Diễn viên Tô Dũng: “Tôi thấy vui khi bị khán giả chửi và dọa đập tivi”
Từng nhận được tình cảm lớn từ khán giả với vai Phi trong “Hương vị tình thân”, giờ đây Tô Dũng không ít lần bị khán giả dọa… đập tivi vì tính cách nhân vật trong phim “ Lối về miền hoa” gây ức chế.
“Lối về miền hoa” của đạo diễn Vũ Minh Trí là bộ phim đang nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả bởi đề tài gần gũi, và dàn diễn viên trẻ trung. Bộ phim kể về cuộc sống đầy màu sắc của những người trẻ và câu chuyện trưởng thành của họ trong bối cảnh một làng hoa ven đô.
Các diễn viên trẻ như Mạnh Quân, Trọng Lân, Lâm Đức Anh vào vai “3 chàng ngự lâm” và lột xác với tạo hình nhân vật hoàn toàn khác. Còn diễn viên Tô Dũng – “soái ca Phi” trong “Hương vị tình thân” lại vào vai Nghĩa, một cậu thanh niên mới tốt nghiệp trường đại học danh giá, bản tính tự cao nên luôn khinh thường những ai có học thức thấp hơn mình.
Vốn quen thuộc với những vai tử tế, hiền lành nên khi vào vai Nghĩa, Tô Dũng đã nhận về không ít ý kiến trái chiều từ khán giả. PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với diễn viên Tô Dũng xoay quanh vai diễn này.
Vai diễn của Tô Dũng trong “Lối về miền hoa” nhiều lần khiến khán giả muốn… đập tivi (Ảnh chụp màn hình).
Khi tìm hiểu tâm lý nhân vật Nghĩa, Tô Dũng cảm nhận thế nào về nhân vật này? Có điểm gì trong tâm lý nhân vật và cách thể hiện nhân vật Nghĩa khiến anh lo lắng?
- Nghĩa là một chàng trai trẻ có tính cách cao ngạo ngầm, gia trưởng, bảo thủ, khó tính,… Tính cách không còn gì có thể gây khó chịu hơn.
Tôi không được cầm trọn bộ kịch bản, mới đầu chỉ được đọc 6 tập đầu thôi, sau đó vừa quay, biên kịch vừa viết tiếp. Ban đầu, đọc kịch bản thì tôi cảm thấy Nghĩa cũng là nhân vật khá thú vị. Nhưng sau đó thì nói thật, chính mình đôi lúc cũng cảm thấy khó chịu với tính cách của Nghĩa bởi tâm lý nhân vật Nghĩa khá là “loằng ngoằng”.
Chính vì “loằng ngoằng” nên tôi càng lo lắng, không biết mình có làm tốt được không và cũng khá đau đầu trong quá trình làm việc.
Tô Dũng đau đầu bởi tính cách nhân vật Nghĩa “loằng ngoằng” (Ảnh: FBNS).
Thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh với hình tượng chàng trai hiền lành, soái ca và đã nhận được rất nhiều tình cảm từ khán giả, ví dụ như vai Phi phim “Hương vị tình thân”. Vậy, với vai Nghĩa trong “Lối về miền hoa”, đây có phải là lần đầu tiên anh đảm nhận một vai bị khán giả “chửi” nhiều như thế?
- Chắc chắn là lần đầu tiên rồi! Nghĩa không hẳn là một thằng đểu. Khán giả không khó chịu vì Nghĩa là một nhân vật đểu cáng. Khán giả khó chịu với Nghĩa bởi tính cách có thể nói là “khó mà mê” được.
Đọc những bình luận của khán giả phản hồi trên trang cá nhân, cảm xúc của Tô Dũng như thế nào?
Mới đầu, tôi thấy buồn vì nhân vật của mình bị phản hồi gay gắt quá. Thậm chí có khán giả còn bình luận trong bài viết của tôi thế này: “Anh Nghĩa ơi, anh hãy lắng nghe và đừng bảo thủ nhé. Anh nên thay đổi không có ngày mẹ em đập tivi”.
Rồi tôi chợt nhận ra là: “Ơ, khán giả đang nói nhân vật mà, có nói mình đâu” (cười).
Những gì mà tôi hướng tới cho nhân vật thì khán giả đều cảm thấy đúng như vậy cả… Thế có nghĩa là phần nào đó, tôi đã truyền tải được tới khán giả rồi. Tôi phải vui mới đúng.
Video đang HOT
Khán giả dọa đập tivi vì nhân vật Nghĩa (Ảnh chụp màn hình).
Nghĩa là một chàng kỹ sư nông nghiệp rất tâm huyết nhưng có phần bảo thủ, máy móc, thiếu tính thực tế. Ngoài đời, Tô Dũng có chút tính cách nào giống như Nghĩa trên phim không? Anh đã phải làm thế nào để hóa thân vào nhân vật Nghĩa một cách chân thực nhất?
