Điều chưa biết về xe tăng huyền thoại T-34 của Việt Nam
Xe tăng T-34 mà Việt Nam có sử dụng hiện vẫn biên chế trong Quân đội Nga, tung hoàng hầu hết các xung đột lớn trong thế kỷ 20-21…
Khi những chiếc xe tăng T-34 của Hồng quân Liên Xô tiến vào thành phố Berlin vào năm 1945, đây được xem như dấu chấm hết cho chủ nghĩa Phát xít ở Châu Âu. Không những thế nó còn là thời khắc làm nên huyền thoại của những chiếc tăng T-34 của Liên Xô, nhưng đó mới chỉ là chương đầu tiên trong cuộc phiêu lưu của mẫu xe tăng huyền thoại này khi nó góp mặt vào hầu hết mọi cuộc xung đột sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 trong suốt hơn 70 năm. Từ sa mạc ở Ai Cập, rừng nhiệt đới ở CuBa đến thảo nguyên ở Angola và xa hơn thế nữa.
Ngày nay, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những chiếc xe tăng T-34 trong các viện bảo tàng quân sự khắp nơi trên thế giới như ở Bosnia và Herzegovina, Việt Nam, Guinea, Guinea-Bissau, Yemen, Triều Tiên, Cộng hòa Congo, Cuba, Lào, Mali và Namibia và nhiều quốc gia khác mà nó từng tham chiến.
Dù đã có tuổi thọ hơn 70 năm nhưng những chiếc T-34 vẫn có thể hoạt động bền bỉ nếu được bảo dưỡng thường xuyên.
Cuộc chiến tranh qui mô nhất mà T-34 tham gia sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 là Chiến tranh Triều Tiên. Khi đó, những chiếc T-34 của Quân đội Bắc Triều Tiên đã giao chiến các đối thủ của Quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh ở Hàn Quốc. Và tiếp theo sau đó là ở chiến trường CuBa.
Nguồn gốc tăng hạng trung Liên Xô từ Mỹ?
Tuy nhiên, ít người biết rằng lực lượng tăng chiến đấu hạng trung được phát triển từ những năm 1930 của Liên Xô được bắt nguồn từ những mẫu tăng hạng trung M1931 Christie của Mỹ.
Những mẫu xe tăng đầu tiên được chuyển sang Liên Xô theo các đợt đặt hàng lấy danh nghĩa là các máy cày nông nghiệp và chỉ có một ít trong đó là được lắp đặt tháp pháo. Với số mẫu xe tăng Christie và một số biến thể xe tăng của Tây Ban Nha, đã giúp cho nhà thiết kế xe tăng của Liên Xô Mikhail Koshkin phát triển nên nền tảng cơ sở của lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô sau này.
Từ trái qua là các mẫu xe tăng hạng trung : BT-8, A-20, T-34 model 1940 và 1941.
Trong những năm trước khi Chiến tranh Thế giới 2 bùng nổ, Koshkin đã bắt đầu phác thảo các ý tưởng đầu tiên về mẫu xe tăng hạng trung T-34, với các yêu cầu như hệ thống giáp dày, trang bị hỏa lực mạnh mẽ, có khả năng hoạt động bền bỉ ở mọi địa hình và dễ dàng trong quá trình sản xuất, sửa chữa bảo trì.
Video đang HOT
Những người cha sinh ra T-34
Đợt thử nghiệm đầu tiên của T-34 được đích thân Lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Joseph Stalin đến tham dự, và diễn ra tại Moscow vào ngày 17/3/1940. Sau những chiếc xe tăng T-34 được lệnh di chuyển âm thầm về phía Moscow. Vào thời điểm đó đây có thể được xem như một quyết định mạo hiểm, khi những chiếc T-34 phải di chuyển qua hàng loạt khu vực đông dân cư và có thể dễ dàng bị tình báo Đức phát hiện.
Nhưng những chiếc T-34 đã đến địa điểm tập kết đúng thời gian qui định và không có bất kỳ sự cố lớn nào diễn ra trong suốt quảng đường di chuyển. T-34 đã bí mật di chuyển qua những khu rừng đầy tuyết với địa hình gồ ghề và âm thầm tiến vào Moscow. Ấn tượng trước khả năng của những chiếc xe tăng mới, Stalin đã gọi những chiếc T-34 với cái tên là “Én nhỏ”. Ngay sau đó, T-34 đã được đưa vào sản xuất hàng loạt, nhưng khi chưa kịp chứng kiến thành công của đứa con đẻ của mình là T-34 thì Mikhail Koshkin đã qua đời ở tuổi 42 do bệnh viêm phổi.
