Điệp khúc trồng – chặt: Gấp rút tổ chức lại sản xuất cây ăn trái
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm trồng trái cây của cả nước. Trong gần 1 triệu ha cây ăn trái của cả nước thì toàn vùng ĐBSCL hiện chiếm 600.000ha cây, và trong 14 loại cây ăn trái chủ lực của cả nước thì khu vực này chiếm đến 9 loại.
Nhưng điệp khúc thừa – thiếu, trồng – chặt liên tiếp diễn ra khiến người trồng cây ăn trái ở ĐBSCL luôn trong tình trạng bấp bênh.
Đó là vấn đề được người dân, cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đặt ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 26/7.
Điệp khúc thừa – thiếu
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, hiện diện tích cây ăn trái của các tỉnh phía Nam gần 600.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích của cả nước; tổng sản lượng hàng năm hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Trong đó có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng hơn 10.000ha mỗi loại như: Xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, khóm, chôm chôm, mít, bơ…
Riêng ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của phía Nam khi chiếm khoảng 58% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước. Tại đây, nhiều giống cây ăn trái mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất và nhiều tiến bộ kỹ thuật được nhà vườn áp dụng hiệu quả, như: Rải vụ thu hoạch, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung, cải thiện tăng đậu trái và chống rụng trái non.
Đặc biệt, nhiều nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Riêng thị trường tiêu thụ cây ăn trái trong những năm gần đây tương đối thuận lợi, giá cao, người sản xuất có lời…
Mô hình trồng sầu riêng hữu cơ của nông dân tỉnh Hậu Giang. (ảnh: Hồng Cẩm)
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Về sản xuất trái cây, trên cả nước mà đặc biệt là ở ĐBSCL hiện nay, nổi lên vấn đề là diện tích trồng của nông dân nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa.
Video đang HOT
Thứ hai, khó phổ biến áp dụng những phương thức sản xuất theo hướng an toàn như VietGAP, GlobalGAP, nên diện tích sản xuất theo hướng an toàn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%. Nông dân thường chạy theo số lượng nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, gây ảnh hưởng đến uy tín trái cây Việt Nam.
Khâu sản xuất giống chất lượng còn hạn chế, người dân chủ yếu sử dụng giống trôi nổi. Khâu thu hoạch, chế biến ở ĐBSCL chủ yếu bằng thủ công. Việc vận chuyển trái cây từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bằng phương tiện thô sơ như xe máy, xuồng ghe, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 40% bị thất thoát, hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Khâu bảo quản sau thu hoạch tuy có phát triển nhưng còn yếu so với các nước xung quanh, do còn thiếu vốn, thiếu công nghệ. Khâu chế biến sâu để tăng giá trị cũng còn yếu, chủ yếu xuất thô, xuất tươi, vì còn quá ít nhà máy đủ lớn để chế biến.
Về khâu vận chuyển đi nước ngoài còn rất yếu, bởi chúng ta chưa có một hệ thống gọi là logistic hoàn chỉnh ở ĐBSCL. Lâu nay, hàng trái cây phải được tập trung về TP.HCM rồi mới xuất đi. Hệ thống giao thông phát triển chưa đồng bộ cũng góp phần tăng tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch. Ngành nông nghiệp các địa phương chưa dự báo chuẩn xác về thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng lúc thiếu, lúc thừa, trồng rồi lại chặt.
Giải pháp phát triển cây ăn trái bền vững
Bàn về giải pháp nào để phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, TS Nguyễn Như Hiến – Phó Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam, cho biết: Cần phải tổ chức lại sản xuất trong vùng quy hoạch. Theo đó, mỗi tỉnh cần xác định một số cây thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu về tập quán canh tác có lợi thế trong sản xuất để tập trung đầu tư, từ quy trình, quy hoạch, từ xây dựng nông thôn mới, đến chế biến bảo quản.
Về khoa học công nghệ cần đặc biệt quan tâm khâu chọn giống, phải tốt để đưa vào sản xuất, bảo đảm các giống này có năng suất cao, chất lượng tốt vừa kháng được sâu bệnh. Mặt khác, tiếp tục bình tuyển lại những giống ở địa phương có lợi thế đặc trưng.
