Diệp Vấn: 4 sự thật ít người biết về đại tông sư Vịnh Xuân quyền
Đối với người hâm mộ điện ảnh võ thuật thì Diệp Vấn 4 là một trong những tác phẩm đáng mong đợi nhất trong thời gian tới.
Tất nhiên, còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác trong cuộc đời tông sư Diệp Vấn mà phim ảnh vẫn chưa khai thác đầy đủ.
Mặc dù xuyên suốt bộ phim là những màn biểu diễn võ công đẹp mắt hay những pha tỉ thí gay cấn đầy kịch tính, cũng không thể phủ nhận rằng Diệp Vấn còn hơn cả một tác phẩm điện ảnh võ thuật. Dựa trên những dấu mốc có thật trong cuộc đời của nhất đại tông sư, cả ba phần của bộ phim đã thành công khi xây dựng một hình tượng nam tử hán đại trượng phu, một bậc anh hùng trọng nghĩa trọng tình, một đại sư phụ danh tiếng lẫy lừng, và đặc biệt là một người chồng, người cha hết mình vì vợ con.
Mặc dù vậy, Diệp Vấn là một tác phẩm điện ảnh chứ không phải tư liệu lịch sử. Vì vậy, bên cạnh những dữ kiện thực tế còn có không ít yếu tố hư cấu được lồng ghép đan xen. Và tất nhiên, còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác trong cuộc đời tông sư Diệp Vấn mà phim ảnh vẫn chưa khai thác đầy đủ. Bài viết này xin giới thiệu với các bạn một vài câu chuyện trong số đó.
Diệp Vấn là truyền nhân đời thứ 7 của võ môn Vịnh Xuân quyền
Nhắc đến Diệp Vấn là nhắc đến Vịnh Xuân quyền, và nhắc đến Vịnh Xuân quyền cũng không thể không nhớ đến sư phụ Diệp Vấn – người đã có công truyền bá môn phái ra ngoài biên giới Trung Hoa Đại Lục. Nhiều người có thể cho rằng Diệp sư phụ là người sáng lập ra phái môn, nhưng trên thực tế, ông chỉ là truyền nhân đời thứ 7 của Vịnh Xuân quyền.
Lịch sử Vịnh Xuân mang nhiều giai thoại và truyền thuyết khác nhau. Khó có thể khẳng định chắc chắn do tất cả chỉ là truyền miệng và thiếu đi những dữ liệu lịch sử chính xác. Có thuyết cho rằng Vịnh Xuân bắt nguồn từ Chí Thiện cao tăng ở Thiếu Lâm tự; có thuyết lại cho rằng Vịnh Xuân khởi thủy từ một người tên là Trương Ngũ dưới triều Ung Chính… Ở đây, chỉ xin kể lại câu chuyện được chính Diệp sư phụ truyền lại cho các đệ tử của mình.
Theo tông sư Diệp Vấn, người sáng tạo ra những chiêu thức tiền khởi của Vịnh Xuân quyền là Ngũ Mai sư thái – một trong “ Ngũ tổ Nam Thiếu Lâm” huyền thoại. Từ một lần tình cờ quan sát trận chiến giữa rắn và hạc (xà hạc tương tranh), với nền tảng võ công thâm hậu của mình, bà đã kết hợp cái âm nhu (tượng trưng cho đất) của xà và thanh cao (tượng trưng cho trời) của hạc để tạo nên một hệ thống mới.
Trong một lần xuống núi, Ngũ Mai gặp một thôn nữ tên là Nghiêm Vịnh Xuân. Bà đã truyền lại các bí kíp võ công cho Vịnh Xuân để giúp cô tự vệ trước một tên cường bạo háo sắc trong vùng. Về sau, Vịnh Xuân truyền lại môn võ này cho chồng cô là Lương Bác Trù, và ông lại tiếp tục truyền dạy cho các đệ tử đời sau này.