T-34/85 của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tiếp tục kế thừa công việc đang còn dở dang của T-34 là Alexander Morozov – một trong các kỹ sư và nhà thiết kế xe tăng của Liên Xô cùng với Koshkin tạo nên chiếc T-34. Sau này chính Morozov đã giúp những T-34 phát huy được sức mạnh của mình trên chiến trường và cho mãi đến khi dành được được chiến thắng trước Phát xít Đức.
Vào tháng 12/1943, T-34 xuất hiện với phiên bản nâng cấp là T-34-85 với việc thay đổi thiết kế của tháp pháo, cùng với đó là nó được trang bị pháo chính 85mm đủ khả năng phá hủy bất cứ xe tăng nào của Đức lúc đó. Với phiên bản T-34 mới, lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô dành được ưu thế trên chiến trường trước lực lượng tăng Đức và làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến.
T-34-85 vẫn là xương sống của lực lượng xe tăng Liên Xô cho đến giữa những năm 1950, và sau khi được loại khỏi lực lượng tăng chiến đấu thường trực nó được đưa vào phục vụ trong quá trình đào tạo huấn luyện của lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô cho đến những năm 1970. Có một điểm đặc biệt nữa là cho đến tận ngày nay, T-34 vẫn chưa bị loại bỏ chính thức khỏi lực lượng tăng thiết giáp của Nga.
Những chiếc xe tăng T-34 của Quân đội Triều Tiên, chuẩn bị trước giờ xuất kích.
Bị tăng Mỹ đánh gục ở Triều Tiên
Trong Chiến tranh Triều Tiên , những chiếc xe tăng T-34 của Liên Xô được Quân đội Triều Tiên sử dụng để chống lại Mỹ, Hàn Quốc và các nước đồng minh. Với việc triển khai một số lượng lớn tăng T-34 từ khu vực phi quân sự (DMZ), Quân đội Triều Tiên đã áp đảo hoàn toàn lực lượng Quân đội Hàn Quốc trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Cuộc đấu tăng đầu tiên trong Chiến tranh Triều Tiên là giữa T-34 và những chiếc xe tăng hạng nhẹ M-24 của Mỹ vào tháng 7/1950. Với lớp vỏ chỉ dày 25mm và trang bị vũ khí yếu kém, ngay trong những giây phút đầu tiên đã có 2 chiếc M-24 của Mỹ bị bắn hạ. Sau đó lực lượng bộ binh Mỹ đã sử dụng cối vác vai Bazooka cỡ nòng 89mm tiêu diệt 7 chiếc T-34 của Quân đội Triều Tiên.
Trước sức mạnh của những chiếc T-34 của quân đội miền bắc, liên quân do Mỹ đứng đầu đã phải triển khai những chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng M-26 Pershing vào tháng 8/1950. M-26 với vũ khí chính là pháo 90mm và lớp vỏ dày đã nhanh chóng loại bỏ 3 chiếc T-34 ngay từ khi tham chiến.
Với kỹ năng chiến thuật tốt hơn và được đào tạo có hệ thống hơn so với Quân đội Bắc Triều Tiên, lực lượng xe tăng của Quân đội Mỹ nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ chiến trường.
Đến cuối năm 1950 Bắc Triều Tiên đã mất gần 100 chiếc T-34-85 trong những cuộc đấu tăng với quân đội đồng minh, cũng như bị tiêu diệt bởi máy bay chống tăng và súng chống tăng vác vai. Trong khi đó lực lượng tăng thiết giáp Mỹ chỉ mất tổng cộng 34 chiếc.
Lực lượng xe tăng của Quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi những chiếc T-34/85s gặp khó trước những chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng M-26 và M-46 Patton, thì nó lại dễ dàng hạ gục những chiếc xe tăng hạng nhẹ M-24 và nhỉnh hơn về mặt hỏa lực với những chiếc xe tăng hạng trung M4A3E8 Sherman.
Tung hoành tới…thế kỷ 21
Sau Chiến tranh Triều Tiên, những chiếc T-34 của Liên Xô lại góp mặt tại chiến trường Cuba vào tháng 4/1961 trong sự kiện Vịnh Con lợn. Khi đó, lực lượng vũ trang lưu vong phản cách mạng người Cuba do Mỹ hậu thuẫn tiến hành đổ bộ lên bờ biển nước này nhằm hòng lật đổ chính phủ cách mạng Cuba lúc đó.
