Diễn viên Kiều Trinh: Bước qua thị phi khi bị gọi là “nữ hoàng cảnh nóng” và góc khuất cuộc hôn nhân sóng gió
Nếu không có dịp nghe diễn viên Kiều Trinh tâm sự mà chỉ trò chuyện qua quýt, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ cuộc đời nữ diễn viên tươi đẹp, lạc quan và ấm áp như nụ cười của chị. Thế nhưng, phía sau một người đàn bà đẹp, đau khổ trên màn ảnh, một người mẹ mang tên Kiều Trinh ở đời thực cũng mang đầy “thương tích” truân chuyên do dòng đời xô đẩy…
Đóng “cảnh nóng” không có nghĩa là tôi dễ dãi
Nhiều người đã quen với Kiều Trinh qua các vai diễn với cuộc đời ít nhiều giông bão. Diễn viên có phải là mơ ước của chị từ tấm bé?
Chưa bao giờ, tôi ước mơ làm diễn viên, mặc dù hồi nhỏ thích xem phim cổ trang, võ thuật Hồng Kông. Năm 2002, sau khi ly hôn chồng, tôi có thói quen xem báo Đất Mũi. Báo này có đăng tải nhiều hình diễn viên nước ngoài cũng như trong nước như anh Lý Hùng, Việt Trinh… Vô tình, tôi nhìn thấy một mục nhỏ tuyển diễn viên điện ảnh triển vọng của hội Điện ảnh TP.HCM. Tôi cũng bắt
đầu để ý, mà không dám nghĩ xa hơn.
Trời xui đất khiến, lễ 30/4, tôi vào Đầm Sen chơi, thấy một nhóm cascadeur đang biểu diễn. Thấy thích, tôi đứng lại bắt chuyện, mấy bạn cũng trạc tuổi nên dễ nói chuyện, rồi xin số điện thoại. Chơi
khoảng mấy tháng, biết anh Lê Quang, tôi mới bạo gan gọi cho ảnh hỏi về việc tạp chí điện ảnh đăng tin tuyển lớp diễn xuất. Anh Quang hướng dẫn tôi cứ mặc đồ lịch sự đến đó thử sức.
Buổi tuyển có gần 300 bạn đến, cuối cùng tôi và khoảng 30 bạn được nhận vào lớp học. Nghe được học, tôi cũng mừng lắm nhưng phải đóng học phí 1 triệu đồng cho một năm. Thực sự, 1 triệu cho một năm thì không nhiều nhưng với tôi, con số đó rất lớn. Tôi mới gặp anh Lê Quang tâm sự, anh liền nói với câu lạc bộ cho tôi trả góp học phí. Vô tình chưa đầy 2 tháng sau, tôi được nhận vào phim Mùa len trâu cũng nhờ anh Lê Quang.
Diễn viên Kiều Trinh.
Khán giả, báo chí đặt cho chị biệt danh “nữ hoàng cảnh nóng” nhưng dường như biệt danh này gây không ít phiền toái cho chị?
Tôi nói thật, gọi “nữ hoàng cảnh nóng” nhưng tôi đâu có đóng nhiều “cảnh nóng”. Lúc đầu mới nghe biệt danh này, tôi khó chịu lắm. Thực sự, tất cả phim mà tôi tham gia đều mang tính nghệ thuật, được gửi dự thi ở các Liên hoan phim (LHP) quốc tế nên ít nhiều đều có “cảnh nóng”. May mắn, đa số những phim có tôi tham gia diễn xuất đều đạt giải quốc tế. Cho nên, giới chuyên môn trong nước lẫn ngoài nước đánh giá cao, tôi mới đỡ khó chịu chút xíu.
Lần đầu tiên nghe cụm từ “nữ hoàng cảnh nóng”, tôi khá uất ức. Sau đó, các đạo diễn Cường Ngô, Vũ Ngọc Đãng nói, các anh không nghĩ ở Việt Nam có một người diễn hết mình theo đúng chất diễn viên quốc tế như tôi. Nghe những lời động viên đó, tôi lại thấy hãnh diện.
Tôi nghĩ, bản thân may mắn được làm việc với các anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Phan Đăng Di, Vương Đức… những người tạo cho tôi niềm tin rằng, tác phẩm đó, câu chuyện đó cần những cảnh
quay như vậy. Thế nên, tôi rất thoải mái khi diễn “cảnh nóng”. Phần khác, tôi đã ly hôn nên không còn tâm lý sợ ảnh hưởng đến hôn nhân và cha mẹ tôi luôn ủng hộ những gì tôi làm.