Theo phả hệ Vịnh Xuân quyền, Trần Hoa Thuận là truyền nhân đời thứ 6, đồng thời cũng là sư phụ đầu tiên của đại tông sư Diệp Vấn. Các kỹ thuật võ công của Diệp Vấn đã vô cùng thâm hậu do được sư phụ Trần Hoa Thuận và các sư huynh chỉ dẫn, sau này lại đạt tới đỉnh cao khi theo học sư bá Lương Bích. Nếu như trước kia Vịnh Xuân quyền chỉ được truyền dạy cho một số ít đệ tử, thì đến thời Diệp Vấn, hệ phái này đã mở rộng cửa cho đông đảo những người đam mê võ thuật theo học.
Một đồng môn của Diệp Vấn tên là Nguyễn Tế Công, cũng là học trò của Trần Hoa Thuận và Lương Bích, trở thành sư tổ của Vịnh Xuân quyền Việt Nam.
Cậu bé 11 tuổi tầm sư học võ
Từ nhỏ, Diệp Vấn đã là một cậu bé say mê võ thuật. Nhờ gia cảnh giàu có, Diệp Vấn có đủ mọi điều kiện để theo đuổi đam mê của mình.
Câu chuyện Diệp Vấn tầm sư học võ được các môn đồ của ông kể lại cho nhau. Có người cho rằng Diệp Vấn bắt đầu luyện võ từ năm 7 tuổi, có người kể là 9 tuổi, lại cũng có người tin đó là năm 13 tuổi. Tuy nhiên, theo bài phỏng vấn Diệp sư phụ đăng trên tạp chí New Martial Hero của Hồng Kông, thì Diệp Vấn chính thức bái sư khi mới 11 tuổi.
Vào thời ấy, các bậc thầy võ công vô cùng khắt khe khi tuyển chọn đệ tử. Trước khi chấp nhận một học trò, họ cần tìm hiểu kỹ lưỡng bản tính của người ấy. Một yêu cầu nữa là phải có đủ tiền theo học. Diệp Vấn kể rằng, ông phải đóng 20 lượng bạc để được bái sư và thêm 8 lượng bạc học phí trong mỗi tháng sau đó.
“Với 20 lạng bạc, anh sẽ có đủ tiền cưới vợ – nếu như biết chi tiêu hợp lý. Còn nữa, không cần quá 1 lạng rưỡi bạc là có thể mua được 1 bịch gạo (60 kg)”, sư phụ Diệp cho biết. “Đó là lý do tại sao mà vào thời đó, hầu hết những ai học công phu đều là người giàu có. Họ có thể bỏ lại công việc và sống tại các ngôi đền cổ sâu trong núi để luyện võ. Điều ấy không giống với ngày nay, khi mà mọi người đều dễ dàng học công phu ở bất cứ nơi đâu”.
Video đang HOT
Còn theo lời kể từ đệ tử của Diệp tông sư là Trương Trác Khánh (William Cheung), thì cậu bé Diệp Vấn thường hay lui tới ngôi đền cổ để quan sát bậc thầy Trần Hoa Thuận chỉ dẫn cho các môn đệ Vịnh Xuân quyền. Một ngày, cậu đến trước mặt Trần sư phụ và xin được làm đệ tử của ngài.
Diệp Vấn khi đó chỉ là một cậu nhóc tì, trong khi những người bái kiến Trần Hoa Thuận đều trên dưới 30 tuổi. Vì vậy, lúc đầu Trần đại sư không mấy để ý đến cậu bé con ấy. Ông nói sẽ chỉ đồng ý nếu như cậu nhóc có thể trả một lượng bạc lớn. Trần Hoa Thuận không ngờ rằng, ngay ngày hôm sau, cậu bé đã mang đầy đủ số tiền đến gặp ông. Đó là khoản tiền lớn mà người ta có thể mua được cả một căn nhà! Liệu có điều gì mờ ám ở đây chăng?
