Điều cần nhất lúc này là đoàn kết đồng lòng…
LTS: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoa HD 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và có những hành động ngang ngược thách thức, đã khiến dư luận Việt Nam dậy sóng, cộng đồng quốc tế bất bình. An ninh Thủ đô xin trích đăng một số quan điểm của các văn nghệ sĩ, quanh vấn đề này.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Cần bình tĩnh và tỉnh táo!”
Việc Trung Quốc ngang nhiên lắp đặt giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam đã làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ thân tình giữa nhân dân hai nước Việt – Trung. Đây thực sự là hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn. Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam vẫn trông ngóng tin tức từ Biển Đông từng phút từng giờ, nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên quá lo lắng hay nóng vội, cần đánh giá bản chất sự việc một cách toàn diện chứ đừng nhìn cục bộ mà đẩy vấn đề trở nên trầm trọng. Chúng tôi tin vào tinh thần yêu nước của những người lính đảo, những ngư dân biển và những chiến sĩ đang giữ trọng trách bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, tin Nhà nước Việt Nam có đầy đủ sự bình tĩnh và tỉnh táo để chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua mọi cơn sóng gió.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: “Trung Quốc phải dời giàn khoan khỏi lãnh hải Việt Nam”
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên lãnh hải Việt Nam những ngày vừa qua rõ ràng là hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, gây nên sự khủng hoảng nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa hai nước Việt – Trung, bắt buộc chúng ta phải có những hành động phù hợp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam khác rất quan tâm đến việc này và yêu cầu Trung Quốc hãy dời giàn khoan ra khỏi địa phận biển thuộc chủ quyển của Việt Nam để căng thẳng không leo thang thêm nữa. Tôi cũng tin rằng dù trong hoàn cảnh nào thì Đảng và Nhà nước cũng sẽ có những biện pháp đúng đắn để xử lý sự việc này một cách phù hợp và hiệu quả.
Hoa hậu Ngọc Hân: Nhân dân hai nước đều không muốn chiến tranh
Những hành động gây hấn, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông nhiều ngày qua, đã khiến dư luận trong nước và quốc tế phản ứng dữ dội. Thế nhưng, trước một vấn đề lớn, cần xem xét trên nhiều khía cạnh. Tôi luôn tin rằng, dù sự việc có diễn ra xấu đến mấy thì nhân dân Việt Nam và cả nhân dân Trung Quốc đều không muốn có chiến tranh xảy ra. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã quá thấm thía và hiểu về sự mất mát do chiến tranh gây ra. Trong lúc này cần nhất là đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam.
Nhạc sỹ Trần Lập: Biện pháp hòa bình là thượng sách…
Video đang HOT
Là người Việt Nam, ai cũng cảm thấy bức xúc với hành động gây hấn của Trung Quốc. Nhưng mối quan hệ quốc tế luôn có những cái lắt léo ở bên trong mà người dân không phải ai cũng biết. Vậy nên, tôi không đồng tình với những bình luận không có tính thiện chí của một số ít người về phản ứng của các nhà lãnh đạo Việt Nam trước tình hình đang gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Sách lược của Việt Nam không phải có thể khoe với quốc tế và người dân trong nước. Thế hệ cha anh chúng ta đã quá hiểu về những mất mát và hy sinh mà chiến tranh mang lại. Vì thế, giải quyết vấn đề Biển Đông phải được thực hiện bằng biện pháp hòa bình.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thời mông muội đã qua, Biển Đông không phải là cái ao nhà của Trung Quốc
Hàng loạt động thái gần đây của Trung Quốc rất đáng lo ngại, nhất là việc đặt giàn khoan HD 981 tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc còn đưa 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến vào lãnh hải Việt Nam, tấn công các tàu chức năng của Việt Nam là một bước leo thang nguy hiểm của hành động gây hấn. Ý đồ đen tối của Trung Quốc muốn chiếm toàn bộ Biển Đông theo hình đường lưỡi bò phi pháp đã bị cả thế giới lên án. Có nước đã kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Chúng ta đã kiềm chế hết mức. Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Tất nhiên, qua động thái ứng xử ở cấp cao, tôi biết chúng ta cũng đã cố gắng chọn giải pháp thông minh nhất, để không đẩy xung đột vào lò lửa chiến tranh.
Chúng ta đã qua nhiều cuộc chiến tranh nên biết rất rõ cái giá rất đắt nếu xung đột xảy ra. Nếu xảy ra chiến tranh, cả hai nước đều tổn thất không thể lường hết được. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thủ hung bạo nào. Nhiều đế quốc hùng mạnh, có thể khuynh đảo cả thế giới nhưng vẫn thất bại thảm hại ở Việt Nam. Cả những thế lực phong kiến phương Bắc xưa cũng đã từng bại trận ở đất nước nhỏ bé này. Có kẻ phải nhục nhã chui vào ống đồng hòng mong được thoát chết. Ngay cả cha ông chúng ta, những người làm nên chiến thắng vang dội ấy cũng đâu có muốn chiến tranh. Ông bà ta xưa đã kiềm chế, như bây giờ chúng ta đang kiềm chế. Bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ bằng phương pháp hòa bình vẫn là cách chọn lựa khôn ngoan nhất. Muốn thế, chỉ có một biện pháp duy nhất là Quốc tế hóa Biển Đông.
