Điêu đứng sau bão Thần Sấm
Tưởng chừng như vụ này lúa này người dân Lạng Sơn sẽ được mùa. Vậy nhưng, chỉ trong phút chốc thành quả lao động cả năm của không ít người đã bị lũ sau cơn bão số 2 “oanh tạc”, hóa thành… bùn đất.
Nghèo thì chẳng mấy chốc…
Những ngày này, mặc dù cơn bão số 2 đã đi qua, nhưng không khí ảm đạm vẫn bao trùm nhiều nơi ở Lạng Sơn.
Dọc tuyến QL4B đi qua một số huyện Lộc Bình, Đình Lập, bà con đang hối hả ra đồng. Ai ai cũng tất bật quang gánh, người ra đồng để gặt, người thì phơi lúa kín khắp cả mặt đường.
Bà con tranh thủ thu hoạch lúa để tránh bị hư hại
Cơn bão số 2 đã gây ra trận lũ lịch sử, không chỉ làm ngập lụt khu vực thành phố Lạng Sơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân toàn tỉnh Lạng Sơn. Theo thống kê, đã có tới hàng nghìn ha lúa nước bị ngập và hư hỏng, nhiều diện tích bị mất trắng hoàn toàn. Khi nước rút, mặt trời ló lên, bà con đã tranh thủ ra đồng gặt để lúa tránh bị hư hỏng.
Ghi nhận thực tế của PV Dân trí tại Lạng Sơn thì phần lớn những cánh đồng lúa trải dài theo tuyến Quốc lộ 4B đều bị xô đổ, nằm rạp xuống mặt đất sau cơn bão do nước sông dâng, lũ tràn qua. Một số ít diện tích lúa ở trên cao không bị nước sông ngập, nhưng gió bão thổi làm đổ tơi tả gây nên thiệt hại nghiêm trọng.
Lúa đều bị nhuốm đỏ bởi bùn đất
Video đang HOT
Do nhà neo người nên đến chiều ngày 23/7, chị Hoàng Thị Thanh ở xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình vẫn đang cặm cụi gặt nốt diện tích lúa nước cuối cùng. Gánh lúa trên đôi vai gầy còm của chị Thanh trở nên nặng trĩu khi nhuốm màu đỏ của bùn và cát sỏi.
Chia sẻ với phóng viên, chị Thanh xót xa: “Gia đình tôi có 8 sào ruộng, năm nay có thể thấy lúa tốt hơn mọi năm, ai cũng hí hửng tưởng chừng được mùa. Nhưng công cả năm chăm lụng, vậy mà chỉ sau một đêm, khắp cánh đồng đều chìm nghỉm dưới nước. Lúa chín sớm còn đỡ, chứ nhà tôi lúa còn non, giờ gặt cũng chẳng để làm gì, chắc chỉ để chăn gà vịt thôi.”
Hiện, chị Thanh có một người con đang học dưới Hà Nội, một cháu khác năm nay đang vào lớp 12. Theo chị, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để nuôi sống. Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, nông nhàn chị đi bốc vác, lao động ở các cửa khẩu cũng có đồng ra đồng vào trang trải sinh hoạt.
Anh Lường Văn Thiện ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc đang chở chuyến xe “công nông” đưa lúa về nhà tuốt. Trông cảnh bùn đỏ choét chảy từ thùng xe xuống mặt đường, anh không khỏi xót xa.
Những gì còn lại sau khi cơn lũ lịch sử đi qua
“Làm giàu thì khó nhưng nghèo thì chẳng mấy chốc. Cơn lũ xảy ra chỉ trong vài ngày đã khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong làng điêu đứng. Nhà tôi có khá khá ruộng, mỗi năm ngoài gia đình sử dụng, số gạo còn dư ra đem bán thu được hơn chục triệu đồng. Năm nay, khi biết tin cơn bão về, gia đình đã tranh thủ ra đồng nhưng chỉ gặt được hơn 3 sào, diện tích còn lại đều bị ngập nước. Đã trồng thì phải gặt thôi, thử đem về rửa đi xem có dùng được không. Nếu không thì chắc chỉ cho gia súc, gia cầm ăn thôi”.
Lao động cả năm hóa… bùn đất
Chiều 24/7, chúng tôi có mặt tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng – đây là địa phương vùng cao nhưng thiệt hại về nông nghiệp cũng không nhỏ. Theo ông Mao Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, địa phương có địa hình phức tạp nên diện tích để trồng lúa rất ít.