Trần Hoa Thuận bèn đưa Diệp Vấn đến gặp cha mẹ cậu để làm rõ thực hư. Khi biết rằng đó là số tiền mà cậu bé dành dụm được, ông vô cùng cảm kích tinh thần hiếu học của Diệp Vấn. Cha mẹ cậu cũng nhìn thấy đam mê của con trai mình mà chấp nhận cho Diệp Vấn theo đuổi con đường võ công.
Trong suốt cuộc đời, Trần Hoa Thuận chỉ chấp nhận 16 môn đồ, và Diệp Vấn là học trò cuối cùng, cũng là đệ tử nhỏ tuổi nhất khi ông đã ngoài 70.
Trần Hoa Thuận nhìn thấy ở Diệp Vấn một khí chất đặc biệt và một năng khiếu võ thuật hiếm có. Vì vậy, ông rất mực chăm chút, chỉ dạy cho Diệp Vấn các bí kíp võ công, đồng thời căn dặn đệ tử của mình coi sóc người huynh đệ nhỏ tuổi.
Từ hồi ức của học trò Lý Tiểu Long
Trong cuốn “Bruce Lee: The Man Only I Knew”, vợ cũ Linda C. Emery đã trích dẫn bài luận mà chồng bà, Lý Tiểu Long, viết năm 1961. Đó là những dòng tâm sự của nam tài tử võ thuật họ Lý, qua đó cũng thể hiện hình ảnh sư phụ Diệp Vấn khi giảng dạy cho các đệ tử của mình.
Sau 4 năm vất vả luyện tập kungfu, tôi bắt đầu hiểu và cảm nhận được nguyên tắc dùng nhu khắc cương – nghệ thuật vô hiệu hóa nỗ lực tấn công của đối phương và giảm tiêu hao sức lực tối đa. Tất cả những điều này phải được thực hiện bằng sự bình tâm, không gắng gượng. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực hành lại vô cùng khó khăn.”
“Thầy hướng dẫn tôi, tông sư Diệp Vấn, người đứng đầu trường phái Vịnh Xuân, thường nói với tôi rằng: &’Hãy thư giãn và bình tâm lại. Hãy quên đi bản thân mình và xoay chuyển theo động tác của đối phương. Hãy để tâm trí con, điều thực tế cơ bản, tạo ra các phản đòn mà không cần đến sự can thiệp của bất cứ suy tính nào. Trên hết, hãy học cách buông bỏ’”.
“Sau nhiều giờ ngồi thiền và tập luyện, tôi bỏ cuộc và một mình dong chiếc thuyền buồm. Trên biển, tôi nghĩ về những lần tập luyện trước đây và rồi điên tiết với bản thân nên đã đấm tay xuống nước. Ngay sau đó – vào khoảnh khắc ấy – một suy nghĩ lóe lên trong tôi: Chẳng phải nước chính là tinh hoa của võ thuật sao? Tôi đánh vào nước, nhưng nó chẳng hề bị tổn thương. Một lần nữa tôi lại dùng hết sức đấm xuống nước, nhưng nó chẳng hề hấn gì cả. Tôi cố dùng tay nắm đầy nước, nhưng điều đó là không thể thực hiện. Nước, thứ vật chất mềm mại nhất thế giới này, có thể nằm vừa bất kỳ chiếc bình bé nhỏ nào. Và dù trông có vẻ yếu ớt, nước lại có thể xuyên thủng mọi loại chất cứng nhất trên thế giới. Đúng là như thế! Tôi muốn có được các đặc điểm tự nhiên của nước”.
