Diễn viên Trung Anh: “Nhiều người gặp tôi bây giờ xưng con, kể cả đã lớn tuổi”
Ghi dấu ấn sâu sắc với khán giả bằng vai diễn ông Sơn “xoăn” trong bộ phim “ Về nhà đi con”, diễn viên Trung Anh cho biết: “Ngoài đời, rất nhiều người gặp tôi bây giờ cứ xưng bố – con, thậm chí có người khá lớn tuổi cũng xưng con. Tôi ngại nhưng họ thích thì biết làm thế nào? Vậy nên mọi người hay đùa tôi là “ông bố đông con nhất Việt Nam”.
Hình ảnh 3 cô con gái mừng sinh nhật bố Sơn.
Đặc biệt ấn tượng với tuyến nhân vật phụ
Phim “Về nhà đi con” đang được coi như một “hiện tượng” khi được khán giả cũng như truyền thông quan tâm hàng ngày. Là nam chính của bộ phim anh cảm nhận thế nào về điều này?
- Khi đọc kịch bản, tôi đã biết đó là một kịch bản hay, dàn diễn viên “chất” nhưng không nghĩ sẽ được đón nhận nhiều tình cảm đến thế. Vì thực tế, có khá nhiều kịch bản hay nhưng khi lên phim lại “hẩm hiu”. Bản thân tôi cũng khá hồi hộp “Về nhà đi con” lên sóng. Đặc biệt đây lại là phim có một số điểm đặc biệt: Mỗi tập phim dài hơn 20 phút và vừa quay vừa phát.
Việc vừa quay vừa phát sóng là con dao hai lưỡi. Vì khi phát sóng diễn viên sẽ rút được kinh nghiệm cho những tập sau, còn ekip cũng có sự điều chỉnh phù hợp hơn theo phản ứng của khán giả. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái là nếu phim không hay, không được khán giả đón nhận, mà cứ kéo lê như thế thì rất dễ làm cho diễn viên nản, mất cảm hứng.
Tôi cũng cảm thấy may mắn vì đây là một phim đầu tiên phát sóng theo khung giờ mới, thời lượng mới, vừa phát vừa quay như thế nhưng đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Chắc chắn tất cả các diễn viên đều có hứng làm. Sắp tới, có thể chúng tôi sẽ quay thêm một vài tập ngoại truyện nữa.
Nhưng những tập gần đây bộ phim đang bị đánh giá là “giảm nhiệt” vì cho rằng tình tiết lê thê. Anh có nhận thấy điều này không?
- Tôi không thường xuyên theo dõi được phim nhưng tôi vẫn cập nhật được thông tin. Thực tế, ngay từ những tập đầu lên sóng phim cũng đã có người khen, người chê, người thích, người không. Giai đoạn sau cũng thế. Thậm chí nhiều nhân vật được yêu thích hâm mộ cũng sẵn sàng bị quay lưng sau 1 tập phim. Dễ dàng nhận thấy, có lúc Ánh Dương là “ngôi sao” của khán giả nhưng rồi chỉ “chớp mắt” đã bị chê vì tính cách thay đổi, yêu bố bạn, hỗn láo với chị gái, … Nhưng tôi tin chắc đó mới chính là những người đầu tiên ngồi vào màn hình để theo dõi chăm chú từng tình tiết, từng nhân vật và đánh giá. Tôi hoàn toàn hiểu tâm lý đó: họ vì quá yêu mà ghét.
Một phần lý do khán giả cho rằng tuyến nhân vật mới xuất hiện trong phần sau của phim không đạt được kỳ vọng.. Là diễn viên xuyên suốt phim, anh thấy điều này đúng không?
- Thực sự thì có một số diễn viên mới tôi không đóng cùng nên không đủ thẩm thấu để nhận xét, cũng như không bình luận về vai diễn. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá cao dàn diễn viên phụ của “Về nhà đi con”.
Chúng ta xưa nay luôn “bỏ quên” tuyến vai phụ mà chăm chăm vào dàn diễn viên chính vì họ thường là nghệ sĩ có tiếng, được coi là trụ cột cho phim. Nhưng thực ra, vai phụ luôn đóng vai trò hoặc tạo sự mềm mại hoặc cao trào. “Về nhà đi con” đã sở hữu tuyến vai phụ cực kỳ thành công – có thể 1, 2 nhân vật chưa khiến khán giả hài lòng nhưng đa số đã rất xuất sắc với vai diễn của mình.
