Diễn viên ‘Star Wars’ qua đời vì Covid-19
Andrew Jack mất ở tuổi 76, chỉ hai ngày sau khi nhập viện và vợ ông rất đau lòng vì không thể gặp mặt lần cuối.
Diễn viên kiêm huấn luyện viên ngôn ngữ Andrew Jack.
Ngày 1/4, đại diện của Andrew Jack xác nhận nam diễn viên kiêm huấn luyện viên phương ngữ người Anh đã qua đời tại bệnh viện ở Surrey vào tối 31/3 vì những biến chứng của Covid-19.
Vợ Andrew – bà Gabrielle Rogers – đang cách ly ở Australia nên không thể gặp chồng nói lời từ biệt. Bà chia sẻ trên Instagram: “Trái tim tôi tan vỡ khi thông báo với các bạn rằng hôm nay tôi đã mất đi người đàn ông của mình. Andrew Jack đã được chẩn đoán nhiễm nCoV khi nhập viện chưa đầy 48 tiếng trước ở ngoại ô London. Anh ấy ra đi vào ngày hôm nay, không đau đớn và tạ thế bình yên vì anh ấy biết rằng các con, cháu, người thân, bạn bè và vợ luôn dõi theo anh ấy. Hãy bảo trọng ở nơi đó nhé anh yêu”.
Andrew Jack từng chỉnh giọng cho Robert Downey Jr trong phim “Charlie Chaplin”, giúp Robert giành đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc.
Video đang HOT
Đầu năm nay, Andrew Jack vẫn khỏe mạnh và đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên phương ngữ cho tài tử Robert Pattinson trong phim The Batman. Andrew được coi là bậc thầy về ngôn ngữ và phương ngữ của điện ảnh Anh – Mỹ. Trong suốt sự nghiệp, ông đã giúp hơn 200 diễn viên chỉnh âm giọng để nhập vai gồm Robert Downey Jr. (khi đóng vai danh hài Charlie Chaplin và Sherlock Holmes), Pierce Brosnan (đóng điệp viên 007 trong GoldenEye, Tomorrow Never Dies và Die Another Day), Chris Hemsworth (trong loạt phim Thor) và dàn diễn viên phim Chúa tể những chiếc nhẫn…
Andrew Jack cũng đóng vai Thiếu tá Caluan Ematt (sau này trở thành Tướng quân) của quân kháng chiến trong hai phần phim Star Wars là Star Wars: The Force Awakens năm 2016 và Star Wars: The Last Jedi năm 2018. Ông lồng tiếng nhân vật Moloch trong phần ngoại truyện mang tên Solo: A Star Wars Story.
Andrew Jack đóng vai Thiếu tá Caluan Ematt phim “Star Wars”.
Hoài Vũ
Chuyện về Stargate - Siêu phẩm bị lãng quên
Nhắc đến thể loại phim du hành vũ trụ, người ta thường liên tưởng tới Star Wars (Chiến tranh các vì sao) (từ 1977 đến nay) hay Star Trek (Du hành giữa các vì sao) (từ 1979 đến nay) nhưng sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến Stargate (Cánh cổng vũ trụ) (1994-2011), một serie không hề kém cạnh về chiều sâu của cốt truyện phim cũng như sức ảnh hưởng đến những người yêu thích thể loại phim viễn tưởng.
Điều đáng nói, serie Stargate đã bị dừng vô thời hạn sau khi hãng sản xuất của phim là Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) đệ đơn phá sản vào năm 2010 khiến các fan hâm mộ vô cùng thất vọng đối với hành trình còn dang dở của một siêu phẩm chưa đến hồi kết.
Sự thành công đầy "tai tiếng"
Stargate lần đầu xuất hiện vào năm 1994 và thu về hơn 16.650.000USD doanh thu tại Mỹ chỉ trong tuần đầu tiên công chiếu. Chuyện phim kể về cuộc phiêu lưu bí mật của đoàn thám hiểm do quân đội Mỹ hậu thuẫn đi qua một cổng sao (Stargate) do nền văn minh cổ đại để lại được khai quật tại Ai Cập và di chuyển đến một hành tinh khác cách Trái Đất hàng trăm triệu năm ánh sáng. Tại đây, đoàn thám hiểm đã gặp được loài người bản địa có lịch sử di cư từ Trái Đất và chạm trán với những kẻ phản diện là một giống loài người ngoài hành tinh có tham vọng sống ký sinh trong thân xác của con người để đạt được sự bất tử và nô lệ hóa loài người nhằm phục vụ chúng vĩnh viễn.
Cũng như những "đàn anh" đi trước như Star Wars hay Star Trek, khán giả vô cùng yêu thích bộ phim, mặc cho các nhà phê bình không hứng thú mấy. Gần 200 triệu USD doanh thu trên thị trường thế giới đã minh chứng cho sức hút của phim. Và không lâu sau đó, nguyện vọng làm phần tiếp theo được nhiều người ủng hộ. Nhưng trước khi trở thành serie phim dài đình đám, Stargate đã vướng phải một cuộc chiến pháp lý khi đạo diễn Roland Emmerich và nhà biên kịch Dean Devlin bị kiện bởi một giáo viên trung học tên là Omar Zuhdi tại Oklahoma, Mỹ.
