Điều chỉnh tuyến buýt 22 trung chuyển cho BRT là làm khó hành khách?
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) – khẳng định, việc điều chỉnh tuyến buýt 22 không phải để làm khó hành khách đi từ Hà Đông sang Gia Lâm, mà nhằm tạo điều kiện cho nhiều người đi buýt nhanh BRT.
Ngày 9/1/2017, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) – đã phân tích những lý do vì sao Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh tuyến buýt 22 thành 3 tuyến kết nối, trung chuyển với tuyến buýt nhanh BRT 01.
- Tại sao Sở GTVT Hà Nội lại đưa ra quyết định chia cắt tuyến buýt 22 vốn chạy ổn định hơn 10 năm nay từ Gia Lâm sang Hà Đông thành 3 nhánh nhỏ khác nhau, thưa ông?
- Việc tổ chức lại tuyến buýt 22 thành 3 nhánh như hiện nay nhằm tập trung vào nhiệm vụ gom hành khách cho tuyến buýt nhanh BRT. Cụ thể, đó là tuyến 22A, đi từ Gia Lâm về Kim Mã; tuyến 22B và 22C gom hành khách từ khu đô thị Kiến Hưng, Xa La, Bến xe Mỹ Đình, Khu đô thị Dương Nội cho tuyến BRT. Bằng việc tổ chức lại tuyến 22 như vậy, không những hành khách vẫn có thể di chuyển từ Hà Đông sang Gia Lâm, mà còn mở rộng vùng phục vụ tuyến buýt nhanh thông qua mạng lưới xe buýt gom.
Thế nhưng thực tế từ nhiều năm nay, hành khách đã quen đi một mạch từ Hà Đông sang Gia Lâm. Còn cách tổ chức tuyến 22 như hiện nay thì họ phải thay đổi cách đi, họ cảm thấy bị ngắt đoạn vì phải chuyển tuyến. Bù lại, hành khách được hưởng dịch vụ tốt hơn, đoạn đường hay bị tắc nhất, mất nhiều thời gian nhất trước đây, thì nay đã được BRT cáng đáng.
Xe buýt 22 trở thành tuyến buýt gom cho buýt nhanh BRT
- Việc hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng thường xuyên của người dân là rất khó. Khi điều chỉnh tuyến buýt 22 như hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu kỹ chưa, vì nó làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của rất nhiều người?
- Việc điều chỉnh tuyến buýt 22 như hiện nay vừa là cách tổ chức của chúng tôi, đồng thời cũng là khuyến nghị của các chuyên gia giao thông nước ngoài để hợp lý mạng lưới giao thông công cộng. Trước mắt, chúng tôi thấy rằng làm như vậy sẽ phục vụ được nhiều người hơn, đồng thời tăng cường năng lực cho tuyến buýt nhanh đang được kỳ vọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chúng tôi tiếp tục theo dõi để đưa ra giải pháp tối ưu hơn nữa.
- Phương án điều chỉnh tuyến xe buýt 22 như vậy liệu đã tối ưu hay chưa, thưa ông?
- Phương án hiện nay để tăng khả năng phục vụ hành khách và tạo điều kiện cho tuyến BRT hoạt động tốt nhất. Còn tối ưu hay chưa, đến thời điểm nay chúng tôi vẫn phải theo dõi diễn biến trên toàn hệ thống. Qua thời gian, nhu cầu đi lại của người dân sẽ rõ ràng hơn, từ đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ điều chỉnh phù hợp với nhu cầu chính.
- Theo ông việc di chuyển từ Hà Đông sang Gia Lâm như hiện nay hay đi một mạch như trước đây, cách nào tiết kiệm thời gian hơn?
- Cách di chuyển như trước đây thường gặp rủi ro về tắc đường ở dọc tuyến Lê Văn Lương – Láng Hạ. Khi BRT chạy, tuyến này gần như rất ít hiện tượng đó. Như vậy, với quãng đường từ Hà Đông sang Gia Lâm gần như không thay đổi, trong khi rủi ro tắc đường được BRT xử lý, hành khách sẽ đi nhanh hơn và được hưởng dịch vụ tốt hơn.
Video đang HOT
Tôi cũng nhận thấy việc hành khách băn khoăn khi đang di chuyển một mạch mà nay lại bị ngắt ra là đúng. Thế nhưng việc này không phải chỉ tổ chức đi lại cho riêng điểm đầu cuối như trước đây, mà còn mở rộng sang cả những vùng lân cận, như vậy nhiều người được hưởng lợi hơn.
- Nếu hành khách vẫn có mong muốn đi một mạch từ Hà Đông sang thẳng Gia Lâm bằng xe buýt thì họ còn lựa chọn nào khác nữa không?