- Bản thân tôi cũng tự cảm thấy mình khá bảo thủ trong công việc, nhất là khi đã xác định trong đầu điều gì đó, tuy nhiên không đến mức như Nghĩa.
Tôi phải cho nhân vật có một đời sống rõ ràng! Ví dụ như Nghĩa, bằng sự lao động chân tay chăm chỉ của chị gái mà nuôi Nghĩa, giúp Nghĩa được ăn học đàng hoàng. So với Lợi (Trọng Lân) được sinh ra đã có điều kiện, không cần học hành gì, chơi bời lêu lổng. Ở hoàn cảnh ấy, chắc chắn sẽ sinh ra sự đố kị, ghen tị trong Nghĩa.
Nghĩa đối với ông Lâm cũng vậy, ông Lâm là giang hồ khét tiếng ngày xưa, góa vợ, con trai ông Lâm lại bằng tuổi Nghĩa, mà Nghĩa lại còn không ưa con trai ông Lâm. Vậy thì chắc chắn Nghĩa sẽ không dễ dàng đồng ý cho chị gái mình yêu ông Lâm. Mình cứ đặt ra những vấn đề như vậy, với chính tâm lý ấy mà dựa vào để thể hiện nhân vật thôi.
Tô Dũng cho rằng, nhân vật Nghĩa như món “tặng kèm” trên bàn tiệc “Lối về miền hoa” (Ảnh: FBNS).
“Lối về miền hoa” ghi hình trong điều kiện thời tiết giá rét trong suốt mùa đông, trong quá trình quay phim, anh và đoàn phim đã gặp những khó khăn thế nào?
- Mỗi ngày đi quay đối với tôi đều rất đáng nhớ, nhưng có lẽ khó quên nhất là những ngày ghi hình khi thời tiết giá rét chỉ 9 -10 độ. Sáng ra, đoàn quay ở giữa cảnh đồng, bối cảnh phim là mùa hè nên diễn viên toàn mặc áo cộc.
Tôi và các bạn diễn rét tới mức miệng không thể nào thoại lưu loát nổi. Những lúc ấy, anh em lại đùa nhau: “Làm nghề gì không làm lại đi làm diễn viên”. Thật sự nhiều khó khăn nhưng cũng rất thú vị.
Nếu như để ví bộ phim “Lối về miền hoa” giống như một bàn tiệc có đủ các món: khai vị, món chính, tráng miệng, Tô Dũng thấy nhân vật Nghĩa sẽ là món gì trên bàn tiệc?
- Tôi nghĩ, cứ coi như “3 chàng ngự lâm” Lợi (diễn viên Trọng Lân), Bão (diễn viên Mạnh Quân) và Linh (diễn viên Lâm Đức Anh) là món khai vị tuyệt vời để mọi người theo dõi phim.
Hành trình thay đổi bản thân của Lợi và chuyện tình với Thanh (diễn viên Anh Đào) là món chính. Món tráng miệng là chuyện tình của “đôi già”: chị Hoa (diễn viên Đàm Hằng) và chú Lâm (diễn viên Nguyễn Thanh Bình).
Thì nhân vật Nghĩa sẽ như một món “tặng kèm” nho nhỏ trên bàn tiệc “Lối về miền hoa”. Sẽ có người thấy ngon, có người thấy không ngon, có người thấy thú vị, có người thấy ghét, nhưng bằng cách nào đi nữa thì Nghĩa vẫn sẽ được… nhắc tới.
Tô Dũng có cơ hội chỉnh sửa đôi chút về nhân vật Nghĩa nhưng anh vẫn quyết định không thay đổi (Ảnh: FBNS).
Nếu được phép thay đổi một chút về nhân vật Nghĩa, anh sẽ thay đổi điều gì?
- Trong quá trình ghi hình, tôi có nhiều cơ hội để thay đổi về Nghĩa nhưng tôi không làm. Thứ nhất, tôi thấy Nghĩa như này là hợp lý. Thứ hai, tôi tôn trọng sự sáng tạo của biên kịch. Thứ ba, tôi tôn trọng ý đồ của đạo diễn. Tôi cho rằng, một bộ phim phải có nhiều gia vị và việc bị khán giả ghét cũng là một thành công .
Tôi chỉ sợ khán giả không thèm quan tâm, không thèm nhắc tới hay bàn luận. Đó mới là thất bại. Vì thế, tôi nghĩ cứ để Nghĩa như thế này đi, sau Nghĩa có thay đổi hay không, có được mọi người yêu quý hay không thì chúng ta cùng… nín thở chờ đợi vậy!
Nếu gặp một người giống như Nghĩa ở ngoài đời, anh sẽ nói với người đó điều gì?
