Điều gì chờ ông Bá Thanh ở Ban Nội chính?
Thêm nhiệm vụ chuyên trách phòng chống tham nhũng, cộng với người đứng đầu Nguyễn Bá Thanh, lần tái lập này của Ban Nội chính được kỳ vọng hơn rất nhiều so với trước đây.
Từng nhiều năm công tác tại Ban Nội Chính trước đây, hơn ai hết, ông Phạm Quốc Anh, nguyên Quyền Trưởng Ban Nội Chính TƯ, nắm rõ được gánh nặng mà Ban Nội Chính lần này đảm nhiệm:
“Nhiệm vụ khó khăn nặng nề là vậy, đề ra cơ chế đã khó nhưng có thực hiện hay không lại đòi hỏi đội ngũ đủ đức, đủ tài. Song, quan trọng nhất vẫn phải phụ thuộc người đứng đầu. Tôi nghĩ với tố chất mạnh mẽ dám nghĩ, dám làm, nói thẳng, nói thật thì ông Nguyễn Bá Thanh là người xứng đáng!
Nói đi cũng phải nói lại, tố chất lãnh đạo của Nguyễn Bá Thanh đã được khẳng định ở Đà Nẵng, còn với vị thế mới, quy mô mới, muốn biết có hiệu quả hay không thì còn phải chờ xem đã…”
Theo ông, so với trước đây, trong lần “tái xuất” này Ban Nội Chính có những chức năng nhiệm vụ gì nổi bật?
Trước đây nhiệm vụ của Ban Nội Chính đã nặng nề, song lần này tái thành lập lại càng nặng nề hơn. Hai mảng được coi là nặng nhất của Ban là theo dõi giám sát các vụ án và tham mưu, giám sát xây dựng chính sách pháp luật. Tuy nhiên, lần này Ban còn được phân công thêm nhiệm vụ chuyên trách hàng đầu nữa là chủ trì nghiên cứu đề xuất chính sách chủ trương về phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, Ban Nội chính cũng là cơ quan kiểm tra, giám sát hoạt động lãnh đạo cơ quan Bộ ngành, thối còi những hành vi, văn bản vi hiến.
Ông Phạm Quốc Anh, nguyên Quyền TrưởngBan Nội chính TƯ
Phòng chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ quan trọng của Ban Nội chính lần này, như vậy cũng có nghĩa Ban Nội chính có thể can thiệp vào những vụ án tham nhũng nghiêm trọng?
Đúng như thế, tham nhũng hiện đang phổ biến tràn lan, hễ ai có chức có quyền là có thể tham nhũng. Chính vì vậy, khi xử lý đã có sự phân loại theo từng cấp. Tuy nhiên, đối với nhưng những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án tiêu cực do cố ý làm trái chủ trương, chính sách, cần phải có ý kiến chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và nhiệm vụ này do Ban nội chính đảm nhiệm. Với sự phân công này, hy vọng những vụ án nghiêm trọng sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm báo tính chính xác, nghiêm minh.
Vậy theo ông, khi Ban Nội Chính đi vào hoạt động liệu có chuyện ” đá lấn sân” của các cơ quan phòng chống tham nhũng đã được thành lập trước đó?
Video đang HOT
Về nguyên tắc Ban Nội chính không thay thế các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng của Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ, mà đóng vai trò chỉ đạo đạo đôn đốc kiểm tra giám sát thực hiện theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Trước đây, vẫn để diễn ra hiện tượng bị lọt người, lọt tội thậm chí bỏ quên vụ án…
Thời gian Ban Nội chính cũ bị giải thể, ông nhận định thế nào về hoạt động giám sát những vụ án tham nhũng nghiêm trọng?
Khi giải thể Ban Nội chính, việc giám sát xử lý những vụ án đã được giao lại cho những cơ quan chuyên trách để đề cao tinh thần trách nhiệm của từng ngành… Tuy nhiên vừa qua nhiều vụ án động chạm tới cán bộ lãnh đạo cấp cao, các ngành cũng khó giải quyết thì lại phải chuyển sang ý kiến của Đảng.
Thực tế, giao mảng nội chính để cơ quan hành pháp điều hành đã khiến phần nào sụt giảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Rõ ràng, trong hoàn cảnh này nói là giải thể để tinh gọn nhưng thực chất lại là bỏ sót công việc.