Ông bố “đông con” nhất Việt Nam hiện nay
Hình ảnh ấm áp của gia đình ông Sơn trong Về nhà đi con.
Được biết phim được đổi từ “Nước mắt gà trống” sang “Về nhà đi con”, khá nhiều người thắc mắc tên phim có phải mục đích để cuối cùng các con về nhà với bố?
Video đang HOT
- Ngay từ đầu phim ông Sơn đã nói: “Bố chẳng có gì ngoài sự già nua lẩm cẩm và một ngôi nhà đầy tình thương để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”. Câu ấy nghe thì đơn giản, nhưng ở trong cái hoàn cảnh ấy, không khí ấy, chúng tôi đã phải quay đi quay lại rất nhiều lần vì khóc không nói nổi. Đó mới là ý nghĩa thực sự.
Thú thật tôi không thích tên phim “Nước mắt gà trống” vì nếu thế nhân vật ông Sơn sẽ phải khóc rất nhiều. Đối với tôi khóc không khó nhưng vấn đề là cảm xúc có truyền được đến khán giả? Không khóc mà khán giả cảm nhận được hoàn cảnh, số phận xót xa, khóc thay nhân vật chứ diễn bù lu bù loa mà khán giả trơ ra thì còn gì mà nói. Vì thế tôi đã góp ý phải chọn cảnh nào có điểm nhấn để khóc.
Vai Thư của Bảo Thanh cũng được coi là “thánh khóc” của phim. Cá nhân anh đánh giá thế nào về “cô con gái” này?
- Được diễn cùng Bảo Thanh là một may mắn cho tôi. Đó là một đồng nghiệp trẻ nhưng vô cùng tài năng, rất thông minh, khả năng biểu cảm từ tiếng nói, hình thể đến nét mặt dường như đối với Thanh là vô tận. Tôi gọi Bảo Thanh là “Nữ hoàng nước mắt của bố” vì khi quay cùng, tôi phải chứng kiến biết bao cảnh khóc, có những ngày quay khóc suốt từ sáng tới chiều của Thanh. Biết lấy gì để đong đầy được nước mắt của người diễn viên ấy đã nhỏ xuống phim trường? Không gì cả, ngoài tình cảm của người xem!.
Diễn viên Trung Anh được khán giả chào đón sau thành công của vai diễn.
Vai “bố Sơn “xoăn” của anh đang ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả với từng biểu cảm, cử chỉ dành cho con. Liệu anh đem bao nhiêu phần trăm con người thực vào phim?
- Tôi ngoài đời và nhân vật trong phim có nhiều điểm tương đồng. Tôi giống ông Sơn là có con gái, nóng tính, thỉnh thoảng cũng tát con. Phim xây dựng hình ảnh ông bố cố gắng để đưa nhân vật lên “mẫu số chung” và quan trọng nhất là tình yêu dành cho con để bù đắp cho sự thiếu vắng mẹ. Lúc đọc kịch bản tôi cứ nghĩ chắc lại do mấy bà già viết đấy nhưng không ngờ hôm gặp mới biết hoá ra toàn là người trẻ. Người trẻ mà suy nghĩ sâu sắc như thế.
Như anh chia sẻ con người bên ngoài khá nóng tính, cũng đôi lần tát con, trong phim cũng thế. Vậy khi diễn những cảnh này anh cảm thấy thế nào?
- Tôi có con gái 16 tuổi nên có kinh nghiệm đưa vào dạy dỗ 3 cô con gái trong phim. Tát con vì nóng tính nhưng chỉ đôi lần vì mong muốn con sống tốt hơn. Chính vì thế, trong kịch bản tôi có khá nhiều cảnh xuống tay với con cái nhưng sau đó trao đổi với đạo diễn và biên kịch để hợp lý hơn. Ví dụ theo kịch bản ban đầu, sau khi Thư có hành động hỗn láo với cô Hạnh bán hoa, ông Sơn sẽ tát Thư lần thứ 2. Tôi thấy tát nhiều sẽ nhàm. Hơn nữa Thư đang mang bầu nên càng không thể. Chẳng ai đi tát một cô gái đang mang bầu, huống hồ đó lại là con mình. Nếu đưa lên phim, đó là một điều cực kỳ phản cảm. Khi tôi nói và được đạo diễn đồng ý điều chỉnh ngay.
Mặc dù ông Sơn nóng tính nhưng có vẻ vẫn đang là nhân vật được yêu thích “bền vững” nhất của phim?