- Thật khó để nói với họ điều gì. Tuổi trẻ mà, ai cũng từng hiếu thắng, từng mơ mộng, viển vông, từng bảo thủ cố chấp. Nhưng đến một lúc nào đó, chính họ sẽ tự nhận ra và tự điều chỉnh bản thân mình thôi. Tôi nghĩ là như vậy!
Nhân vật Lợi (do Trọng Lân thủ vai) và Nghĩa (Tô Dũng) luôn hiềm khích xuyên suốt bộ phim (Ảnh: FBNS).
Trong suốt hành trình làm nghề của một diễn viên, Tô Dũng sợ nhất điều gì?
- Tôi sợ nhất là một màu, bị đóng khung trong một dạng vai nào đó. Thật ra, tôi nói là sợ làm dạng vai giống nhau thì cũng không phải, mà sợ không được tin tưởng trao cơ hội làm nhiều dạng vai khác nhau thì đúng hơn.
Nếu như bản thân mình được các đạo diễn tin tưởng giao cho nhiều dạng vai tốt, xấu, đểu, trộm cắp, sát nhân…, mình mới biết mình có thể làm được tới đâu.
Trong tương lai, tôi muốn được một lần thử sức với vai kẻ sát nhân hoặc một người với khởi đầu gặp biến cố, mất đi tất cả, sau đó trở lại một cách mạnh mẽ chẳng hạn… Nói chung, nhân vật nào tôi cũng muốn làm một lần trong sự nghiệp diễn xuất.
Xin cảm ơn diễn viên Tô Dũng về những chia sẻ!
Thắng 'Lối về miền hoa' bị dọa đánh vì vai sở khanh
Dù chỉ mới xuất hiện và lộ mặt sở khanh được vài tập nhưng nhân vật Thắng của Huy Bách đã bị khán giả ghét nhất phim Lối về miền hoa và thường xuyên bị réo tên trên các diễn đàn vì quá bẩn bựa.
Không nghĩ phản ứng của khán giả gay gắt đến như thế
Huy Bách vào vai Thắng trong Lối về miền hoa.
- Nhân vật Thắng trong Lối về miền hoa đang bị khán giả ghét ném đá dữ dội trên khắp các diễn đàn, anh có dự đoán trước khán giả sẽ phản ứng như thế?
Tôi dự đoán được phần nào vai diễn của mình sẽ ném đá nhưng không nghĩ phản ứng của khán giả gay gắt đến như thế, thậm chí có khán giả còn inbox trang cá nhân của tôi để dọa đánh nữa. "Tôi mà gặp ông ở ngoài tôi sẽ đấm ông kể cả không phải việc của tôi" (cười).
- Khi đọc kịch bản chắc chắn anh biết rõ vai diễn của mình sẽ đáng ghét chứ? Bản thân anh có thấy khó chịu vì chính nhân vật mình đóng?
Tôi nghĩ vai này cũng gần với một số người gần đây xuất hiện trên mạng xã hội, trường hợp này hiếm nhưng không phải là không có. Khi đọc kịch bản tôi đã nghĩ sao vai này nó lại ghét thế chứ, thực sự rất khó chịu. Đọc kịch bản đã vậy nhưng khi ra hiện trường anh Trí đạo diễn lại gẩy thêm cho nhân vật này một số đường nét thậm chí càng ngày càng khó chịu hơn mà tôi cũng không tưởng tượng ra được. Đôi khi tôi cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật mới diễn được như vậy. Thực tế ngoài đời tôi cũng đã từng gặp người như Thắng và cũng thấy vô cùng khó chịu.
- Phản ứng của vợ anh thế nào khi xem vai diễn mới nhất của chồng lại khó chịu như vậy?
Khi xem phim này bà xã tôi nói vui; "Giống nhỉ! Giống thế". Thú thực là ngày xưa tán tỉnh bà xã tôi cũng bịa ra một số trường hợp xem bói tay. Do vậy tình huống Thắng xem bói cho Tố trên phim hoàn toàn là do tôi và anh Trí đạo diễn sáng tác ra chứ không có trong kịch bản.
- Bản thân anh thấy sao khi xem phim? Thấy mình đóng quá đạt hay cũng ghét chính nhân vật mình đóng?
Khi quay thì không có hiệu ứng cắt ghép như khi lên sóng do vậy lúc đóng cũng thấy đáng ghét rồi nhưng khi lên phim nói thật khi xem tôi còn thấy khó chịu với chính bản thân mình và tự nhủ: "Tại sao mình lại có thể làm trông nó tởm đến thế này được nhỉ? Ngoài đời lại có đàn ông nào trông như thế này được không?"
Một khán giả bức xúc với nhân vật Thắng viết thư cho đơn vị sản xuất.
- Có khi sau phim này Thắng sẽ là mẫu đàn ông tiêu biểu mà phụ nữ nên tránh xa... Từ khi đóng phim đến giờ có vai diễn nào của anh được chú ý như vậy?
