cảm, hạnh phúc với chồng… cả Ngọc Trinh và NSƯT Quốc Thái đều bùi ngùi nhớ lại thời vàng son của mình và không giấu được sự xúc động.
Tham gia phim điện ảnh về đề tài thanh xuân dành cho lứa tuổi học trò đầy mơ mộng, Ngọc Trinh phải diễn cùng với các bạn diễn viên trẻ ở lứa tuổi 9x và 10x, khiến cho chị có những khoảnh khắc nhớ lại tuổi thơ của mình. Nói về cặp đôi diễn viên chính trong phim Thạch Thảo là Tùng Maru và Bích Ngọc, chị cảm nhận: “ Các bạn có nhiều thứ mà Trinh không có, đó chính là tuổi thanh xuân. Nghệ thuật cũng chính là sự kết hợp, hòa quyện giữa cái “cũ” và cái “mới”, và Trinh nghĩ không có ranh giới giữa các diễn viên có kinh nghiệm và các bạn trẻ mới vào nghề“.
Để có được tạo hình mang đậm chất Sơn “Núi” cho nhân vật của NSƯT Trương Minh Quốc Thái, đạo diễn Mai Thế Hiệp đã liên hệ trực tiếp với những người dân địa phương tỉnh Kon Tum để mượn những bộ quần áo, phụ kiện và trang sức… cho nhân vật Sơn được sống động và chân thật nhất có thể, bởi đây là một nhân vật hứa hẹn mang nhiều bất ngờ cho khán giả khi xem phim.
Bên cạnh đó, phim điện ảnh Thạch Thảo còn có sự góp mặt của NSƯT Hạnh Thúy, chị vừa là một diễn viên hài, diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh, vừa là tác giả và đạo diễn sân khấu với nhiều tác phẩm nổi bật, như: Dòng Nhớ, I’m Đàn Bà, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua… Sự góp mặt của NSƯT Hạnh Thúy giúp cho phim Thạch Thảo được “nâng thêm một bậc”, bởi chị nổi tiếng là một nghệ sĩ nghiêm khắc và khó tính với nghề.
Bộ phim “ Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đem đến cho chị giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 15. Bên cạnh đó, NSƯT Hạnh Thúy còn ghi dấu ấn trong lòng khán giả ở vai trò đạo diễn sân khấu. Vở kịch “ Dòng nhớ” do chị phóng tác từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Nguyễn Ngọc Tư và làm đạo diễn đã đạt được 7 giải thưởng trong đó có giải “ Đạo diễn xuất sắc” và giải B Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2009.
Nghệ sĩ Tấn Thi cũng là một trong những nghệ sĩ gạo cội góp mặt trong phim điện ảnh Thạch Thảo. Ông là thế hệ diễn viên đầu tiên của miền Nam, hoạt động ở sân khấu kịch, cùng thời với NSƯT Kim Xuân, Thương Tín… Năm 1992, ông chuyển sang đóng phim và được yêu mến bởi hình tượng “ông già Nam Bộ”, người cha chân chất, hiền lành với nhiều phim, như: Gọi giấc mơ về, Tham vọng, Lục Vân Tiên, Truy tìm dấu vết, Tham vọng, Hoa thiên điểu, Tình yêu pha lê…
Trong phim Thạch Thảo, vẫn với chất “ông già”, nhưng đạo diễn Mai Thế Hiệp đã thay đổi ông thành “ông già Tây Nguyên” với vai diễn Ông Già Làng ở phố núi Kon Tum – nơi nhân vật Thạch vừa chuyển đến sinh sống. Nói về nghiệp diễn xuất của mình, nghệ sĩ Tấn Thi chia sẻ: “ Một khi đã “chơi” với nghề là phải lăn xả hết mình, không câu nệ địa vị chức danh, cũng không đua đòi vai lớn, vai quan trọng, miễn sao cho tôi đất diễn là tôi chơi tuốt!”.