- Cách đây không lâu tôi được mời đến nói chuyện với các bạn nhỏ trong một khoá tu 7 ngày, câu đầu tiên tôi nói: “Chú chào các cháu!” nhưng phía dưới đồng loạt phản ứng: “Bố! Bố chứ không phải chú”. Còn ra ngoài đời, rất nhiều người gặp tôi bây giờ cứ xưng con, gọi bố, thậm chí có người khá lớn tuổi cũng xưng con. Tôi ngại nhưng họ thích thì biết làm thế nào? Vậy nên mọi người hay đùa tôi là “ông bố đông con nhất Việt Nam” (cười).
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo Gia đình & Xã hội
NSƯT Trung Anh - bố Sơn của 'Về nhà đi con': 'Tôi là một người nóng tính, thỉnh thoảng tát con bôm bốp'
'Ngay cả cái tính tát các con, mình cũng có một chút ở trong đó. Tôi là một người nóng tính, thỉnh thoảng tát con bôm bốp' - NSƯT Trung Anh chia sẻ.
Chào NSƯT Trung Anh! "Về nhà đi con" đi được 3/4 chặng đường, bộ phim đã được khán giả đón nhận vô cùng nhiệt tình. Cảm xúc của anh hiện tại thế nào?
- Đây là bộ phim mà thực sự bản thân tôi là một người làm phim đóng từ đầu đến cuối cũng rất bất ngờ trước tình cảm mà khán giả dành cho nó cũng như các diễn viên. Khi đọc kịch bản, tôi đã biết đây là một kịch bản hay. Bản thân các diễn viên đều cảm nhận được điều ấy. Nhưng khi phát sóng, nó khác xa nhau lắm. Cũng có rất nhiều kịch bản hay nhưng khi lên phim chưa chắc đã được đón nhận. Dù biết là kịch bản hay nhưng tôi đều rất hồi hộp. Vì sao? Vì phim có một số điểm đặc biệt, phim chỉ có thời lượng 25 phút. Lần đầu tiên mình làm theo dòng phim này. Thứ hai nữa là vừa làm vừa phát sóng. Lần đầu tiên bọn tôi làm thế này, tôi nghĩ nó cũng có hai mặt. Nếu là một bộ phim hay, vừa xem vừa đi quay - nó có cái hay là rút được kinh nghiệm cả về kịch bản lẫn diễn xuất. Nhưng cũng rất có thể nó dở là, nếu như phim không được đón nhận dễ làm cho diễn viên mất cảm hứng. Nếu phim không được đón nhận mà cứ kéo lê việc quay như thế sẽ làm cho diễn viên nản. Rất may đây là lần đầu tiên bộ phim phát sóng theo khung giờ mới, thời lượng mới, vừa phát vừa quay đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Đấy là điểm chắc chắn giúp tất cả các diễn viên có hứng làm. Sắp tới đang có hướng làm mấy tập ngoại truyện.
Thường thì bộ phim vừa quay vừa phát sóng dễ dẫn đến việc kịch bản sẽ bị thay đổi theo mong muốn của khán giả. Điều này có xảy ra với "Về nhà đi con"?
- Không. Kịch bản ấn định từ đầu là như thế. Nhiều khán giả không biết, thấy thời lượng phim là tám mươi mấy tập - trong khi kịch bản chỉ nói 66 tập thôi thì nghĩ rằng bên đoàn phim VFC thấy phim được mọi người đón nhận nên kéo dài ra. Thực tế không phải thế. Kịch bản là 66 tập nhưng 66 tập này, vì chưa có kinh nghiệm viết theo 25 phút nên bao giờ nó cũng sẽ bị dài hơn. Chính vì thế phần dựng nó kéo dài bộ phim ra, chứ không hề viết thêm một tập nào cả. Đến bây giờ bản thân bọn tôi cũng vẫn chưa biết là phim bao nhiêu tập, vì chưa dựng xong.
Tất nhiên là kịch bản có điều chỉnh trong quá trình quay nhưng không phải điều chỉnh để thỏa mãn ai đấy mà vì mong muốn thật của diễn viên. Bản thân nhân vật của tôi là tôi đề xuất sửa kịch bản khá nhiều. Thậm chí gần sát kết, tôi cũng đề nghị thay đổi 100%.
"Tôi có nói nhân vật ông Sơn là một nhân vật rất dễ diễn. Đối với tôi là như vậy. Nhưng chữ dễ ấy làm cho tôi rất lo lắng" - NSƯT Trung Anh bộc bạch
Cụ thể thay đổi thế nào?
