Điều chưa biết về phim trường làng quê lớn nhất Việt Nam
Khung cảnh bình yên, vẻ đẹp thôn dã mang đậm văn hóa Bắc Bộ là những lý do khiến Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được nhiều đoàn làm phim đặc biệt ưu ái khi chọn bối cảnh quay.
Từ nội thành Hà Nội đi tầm 12 km theo hướng Tây, ta sẽ bắt gặp một trong những phim trường làng quê lớn nhất Việt Nam: làng Tây Mỗ (nay đã là phường Tây Mỗ), quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Khung cảnh bình yên, vẻ đẹp thôn dã mang đậm văn hóa Bắc Bộ là những lý do khiến nơi đây được các đoàn làm phim đặc biệt ưu ái khi chọn làm bối cảnh quay. Tuy nhiên, những thế mạnh này có lẽ sẽ sớm bị mai một theo cơn lốc đô thị hóa đang tràn qua vùng quê thanh bình.
Tây Mỗ vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống của vùng quê Bắc Bộ.
Hồi ức về “làng Hollywood” lừng lẫy một thời
Đến Tây Mỗ vào một ngày đầu thu, khi những bộ phim Tết đang trong giai đoạn quay cao điểm mới thấy hết được cái không khí của “làng điện ảnh” nổi tiếng này. Trong ngôi làng (dù giờ đã lên phường được một thời gian nhưng cả người dân nơi đây lẫn khách thập phương vẫn quen miệng gọi là làng) có đến 5 đoàn làm phim đến tác nghiệp.
Với người dân Tây Mỗ, đây đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Họ lặng lẽ đi qua, giữ trật tự, tránh tối đa việc làm ảnh hưởng đến các ê-kíp làm phim. Ngoài ra, giờ nghỉ ngơi hay giải lao, những người ở đây còn tạo điều kiện tối đa cho các thành viên đoàn có không gian ăn uống, ngủ nghỉ nhằm tiếp năng lượng cho những buổi làm việc tiếp theo.
Tại Tây Mỗ, hầu như gia đình nào cũng từng ít nhất 1 lần góp sức hỗ trợ các đoàn làm phim. Từ việc cho mượn bối cảnh quay, làm diễn viên quần chúng, giúp đỡ ăn – nghỉ cho các thành viên đoàn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến các nhà sản xuất thích đến Tây Mỗ tác nghiệp.
Người dân rất thân thiện, hiếu khách, nhiệt tình, nhưng lại rất nghiêm túc và “chuyên nghiệp”. Không hề có chuyện tụ tập lại xem diễn viên đóng phim, không tò mò soi xét, cũng không hề xảy ra chuyện chặt chém giá cả ăn uống, mất cắp đồ trong lúc quay phim.
Từ đường nhà họ Nghiêm – một trong những địa điểm được nhiều nhà làm phim lựa chọn làm bối cảnh.
Theo lời chỉ dẫn của người dân tại đây, nhóm phóng viên tìm đến nhà bà Hoàng Thị Yên – người phụ nữ nổi tiếng với việc nấu cơm, phục vụ các đoàn làm phim. Bà là dâu của dòng họ Nghiêm – một trong những dòng họ lớn ở làng. Ngôi nhà bà ở có khoảng sân sau rất rộng và khu nhà từ đường của dòng họ, nơi xuất hiện trong rất nhiều bộ phim Việt Nam.
Bà Yên kể, từ năm 1998, các nhà làm phim bắt đầu “để mắt” tới làng Tây Mỗ. Một năm sau, năm 1999, bộ phim đầu tiên được quay ở làng mang tên Người chiếu bóng. Đến năm 2001, lần đầu tiên ngôi nhà bà Yên cùng từ đường họ Nghiêm được mang lên màn ảnh trong bộ phim Bác Cả người sung sướng.
Video đang HOT
“Thời gian đó đang lúc nông nhàn nên tôi ở nhà nấu cơm giúp các nghệ sĩ. Lúc đó còn khó khăn, tôi chỉ cầm tiền đi chợ mua đồ ăn thôi chứ không tính công xá hay chuyện thuê mướn gì. Nhờ tính tình sạch sẽ, cẩn thận nên các đoàn cứ mách tai nhau, mỗi lần đến đây quay lại về nhà tôi ăn nghỉ. Dần dần họ cho các cháu ở nhà ít quà hay tấm bánh. Nhưng về sau các đoàn làm phim đặt vấn đề mượn nhà trong thời gian dài để quay phim và nghỉ ngơi, nhờ tôi nấu cơm luôn. Họ thanh toán bằng tiền mặt cho nhanh và tiện”, bà Yên chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Yên đã có gần 15 năm gắn bó với các đoàn làm phim.
Theo lời bà Yên thì từ trước năm 2009, mỗi năm nhà bà đón tiếp khoảng 10 ê-kíp, từ làm phim, đóng quảng cáo, sản xuất MV ca nhạc cho đến các chương trình truyền hình. Thời gian cao điểm nhất là dịp gần Tết, các đoàn phim hài thường chọn nơi đây do vừa gần thành phố vừa tiện việc đi lại. Tính ra thì trung bình mỗi tháng có đến 10 ngày nhà bà có khách là các nghệ sĩ.