Sở hữu vẻ đẹp quyến rũ với đôi mắt ướt át đầy ma lực, diễn viên Kiều Trinh luôn được các đạo diễn đo ni đóng giày cho những vai diễn tràn ngập cảnh nóng, thế nhưng trong phim điện ảnh Thạch Thảo, cô nghệ sĩ với hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật thứ 7, bỗng trở nên chân chất, thật thà hơn với vai diễn là một người phụ nữ đồng bào Bana, mẹ của nhân vật A Rok (diễn viên Anh Tú) với tên gọi Y Nhíp.
Người nghệ sĩ đa đoan này đã sở hữu cả một gia tài phim ảnh với hàng trăm vai diễn để đời, nổi nhất là vai cô Bân trong “ Mùa len trâu”, tiếp đến là người mẹ đau khổ trong “ Bi ơi, đừng sợ” hay Vân trong “ Rừng Đen“. Tuy xuất thân là thợ may và chưa từng qua bất cứ lớp đào tạo diễn xuất nào nhưng Kiều Trinh luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khản giả bởi lối diễn mộc mạc, tự nhiên và gần gũi với khán giả.
Diễn viên Hoàng Thúy, người từng vào vai mẹ bé Mận trong bộ phim “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, cũng là diễn viên đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của 3 ,2, 1 Action 2014 đã không ngần ngại tham gia một vai cô Lao công của trường THPT Kon Tum. Đây là một vai diễn không lời thoại và không có nhiều đất diễn, nhưng chị sẵn sàng đồng hành cùng với Thạch Thảo bởi chị chia sẻ: “ Tôi thích không khí làm phim chỉ toàn là những người trẻ, nó giúp tôi cảm thấy tươi vui và yêu đời hơn rất nhiều“.
Phim điện ảnh Thạch Thảo được bấm máy tại tỉnh Kon Tum, phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đầu tư theo đề nghị của Cục Điện ảnh, dự kiến khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc vào ngày 16/11/2018, phim do Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Giải Trí Galaxy, Fortune Projects, HKFilm và Pixels Garden cùng hợp tác sản xuất.
Theo thuonghieuvaphapluat.vn
500 bộ phim tham dự Haniff 2018 tại Hà Nội
Ngày 19-10, Cục Điện ảnh Việt Nam đã công bố danh sách chùm phim truyện Việt Nam đương đại sẽ chiếu phục vụ khán giả ở Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ V (Haniff 2018) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 31-10.
LHP có sự tham gia của hơn 500 phim truyện, phim ngắn (tài liệu, khoa học, hoạt hình) của gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chùm phim Việt Nam đương đại tại LHP gồm 21 bộ phim truyện và 14 phim ngắn. Những bộ phim truyện gồm: 100 ngày bên em, Cô Ba Sài Gòn, Cô gái đến từ hôm qua, Dạ cổ hoài lang, Đảo của dân ngụ cư,... Cạnh đó còn có 14 bộ phim ngắn: Bố ơi con ước, Cô bé rơm vàng, Dòng chảy không có tận cùng, Khát vọng Hoàng Sa-Trường Sa, Người anh hùng áo vải,...
Ngoài phim dự thi của các thể loại phim truyện, tài liệu, hoạt hình, trong khuôn khổ LHP có các chương trình phim hấp dẫn như chương trình điện ảnh toàn cảnh, chương trình tiêu điểm điện ảnh gồm tiêu điểm điện ảnh Ba Lan, chương trình tuyển chọn phim Iran...
Theo plo.vn
Giới thiệu 35 bộ phim Việt tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội Chùm phim Việt Nam đương đại được giới thiệu trong Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V sẽ gồm 21 bộ phim truyện và 14 phim ngắn. Cảnh trong phim "Tháng năm rực rỡ" sẽ được chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V Những bộ phim truyện được giới thiệu đến khán giả dịp này...