Điều đặc biệt trong lễ trao giải nông dân quốc tế FAO
Ngày 17.10, tại Bangkok (Thái Lan), Cơ quan Đại điện của FAO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã trao giải thưởng “Nông dân điển hình” cho 5 nông dân chọn từ 45 nước. Buổi lễ được tổ chức trọng thị với nghi thức quốc tế xen lẫn hoàng gia và có những điều đặc biệt.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, FAO yêu cầu những nông dân xuất sắc nhất này có mặt tại Bangkok trước đó chí ít là 3 ngày. Trong 3 ngày đó, FAO dành 1 ngày để nhà báo kỳ cựu của AP phỏng vấn từng người trong số 5 nông dân điển hình. Do sự kiện có sự tham dự của Công chúa – người được người dân Thái tôn kính chỉ sau nhà vua Thái Lan. Tại đây, FAO tổ chức tổng duyệt và chuyên gia của FAO hướng dẫn cho từng nông dân cách đi, chào hỏi và cách thức đón nhận danh hiệu từ Công chúa Thái Lan.
Từng nông dân được chuyên gia của FAO hướng dẫn cách thức nhận giải thưởng từ công chúa Thái Lan. Ngọc Thọ
Trước đó, FAO cũng gửi email tới từng khách mời tham dự khuyến nghị các đại biểu nên mặc đồ tối màu thay vì màu sáng do nhà vua nước này mới băng hà và công dân nước này sẽ mặc đồ đen trong vòng 1 năm.
Từ sáng sớm ngày 17.10, văn phòng của FAO và những khu vực lân cận được cảnh sát có vũ trang và quân đội phong tỏa. Tất cả quan khách vào văn phòng của FAO đều buộc phải qua cửa kiểm soát an ninh và yêu cầu để lại những vật có thể gây nguy hiểm, thương tích. Trong khuôn viên của FAO rất nhiều cảnh sát và quân đội đã có mặt. Đặc biệt, một số lượng rất đông người của hoàng gia Thái Lan cũng đã xuất hiện từ sớm để chuẩn bị cho việc tiếp đón công chúa Thái. Ghế ngồi của công chúa Thái Lan cũng do hoàng tộc bố trí và khác biệt so với các vị trí ngồi chủ trì khác.
Tất cả các chỗ ngồi trong khán phòng đều được ghi rõ họ tên. Phóng viên thông tấn quốc tế được dành một khu vực riêng để tác nghiệp là bên phải của khán phòng. Tất cả đại biểu, quan khách được khuyến cáo không dùng điện thoại, máy ảnh, máy quay để chụp hình ngoại trừ người được FAO chỉ định.
8 giờ 10 phút, người chủ trì buổi lễ yêu cầu tất cả mọi người đứng dậy nghiêm trang đón chào công chúa. Tháp tùng công chúa Thái Lan là đoàn tùy tùng hùng hậu với đội xe đông đảo như Cadillac, Mercedes S-class và BMW serie 7, BMW serie 5… được đông đảo cảnh sát, lực lượng đặc biệt của hoàng gia dẫn đường. Một thành viên thuộc hoàng gia tiết lộ với phóng viên Dân Việt rằng những chiếc xe này sản xuất hữu hạn và dành riêng cho hoàng gia mà không có bán ngoài thị trường.
Đúng 8 giờ 25 phút thì công chúa có mặt. Tất cả người Thái đều quỳ xuống nghênh đón công chúa và tỏ lòng kính trọng. Trong khán phòng, toàn bộ đại biểu xoay người về phía cửa chính mà công chúa bước vào và cúi đầu để chào.
Video đang HOT
Trước khi chính thức bắt đầu buổi lễ, chủ tọa yêu cầu tất cả mọi người có mặt trong khuôn viên của FAO dành 1 phút mặc niệm vị vua đáng kính của Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Sau đó, công chúa Thái Lan đưa tay ra hiệu cho mọi người an tọa.
Sau phát biểu của lãnh đạo FAO, một thước phim ghi lại hành trình của vị công chúa này tới các vùng nông thôn xa xôi nhất của Thái Lan và cả các nước lân cận được trình chiếu. Nhiều người xem phim đã khóc.
Công chúa Thái Lan hồi trẻ. Royal Thai
Yingsawad – nhân viên của FAO đóng tại Thái Lan cho tôi hay: Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej có 4 người con với Hoàng hậu Sirikit gồm Thái tử Maha Vajiralongkorn cùng ba công chúa Ubolratana Rajakanya, Maha Chakri Sirindhorn và Chulabhorn Walailak. Trong đó công chúa thứ hai là Maha Chakri Sirindhorn được người dân hết mực yêu quý và kính trọng chỉ sau nhà vua và được người dân gọi với tên “Pra Thep”, nghĩa là “Công chúa có trai tim thiên thần”.
