Điều đặc biệt bên trong Dinh thự đặc biệt nhất Sài Gòn
Không chỉ có các khu vực trưng bày những vật dụng thời chiến, bên trong Dinh Độc Lập tại TP .HCM còn giữ nguyên hệ thống đường hầm và các phòng làm việc, hội họp, tiệc thời chiến.
Dinh Độc Lập (trước đây là Dinh Norodom, nay là Dinh Thống Nhất) là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của TP.HCM, được đưa vào sử dụng từ ngày 31/10/1966. Đây là một trong những di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Đường dẫn vào hầm trong Dinh. Nguyễn Văn Thiệu là người đứng đầu chế độ cũ, có thời gian nắm quyền lâu nhất tại đây (từ tháng 10/1967 – 21/4/1975).
Khu vực trưng bày các bức ảnh và vật dụng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những tư liệu lịch sử về cuộc Tổng tiến công và nổi dật mùa xuân 1975.
Chiếc xe Jeep M152A2, đây là phiên bản của chiếc Jeep đã đưa Tổng thống Dương Văn Minh sang Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính quyền cách mạng trưa 30/4/1975.
Xe Mercedes Benz 200 W110 của Đức được sản xuất vào thập kỷ 1960 là một trong những chiếc xe mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng. Đây là chiến lợi phẩm của Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 quân Giải phóng đi đánh vào căn cứ Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc 9h10 ngày 30/4/1975.
Lá cờ, con dấu và huân huy chương thứ hạng cao của chế độ cũ mà bộ đội ta thu được trong Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975.
Mũ của trung úy Bùi Quang Thận, người đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30′ ngày 30/4/1975.
Khẩu AK của đơn vị tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 cũng được trưng bày tại đây.
Video đang HOT
Bếp bên trong Dinh. Đây là nơi nấu ăn phục vụ các buổi tiệc chiêu đãi trọng thể, được trang bị hiện đại như bếp của khách sạn 5 sao thời bấy giờ. Các thiết bị đều được làm bằng inox, sản xuất tại Nhật 1966, sử dụng gas và điện, có kho lạnh riêng biệt để bảo quản thức ăn, có hệ thống hút khí và thang máy vận chuyển 100kg lên các tầng trên.
Trên sân thượng vẫn còn một chiếc trực thăng UH1. Đây là loại máy bay chiến đấu do hãng Bell (Mỹ) chế tạo, trang bị cho Mỹ năm 1959 và sử dụng tại chiến tranh Việt Nam năm 1962. Hai khoanh tròn đỏ cũng như mảnh bom còn sót lại ghi nhớ vụ ném bom ngày 8/4/1975 của phi công Nguyễn Thành Trung.
Lối lên xuống trải thảm nhưng không được sử dụng giữa tòa nhà Dinh Độc Lập.
Phòng khách của Tổng thống gồm hai phòng thông nhau.
Phòng trình quốc thư. Năm 1975 có nhiều nước đặt Đại sứ quán tại Sài Gòn. Các Đại sứ đến đây trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống. Nội thất căn phòng nổi bật với bức tranh “Bình Ngô đại cáo” gồm 40 miếng nhỏ ghép lại miêu tả cuộc sống thanh bình của người dân Việt Nam thế kỷ 15.
Phòng Khánh tiết, có sức chứa 500 người, để tổ chức các cuộc họp, chiêu đãi, ra mắt nội các. Tháng 11/1975, tại đây diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị bàn các vấn đề thống nhất hai miền Nam Bắc.
Phòng Đại yến, nơi tổ chức các cuộc chiêu đãi với sức chứa hơn 100 khách. Ngày 31/10 năm 1967, nơi đây diễn ra bữa tiệc nhân lễ nhậm chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ.
Phòng nội các, nơi diễn ra các cuộc họp của Hội đồng Tổng trưởng và Nội các Việt Nam Cộng hòa.
Phòng ăn với buồng kính, trải thảm sang trọng, sạch sẽ.
Rạp xem phim với sức chứa 50 khán giả.
Khu vực đặt máy chiếu phim.