Những nhà khác trong làng ít thì cũng đón 4 đoàn/ năm. Khi hỏi điều này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống riêng của gia đình không thì bà Yên cười bảo: “Kể ra nhiều lúc cũng vất, nhất là liên tục phải dọn đồ để các đoàn làm phim đến sắp xếp bối cảnh. Nhưng ở làng mọi người ai cũng quen rồi. Đây là dịp để mọi người biết đến quê hương mình, lại tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn nên người dân trong làng ai cũng bảo nhau cố gắng. Khi nào cần các đoàn làm phim sẽ gọi điện báo trước một tuần, gia đình cất hết đồ đạc giúp họ, khi đến nơi cần gì thì họ mượn sau.Trong quá trình quay thì gia đình tạm lánh sang nhà anh em hàng xóm, khi nào đoàn nghỉ ngơi thì tôi về dọn dẹp và nấu cơm. Họ rất ngại người lạ vào phim trường vì sợ làm xô lệch đồ đạc nhưng người dân ở đây quen việc thì các đạo diễn cũng yên tâm hơn”.
Khu vườn nhà bà Yên rất nhiều lần được lên phim.
Trong suốt gần 15 năm gắn bó với các đoàn làm phim, ngôi nhà của bà Yên đã trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim như Đất và người, Ma làng, Khi đàn chim trở về, Lời nguyền huyết ngải, Gió làng Kình, Vị tướng tình báo và hai bà vợ…
Ký ức đẹp có nguy cơ trở thành hoài niệm
Có một thời gian huy hoàng là vậy nhưng hiện nay phường Tây Mỗ đang đứng trước nguy cơ cất tất cả những kỷ niệm đẹp đó vào miền ký ức. Lý do vì vùng quê thanh bình và trù phú này đang ở giữa tâm bão đô thị hóa mạnh mẽ.
Với địa hình rất đẹp (gần các tuyến đường huyết mạch của thành phố như đại lộ Thăng Long, đường 70; gần kề các khu đô thị lớn đang được xây dựng như KĐT Mỹ Đình, KĐT Xuân Phương, KĐT Dương Nội…), phường Tây Mỗ đang được đầu tư theo hướng trở thành một trong những trung tâm đô thị tại cửa ngõ phía Tây thủ đô, theo đúng định hướng phát triển chủ yếu của thành phố đến năm 2020.
Giờ đây không khó để tìm được một ngôi nhà cao tầng tại Tây Mỗ.
Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan cũng như tập quán người dân ở đây. Nhà cửa mọc lên san sát. Những nhà cao tầng dần lấn lướt và có khả năng thay thế hoàn toàn những ngôi nhà bình dị, cổ kính. Người dân chuyển từ nếp sống nông nghiệp ngàn đời sang kinh doanh, buôn bán hoặc vào trung tâm thành phố làm ăn. Trước cơn lốc đô thị hóa quá mạnh, các nhà làm phim cũng dần e dè khi đến với Tây Mỗ.
Tìm đến gia đình nhà bà Nuôi, một trong những cụ cao niên trong làng, chúng tôi liên tục nhận thấy sự tiếc nuối, hoài niệm của bà. “Trước đây mỗi năm nhà tôi đón 4 – 5 đoàn làm phim về ghi hình. Nhưng từ năm 2008 nhà tôi có sửa nhà, đập hết khu nhà cũ đi, xây lại ngôi nhà 2 tầng khang trang thì không có ai đến hỏi mượn bối cảnh nữa. Chỉ có năm nay là có một đoàn về quay phim hài Tết. Giờ làng này sắp lên phố rồi, đông đúc hơn, những cảnh cũ ít đi nhiều. Các đoàn họ cũng ngại về tận đây vì những cảnh nhà cửa bề thế, người xe tấp nập tìm trên thành phố thiếu gì”.
Các nhà cao tầng dần xâm chiếm nét cổ kính nơi đây.
Nhìn ra khoảng sân trước cửa nhà giờ đã được lát xi-măng sạch sẽ và con đường nhựa lớn chạy ngang cổng, cụ Nuôi nhớ lại: “Ngày xưa có đoàn phim Đám cưới giả to nhất làng về nhà tôi quay. Anh Phú Đôn hồi đó diễn và nghỉ tại nhà tôi. Những ngày quay phim vui lắm. Đến cảnh có đám cưới 70 mâm là cả làng xúm vào như có cỗ của làng thật. Dựng rạp, giết lợn, nấu xôi, đám trẻ bật nhạc hát hò tưng bừng. Giờ có quay những cảnh đó cũng chịu. Thanh niên trong làng giờ vào thành phố kiếm việc. Ở nhà còn toàn cụ già và trẻ nhỏ. Không biết đến bao giờ mới lại có phim to như thế”.
