Diễn viên Thúy Hà nuối tiếc vì hy sinh sự nghiệp cho gia đình
Nữ diễn viên ‘ Bến không chồng ‘ thấy tiếc vì những gì mình hy sinh không được bù đắp xứng đáng.
- Nhiều năm trở lại đây, khán giả không thấy chị có phim mới. Lý do gì khiến chị vắng bóng lâu đến vậy?
- Từ khi sinh ra, cậu con trai thứ hai của tôi đã có sức đề kháng rất kém nên thường xuyên ốm đau. Đã nhiều lần tưởng chừng sẽ có chuyện buồn xảy ra nếu bạn ấy không được đưa đi cấp cứu kịp. Hôm nay bạn ấy khỏe nhưng mai có thể ốm ngay nên tôi không yên tâm lắm nếu đi quay ở ngoại tỉnh và phải ở lại qua đêm cùng đoàn phim. Vì vậy, tôi không dám đi đâu xa và cũng không dám nhận đóng phim dài tập mà chỉ làm việc quanh quanh ở thành phố để có thể về nhà với con. Bạn ấy dù đã lớn hơn nhưng vẫn phải để ý đến sức khỏe. Tôi nhiều lần phải ngậm ngùi vì phải từ chối những cơ hội đến với mình.
Diễn viên Thúy Hà và cậu con trai thứ hai.
- Cuộc sống hiện tại của chị như thế nào?
- Thời gian qua, tôi vắng bóng trên truyền hình nhưng vẫn hoạt động tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Ngoài ra, tôi có một công ty truyền thông. Ba năm trở lại đây, khán giả không thấy tôi trên truyền hình nhưng nhìn thấy tôi với các hoạt động xã hội. Tôi gần gũi với các em bé tự kỷ và người khuyết tật. Tôi làm chương trình về các bạn kém may mắn, đồng hành và giúp các bạn làm sản phẩm handmade.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ dừng công việc nghệ thuật để bước vào kinh doanh. Tuy nhiên, cuộc sống không phải là một con đường thẳng và chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Kinh doanh là con đường tôi buộc phải lựa chọn khi đứng ở ngã năm, ngã bảy của đời mình. Khi bước vào con đường này, tôi phải học từ đầu vì mọi thứ hoàn toàn mới mẻ. Nhiều lần tôi nản chí và muốn dừng lại vì quá nhiều khó khăn và cảm thấy không phù hợp với mình. Tôi đã nhiều lần trả giá cho những ngày đầu bước vào kinh doanh. Bây giờ, tôi đã biết cách để không dẫm vào gai nữa.
- Thời gian gần đây, nhiều bộ phim dài tập gây sốt trên truyền hình. Chị thấy thế nào khi đứng ngoài quan sát điều đó?
- Phải nói là tôi rất rất tiếc chứ không chỉ là tiếc. Tôi tiếc vì không được tham gia một trong những bộ phim gây sốt thời gian qua để được tiếp cận gần hơn với khán giả. Tôi sợ một ngày nào đó khán giả sẽ quên mình. Nghệ sĩ nữ thường rất thiệt thòi với nghệ sĩ nam. Ngoài công việc nghệ thuật, chúng tôi còn rất nhiều công việc khác, đặc biệt là chăm lo cho gia đình. Chúng tôi phải biết chấp nhận hy sinh khi lựa chọn gia đình hoặc công việc. Tôi phải hy sinh sự nghiệp để dành thời gian cho con.
Có nhiều lần tôi được giao kịch bản mà mình rất thích nhưng vẫn phải từ chối vì thời điểm đó, con tôi thi hoặc ốm. Gần đây nhất là phim truyền hình Thương nhớ ở ai, chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Trước đó, tôi từng đóng vai Hạnh trong phiên bản điện ảnh của phim này đã được quay từ 1999. Khi làm Thương nhớ ở ai, anh Lưu Trọng Ninh đã mời tôi vào vai Nhân. Khi xem kịch bản, tôi biết anh Ninh đưa bộ phim mở rộng ra rất nhiều, có nhiều đất cho diễn viên thể hiện mình. Do dự mãi, tôi vẫn phải từ chối. Khi phim chiếu trên truyền hình, tôi thấy tiếc lắm.
- Chị mong muốn được một vai như thế nào khi tái xuất?
- Ngày trước, tôi được đóng đinh trong vai những cô nông thôn kham khổ, phụ nữ thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, hai bộ phim Bí mật Eva và Mưa bóng mây đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn hình ảnh đó. Mọi người rất ngỡ ngàng khi tôi diễn rất ngọt vai đanh đá. Bản thân tôi cũng nhận ra mình có thể thành công khi thể hiện vai ghê gớm. Chính vì vậy, tôi không giới hạn bản thân trong vai hiền lành hay đanh đá mà mong muốn nhận được một kịch bản hay, nhân vật nào cũng nổi trội và hòa quyện vào nhau. Tôi có thể nhận vai phụ nếu nhân vật đó thực sự có cá tính và góp phần vào thành công của bộ phim.
Video đang HOT
Diễn viên Thúy Hà.