Thực tế đã chứng minh, trong thời gian giải thể Ban Nội chính, đã có nhiều vụ án ngay cả khi các ban ngành cùng vào cuộc, phải làm đi làm lại mà tới bây giờ vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Chẳng hạn vụ PMU 18, Uỷ Ban Kiểm tra TƯ, Thanh Tra Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành liên quan đã vào cuộc nhưng giải quyết vẫn không triệt để, có những cán bộ sau khi bị xử lý lại được phục chức gây dư luận không tốt… Hay vụ Vinashin cũng là một vụ án lớn động chạm nhiều lãnh đạo bộ ngành, mặc dù đã giao cho Ủy Ban Kiểm tra TƯ làm nhưng với chức năng nhiệm vụ không chuyên nên cuối cùng cũng chưa đi tới đâu.
Về phần mình, tôi tin rằng khi đã có Ban Nội chính TƯ thì những vụ án phức tạp như thế, chắc chắn sẽ được giải quyết triệt để hơn!
Với sự hiện diện của Ban Nội Chính TƯ, những vụ án tiêu cực phức tạp như PMU 18 sẽ được giải quyết triệt để hơn
Để đảm nhận được chức trách quan trọng như vậy, theo ông Ban Nội Chính TƯ cần phải có cơ chế làm việc như thể nào?
Trước đây những vụ việc lớn thì Ủy Ban Kiểm Tra TƯ sẽ tổng hợp từ cơ quan kiểm tra các cấp ủy để báo cáo lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Tuy nhiên vẫn còn để sót vụ việc, đôi khi chỉ là vụ nhỏ nhưng để du di lâu ngày sẽ phình ra thành vụ lớn. Khi Ban Nội Chính được tái lập, sẽ là kênh giám sát nhanh nhạy, phản ánh kịp thời tới Đảng, nhằm xử lý triệt để hành vi vi phạm, tiêu cực từ khi còn là mầm mống.
Để làm được điều này, Ban Nội chính TƯ phải xây dựng được cơ chế làm việc có quan hệ chặt chẽ với bộ ngành, phân công, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng từ cấp chuyên viên tới phó, trưởng ban.
Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung Ươngbày tỏ: “Mong mỏi lớn nhất của dư luận đối với Ban Nội chính lần này có thể xây dựng cơ chế, nền nếp kỷ cương sao cho cả xã hội, mọi người có điều kiện, đã, đang và sẽ tham nhũng thì không thể, không dám, không muốn tham nhũng. Vấn đề quan trọng là ban này cần tập hợp những người không tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng, có dũng khí, mưu trí, không ngại khó ngại khổ, luôn xác định không có vùng cấm…”
Nhắc lại những lần kết hợp giữa Ban Nội Chính với Ủy Ban Kiểm tra TƯ trong xử lý các vụ án lớn từng liên quan tới nhiều cán bộ đảng viên cấp cao như: Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh, vụ án Năm Cam… Ông Hùng nhận định, hai cơ quan này luôn sát cánh bên nhau và có quan hệ khăng khít như răng với môi. Trong mỗi vụ án, Ban Nội chính đóng vai trò chủ công làm rõ đúng sai vụ việc, theo dõi giám sát vụ án, còn Ủy ban đóng vai trò nắm tình hình, xử lý và báo cáo đề nghị xử lý những cán bộ cao cấp thuộc diện Trung Ương quản lý.
Theo 24h
Cái khó của Nguyễn Bá Thanh
Tân Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh có nhiều lợi thế, vốn liếng kinh nghiệm trong tay không phải ít, nhưng đồng thời cũng có cái khó của mình.
Lợi thế
Ông Thanh ở Đà Nẵng giờ đã ra Hà Nội.
Tôi có may mắn được vào Đà Nẵng nhiều lần, trước cả thời ông làm chủ tịch và bí thư. Đến thời ông, khi quay lại tôi đã thấy một Đà Nẵng rất khác, khang trang và sạch đẹp. Tốc độ tăng GDP những năm gần đây bình quân gần 12%. Dư luận có kẻ khen người chê. Có nhà báo cho ông Thanh là Lý Quang Diệu của Đà Nẵng, có báo còn giật tít "ông Thanh đang làm gì ở Đà Nẵng", đủ thấy sức lan tỏa của những việc ông làm.
Vì thế, việc ông ra Hà Nội được nhiều người kỳ vọng. Họ muốn thấy một Nguyễn Bá Thanh làm như ông từng làm, như ông "trị" những công bộc của dân chỉ hứa mà chưa có giải pháp hay chưa làm được những điều đã hứa trước dân.