- Với việc điều chuyển tuyến 22 như vậy, hiện nay, không còn tuyến buýt đi thẳng từ Hà Đông sang Gia Lâm. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích hành khách sử dụng mô hình mới là buýt nhanh để di chuyển. Tôi nghĩ bà con phải dùng thử, đồng thời phải chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước, bởi mạng lưới xe buýt thì phải có chuyển tuyến. Quá trình dùng bà con sẽ thấy nó phù hợp hay không phù hợp.
Tất nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải chia sẻ với hành khách, vì đang đi một mạch nay họ phải di chuyển ngắt quãng. Do vậy, chúng tôi sẽ tích cực theo dõi, nếu đảm bảo cơ bản hướng đi, đảm bảo cơ bản nhu cầu của hành khách thì sẽ giữ ổn định. Nhưng nếu hành khách còn nhu cầu quá lớn đi một mạch từ Hà Đông đến Gia Lâm thì chúng tôi phải tính toán lại. Thực tế, chúng tôi tổ chức như vậy là với mong muốn để phục vụ được nhiều hành khách hơn chứ không phải làm cho họ thêm khó khăn.
Hành khách chưa quen với việc xe buýt 22 thay đổi lộ trình
- Nếu di chuyển một mạch từ Hà Đông sang Gia Lâm như trước đây, hành khách chỉ phải trả 7.000 đồng/lượt, còn như hiện nay họ phải trả ít nhất 14.000 đồng, thậm chí 21.000 đồng vì phải di chuyển từ buýt gom sang BRT. Vậy, ai sẽ chia sẻ gánh nặng đó với hành khách phần lớn là học sinh, sinh viên, người già…?
- Đúng như vậy! Thế nên chúng tôi mới phải xem nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến này. Nếu việc mình làm khiến số đông phải bỏ tiền ra mua vé tối thiểu gấp hai lần, nhiều thì gấp ba lần thì phải xem xét lại.
Tôi cho rằng vẫn phải nghiên cứu kỹ, nếu hành khách chấp nhận trả giá cao hơn để đi nhanh hơn thì sẽ giữ. Còn nhu cầu đi một mạch từ Hà Đông sang Gia Lâm quá lớn thì phải xem xét điều chỉnh cho hợp lý, vì phương tiện công cộng vẫn phải là phục vụ số đông.
Những băn khoăn của hành khách là chính đáng và rất cần thiết, chúng tôi vẫn tiếp tục nắm bắt thông tin để nghiên cứu phương án tối ưu.
- Xin cảm ơn ông!
Trước đó, ngày 8/1/2017, nhiều hành khách đi tuyến xe buýt 22 theo lịch trình từ Hà Đông sang Gia Lâm bất ngờ khi thấy tuyến buýt này bị tổ chức lại thành 3 tuyến kết nối, trung chuyển với tuyến BRT. Cụ thể, tuyến 22A từ Kim Mã đến Bến xe Gia Lâm; 22B, đi từ Khu đô thị Xa La – Mỗ Lao – Bến xe Mỹ Đình; Tuyến 22C đi từ Khu đô thị Kiến Hưng – Vạn Phúc – Khu đô thị Dương Nội.
Việc tổ chức lại tuyến 22 thành 3 tuyến kết nối như vậy khiến lộ trình của hành khách hiện nay muốn di chuyển từ Hà Đông sang Gia Lâm bị chia cắt, mất nhiều thời gian lên xuống, chờ đợi từ xe buýt gom sang xe buýt nhanh. Hơn nữa, hành khách muốn đi từ Hà Đông sang Gia Lâm phải mua ít nhất hai vé xe buýt (7.000 đồng/vé), thậm chí phải mua ba vé.
Nhiều hành khách tỏ ra tiếc nuối vì gần 20 năm vận hành, tuyến buýt 22 đã chạy ổn định, giờ để phục vụ buýt nhanh BRT, mà cơ quan quản lý nhà nước đã làm đảo lộn tất cả. Hành khách mong muốn Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, xem xét xây dựng lại lộ trình tuyến xe buýt phục vụ hành khách có nhu cầu đi thẳng từ phía Hà Đông sang Gia Lâm.
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Không có thuốc thần chữa tắc đường Hà Nội
Không có thuốc thần nào có thể cải thiện tình trạng ùn tắc của Hà Nội, nếu vẫn giữ thói quen tham gia giao thông tùy tiện hiện nay.
Hà Nội giá rét những ngày cuối năm nhưng lại nóng bởi chuyện của những chiếc xe buýt nhanh trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa.
Khi những chiếc xe buýt nhanh mang ký hiệu BRT bắt đầu lăn bánh trên tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương về bến xe Yên Nghĩa thì cũng là lúc dư luận dậy sóng.
Chỉ cần gõ từ khóa "xe buýt nhanh", trong vòng 0,32 giây, Google đã cho ra hơn 8 triệu kết quả. Những cụm từ "vật vã" trong giờ tan tầm; "chôn chân" trên đường giờ cao điểm; "bò như rùa" trên đường Hà Nội; "bò" sau ô tô, xe máy... xuất hiện dày đặc trên mạng.