Với trang bị gồm 10 chiếc Shermans M4 và 20 chiếc xe bọc thép trinh sát M8, cụm quân này đã bị đánh tan hoàn toàn bởi nhưng chiếc T-34 của Quân đội Cách mạng Cuba trong thời gian ngắn ngủi.
Quân đội Cách mạng Cuba sử dụng T-34 trong một tuyến phòng thủ gần Vịnh Con Lợn.
Bản thân lãnh đạo của cách mạng Cuba lúc đó là Fidel Castro, cũng chỉ huy một chiếc T-34 dẫn đầu trong cuộc chiến trên vịnh Con lợn. Đặc biệt chiếc T-34 do ông chỉ huy đã bắn hạ 2 chiếc Shermans ngay khi tham chiến. Với những cuộc chiến mà T-34 đã từng tham gia đã chứng tỏ khả năng của nó trên chiến trường, thậm chí là đối đầu với các thế hệ xe tăng tiến tiến hơn của Phương Tây.
Trong Chiến tranh 6 ngày vào năm 1967, giữa liên quân các nước Ả Rập và Israel. Lực lượng tăng thiết giáp Ai Cập đã mất tới 251 chiếc T-34-85, chiến gần 1/3 tổng số tăng của Quân đội Ai Cập. Ngoài ra, có một điểm khác là những chiếc T-34 của Ai Cập lại chiến đấu bên cạnh những chiếc tăng PzKpfw.IV và StuG.III của Đức quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 được Quân đội Syria sử dụng.
Nhưng trái ngược với Ai Cập, lực lượng tăng thiết giáp của Quân đội Syria và các nước Ả Rập khác chỉ mất tổng cộng 73 chiếc tăng bao gồm T-34-85, T-54 và PzKpfw.lV, trong khi đó phía Israel bị phá hủy 160 chiếc xe tăng các loại.
Một chiếc T-34 của Quân đội Syria bị bắn hạ ở Cao nguyên Golan.
Đây cũng là cuộc chiến tranh cuối cùng của T-34 ở Trung Đông, nơi nó được sử dụng như một xe tăng chiến đấu chủ lực. Hiện nay, T-34 vẫn đang được sử dụng ở một số khu vực xung đột ở Trung Đông nhưng chỉ đóng vai trò như pháo tự hành hay các ụ pháo cố định.
Cuộc xung đột tiếp theo của T-34 là vào năm 1974 khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo Síp đang do Hy Lạp nắm giữ. Hy Lạp đã điều động 32 chiếc T-34-85 đối đầu với 200 chiếc xe tăng M47/48 Patton của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết thúc cuộc chiến Hy Lạp chỉ bị mất 12 chiếc xe tăng trong đó có 4 chiếc là bị bỏ lại, còn Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy 19 chiếc. Đó là điều rất ngạc nhiên khi những chiếc T-34 khi đó được xem là rất lạc hậu lại đánh thắng xe tăng chiến đấu hiện đại hơn.
Ngoài ra, T-34 còn tham chiến tại Nội chiến tại Angola, khi một đơn vị xe tăng T-34 của Cuba chiến đấu tình nguyện tại quốc gia Châu Phi này. Cuộc xung đột gần đây nhất của T-34 là tại khu vực Balkan, và đều được cả hai bên tham chiến sử dụng. Khi những chiếc T-34 được biên chế cho Quân đội Nam Tư cũ.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-34-85.
T-34-85 cũng xuất hiện trên chiến trường Việt Nam đầu những năm 1970. Khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sử dụng xe tăng T-34-85 tiến công quân Mỹ – Ngụy trong chiến dịch đường 9 Nam Lào tháng 3/1971 trong đội hình Tiểu đoàn 397. Ngoài ra, T-34-85 cũng xuất hiện trên các mặt trận Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (1971-1972), Trị – Thiên – Huế (4/1975) và Lạng Sơn (2/1979). Hiện nay, T-34-85 không còn nằm trong lực lượng trực chiến của quân đội ta nhưng còn nhiều chiếc vẫn nằm trong các kho dự trữ.
Ngày nay, đa số những chiếc T-34 đều nằm trong các viện bảo tàng lịch sử hay được sử dụng như các tượng đài chiến tranh. Nhưng chính vì vậy mà trong thời gian gần đây, đã xuất hiện một số hình ảnh về lực lượng dân quân miền đông Ukraine tìm cách tái dụng những chiếc T-34 nằm trong các viện bảo tàng. Mặc dù khả năng tái sử dụng những chiếc xe tăng này luôn là bài toán khó trả lời.
Theo Kiến Thức