Ông nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh Đảng đang tiến hành cuộc vận động chỉnh đốn, trong đó chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức lối sống được coi trọng.
Lập lại Ban Nội chính TƯ, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Thanh có nhiều lợi thế, vốn liếng kinh nghiệm có trong tay không phải ít nhưng đồng thời cũng có cái khó của mình.
Ở Đà Nẵng ông là người thứ nhất vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch HĐND, lời nói của ông là mệnh lệnh, là "gang là thép". Giám đốc Sở Xây dựng toát mồ hôi khi ông xoay về cách trả lời vòng vo xuân hạ thu đông như lời ông nói trong khi dân chỉ cần biết bao giờ có điện nước. Hay Sở Tài chính thu ngân sách chỉ đạt hơn 30% nhưng chi tiêu đến hơn 50%, ông bảo nếu là tui, tui sẽ vặn tiền lấy đâu ra...
Thật ra "làm vua", như từ mà dân ta quen dùng cho các vị đứng đầu tỉnh, có cái khó nhưng cũng có cái không hẳn là khó.
Ông Nguyễn Bá Thanh (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng
Cái khó vì anh là người đứng đầu phải nắm và chỉ đạo toàn diện. Làm tốt làm dở đều được đo đếm bằng thực tế. Cứ lấy thước đo là chỉ số phát triển và mức độ hài lòng ủng hộ của người dân mà đánh giá. Nói là lãnh đạo tập thể nhưng vai trò cá nhân của người đứng đầu là quan trọng bậc nhất. Có tâm, có tầm thì từ cái khó có thể chuyển thành dễ. Khi trí tuệ biết lo cho cái chung, biết đoàn kết nội bộ, loại bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì tự nó trở thành sức mạnh. Sức mạnh ấy được quần chúng ủng hộ, cấp dưới ủng hộ và được nhân lên.
Nay ông Bá Thanh ra Hà Nội đứng đầu một ban quan trọng. Chức năng được xác định là cơ quan tham mưu của BCH Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Không khoan nhượng
Chống tham nhũng là vấn đề cốt tử nhất hiện nay mà dân quan tâm.
Đảng đã xác định tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Suốt các kỳ Đại hội, Đảng đã đưa ra những tư tưởng quan trọng về phòng chống tham nhũng. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua luật Phòng, chống tham nhũng, thể hiện được những tư tưởng cơ bản và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Luật đã có, các ban từ Trung ương đến địa phương đã thành lập song từ đó đến nay, chúng ta mới chỉ "đạt kết quả bước đầu" như mỗi lần tổng kết đánh giá. Và nói hình ảnh như Chủ tịch nước, "trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này".
Đủ thấy nhiệm vụ mới mà ông Thanh đảm nhận rất cấp bách, rất quan trọng và vì thế mà người dân đều kỳ vọng.
Nhưng ông Thanh cũng có cái khó của mình.
Ở các nước, người đứng đầu có quyền cách chức những kẻ tham nhũng làm sai. Mà chẳng cần cách chức, họ cũng đã xin từ chức. Thế mà họ còn khó. Cái khó của ông với chức năng tham mưu lại càng khó hơn.
Nhưng với Nguyễn Bá Thanh, tôi tin ông sẽ quyết liệt, không khoan nhượng. Quyết liệt ngay cả chuyện chỉ tên, điểm mặt những "đồng chí chưa bị lộ".
Ta nói nhiều đến quốc nạn song khi đề cập đến ai, ở đâu thì hình như còn rất khó và công việc xử lý cũng chỉ mới "từ vai trở xuống" như lời nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói.
Công cuộc đấu tranh này không phải ngày một ngày hai mà thành công, tất nhiên cũng không thể kéo dài. Để như vậy thì "còn đâu cái đất nước này nữa", như Chủ tịch nước đã chia sẻ. Tuy nhiên mọi việc muốn thành công phải bắt đầu xây dựng nền móng, phải bắt đầu có tiền lệ. Đây là kỳ vọng của người dân đối với cương vị mới của ông Nguyễn Bá Thanh.
Theo Nguyễn Đăng Tấn (Vietnamnet)
"Hiện tượng" Nguyễn Bá Thanh Tuần qua, ông Nguyễn Bá Thanh lại nổi lên như một hiện tượng chính trị khi có quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Trưởng Ban Nội chính TƯ. Trước đó, mỗi lần xuất hiện trước công chúng, vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đều để lại ấn tượng thông qua những hành động quyết đoán, những phát ngôn bộc trực, không...