Thảm cỏ xanh hình oval trước cửa Dinh rộng cả nghìn m2.
Theo VNE
Cuộc họp nội các và quốc sách "4 không" của Tổng thống Thiệu
Tướng đề nghị đưa quân đi cứu Phước Long, Thiệu không đồng ý. Chỉ đến khi Phước Long thất thủ, Thiệu mới hoang mang và tổ chức truy điệu 3 ngày.
Cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa chính thức ra mắt. Nhà báo Trần Mai Hạnh chính là người có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975. Cuốn sách được viết dựa trên biên bản các cuộc họp, biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú, thư từ, điện tín,... của tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày tháng cuối cùng. Cuốn sách được viết theo trình tự thời gian. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), chúng tôi xin đăng tải những trích đoạn cuối cùng của cuốn sách, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Thiệu và quốc sách "4 không"
Không khí chiến tranh hầm hập Sài Gòn khi dòng người tị nạn từ Phước Long đổ về. Tổng Cục Thực phẩm thông báo không tổ chức chợ Tết cho công chức, quân nhân như mọi năm vì không có hàng hóa trong lúc vật giá leo thang. Tin sắp phát hành giấy bạc mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng làm xáo động đời sống người Sài Gòn.
Sáng 3/1/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập cuộc họp nội các tại Dinh Độc Lập với các nhân vật chủ chốt như: Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm; Trung tướng Đặng Văn Quang (Cố vấn an ninh quốc gia của Thiệu); Trung tướng Đồng Văn Khuyên (Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiếp vận); Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa).
Chân dung Nguyễn Văn Thiệu
Trung tướng Dư Quốc Đống (Tư lệnh Quân đoàn 3, đảm trách phòng thủ Sài Gòn) trình bày tình hình nguy cấp của Phước Long và Quân đoàn 3. Đống đề nghị Thiệu và Bộ Tổng Tham mưu điều ngay một Sư đoàn bộ binh hoặc Sư đoàn dù ứng cứu.
Đống chưa trình bày dứt, Thiệu đã đứng lên yêu cầu các thành viên nội các trước hết hãy cho ý kiến có nên tung lực lượng dự trữ chiến lược vào mặt trận Phước Long hay không? Vốn biết ý Thiệu nên không thành viên nào dự họp nêu ý kiến quyết liệt về việc phải tung quân giữ Phước Long đến cùng.
Từ khi hiệp định Paris được ký năm 1973, Thiệu đề ra quốc sách "4 không" (không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thổ, tiền đồn nào; không liên hiệp; không thương lượng; không có hoạt động của cộng sản hoặc đối lập ở trong nước). Không chỉ những buổi họp nội các mà tất cả cuộc họp bất thường hay hằng tháng với tư lệnh các quân đoàn, quân khu, binh chủng đều diễn ra tại Dinh Độc Lập thay vì ở Bộ Tổng Tham mưu như trước đây. Thiệu nắm quyền chủ tọa như là Tổng tư lệnh tối cao của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thiệu nói: "... Căn cứ lực lượng địch trong vùng, chúng ta thấy địch có thể phản ứng mạnh và gây thương vong nặng nề cho quân đội Sài Gòn. Sự hiện diện của quân Bắc Việt trong vùng rất mạnh. Tốt nhất nên dành lực lượng để phòng thủ các khu vực khác có giá trị chiến lược hơn".
Đống lập tức đứng lên xin từ chức với lý do không đủ khả năng giải quyết tình hình quân sự của vùng 3. Quân đoàn 3 không thể tự xoay xở việc giải cứu Phước Long.
Yêu cầu từ chức của Đống sau 3 tháng nhận chức Tư lệnh đã bị Thiệu bác bỏ thẳng thừng.
Đến 6/1, Phước Long thất thủ. Sự kiện được đánh dấu vào 16h chiều cùng ngày, Đại tá Đỗ Công Thành (Tỉnh trưởng Phước Long) trúng đạn chết trong đám loạn quân khi đang cố vượt hàng rào đạn phía bắc để chạy qua sông Bé. 5.400 sĩ quan và lính của Trung đoàn 7 ném vào Phước Long chỉ còn chưa đầy 850 người sống sót.