- Phần kết mình không thể chia sẻ được vì chưa phát sóng. Thậm chí có nhiều cái đạo diễn và diễn viên làm việc với nhau trên hiện trường - ví dụ như tôi nghĩ ở nhà là nên như thế này và đến tôi trao đổi với anh Dũng. Trong kịch bản thì tôi không nhớ nhưng trên phát sóng thì từ tập 38 đến tập 41 là ông Sơn rơi vào trạng thái như kiểu trầm cảm sau khi Thư rất hỗn với ông ấy. Thực ra trong kịch bản không phải là như thế. Trong kịch bản là ông ấy tát Thư lần thứ hai khi có hành động hỗn láo. Tôi đọc kịch bản xong, tôi trao đổi với đạo diễn là chỗ này không ổn. Thứ nhất là đánh quá nhiều, nó nhàm. Thứ hai là Thư đang có bầu, không thể tát được. Không ai lại có thể tát một cô gái, lại đang mang bầu - huống hồ là con mình. Điều ấy cực kỳ phản cảm nếu lên phim. Khi tôi nói cái là anh Danh Dũng ok ngay.
Nhân vật của tôi ở trong phim là nhân vật một chiều. Ngay khi họp báo ra phim vào đầu tháng 4, tôi đã nói rồi. Tôi có nói nhân vật ông Sơn là một nhân vật rất dễ diễn. Đối với tôi là như vậy. Nhưng chữ dễ ấy làm cho tôi rất lo lắng. Bởi vì nó dễ thường đi đôi với nhạt, với nhàm. Cho nên tôi rất lo, và thay đổi về cách diễn. Cụ thể trong tập 38, tôi không tát Thư và đề nghị diễn theo cái cách khác hẳn. Cái cách thay đổi là ông ấy rơi vào trạng thái gần như tuyệt vọng. Không hẳn là trầm cảm mà ông ấy rơi vào trạng thái không ai hiểu mình, ông rất tuyệt vọng vì điều ấy. Nó cũng thay đổi màu sắc diễn, nếu không nó cứ đều đều. Đấy chính là mong muốn của diễn viên và được đạo diễn chấp nhận. Trong quá trình quay, thậm chí là lúc tập, bọn tôi thêm vào rất nhiều. Đạo diễn thấy được thì để lại, không được thì làm lại. Nhất là những cảnh 4 bố con với nhau, bọn tôi thêm rất nhiều. Ngay từ đầu phim, tôi đã nói với đạo diễn rằng - phim này nếu diễn theo đúng trong kịch bản thì nó rất là "melo", tức là ủy mị quá. Nhất là nhân vật ông Sơn. Tôi đã cắt đi rất nhiều những cảnh ông ấy ngồi viết nhật ký, chỉ giữ lại một vài chỗ. Nhìn ảnh vợ khóc, ra thắp hương bàn thờ khóc. Tôi có bàn với anh Danh Dũng là, theo anh nếu để nguyên như thế này thì ông Sơn mềm quá, yếu đuối quá. Một con người như thế rất khó đứng vững để mà nuôi các con trưởng thành. Ông có thể có những nỗi lo, những nỗi buồn nhưng cứ để ông khóc lóc nhiều, ủy mị quá thì không hay. Tôi có đùa với anh Danh Dũng là có khi ông lấy 4-5 vợ rồi, chứ không phải ở vậy nuôi 3 cô con gái. Hai anh em trong quá trình làm có chỉnh sửa và giảm tối đa tất cả những cảnh khóc.
Thứ hai nữa, tôi có nói từ khi chưa quay - thực ra tôi về quay bị chậm một tháng rưỡi. Đoàn làm phim quay trước đó rồi. Tôi có nói rằng, nếu để như vậy thì phim bị sến quá. Những cái cảnh quay 4 bố con với nhau, chúng tôi cố gắng gợi lên không khí gia đình. Có lúc cực kỳ ấm cúng, có lúc lạnh lẽo, có những lúc có sự kiện, diễn tiến.
Mấy tập gần đây có sự xuất hiện của Kim Nhã do Quỳnh Nga thủ vai, có nhiều ý kiến cho rằng diễn xuất của bạn ấy bị đơ và làm hỏng đi sự cố gắng của cả ê-kip. Anh có suy nghĩ gì về nhận định trên?
- Tôi không bình luận về diễn xuất của bạn diễn. Có thể tôi có cảm nhận riêng của mình.
Nhưng anh đã có những lời khen hết sức ưu ái về 3 người con trên trang cá nhân?