“Đột nhiên một con chim bay qua, phản chiếu hình ảnh trên mặt nước. Lúc ấy tôi mới thấu hiểu bài học về nước, một cảm giác thần bí khác về ý nghĩa ẩn chứa được tiết lộ cho tôi. Chẳng phải các suy nghĩ và cảm xúc mà tôi có khi đứng trước đấu thủ rồi cũng sẽ trôi qua giống như chiếc bóng phản chiếu của con chim bay qua làn nước hay sao? Đây chính là những gì mà Diệp sư phụ muốn nói về việc &’buông bỏ’ – đó là không kèm theo xúc cảm hay cảm giác, mà phải là người mà những xúc cảm bên trong không bị vướng mắc hay cản trở. Vì vậy, để làm chủ chính mình, đầu tiên tôi phải chấp nhận bản thân bằng cách thuận theo tự nhiên chứ không phải là chống lại nó.”
Đến lời kể của con trai Diệp Chính
Theo lời kể từ con trai thứ hai của Diệp Vấn là Diệp Chính, sinh thời, ông luôn đề cao việc chọn lựa tài năng võ thuật. tông sư từng nói rằng, để một người tìm được thầy dạy đã khó, nhưng còn khó hơn khi người thầy đi tìm đệ tử cho mình. Đối với người lấy việc dạy võ công làm kế sinh nhai thì quan điểm này đã chứng tỏ cái tâm của một người thầy. Và trong suốt cuộc đời mình, ông chưa từng treo biển hay làm quảng cáo, mục đích là để tìm được những học trò xứng đáng.
Cách dạy của Diệp Vấn là căn cứ vào trình độ của người học mà hướng dẫn. Tùy vào cá tính, thể lực, nhận thức, và năng lực tiếp thu của mỗi người mà ông thiết kế các bài giảng khác nhau. Và thay vì sử dụng các thuật ngữ cổ như Ngũ hành, Bát quái, ông đã khéo léo vận dụng kiến thức khoa học hiện đại để giải thích các nguyên lý trừu tượng của Vịnh Xuân quyền.
Trong những năm cuối đời, Diệp Vấn sư phụ vẫn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Vịnh Xuân quyền đối với các thế hệ tương lai. Khoảng 6 tháng trước khi mất, ông yêu cầu hai con trai của mình là Diệp Chuẩn và Diệp Chính ghi lại các thế võ do chính ông thực hiện. Đoạn phim là tài liệu vô giá đối với các thế hệ môn đồ của trường phái Vịnh Xuân cho đến ngày hôm nay.
Theo Danviet.com
Đừng tìm Chân Hoàn trong Như Ý Truyện nữa, vì Chân Hoàn ngày xưa chết rồi!
Những người hâm mộ Chân Hoàn Truyện không khỏi thất vọng khi nhìn thấy "tượng đài" Chân Hoàn bị sụp đổ trong Như Ý Truyện.
Hậu Cung Như Ý Truyện được biết đến là phần tiếp theo của bộ phim cung đấu đình đám khắp châu Á một thời: Hậu Cung Chân Hoàn Truyện. Chính vì thế có thể nói Như Ý Truyện ngay từ giai đoạn thai nghén đã có sẵn một lượng fan hùng hậu kế thừa từ Chân Hoàn Truyện.
Tuy nhiên ngay từ khi những tập đầu phát sóng, mặc dù các tuyến nhân vật cũ vẫn được giữ nguyên, nhưng một trong những yếu tố gây tranh cãi khá nhiều là nhân vật Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu - Chân Hoàn.
Sùng Khánh Thái Hậu Chân Hoàn trong Như Ý Truyện
Hi Quý Phi Chân Hoàn (Ô Quân Mai) sau này trở thành Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu thì ngay từ những tập đầu đã xuất hiện với hình ảnh một Thái hậu đam mê quyền lực, mưu mô. Bà muốn xuống tay giết luôn Thanh Anh/Như Ý (Châu Tấn) vì cảm thấy quyền lực bị đe dọa... Mặc dù nhân vật trung tâm của phần 2 là Như Ý, tuy nhiên việc xây dựng hình ảnh Chân Hoàn như vậy đã gây bất mãn cho phần lớn fan của "Hoàn nương nương" thông minh, điềm đạm, không màng quyền lực trong Chân Hoàn Truyện năm nào.