Bà Nuôi cho biết: Giang Còi, Quang Tèo thường xuyên có mặt ở đây. Bà nhiệt tình chỉ chỗ ông Văn Hiệp trèo cây nhãn vào nhà, chỗ Quang Tèo xúc trộm thóc của vợ (trong phim).
Câu hỏi của cụ Nuôi cũng là niềm trăn trở của không ít người dân Tây Mỗ cũng như của nhiều nhà làm phim. Việc các làng quê “thay da đổi thịt” khiến các nét đẹp kiến trúc – văn hóa cổ dần mai một giữa thời hiện đại khiến nhiều người tiếc nuối. Vẫn biết sự phát triển là điều cần thiết nhưng điều cần thiết là giữ lại những giá trị, nét đẹp đã được gìn giữ qua ngàn đời.
Khi hỏi liệu Tây Mỗ sẽ “giữ chân” được các nhà làm phim trong bao lâu nữa, cụ Nuôi thở dài nhìn xa xôi: “Chắc chỉ được tầm vài ba năm nữa thôi anh chị ạ. Khi nào mấy ngôi nhà xung quanh được xây mới thì khó quay lắm. Quay kiểu gì cũng bị xem lẫn những ngôi nhà cao tầng vào ống kính. Nhiều nhà làm phim cũng nói họ sẽ chuyển địa điểm quay ra các tỉnh khác, xa hơn một tí nhưng cảnh quan vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng không biết đến khi xây nhà cao tầng hết thì liệu có chỗ nào quay phim nữa không”.
Theo Zing
Làng quê xáo trộn vì phát hiện "cây dược liệu quý"
Gần một tuần nay, nhiều người dân xã An Trung và xã lân cận thuộc huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, xôn xao thông tin một số người phát hiện cây si nhựa đỏ quý hiếm, có giá không kém gì trầm.
Một người đàn ông tên Nhã (SN 1978, trú xã An Trung) cho biết, cách đây một tuần có một thương lái nhờ bạn anh tìm mua cây si nhựa đỏ về làm dược liệu với giá rất cao. Người bạn kể chuyện này với anh Nhã. Anh Nhã liền nhớ ra ở ven suối thuộc thôn 5 có một cây si rất to nên đã cùng 3 người bạn ra suối chặt cây. Khi nhóm người này chặt cây si, thân cây chảy ra nhựa màu trắng sữa, sau đó chuyển sang màu vàng rồi thành màu đỏ.
Thân và lá cây si nhóm anh Nhã phát hiện được
Câu chuyện cây si nhựa đỏ trên lan truyền khắp vùng khiến mấy ngày nay, hàng trăm người dân trong vùng kéo đến mong tìm được cây si nhựa đỏ.
Nhựa của cây si lúc mới chặt
Chưa dừng lại, nhiều người còn lan truyền rằng cây si nhóm anh Nhã tìm sẽ được bán với giá cả tỷ đồng nên một số người đã xin được gia nhập vào nhóm anh Nhã để mong được chia tiền bán si. Tuy nhiên nhóm anh Nhã không đồng ý khiến mâu thuẫn nảy sinh. Một số người có ý định chặt phá cây si, gây mất trật tự tại địa phương.
Cách đây chừng 4 ngày, có một nhóm người được cho là "xã hội đen" cũng đã xuất hiện ở nơi có cây si để canh giữ. Nhưng sau đó không hiểu sao họ lại bỏ đi. Hai ngày nay, cũng không còn thấy người dân nườm nượp bỏ công bỏ việc kéo nhau lên chỗ cây si nữa.
Sau đó chuyển thành màu được cho là đỏ
Theo anh Nhã, cây si trên cao khoảng trên 10m, tán lá rộng, đường kính thân cây chừng 3 cánh tay ôm mới hết. Nếu cây si trên đúng là loại thương lái đang cần mua thì họ sẽ mua với giá cả tỷ đồng. Hiện nhóm anh Nhã đã lấy mẫu cây gửi cho thương lái để xác định cây si trên có phải là cây si nhựa đỏ hay không.
"Mấy ngày nay tôi đang rất đau đầu, một số bạn bè và người thân của tôi ở xa chẳng hiểu sao họ nghe tin ở đâu nói tôi bán cây si trên được 800 triệu nên liên tục gọi điện thoại... Giờ tôi chỉ mong cây si trên không phải cây si mà người ta cần mua để tôi có cuộc sống yên bình như trước đây", anh Nhã chia sẻ.
Một cán bộ xã An Trung cho biết, việc người dân trong vùng kéo nhau lên xem cây si trên là có thật. Tuy nhiên, 2 ngày nay người dân đã ít kéo nhau lên xem cây si trên và sự việc chưa đến mức mất an ninh trật tự trong khu vực.
Thiên Thư
Theo Dantri
Yêu lại bạn trai cũ của bạn thân Sau một thời gian giúp cô bạn thân tìm hiểu về bạn trai cũ của cô ấy, tôi đã thực sự yêu anh. Nhưng tôi không biết tình yêu đó liệu có được mọi người chấp nhận và bạn của tôi sẽ nghĩ sao? Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng quê yên bình. Năm tôi 13 tuổi cũng là lúc...