TS Phúc cũng cho biết thêm, cần tổ chức lại liên kết sản xuất. Phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích trong vùng sản xuất tập trung được tổ chức lại sản xuất, được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và được truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, trên cơ sở tính đến thời vụ của các nước. Chẳng hạn như các nước ở châu Âu, Mỹ, khi thời vụ của họ không sản xuất trái cây được thì chúng ta đáp ứng lúc này và giảm lúc kia theo giải pháp rải vụ.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận: Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam, chiếm 75% sản lượng. Nhưng cái khó của nông dân là từ tháng 6 này, Trung Quốc cấm không cho xuất tiểu ngạch nữa, mà phải đi qua đường chính ngạch. Để đi đường chính ngạch, chúng ta cần phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói. Muốn vậy, cần phải tập hợp được nông dân qua hình thức HTX để xây dựng những vùng trồng chuyên canh tập trung lớn…
Phát biểu tổng kết diễn đàn, ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: Thời gian tới cần Xây dựng quy hoạch phát triển theo hướng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, sản phẩm địa phương gắn với chế biến, vùng nguyên liệu cho xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh trong nước, tránh hiện tượng trồng hay chặt bỏ, thiếu hay thừa. Khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dạng chuỗi…
Theo Danviet
Bất ổn số phận cây mít Thái và điệp khúc trồng - chặt theo thời giá
Hết trồng - chặt rồi lại chặt - trồng vì chạy theo thời giá, bài học này không mới nhưng vẫn đang tiếp tục xảy ra với cây mít Thái. Những năm gần đây, diện tích cây mít Thái gia tăng ồ ạt, trong khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, làm dấy lên lo ngại cung vượt cầu.
Luẩn quẩn chặt - trồng
Tại các tỉnh phía Nam, cây mít được trồng từ rất lâu, hầu như tỉnh nào cũng có, với các giống truyền thống như mít nghệ, mít tố nữ... và lớn được trồng xen trong các vườn cây ăn quả, chỉ một số ít diện tích được trồng thuần.
Tuy nhiên, từ khi giống mít Thái được du nhập, phong trào trồng mít trở thành cơn sốt vì giá bán cao mà thời gian kiến thiết cơ bản lại ngắn. Sau khi trồng từ 12 - 15 tháng, cây đã bắt đầu cho quả. Nếu chăm sóc tốt, năng suất trung bình trong thời gian kinh doanh từ 20 - 25 tấn/ha/năm.
Ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng Trọt- trái) cho rằng việc phát triển nóng thời gian qua dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cây mít. Ảnh: Trần Đáng
Loại cây này có thể trồng với mật độ rất dày, cây cách cây khoảng 3 - 3,5m. Như vậy, 1ha có thể trồng hơn 1.000 cây. Chỉ cần mỗi cây cho 10 trái/năm thì mỗi năm thu được khoảng 50kg/cây trở lên; bình quân 1ha cho trái khoảng 50 tấn. Với giá trung bình 25.000 đồng/kg, nông dân có thể thu được hơn 1 tỷ đồng.
Diện tích trồng mít tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian trước vốn bị thu hẹp do nông dân chặt bỏ khi giá mít xuống thấp. Nhưng gần đây, giá mít tăng cao khiến nhu cầu trồng bật tăng trở lại.
Tại huyện Châu Đức, nông dân Đào Thị Hậu cho hay nhà bà có hơn 100 gốc mít đã bước vào năm thứ 7. Nhiều gốc đã bước vào giai đoạn thoái hóa nhưng bà vẫn tiếp tục giữ lại để thu hoạch. Bà Hậu cho biết, nếu như trước đây các thương lái chỉ đến những vườn chuyên canh mít, hoặc các vườn trồng xen canh với diện tích lớn thì nay, các hộ trồng 50 - 100 gốc cũng được thương lái tìm đến tận nơi gom mua.