Hơn nữa, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khoảng 66%, bà con vùng cao chủ yếu thu nhập chính bằng chăn nuôi và làm nương. Tuy nhiên, trận lũ vừa rồi đã khiến rất nhiều diện tích lúa của bà con bị hư hại, ngô của bà con cũng bị đổ sàn sạt xuống đất, nếu không được thu hoạch sớm sẽ bị hư hỏng.
Nhiều điểm sạt lở trên tuyến QL 4B vẫn chưa được khắc phục
Anh Nông Quốc Lập, người dân thôn Co Hương, xã Hữu Kiên (Chi Lăng) cho biết: “Nước lũ đầu nguồn tràn về đã làm rất nhiều lúa và nương ngô của chúng tôi bị phá hoại. Sống ở trên cao nên lúa trồng được đã rất ít, không ngờ lại bị lũ cuốn làm mất trắng. Vụ này lúa tốt lắm, chỉ khoảng một tuần nữa là có thể thu hoạch được thành quả mỹ mãn. Nhưng chỉ trong phút, công sức lao động cả năm đã hóa bùn đất. Giờ những bông lúa đã bết bát, tiếc công sức thì gặt về thôi chứ lúa như này thì dùng thế nào được nữa”.
Theo một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn chủ yếu là lúa, ngô, dưa hấu và một số cây hoa màu khác. Đa phần những cây nông nghiệp này đều chịu ngập kém, đang vào độ thu hoạch nên khi nước lũ tràn về đã gây thiệt hại rất lớn cho bà con
Lúa bết bát bùn đất, người dân chỉ mang về chăn gà vịt
Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn, mưa lũ đã làm ngập úng 5.600ha lúa xuân. Trong đó làm mất trắng 2.300ha; hơn 20.000 cây lâm nghiệp bị gãy đổ; trên 100 tấn phân bón bị hư hỏng; trên 2.300 con gia súc bị chết…
Ngoài ra mưa bão cũng khiến 3 tuyến QL và 9 tuyến đường tỉnh lộ bị chia cắt. Trong đó, có tới 130 điểm sạt lở khối lượng trên 100 nghìn m3; 47 công trình thủy lợi và 20 công trình cấp nước bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại lên tới 460 tỷ đồng.
Mưa lũ khiến nhiều con sông chảy qua địa bàn bị sạt lở
UBND tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huy động lực lượng đến hiện trường để hỗ trợ bà con trong công tác khắc phục hậu quả. Trước sự thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo, một số loại giống, vật tư nông nghiệp và 380 tỷ đồng để giúp bà con ổn định đời sống.
Quốc Cường – Xuân Thái
Theo Dantri
Nước lũ "đánh" lật cầu mới xây ở nơi qua suối bằng túi nilon
Cây cầu Sam Lang mới được xây dựng giúp học sinh và người dân bản thoát cảnh chui túi nilon qua suối, vừa bị nước lũ "đánh" lật hôm qua (22/7). Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT địa phương nhanh chóng khắc phục tình hình.
Ảnh hưởng của bão Thần Sấm đã gây mưa lớn trên diện rộng, nước lũ lên cao từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng nhiều khu vực tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), trong đó có xã Nà Hỳ - nơi cây cầu mơ ước của dân bản Sam Lang mới được xây dựng.
Một bè gỗ lớn theo lũ dồn về đã đâm va mạnh vào cầu Sam Lang gây đứt cáp, cùng với sức nước quá lớn đã làm lật cầu vào đêm qua.
Cầu Sam Lang vừa được khánh thành hồi tháng 5 vừa qua
Sự việc này đã được báo cáo nhanh lên Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nhận được thông tin, Bộ trưởng đã lập tức chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Điện Biên lên hiện trường nắm tình hình và có giải pháp khắc phục, dựng lại cầu để đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho người dân.
Cầu Sam Lang có mức đầu tư 3,5 tỷ đồng được xây dựng sau nhiều năm dân bản phải qua suối bằng cách chui vào túi nilon, vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Cầu được khánh thành vào đầu tháng 5 vừa qua với ý nghĩa rất lớn khi nối liền 2 bờ suối Sam Lang, giúp bà con đi lại dễ dàng.
Theo Dantri
Nước lũ cuốn lật cầu Sam Lang - Do ảnh hưởng của bão Thần Sấm, 1 trận lũ lịch sử từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt tại huyện Nậm Pồ - Điện Biên, cuốn lật chiếc cầu Sam Lang vừa xây dựng. Ngày 22/7/2014, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (Bão Ramasun) đã gây mưa to trên diện rộng, tạo thành trận lũ lịch sử...