- Giữa nghề diễn và kinh doanh, chị thấy mình xuất sắc trong vai trò nào hơn?
- Về nghệ thuật, hãy để khán giả đánh giá. Về kinh doanh, tôi nhận thấy mình cũng là người khá nhanh nhẹn, nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, tôi vốn là một người làm nghệ thuật nên nên vẫn hay lẫn lộn giữa nghệ thuật và kinh doanh. Tôi thường tin tưởng tuyệt đối những người xung quanh. Có những ý tưởng lẽ ra tôi nên giữ cho riêng mình thì lại mang đi chia sẻ hết. Điều đó khiến ý tưởng của tôi trở thành của người khác và tôi không ứng phó được. Nếu khôn ngoan hơn, biết giữ cho mình hơn thì có lẽ tôi sẽ thành công hơn.
- Chị được ông xã hỗ trợ thế nào trong cuộc sống cũng như sự nghiệp nghệ thuật và kinh doanh?
- Tôi hiện đi riêng trên con đường của mình, không có sự hỗ trợ nào. Trước đây, tôi và anh ấy đã là hai chiều khác nhau vì một người hoạt động về kinh doanh còn một người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi học hỏi ở anh ấy sự nhanh nhẹn và cách nhìn nhận về xã hội.
- Ông xã truyền cho chị những kinh nghiệm gì trong kinh doanh?
- Hoàn toàn không có gì vì mỗi ngành nghề kinh doanh đều có đặc thù khác nhau. Tôi làm về truyền thông còn anh ấy làm về thương mại, xuất nhập khẩu. Vì thế, tôi phải tự bơi thôi (cười).
- Chị nghĩ sao về lời đồn Thúy Hà không đi diễn vì có hậu phương vững chắc về kinh tế?
- Ai cũng thấy hình ảnh Thúy Hà đài các, tiểu thư nhưng ở phía sau cánh cửa, tôi biết cầm chổi quét nhà, nấu bếp, thức trắng đêm khi con ốm đau như tất cả những phụ nữ khác. Mọi lời đồn đoán vẫn cứ là đồn đoán mà thôi.
Mỗi một gia đình đều có hoàn cảnh, câu chuyện, nỗi niềm riêng. Tuy nhiên, câu chuyện đó phải được giữ lại bên trong cánh cửa. Phía sau cánh cửa đó như thế nào, chỉ có những người sống trong đó biết được. Bên ngoài cánh cửa của gia đình tôi đang có bão và bão đang rất to. Vì thế, ở thời điểm này tôi muốn chốt cửa thật chặt và sẽ chia sẻ vào dịp khác.
Diễn viên Thúy Hà trong phim ‘Bến không chồng’ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
- Chị cảm thấy thế nào khi hy sinh sự nghiệp cho gia đình, để rồi bỏ lỡ nhiều cơ hội tỏa sáng trong sự nghiệp?
- Thật ra tôi nuối tiếc rất nhiều. Tôi từng nghĩ rằng những gì mình bỏ ra rồi sẽ được bù đắp và việc mình hy sinh niềm đam mê nghệ thuật, hy sinh công việc riêng để dành thời gian cho gia đình thì sẽ được ghi nhận. Tuy nhiên, những điều đã xảy ra hoàn toàn ngược lại. Khi nhìn lại và thấy sự nghiệp nghệ thuật của mình giậm chân tại chỗ, tôi tiếc lắm những gì mình đã bỏ lỡ. Nếu tôi biết cân bằng cuộc sống giữa gia đình và sự nghiệp thì sẽ tốt cho mình nhiều hơn, chắc chắn mọi thứ sẽ khác.
Dù nuối tiếc nhưng tôi không ân hận vì tôi đã lựa chọn ở bên con khi chúng ốm đau, cần mẹ chăm sóc. Tôi thấy vui vì con đã khỏe nhưng vẫn không quên cảm giác tiếc nuối với nghề. Với sự yêu nghề đã ngấm sâu vào máu, tôi tin rằng một ngày nào đó gần nhất tôi sẽ lại được quay lại với khán giả truyền hình. Hiện tại, tôi vẫn thường xuyên diễn ở Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi mà chúng tôi gọi là ngôi nhà thân yêu.
Thúy Hà tên thật Đinh Thị Thúy Hà, từng là một trong những gương mặt nữ diễn viên nổi bật của phía Bắc. Hơn 10 năm trước, cô được chú ý khi vào vai Hạnh trong phim điện ảnh Bến không chồng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Sau đó, cô liên tục xuất hiện trên truyền hình với hình ảnh phụ nữ nông thôn lam lũ, chịu thương chịu khó. Sau này, Thúy Hà đổi hình ảnh khi đảm nhận vai cá tính trong Bí mật Eva và Mưa bóng mây.
Chi Anh
Theo Ngoisao.net
Những mẫu phụ nữ Việt trong dàn nhân vật 'Thương nhớ ở ai'
Mỗi nhân vật trong bộ phim đại diện cho một hình mẫu phụ nữ Việt Nam.