Một số tập đầu phim thì spotlight dành cho nhân vật Thắng của tôi. Cũng có những trang mạng xã hội họ cắt hình ảnh nhân vật và cảnh phim rồi chú thích: "Thắng, thằng đểu đòi quà". Thậm chí có khán giả còn viết cả đơn tố cáo bằng tay chụp ảnh lên mạng gửi tôi. Tôi thấy vui vì dù sao mình cũng đóng góp được một phần cho thành công của bộ phim và được khán giả để ý đến, không cần biết họ để ý theo chiều hướng tiêu cực hay không vì vai của mình rõ ràng là tiêu cực tôi vẫn thấy vui.
- Khi đọc kịch bản, điều gì ở nhân vật Thắng - dù là nhân vật xấu tính biết chắc sẽ bị khán giả phản ứng, thuyết phục anh nhận lời?
Từ trước đến giờ tôi hay nhận những vai tương đối có vấn đề, như trong phim Mê cung chẳng hạn, đó là nhân vật bệnh hoạn. Tuy nhiên đó là những nhân vật một chiều, có vấn đề về thần kinh và suy nghĩ mà thôi nhưng vai Thắng lại đa chiều. Trước mặt Thắng tỏ ra rất tử tế, đàng hoàng nhưng ẩn đằng sau lại cực kỳ đểu. Thắng rõ ràng là kẻ hai mặt nhưng vẫn khiến nhiều cô gái tin vào vẻ đạo mạo và lời nói đường mật của mình. Đó là vai đa màu sắc mà tôi thực sự thích. Một vai như thế không phải có nhiều cơ hội để mà có được và thể hiện mình.
Phải quay lại nhiều lần chỉ vì đạo diễn cười quá to
- Với anh đây là một vai dễ dàng?
Vai diễn này không dễ dàng chút nào. Có những phân đoạn tôi phải xin đạo diễn xem lại xem đã ổn chưa và diễn đã đúng chưa. Cái khó nhất ở vai này là Thắng có sự tử tế đạo mạo bên ngoài nhưng phía sau lại đểu cáng, phải diễn làm sao để sự đểu cáng chỉ thoáng qua nhưng vẫn khiến người ta nhận ra được. Đó là điểm rất khó để thể hiện, khó hơn nhiều những vai chỉ đểu cáng 1 chiều. Do vậy vai diễn này khiến tôi trăn trở suy nghĩ nhiều.
Huy Bách gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười khi đóng phim.
- Trong phim Thắng nhiều lần bị đám bạn chơi xấu hay trả đũa khiến khán giả khi xem rất hả hê. Bản thân anh khi quay những cảnh đó chắc cũng không nhịn được cười vì nhân vật của mình bị ăn đòn?
Ở hiện trường đạo diễn thường theo dõi diễn viên diễn qua màn hình nên đoạn nào thích là anh Trí là cười rất to, đôi khi chúng tôi phải quay lại vì anh ấy cười và tiếng cười thu vào cả mic. Ví dụ như cảnh Anh Đào đạp tôi chẳng hạn, vì đạo diễn thích thú và cười to quá mà tôi bị đạp 3 lần do phải quay đi quay lại. Cảnh Thắng bị Bão tát cũng vậy, vì anh Trí cười quá to nên chúng tôi cũng phải làm lại nhưng trong tâm trạng vui vẻ chứ không căng thẳng gì cả.
Ở hậu trường các diễn viên nhiều khi phải diễn lại vì cười quá nhiều.
- Anh có thể cụ thể hơn?
Tôi là người có khả năng học thoại tương đối tốt và trong trường Sân khấu Điện ảnh tôi từng được các thầy cô nhận xét là thông minh. Nhưng chỉ dựa vào điều đó mà không trau dồi nghề nghiệp hay chỉn chu trong việc xây dựng vai diễn thì sớm hay muộn cũng bị người khác nghĩ không hay. Trước đây tôi cũng từng đóng nhiều phim nhưng khi đến hiện trường mới đọc kịch bản. Sau này tôi mới hiểu ra đó là cách làm của người không chuyên tâm, không yêu nghề và tôi đã để quá nhiều thời gian và cơ hội trôi qua. Giờ hơi muộn nhưng còn hơn không, giờ là lúc mình phải thay đổi.
Diễn viên chuyên trị vai 'trai hư' của phim Việt Trọng Lân từng đảm nhận nhiều vai phản diện trong các phim "Quỳnh búp bê", "Cô gái nhà người ta", "Tình yêu và tham vọng". Trọng Lân không phải gương mặt xa lạ với khán giả truyền hình, dù chuyên trị vai phụ. Trên màn ảnh, anh thường được giao những vai phản diện, trai đểu, chơi bời lêu lổng và bị ghét....