Đây là vấn đề Trung Quốc ngại ngần nhất. Vì họ là kẻ khuất tất như cái lưỡi bò phi pháp của họ. Vừa qua Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo Quốc tế, thông báo tình hình Biển Đông là một việc làm rất kịp thời và có hiệu quả. Tiếp theo, chúng ta nên tổ chức cho các nhà báo quốc tế khảo sát khu vực thềm lục địa của ta, đặc biệt là khu vực mà Trung Quốc đã đặt giàn khoan phi pháp. Để đàm phán với Việt Nam thì Trung Quốc phải tháo giàn khoan, và tàu thuyền Trung Quốc phải rút khỏi khu đặc quyền kinh tế của nước ta. Nếu không, chúng ta cũng phải đưa Trung Quốc ra tòa án Quốc tế, như Philippines từng làm. Cần đoàn kết chặt chẽ với các nước trong khu vực cùng thở bầu khí quyển Biển Đông. Trung Quốc đang bị cô lập trên toàn thế giới vì sự bành trướng và chính sách ngang ngược của họ. Biển Đông không phải chỉ là lãnh hải của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, mà còn là cái ngõ chung, là bầu khí quyển trong lành chung của cả thế giới. Biển Đông không phải là cái ao nhà của Trung Quốc để họ muốn làm gì thì làm. Thời mông muội ấy đã qua rồi. Xin “ông bạn vàng, môi hở răng lạnh” thuở nào hãy nhớ cho điều ấy.
Theo ANTD
Bác Hồ với ngày Quốc tế lao động 1/5
Trong sự nghiệp hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng giai cấp công nhân như là động lực mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tiến bộ.
Nhân dịp kỷ niệm 128 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 (1/5/1886 - 1/5/2014), chúng ta hãy cùng nhìn lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời qua các sự kiện diễn ra vào ngày 1/5.
Ngày 1/5/1920, báo cáo của mật thám ghi nhận Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày Lao động quốc tế cùng Nhóm đảng viên Xã hội Pháp và tham luận trên diễn đàn đòi ngưng gửi người sang thuộc địa.
Ngày 1/5/1924, theo lời mời của Thành uỷ Moscow và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia và phát biểu trong cuộc mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Hồng trường. Cũng nhân dịp này, Người ký tên vào lời kêu gọi của Quốc tế nông dân gửi nông dân toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh và củng cố tình đoàn kết chiến đấu với giai cấp công nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1965
Ngày 1/5/1925, cùng với những nhà cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ Nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông tiến tới thành lập Hội Nông dân
Tiếp sau đó, trong quyển "Đường kách mệnh" xuất bản năm 1927, khi trình bày về Quốc tế thứ hai, Bác Hồ đã nhấn mạnh nghị quyết Đại hội I về ý nghĩa của Ngày Quốc tế lao động 1/5. Cùng nghị quyết này, Bác Hồ nhắc nhở nhân dân ta phải tiến hành kỷ niệm ngày lễ lớn này.
Ngày 1/5/1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội họp ở Hương Cảng được tiến hành. Cũng ngày này, nhiều nơi trong nước, công nhân bãi công, rải truyền đơn, treo cờ đỏ để kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động.
Trên cơ sở làn sóng đấu tranh sôi sục ấy, Đảng chủ trương lấy việc kỷ niệm ngày 1/5 phát động một cao trào cách mạng rộng lớn. Đây là lần đầu tiên, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động được tổ chức công khai, rầm rộ, có quy mô lớn, gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng đang diễn ra là bước ngoặt của cao trào 1930-1931.
Sau cao trào cách mạng 1930-1931, việc kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, tuy không tiến hành rầm rộ ở bên ngoài, song vẫn được tổ chức đều đặn trong các lao tù của đế quốc. Các chiến sĩ cộng sản bị bắt giam kỷ niệm ngày 1/5 trong nhà tù để giữ vững tinh thần đấu tranh, chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh mới tất thắng, song vô cùng khó khăn, gian khổ.
Ngày 1/5/1952, Bác Hồ cùng các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc
Ngày 1/5/1943, trên Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng, đăng bài "Kỷ niệm Trần Hưng Đạo" của Bác với lời kết: "Chuyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học: Muốn đánh quân xâm lấn nước ta cần 2 điều: Một là toàn dân đoàn kết, hai là khéo dùng lối du kích".
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ngày 1/5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động, là một dịp biểu dương lực lượng mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: "Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới".
Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta
Ngày 1/5/1948, Bác Hồ ra "Lời kêu gọi thi đua yêu nước", trong đó có đoạn: "Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cung tự cấp, tự túc, đi kịp người thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất".
Ngày 1/5/1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định "Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến".
Cùng ngày, Báo "Nhân Dân" đăng bài "Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc" của Bác với bút danh C.B., Bác nêu rõ: "Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ phát triển tài năng... trí thức ta cần cải tạo tư tưởng và sửa đổi lề lối làm việc".
Ngày 1/5/1954, Báo Nhân Dân đăng bài "Mấy khuyết điểm của báo chí ta" của Bác, đi đến kết luận: "Nói tóm lại, để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của báo chí phải cải thiện hơn nữa".
Bút tích "Lời kêu gọi thi đua yêu nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 1/5/1948
Ngày 1/5/1958, Bác đưa ra "Lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động" khẳng định: "Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1 tháng 5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới... Ngày 1 tháng 5 năm nay là một ngày đoàn kết, đấu tranh, tin tưởng và phấn khởi".
Ngày 1/5/1964, nhân Ngày Quốc tế Lao động, Bác gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá - Vinh, trong đó có việc xây lại Cầu Hàm Rồng.
Tối ngày 1/5/1966, sau buổi xem Đoàn Văn công tỉnh Quảng Bình từ tuyến lửa về biểu diễn trong Phủ Chủ tịch, Bác bày tỏ cảm tưởng: "Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế thì không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được".
Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo CL
Đồng bào Khmer mừng tết Chôl Chnăm Thmây Tại TP.Cần Thơ hôm qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, dự họp mặt mừng tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer mang ý nghĩa đón mừng năm mới. Ảnh: VGP/Thành Chung Phat biêu tai buôi hop măt, thay mặt Chính...