Hi Quý Phi Chân Hoàn (Tôn Lệ) trong Chân Hoàn Truyện
Chân Hoàn của Tôn Lệ trong Chân Hoàn Truyện vốn là một thiếu nữ ngây thơ chân chất, vốn không muốn nhập cung hay tranh sủng nên đã giả bệnh để tránh thị tẩm. Rồi cơ duyên tương ngộ với Ung Chính đã khiến người con gái chưa vướng sự đời ấy toàn tâm toàn ý dành trọn tình yêu đầu đời cho "Tứ lang".
Đáng thương thay, tình yêu và sự sủng ái của Ung Chính dành cho Chân Hoàn thực chất chỉ vì cô có mấy phần giống Thuần Nguyên Hoàng hậu - tình yêu cả đời của Hoàng thượng. Chân Hoàn được Ung Chính ban cho sự sủng ái vô biên, nhưng đồng thời cũng ban cho nàng một câu: "Giống Thuần Nguyên mấy phần là phúc của nàng". Điều này đã khiến niềm tin và cả tình yêu thuần khiết của Chân Hoàn bỗng chốc vỡ vụn ngay trước mắt, nàng nuốt nước mắt rời khỏi Tử Cấm Thành với trái tim đã chết.
Trải qua muôn vàn đau khổ, vừa tìm thấy tình yêu của đời mình là Quả Quận vương Doãn Lễ, thì sự trớ trêu của vận mệnh lại đẩy Chân Hoàn vào vũng bùn Tử Cấm Thành một lần nữa. Nhưng lần thứ 2 quay về, Chân Hoàn đã từ một cô gái ngây thơ không màn tranh đấu trở thành người phụ nữ tàn nhẫn, toan tính, ôm mối hận trả thù những người đã hại mình, một lòng bảo vệ 2 đứa con của nàng và Doãn Lễ. Từng bước trở thành Hi Quý Phi khuynh quyền hậu cung, trở thành thân mẫu của Tứ A Ca Hoằng Lịch và sau khi giết chết Ung Chính, Chân Hoàn đưa Hoằng Lịch lên làm vua, từ đó trở thành Thánh mẫu Hoàng Thái hậu - Sùng Khánh Thái hậu.
Chân Hoàn từ một cô gái ngây thơ trong sáng từng bước trở thành Thái Hậu của Thanh triều
Nhưng sau tất cả, Chân Hoàn không cần Phi vị, cũng không màng quyền lực hay vị trí Mẫu nghi thiên hạ, điều nàng muốn chỉ là được bình bình an sống bên người mình yêu thương trọn một kiếp người.
Đáp lại câu nói "Thiên hạ này sớm là của nàng thôi" của Ung Chính, là lời thở dài nhuốm đầy sự mệt mỏi và đau thương của Chân Hoàn: "Thần thiếp cần thiên hạ này để làm gì chứ? Từ đầu đến cuối điều thần thiếp cần vẫn không thể có được."
Sau khi đưa Hoằng Lịch lên ngôi và trở thành Sùng Khánh Hoàng Thái hậu cao cao tại thượng, Nghi Tu Hoàng hậu - kẻ thù cũng tức tưởi qua đời, cuộc đời Chân Hoàn đã không còn gì nữa. Không còn hận thù, cũng không còn người yêu thương, người xem mãi mãi không quên được hình ảnh Thái Hậu thở dài: "Ta mệt rồi". Là người chiến thắng cuối cùng trong hậu cung khốc liệt, nhưng rốt cuộc điều Chân Hoàn muốn chưa bao giờ có được. Nàng cô độc một đời, chỉ còn những hồi ức hạnh phúc đơn sơ với Doãn Lễ xuất hiện trong giấc mộng của nàng.
Sau khi trở thành Thái Hậu, Chân Hoàn không còn thù hận cũng không còn hạnh phúc.