- Bởi vì 3 người ấy quay với tôi rất nhiều, kể cả Trọng Hùng nữa là 4. Tôi quay với những bạn ấy rất nhiều nên mình hiểu được. Với Nhã, tôi hầu như không quay. Chỉ có 1-2 đoạn quay cùng thì không đủ để mình thẩm thấu và nói về bạn ấy được. Bạn ấy diễn thế nào là việc của bạn ấy. Là đồng nghiệp nên tránh nhận xét nhau.
Từ đầu phim ông ấy đã nói với các con là "bố già nua, lẩm cẩm rồi. Bố có một tình yêu, một ngôi nhà. Bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về"
Về tuyến nhân vật phụ anh thấy sao?
- Các nhân vật chính thì tôi không nói nhưng các nhân vật phụ đã làm cho phim cực kỳ sinh động. Lần đầu tiên, tôi đi quay là quay cảnh quán của Huệ. Tôi nhìn cô bé đóng em của Khải, sao lại hay thế. Khi tôi đọc kịch bản thì không bao giờ hình dung ra được nhân vật nhưng các bạn đạo diễn và sản xuất đã tìm ra những nhân vật phụ cực kỳ hay như Hoàng Yến, Thủy Tiên, Minh Cúc, Hoàng Kim Ngọc...
Chúng ta từ xưa đến nay, nhiều khi quên mất diễn viên phụ mà chỉ chăm chăm vào một cái lõi - các diễn viên chính. Và chọn một số diễn viên chính, thứ nhất là nổi tiếng, thứ hai tay nghề phải cao để làm trụ cho phim nhưng quên mất rằng những nhân vật phụ - nó làm cho phim sinh động, mềm mại và nhiều màu sắc. Tôi nghĩ sau phim này chắc chắn các đạo diễn sẽ chú ý hơn đến các nhân vật phụ. Và tôi thấy phim này rất thành công ở các diễn viên phụ. Nếu như có 1-2 bạn nào đấy chưa thật sự tốt theo như quan điểm của các bạn thì đấy là quan điểm riêng của mỗi người.
Cái tựa đề "Về nhà đi con" sẽ khiến khán giả hình dung rằng - kết phim các con sẽ về nhà đoàn tụ với bố sau những bầm dập của cuộc sống?
- Thực ra bộ phim ban đầu có tên là "Nước mắt gà trống". Tôi còn nhớ khi cầm kịch bản đọc là "Nước mắt gà trống", anh Hoàng Dũng cũng cầm kịch bản đọc và bảo: "Ôi thôi, mày đóng vai gà trống, tao đóng vai nước mắt rồi". Kể cả trên Facebook anh cũng đùa như thế. Bản thân kịch bản lúc đầu có cái tên ấy, tôi cũng không thích thật. Nó có một áp lực nhất định lên nhân vật của tôi. Mặc dù là cái tiêu đề của phim nhưng nó có áp lực, diễn viên phải khóc rất nhiều. Trong phim, bản thân tôi quan niệm khóc hay không - không quan trọng - cái chính là cảm xúc của mình có được truyền cảm đến khán giả hay không. Không khóc thì khán giả cũng cảm nhận được hoàn cảnh, cảm xúc của diễn viên còn hay hơn là khóc bù lu, bù loa ra mà khán giả vẫn bị trơ. Nếu cần cảnh khóc thì không khó, nhưng phải chọn cảnh nào có điểm nhấn để khóc chứ không phải mình khóc tức thì được.
Cái tên "Về nhà đi con", theo như tôi biết thì chính là Đỗ Thanh Hải đã trăn trở và nghĩ ra. Đến khi nói ra thì ai cũng thấy hay cả, không phải vì ông là Giám đốc của hãng phim - bọn tôi có phải quân của ông ấy đâu. Thực ra cái tên phim ấy không phải để là cuối phim các con về nhà. Từ đầu phim ông ấy đã nói với các con là "bố già nua, lẩm cẩm rồi. Bố có một tình yêu, một ngôi nhà. Bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về". Câu nói nó đơn giản thế thôi nhưng khi rơi vào hoàn cảnh quay phim lúc ấy - bọn tôi theo đúng nghĩa là khóc không nói nổi cái câu ấy.
Rất may là tất cả các diễn viên ở trong phim đều có một quan điểm chung về diễn xuất là cố gắng diễn làm sao không sử dụng kỹ thuật nhiều mà đưa cảm xúc tự nhiên vào trong các cảnh quay. Cho nên bây giờ rất nhiều khán giả nói rằng, phim này thích các diễn viên ở chỗ diễn rất tự nhiên. Đấy là cái mà chúng tôi đã thành công.