Vụ trồng đầu năm 2019, giống mít Thái cũng được nông dân ở Bình Phước trồng khá phổ biến, nhà ít thì vài chục cây, nhiều có thể lên tới vài chục ha. Có hộ cưa bỏ cả vườn cao su, điều để trồng mít. Một số hộ trồng cả trên diện tích lúa; cá biệt, có hộ trồng trên vùng đồi cao, đất dốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tổng diện tích mít Thái toàn tỉnh khoảng 660ha và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Vùng có diện tích trồng mít tăng nhanh nhất phải kể đến các tỉnh ĐBSCL. Còn nhớ thời điểm năm 2016 - 2017, ở Vĩnh Long, bà con từng ồ ạt phá bỏ lúa, đưa cây cam sành xuống ruộng với tốc độ cực nhanh bởi cam sành liên tục được giá cao, mỗi ha cam giúp nông dân thu lời bạc tỷ. Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có hơn 9.000ha cam sành, tương đương diện tích quy hoạch đến năm 2020. Việc tự phát trồng cam không chỉ làm sản lượng tăng ồ ạt, thừa hàng dội chợ, cam rớt giá mà còn phá vỡ luôn quy hoạch đất sản xuất của địa phương.
Đến nay, tính sơ bộ tại Vĩnh Long, nông dân huyện Bình Tân đã lại trồng mới cây mít thái hơn 60ha; huyện Trà Ôn gần 40ha; thị xã Bình Minh hơn 30ha... Ngoài chuyển đổi trên diện tích vườn kém hiệu quả, nhiều hộ còn thuê đất ruộng để trồng mít.
Vẫn ồ ạt trồng
Diện tích trồng mới cây mít tăng rất nhanh ở các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Trần Đáng
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2018 diện tích mít cả nước gần 26.200ha. Diện tích trồng mới trong 2 năm 2017 - 2018 là 5.790ha. Nếu năm 2017 diện tích trồng mới khoảng 1.654ha thì sang năm 2018 là 4.134ha; gấp 2,5 lần năm trước.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, thực tế giá mít Thái những ngày qua đang trồi sụt khá mạnh. Thị trường tiêu thụ mít Thái chủ yếu vẫn là Trung Quốc, vốn có hạn và chứa đựng nhiều bất trắc. Việc phát triển nóng thời gian qua dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cây mít. Trước mắt, có thể cây trồng này mang lại lợi nhuận cao, nhưng nếu không có giải pháp can thiệp, rất dễ gặp thất bại.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước vẫn luôn khuyến cáo người dân không nên chặt cây điều để trồng cao su khi giá cao su lên cao; rồi lại không nên chặt cao su để trồng tiêu khi giá cao su xuống thấp... Nhưng trên thực tế khuyến cáo cũng chỉ dừng lại ở khuyến cáo. Nông dân vẫn là chủ thể sản xuất, việc chặt bỏ cây này, trồng cây kia không ngoài mục đích cố gắng tìm một sản phẩm có thể mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn cho mình.
Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cho rằng ngành nông nghiệp vẫn cần phải khuyến cáo nông dân không được mở rộng diện tích cây ăn trái để tập trung đầu tư hạ tầng và kỹ thuật, gắn kết với thị trường tiêu thụ; điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh cũng như lập đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh.
Ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông Nguyễn Hồng Phúc - một hộ trồng mít Thái - cho rằng những khuyến cáo về chuyện cung vượt cầu vẫn rất cần thiết, bởi trồng cây nào cũng phải đối diện những rủi ro thị trường. "Việc đưa ra giải pháp giúp nông dân tăng giá trị kinh tế trên một diện tích trồng trọt sẽ thuyết phục họ hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt - trồng không hợp lý như thời gian qua" - ông Phúc bày tỏ.
Theo Danviet
An Giang: Giàu lên nhờ 8ha sầu riêng, cây nào trái cũng đầy cành Nông dân Võ Văn Em (ngụ ấp Long An, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đang sở hữu 8,5ha với 135 gốc sầu riêng Ri6 và Mongthong Thái Lan ở nhiều độ tuổi... Điều đặc biệt ông Em trồng sầu riêng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học, sản phẩm sạch an toàn, nên được người...