Ô tô xe máy đi vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh
Người ta không tiếc lời chê bai cái dự án hơn 1 nghìn tỷ đồng mà xe chỉ chạy nhanh hơn buýt thường chưa tới 10 phút, chứ không phải là 30 phút như mục tiêu đề ra.
Người tham gia giao thông giận dữ khi phải nhường một làn đường cho những chiếc xe sơn màu xanh hy vọng; họ khó chịu khi những tấm biển cấm rẽ trái mọc lên như trêu ngươi, khiến họ phải đi vòng thêm vài chục phút.
Trong nỗi bực dọc vì những phiền toái "trên trời rơi xuống" ấy, thật khó để tìm được sự cảm thông của đám đông. Người ta như chỉ mong dự án xe buýt nhanh phá sản để không phải chịu những xáo trộn, dù phải chấp nhận kẹt xe khi ra đường mỗi ngày.
Rồi chuyện các doanh nghiệp ở bến xe Mỹ Đình đóng cửa xe, không đón khách để phản đối chủ trương chuyển tuyến nhằm sắp xếp lại trật tự giao thông của thành phố. Vụ việc đã gây khó khăn cho người dân về quê nghỉ Tết dương lịch, buộc Hà Nội phải điều hàng trăm chuyến xe dự phòng để giải tỏa ách tắc, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tình trạng ùn tắc giao thông đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội xem như một "thảm họa" của thủ đô. Vì vậy, ngăn chặn "thảm họa" giao thông đã thành quyết tâm của chính quyền TP.
Xe buýt nhanh đã chính thức vận hành, những bất cập ban đầu được TP Hà Nội quyết tâm khắc phục để buýt nhanh trở thành một loại hình vận chuyển công cộng văn minh, nhiều tiện ích.
Hà Nội không thể để một dự án trị giá 1.100 tỷ đồng bị phá sản dễ dàng chỉ vì thói quen đi lại tùy tiện của người dân, vì những dòng comment ném đá của cư dân mạng, mà sẽ làm tới cùng để những chiếc xe buýt nhanh được đi đúng phương án thiết kế.
Sẽ không có chuyện "đầu voi, đuôi chuột", xây nhà chờ, lắp biển báo, kẻ vạch phân làn rồi để đấy cho lấm bụi thời gian. Vụ đình công ở bến xe Mỹ Đình đã dần được giải quyết qua đối thoại, không hành khách nào bị bỏ lại bến, hành khách đã dần di chuyển về đúng tuyến.
Tuy nhiên, về lâu dài, cái mà Hà Nội cần là người dân phải tham gia giao thông như những người có văn hóa - biết tự giác chấp hành và sẵn sàng nhường đường. Chứ không phải là thứ văn hóa hô hào, kêu cho sang miệng, rồi sẵn sàng vứt bỏ bất cứ lúc nào nếu vắng bóng cảnh sát giao thông.
Không có liều thuốc thần nào có thể cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội, nếu không thay đổi được thói quen tham gia giao thông tùy tiện hiện nay của người dân.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào phải trả giá trực tiếp cho những sai lầm, người ta mới chịu thay đổi thói quen. Nếu cảnh sát giao thông không dễ dãi bỏ qua lỗi vi phạm; hành vi xấu của người tham gia giao thông trở thành đối tượng lên án của báo chí và mạng xã hội, chắc chắn họ sẽ từ bỏ thói quen lấn làn, vượt đèn đỏ, đỗ xe gây tắc đường.
Nếu tình trạng phá nát qui hoạch bằng những dự án chung cư cao tầng giữa nội đô có người chịu trách nhiệm; câu hỏi "Mảnh đất trống nào cũng xây cao ốc, Hà Nội sẽ ra sao?" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 29/12 vừa rồi có người trả lời thì chuyện nhà cao tầng nuốt chửng giao thông mới có cơ may chấm dứt.
Với hơn 6 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô, sẽ không có liều thuốc kỳ diệu nào có thể chữa được căn bệnh ùn tắc cho những con đường của Hà Nội.
Giữa việc tự do đi lại bằng phương tiện cá nhân để chịu cảnh kẹt xe, với sử dụng xe buýt để khỏi tắc đường, người dân chỉ được quyền chọn một.
Nếu không chịu mất mát một chút gì đó để thay đổi, dù chỉ là dành một làn đường cho xe buýt, mất thêm chục phút đi đường vòng, thì tình trạng tắc đường của Hà Nội đúng là " thảm họa" được thấy trước trong tương lai gần.
(Theo Vietnamnet)
Ảnh: Buýt nhanh BRT khi thong dong, lúc ì ạch trong giờ cao điểm Ngày hôm nay (3.1) là ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội hoạt động khá thông thoáng trong giờ cao điểm trên làn riêng của mình. Tuy nhiên, do ý thức số ít người dân chưa tốt nên thi thoảng vẫn còn cảnh lấn làn, tạt đầu buýt nhanh. Chùm ảnh phóng viên Dân Việt ghi...