Mặc dù lúc ấy đang cữ gió đông bắc khô hanh nhưng không hiểu sao lại có những cơn mưa xối xả đổ xuống cả Phước Long và Sài Gòn. Một tờ báo Sài Gòn ngày đó viết: "Dường như ngay cả ông trời cũng rơi nước mắt khóc cho Phước Long".
Ngay ngày hôm sau, Thiệu tuyên bố trên đài Sài Gòn: "Toàn quốc dành ba ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long".
Lên gân trong hoang mang
Quyền Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Ngô Khắc Tỉnh đã chủ trì buổi họp báo gồm đầy đủ ký giả nhưng không trả lời bất cứ câu hỏi nào ngoài việc phát bản tuyên cáo về tình hình Phước Long.
Trái lại, cuộc họp báo sau đó mấy ngày của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Tân Sơn Nhất do Đại tá Võ Đông Giang chủ trì hết sức sôi động.
Đại tá Giang đã trả lời các câu hỏi báo chí nêu: Lý do đánh chiếm Phước Long và đó có phải là vi phạm Hiệp định Paris không? Nếu tiếp tục tấn công như hiện nay, để bảo vệ Hiệp định thì Đại tá có thấy nguy cơ Hoa Kỳ trở lại can thiệp trực tiếp không?
Vị Đại tá nói rằng: "Chúng tôi đấu tranh chính nghĩa trên cả ba mặt trận: chính trị - quân sự - ngoại giao. Chúng tôi không loại trừ khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp trắng trợn hơn nữa vào miền Nam Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ làm như vậy thì sẽ không nhận được gì ngoài thất bại nặng nề hơn mà thôi".
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (phải) và Phó Tổng thống Trần Văn Hương năm 1972
Trong 3 ngày, Thiệu tổ chức nhiều hoạt động cầu nguyện, mít tinh tưởng niệm Phước Long. Đô trưởng Đỗ Kiến Nhiễu nói rằng sẽ có cuộc quyên tiền lớn trong đô thành giúp dân Phước Long tản cư về Sài Gòn và gia tăng đảm bảo an ninh đô thành. Cả tuần lễ trên đài phát thanh truyền hình Sài Gòn ra rả phát bài hát "Phước Long anh hùng".
Thiệu hô hào sẽ lấy lại Phước Long nhưng trên thực tế không có hành động quân sự nào. Mỹ lúc đầu hùng hổ cho tàu chở máy bay nguyên tử dẫn một lực lượng đặc nhiệm của hạm đội 7 từ Philippines tiến về bờ biển Việt Nam. Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinaoa được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp... Nhưng cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ buộc phải bỏ qua sự kiện Phước Long và tuyên bố: "Đây chưa phải là cuộc tấn công ồ ạt của Bắc Việt Nam".
Bửu Viên, Cố vấn của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm sau này kể lại rằng, trong buổi họp nội các, ông ta thấy rõ thái độ lo lắng, thất thần trong giọng điệu lên gân của Thiệu. Thái độ đó khác hẳn vẻ tự tin, quyết đoán, đôi lúc khôi hài của Thiệu.
Một tuần trước Tết Ất Mão (11/2/1975), phong trào nhân dân chống tham nhũng do linh mục Trần Hữu Thanh khởi xướng tung ra bản cáo trạng số 1 nêu rõ 4 trọng tội của Thiệu. Gần chục tờ báo đồng loạt đăng tải thông tin cáo trạng này, tố cáo hành vi tham nhũng của Thiệu cùng tướng lĩnh tay chân của ông ta trong nội các.
Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nỗi sợ ám sát, đảo chính vào 10h00 ngày 2/5.
Theo VNE
Tướng cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn như thế nào? Trong cảnh hỗn loạn tan rã của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều nhân vật chủ chốt đã tìm đường tháo chạy. Nhiều tướng lĩnh còn lại tự sát sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về những ngày cuối cùng của chế độ Việt...