Những tập gần đây của "Về nhà đi con" được khán giả nhận xét là không còn hay như trước, anh có buồn trước những thông tin này?
- Nói thật là tôi xem bữa đực bữa cái, không phải lúc nào mình cũng có thời gian để xem phim - nhất là buổi tối. Ngay từ đầu phim cũng đã có người thích, người không thích, giai đoạn nào cũng vậy. Cũng có giai đoạn nhiều người chê là - Ánh Dương đang hay thế, tự nhiên đi yêu bố Quốc nên không thèm xem phim nữa. Nhưng những người nói ấy, tôi tin chắc họ là người đầu tiên ngồi nhìn màn hình để chăm chăm chờ xem chứ không phải như comment trên mạng. Mình hiểu tâm lý của họ là như thế. Họ quá yêu thì mới có thể ghét, quá yêu mới bức xúc với nhân vật ấy. Quá yêu Ánh Dương nên mới bức xúc trước việc tại sao đi yêu bố Bảo, lại muốn làm mẹ của bạn mình.
Ngoài đời thực, NSƯT Trung Anh tự nhận là người nóng tính - thỉnh thoảng vẫn tát con bôm bốp
Bản thân nhiều khán giả xem truyền hình khi nhìn ông Sơn lại thấy hình ảnh của bố mình ở trong đấy. Vậy, anh đã đem bao nhiêu % con người thật của mình vào nhân vật?
- Đúng thật! Bây giờ rất nhiều người gọi bố xưng con đây, đi chụp ảnh thế này cũng không chú cháu gì hết, bố con. Người rất nhiều tuổi so với mình mà làm con mình thì mình hơi lớn thật. (Cười) Mình cảm thấy ấm áp bởi việc đó. Mấy hôm trước, chùa Hòa Phát có mời tôi vào trong đấy nói chuyện với 600 cháu ở lứa tuổi từ 18 đến 24 và thực hiện một khóa tu trong 7 ngày. Chiều mùng 10 tôi vào trong đấy nói chuyện, câu đầu tiên tôi thử phản ứng là "Chú chào các cháu!" Tất cả ở dưới cứ ồ lên: "Bố, không phải chú". Các bạn ấy bảo bây giờ bố là người đông con nhất Việt Nam. Những cái điều ấy cũng làm cho mình vui. Bộ phim thành công thì mình cũng mừng, vai diễn của mình được mọi người đón nhận, ưu ái.
Tất nhiên giữa ngoài đời và nhân vật trong phim có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất mình cũng có một cô con gái năm nay 16 tuổi, trong cách dạy dỗ 3 cô con gái kia mình cũng có chút kinh nghiệm để đưa vào trong đời thật. Ngay cả cái tính tát các con, mình cũng có một chút ở trong đó. Tôi là một người nóng tính, thỉnh thoảng tát con bôm bốp. Thật sự với một kịch bản tốt như thế thì mình không mất quá nhiều công sức.
Bộ phim đưa nhân vật lên một mẫu số chung, quan trọng nhất là tình yêu của ông dành cho các con để bù đắp tình cảm của người mẹ. Thật ra phim này nói về bố nhưng hình bóng người mẹ ở trong phim mới là chính. Tôi cũng định viết trên Facebook một bài về người mẹ trong phim, chỉ nói về người mẹ thôi. Chắc các cô biên kịch đưa tôi ra để làm bia thôi chứ các cô đang nói về người mẹ, chứ không phải nói về tôi. Sau mấy bài kia thì bận quá. Lúc đầu đọc kịch bản mình sốc quá, cứ nghĩ là phải mấy ông già, bà già viết cái này. Nhưng hôm họp báo gặp tốp ấy mới giật mình, các cô ấy trẻ và có những cái nhìn sâu sắc ở trong đó!
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê
Theo Tri thức xanh
NSƯT Trung Anh diện vest lịch lãm, phong độ chẳng kém ai khi đứng chung khung hình cùng Công Vinh Hình ảnh diện vest hiếm hoi này của NSƯT Trung Anh đã nhận được không ít lời khen từ khán giả. Từ vai diễn Lương Bổng gai góc trong "Người phán xử" tới "ông bố quốc dân" của "Về nhà đi con", NSƯT Trung Anh vẫn luôn được biết tới với hình ảnh đơn giản, đôi lúc xuề xoà, giản dị. Cho tới...