Công chúa Maha Chakri Sirindhorn được người dân Thái tôn kính chỉ sau vua cha. Royal Thai
“Do có cơ hội tiếp xúc với những người dân tại những vùng nông thôn hẻo lánh từ rất sớm nên công chúa Maha Chakri Sirindhorn sớm thấu hiểu những nỗi khó khăn của người nông dân và sự thực cả đời bà đã dành cho việc làm thế nào để nâng cao đời sống của họ, giúp đỡ những nạn nhân của thiên tại, biến đổi khí hậu, tạo công ăn việc làm cho nông dân, bảo vệ những người yếu thế này trong xã hội thông qua các dự án cụ thể do hoàng gia Thái Lan tài trợ kinh phí” – Yingsawad nói.
Công chúa Thái Lan trao danh hiệu cho nữ nông dân Việt Nam Ba Huân. FAO
Trong khán phòng, tên của 5 nông dân điển hình nhất được FAO công bố đến từ 5 quốc gia là Fiji, Mông Cổ, Pakistan, Thailand và Việt Nam. Trước khi công bố danh sách 5 người duy nhất nhận giải thưởng của FAO, những clip ngắn giới thiệu đôi nét vắn tắt về từng nông dân cũng được chiếu. Ngoài sảnh lớn của FAO, còn rất nhiều người đứng theo dõi buổi lễ qua màn mình.
Sau những nghi thức của hoàng gia và phát biểu cảm ơn của FAO đối với quốc vương và công chúa Thái Lan về những đóng góp không ngừng nghỉ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, danh tính 5 nông dân điển hình nhất tới từ 5 quốc gia được lựa chọn từ 45 quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng được xướng lên trong tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu trong và ngoài khán phòng.
Về tác nghiệp báo chí trong suốt buổi buổi lễ, an ninh chỉ cho phép một số phóng viên thông tấn quốc tế cùng một số người của hoàng gia chụp ảnh. Ngoại trừ phóng viên ra tất cả mọi người đều phải tắt điện thoại và không được phép chụp hình.
Một số đại biểu cố tình chụp hình công chúa Thái Lan đã bị lực lượng an ninh hoàng gia nhắc nhở và có trường hợp đã bị tạm thời thu máy ảnh, điện thoại.
Từng nông dân sau khi được đọc tên, đứng đợi mọi người xem hết clip do FAO thực hiện giới thiệu vắn tắt về những đóng góp cho cộng đồng đồng thời bước lên nhận danh hiệu của FAO được trao bởi công chúa Maha Chakri Sirindhorn.
Công chúa Thái Lan đón nhận quà tặng là bức tranh Đông Hồ Việt Nam. Ngọc Thọ
Sau khi trao chứng nhận cho các nông dân, ban tổ chức bố trí một chương trình trang trọng khác để trực tiếp công chúa Maha Chakri Sirindhorn đứng chụp ảnh với từng nông dân cũng như ra sảnh lớn đón nhận những sản vật làm quà của từng quốc gia do các nông dân mang sang.
Nông dân Việt Nam Phạm Thị Huân (Ba Huân) mang sang tặng công chúa bức tranh Đông Hồ nổi tiếng. Công chúa Thái Lan khá thích thú với món quà đặc trưng này và bà có nói bà từng sang Thái Lan hồi tháng 5.2015 và bà ấn tượng với những thành tựu của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Công chúa Thái Lan hy vọng có thêm nhiều “bà Ba Huân” trong cộng đồng nông dân Việt Nam.
Nữ nhân viên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc bất ngờ khi được công chúa gọi đúng tên và hỏi han công việc. Ngọc Thọ
Tại sảnh lớn của FAO, một điều bất ngờ đã diễn ra, công chúa Thái Lan sau khi nhận quà của điển hình nông dân Việt Nam đã đứng nán lại gọi đúng tên và nói chuyện với một nhân viên rất bình thường của FAO rồi hỏi han về cuộc sống của nữ nhân viên này. Alisa – nữ nhân viên của FAO là người Thái mà sau này tôi mới biết tên đã quá cảm động và bật khóc. Mãi sau khi công chúa Thái Lan rời đi, hàng trăm người vây quanh lấy Alisa chúc mừng bởi cô đã bỗng dưng nổi tiếng trong giới truyền thông Thái Lan và quốc tế khi được ưu ái gọi là “bông hoa của FAO”…
Cận cảnh dung nhan của nữ chuyên viên Alisa của FAO bỗng dưng nổi tiếng. Ảnh Ngọc Thọ
Công chúa Sirindhorn là người tài năng khi có thể giao tiếp thành thạo bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp và học cả tiếng Trung, Đức và Latin. Bà có kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực như: triết học, ngôn ngữ học, lịch sử, chính trị và công nghệ thông tin. Bà từng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch điều hành Hội chữ thập đỏ Thái Lan, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Học viện quân sự Chulachomklao. Bà cũng là Thiếu tướng quân đội Hoàng gia Thái Lan, chuẩn Đô đốc danh dự Hải quân Hoàng gia và là Phó Nguyên soái danh dự không quân.
Theo Danviet