Ông Zuhdi cho rằng Stargate đã đánh cắp ý tưởng của ông trong một bản thảo có tựa đề Egyptscape đã gửi cho hãng 20th Century Fox vào năm 1984 và bị hãng này từ chối. Sau đó, công ty sản xuất và phân phối phim Studiocanal tình cờ có được bản thảo Egyptscape, thuê Emmerich và Devlin viết lại thành kịch bản cho Stargate. Ông Zuhdi kiện các bên liên quan kể cả nhà phân phối của Stargate là hãng MGM với số tiền là 140 triệu USD, ước tính đối với thành công của phim vào thời điểm đó. Ngay cả thẩm phán trong vụ kiện cũng thể hiện quan điểm đồng tình nghiêng hẳn về phía Zuhdi. Tuy nhiên, ông Zuhdi cuối cùng chấp nhận mức bồi thường 50.000USD bên phía hãng phim đề nghị.
Nhiều người tin rằng nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là do bản thảo của Zuhdi chưa đăng ký bản quyền từ thời điểm gửi xét duyệt năm 1984 và luật bản quyền năm 1995 chỉ công nhận quyền sở hữu trí tuệ thuộc về những ai đã đăng ký bản quyền sáng chế.
Chặng đường đầy chông gai còn dang dở
Mặc dù đã được phía nhà sản xuất "bật đèn xanh", Stargate phải mất nhiều năm để có thể bước tiếp cuộc hành trình của mình. Theo Roland Emmerich và Dean Devlin, họ dự định sẽ làm 2 phần phim tiếp theo của Stargate ngay sau vụ kiện nhưng thành công với siêu phẩm Independence Day (Ngày độc lập) (1996) đã đẩy lùi kế hoạch bấm máy của Stargate do nhà sản xuất Studiocanal lo sợ khó cạnh tranh được người xem khi cơn sốt Ngày độc lập vẫn còn mạnh mẽ trên thị trường. Sau đó, Studiocanal bất ngờ bán luôn quyền sản xuất và công chiếu của Stargate cho hãng MGM khiến dự án Stargate của cả 2 nhà làm phim bị cắt ngang và họ bỏ đi tham gia sáng tạo những siêu phẩm khác như Godzilla (1998) và The Patriot (Nhà ái quốc) (2000).
May mắn thay, Emmerich và Devlin không phải là những người duy nhất "phải lòng" Stargate. Vào thời điểm công chiếu Stargate (1994), 2 nhà sản xuất phim của serie viễn tưởng nổi tiếng The Outer Limits (1995-2002) là Brad Wright và Jonathan Glassner đã tìm thấy niềm đam mê trong cốt truyện đầy tiềm năng của Stargate. Họ đã đánh tiếng với MGM và đã nhận được điều kiện phải tiếp tục The Outer Limits song song với dự án Stargate bởi khi đó The Outer Limits vẫn là "con gà đẻ trứng vàng". Brad Wright và Jonathan Glassner đã nhận lời và MGM có 2 serie viễn tưởng đầy tiềm năng là The Outer Limits và Stargate SG-1 với 10 mùa phim (1997-2007).
Vào mùa thứ 8 của Stargate SG-1, Brad Wright bất ngờ cho phát hành serie Stargate: Atlantis (2004-2008) như một serie ngoại truyện của chính Stargate SG-1, do Wright và đồng nghiệp Robert C.Cooper chắp bút kịch bản. Ban đầu, Stargate: Atlantis được xem là phần nối tiếp của serie chính nhưng sau một thời gian xem xét, nhà sản xuất đã giới hạn chỉ kéo dài trong 5 mùa phim.
Sau Stargate: Atlantis, một cuộc hợp tác đầy tham vọng giữa MGM, kênh truyền hình Syfy và Brad Wright cho ra đời một serie Stargate mới với diện mạo mới và đồ họa ấn tượng hơn là serie Stargate Universe, được cho là "con bò sữa" mới của MGM. Tuy nhiên, nhiều fan gạo cội từ thuở ban đầu cho rằng Stargate Universe là một thất bại khi chuyện phim bị bẻ cong so với serie gốc. Trước khi Stargate Universe có cơ hội được sửa chữa để lấy lại niềm tin của fan hâm mộ, hãng MGM đã đệ đơn phá sản khiến cả serie buộc phải kết thúc. Nhưng vào ngày 6 tháng 12 năm 2019, cộng đồng fan hâm mộ Stargate đã tạo nên một cơn bão trên nền tảng Twitter được gọi là Stargate Superdrive do hàng trăm ngàn lượt Tweet từ fan hâm mộ nhằm vực dậy lại một siêu phẩm đang ngủ quên mà cho đến nay vẫn chưa dừng lại ở vài chục triệu lượt Tweet.
Hy vọng, chúng ta sẽ được chứng kiến sự hồi sinh của huyền thoại bị lãng quên vẫn đang ám ảnh những người yêu thích thể loại phim viễn tưởng trước một thế giới đầy cuốn hút của vũ trụ điện ảnh Stargate.
BÙI TRÍ HIẾU
10 thương hiệu phim Mỹ kinh điển giúp bạn giết thời gian nếu không biết làm gì cho hết ngày Đây chính là lúc để bạn cày hết tất cả phim Marvel, DC, X-Men... để hiểu vì sao thế giới phát cuồng vì chúng. Vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người dân được khuyên nên ở yên trong nhà và hạn chế ra ngoài đường. Các rạp chiếu phim và nhiều khu vui chơi giải trí cũng đã đồng loạt đóng...