Bộ phim Thương nhớ ở ai được chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Vạn - bộ đội phục viên về làng Đông, trong bối cảnh miền Bắc Việt Nam vừa kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Qua mối quan hệ của Vạn, những người phụ nữ trong làng được đạo diễn Lưu Trọng Ninh khắc họa rõ nét. Mỗi người có tính cách khác nhau, điển hình cho những người phụ nữ thời xưa và xen kẽ những nhân vật bứt phá với lối suy nghĩ của phụ nữ hiện đại.
Trích đoạn tập 11 'Thương nhớ ở ai'
1. Nhân
Nhân là nhân vật trung tâm của phim và cũng là mẫu người phụ nữ Việt Nam điển hình. Nhân dịu dàng, chăm chỉ và luôn nhẫn nhịn mọi chuyện, lựa chọn hy sinh bản thân.
Vì mối thù giữa hai họ trong làng Đông mà Nhân và Vạn không thể đến với nhau. Vạn bỏ làng đi, Nhân cưới người khác. Chồng hy sinh, Nhân thành vợ liệt sĩ, ở vậy nuôi ba con, tự tay làm hết việc nặng nhọc trong gia đình. Chưa bao giờ Nhân than vãn, kể lể mà chỉ nhẫn nhịn, chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Thậm chí, khi Vạn đã quay về làng, Nhân cũng không dám đáp lại tình cảm của Vạn vì nghĩ đến người chồng liệt sĩ và ba đứa con. Nhân chấp nhận hy sinh hạnh phúc của bản thân.
2. Hơn
Hơn được miêu tả là cô gái đẹp nhất làng Đông, làm dâu trong gia đình địa chủ. Thời thế thay đổi, chồng Hơn bị xử tử, để lại mẹ con Hơn nương tựa vào nhau. So với Nhân, cuộc sống của Hơn khổ sở hơn. Cô đã nhiều lần nghĩ đến cái chết vì không chịu được cảnh mất chồng, bị cả làng dè bỉu, xa lánh. Vì con trai, Hơn phải nuốt nước mắt vào trong để sống tiếp.
Khác với Nhân, Hơn sẵn sàng bày tỏ tâm tư tình cảm của mình, thậm chí dám đấu tranh cho tình yêu. So với những người phụ nữ của làng Đông, Hơn có chút gì đó hiện đại, mạnh mẽ hơn.
3. Nương
Nương là một nhân vật phá cách trong phim. So với những người phụ nữ khác trong làng, Nương từng trải và đanh đá hơn nhiều. Nương sống tự do, luôn khát khao vượt ra khỏi rào cản lễ giáo phong kiến. Chính vì cá tính này, cộng với quá khứ từng là cô hát ả đào trên phố khiến Nương bị kỳ thị bởi những người dân ở làng. Nhưng điều đó không làm người phụ nữ này bận tâm. Cô vẫn mạnh mẽ sống cuộc sống của mình.
Nhưng bên trong vỏ bọc ghê gớm ấy của Nương là một người phụ nữ mềm mại, cũng biết yêu, biết ghét. Sự yếu đuối của Nương thể hiện khi cô nhận được tình cảm của Đột - chủ tịch xã, cô đã không dám đáp trả vì khoảng cách địa vị giữa hai người.
4. Liễu
Liễu là cô gái chửa hoang ở làng Đông, bị phạt cạo đầu bôi vôi, thả trôi sông. Chỉ là một nhân vật phụ trong phim nhưng Liễu cũng khiến người xem ghi nhớ bởi hoàn cảnh trớ trêu. Liễu là đại diện cho những cô gái ngây thơ, khờ dại, dễ bị đàn ông dụ dỗ rồi ruồng bỏ, không biết tự bảo vệ mình. Khi bị làng bắt phạt vì tội làm "bại hoại gia phong", Liễu cũng chỉ cam chịu, chấp nhận cái chết nếu như không có Nương cứu.
5. Bà Bánh
Vợ chồng ông bà Bánh là tuyến nhân vật phụ nhưng cũng gây ấn tượng với khán giả vì chứa đựng những nét điển hình của một gia đình thời xưa. Ông Bánh là người đàn ông gia trưởng, trọng nam khinh nữ nhưng lại không đẻ được con trai. Để "dằn mặt" vợ, mỗi lần đến bữa cơm, ông đều bắt mấy cô con gái phải đọc bài vè "Chúng con là lũ vịt giời. Bé thì ăn hại, lớn thì bay đi" cho vợ "sáng mắt ra".
Bà Bánh cam chịu tất cả, luôn nghe theo lời chồng, chấp nhận đẻ liên tục để cố được một thằng cu cho ông chồng vừa lòng. Bà Bánh, cũng như nhiều phụ nữ thời xưa, luôn coi chồng mình như lẽ sống, không bao giờ dám trái lời, luôn nhẫn nhịn mà nhận phần cay đắng về mình.
Theo VNE
Lưu Trọng Ninh làm 'Bến không chồng' bản truyền hình Đạo diễn sử dụng chất liệu từ tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng để xây dựng 34 tập phim. Phim mới có tên Thương nhớ ở ai,khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến ở làng Đông - một vùng quê Bắc bộ điển hình. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ,...