Một Chân Hoàn như vậy, lấy đi bao nước mắt cùng tình cảm của người xem nhưng khi "tái xuất" trong Như Ý Truyện lại giống như một con người hoàn toàn khác. Vì quyền lực, vì muốn tranh ngôi báu mà bà yêu cầu Tứ A ca phải từ bỏ tình yêu để chọn một phúc tấn có gia thế; vì quyền lực mà "Năm đó không nên giữ Thanh Anh lại", không ngừng làm khó dễ, còn muốn lấy mạng của Thanh Anh...
Trong cuộc chiến tranh sủng của "lớp trẻ", những tưởng một người đã mệt mỏi với chốn thâm cung sẽ an phận hưởng phước, nhưng không, Thái hậu liên tiếp góp phần thổi lửa cho cuộc chiến đó trở nên khốc liệt hơn nữa. Bà cài phi tần bên cạnh Càn Long để tiếp tục tranh đấu vì quyền lực... Thậm chí, nếu như trong Chân Hoàn Truyện, Hi Quý phi cực kỳ sợ mèo do bị đám mèo hoang trong cung hại dẫn đến sinh non, thì trong Như Ý Truyện, Thái hậu lại nuôi một con mèo Anh long ngắn làm sủng vật!? Phải chăng thời gian có thể làm cho người ta dũng cảm lên, hay già rồi thì quên mất hồi trẻ mình sợ gì!?
Thái hậu không ngừng làm khó dễ Thanh Anh
Nói chung, Chân Hoàn trong Như Ý Truyện gần như đã phá hỏng hoàn toàn hình tượng nhân vật Chân Hoàn của Tôn Lệ xây dựng nên. Điều này khó tránh việc fan cứng của "Hoàn nương nương" cảm thấy bất mãn khi "thần tượng" bị bóp méo trong Như Ý Truyện. Thậm chí, nhiều người không thể chấp nhận được và tuyên bố "tẩy chay".
Mặc dù nhân vật trung tâm của Hậu Cung Như Ý Truyện là Kế Hoàng hậu, dù mục đích để cho cuộc chiến hậu cung kịch tính và hấp dẫn hơn với sự nhúng tay của Thái Hậu... nhưng việc vẫn giữ nguyên nhân vật và tiếp nối câu chuyện từ Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, rồi lại xây dựng tính cách Chân Hoàn khác hẳn phần trước đã bị xem là một quyết định không mấy khôn ngoan của biên kịch.
Đừng tìm Hoàn nữa, Hoàn của ngày xưa chết rồi!
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của Như Ý Truyện với dàn diễn viên thực lực hùng hậu cùng cốt truyện hấp dẫn với những âm mưu tranh đấu chốn thâm cung ngày một khốc liệt. Thiết nghĩ các fan của Hoàn nương nương nên quên đi Chân Hoàn của Chân Hoàn Truyện, xem Sùng Khánh Thái Hậu của Như Ý Truyện là một nhân vật hoàn toàn khác để có thể tiếp tục thưởng thức bộ phim.
Như Ý Truyện hiện đang được phát trên Tencent lúc 20h thứ Hai đến thứ Sáu, bản lồng tiếng Việt phát sóng trên HTV7 thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần lúc 13h.
Theo Kenh14.vn
Hết Diên Hi Công Lược vẫn chưa ai biết rốt cục Viên Xuân Vọng có đúng là con rơi của Ung Chính hay không? Fan vẫn nhiệt liệt tranh cãi về xuất thân của Viên Xuân Vọng sau cái kết của Diên Hi Công Lược. Trong tập cuối của Diên Hi Công Lược, một trong những tình tiết gây chú ý cho người xem là khi Lệnh phi (Ngô Cẩn Ngôn) vạch trần xuất thân của Viên Xuân Vọng (Vương Mậu Lôi). Tuy thái hậu đã phủ...