Với các cảnh quay của những phim tôi tham gia, “cảnh nóng” nhất phải kể đến trong bộ phim “Bi ơi, đừng sợ” nhưng tôi thấy rất bình thường, một câu chuyện rất bình thường. Tôi thấy thoải mái khi diễn cảnh đó.
Tôi nhớ để quay “cảnh nóng” này, anh Phan Đăng Di phải chuẩn bị 12 ngày. Đêm quay, ảnh đuổi hết mọi người, chỉ còn phó đạo diễn, 1-2 anh quay phim và quay từ 0 – 5h sáng. Anh nói, nếu quay không xong hôm sau làm tiếp nhưng tôi nói chuyện với bạn diễn và anh Di: “Trinh muốn làm gì đó tốt nhất, mình không làm đi làm lại”. Cuối cùng, cảnh đó tôi diễn trong 2 tiếng đã hoàn thành.
Việc thể hiện khả năng diễn xuất chuyên nghiệp trong các “cảnh nóng” dễ bị đánh đồng với chuyện dễ dãi trong tình cảm. Chị có lâm vào hoàn cảnh này không?
Hình như là nhiều. Thời điểm đó, tôi còn làm quản lý quán bar. Ai nghe tới quán bar cũng nghĩ ăn chơi, gợi cảm ghê lắm… Điều tiếng trong giới cũng nhiều. Sau này, thấy tôi có 3 đứa con, nhiều người đồn tôi có đại gia nuôi. Nhiều người đồn đại, nói tôi “này nọ” với anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh mới được đóng vai chính trong Mùa len trâu, rồi với các đạo điễn Rừng đen, Bi ơi, đừng sợ…
Đổ vỡ hôn nhân cũng không khóc
Sau đổ vỡ hôn nhân, chị có trải qua những đêm trường ôm con khóc thương cho số phận? Chị đã vượt những năm tháng hậu ly hôn như thế nào?
Tính tôi không mít ướt. Tôi giống má. Tôi nhớ, mình chỉ khóc một lần duy nhất khi hay tin má mất. Tôi thấy ân hận khi dành quá nhiều thời gian cho mối tình thứ hai trong khi má bị ung thư. Tôi khóc khi nghĩ về má, còn về tình cảm tôi không khóc.
Sau khi má mất, 2 năm, tôi không nói chuyện với ai. Thời điểm đó, ngoài việc má mất, tôi còn bị bệnh, bị lừa tiền, hôn nhân không suôn sẻ, sinh xong chỉ còn một ít tiền trong túi, phải lao vào làm việc.
Có thời điểm không tiền, mượn được 50.000 đồng, tôi mừng dữ lắm. Với số tiền ít ỏi, tôi phải tính toán để dùng trong mấy ngày. Mỗi bữa ăn tôi tiêu 10.000 đồng, 1 hộp sữa cho thằng nhỏ, còn tôi với bé Tú mỗi người nửa ổ bánh mì không. Càng nói càng thương con gái mình, dù sau này có một chút hiểu lầm nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy con gái đã chịu cực khổ với mình quá nhiều.
Nếu như đứa khác chắc nó hư rồi mà Tú (tên con gái Kiều Trinh – PV) không hư lại phấn đấu
và có ý chí. Có khoảng thời gian bị trầm cảm, tôi thường đau đầu, đập đồ, xé váy…
Những lúc như vậy, bé Tú ôm tôi lại và nói: “Mẹ ơi, mẹ đừng như vậy nữa. Mẹ đau thì mẹ đánh con đi cho mẹ bớt đau”, những câu nói của con gái giúp tôi vượt qua bóng tối của số phận và những nỗi đau.
Sau những biến cố trong hôn nhân, chị vẫn chọn yêu và làm mẹ. Chị vẫn mơ về một mái ấm và khao khát và quyết tâm hướng đến hạnh phúc tròn đầy sau đổ vỡ?
Tôi không quyết tâm. Nó tự đến. Sau ly hôn người chồng đầu tiên, tôi ra Hà Nội làm quán bar. 2h sáng, tôi trở về nhà trọ trên chiếc xe gắn máy, đi từ trung tâm về ngang hồ Trúc Bạch, Hồ Tây, lá bay nhẹ trong gió đẹp lắm. Mùa thu Hà Nội mát mẻ, các bạn trẻ thường đeo khăn, đứng hẹn hò rất lãng mạn, chăm sóc nhau rất tình tứ. Nhìn cảnh ấy, tôi nghĩ bụng: “Giả dối chả có hạnh phúc đâu, yêu vậy đó không biết mai mốt thế nào đâu, hạnh phúc được bao lâu…”.
(Cười lớn- PV)
Tôi không có dự định xây dựng một mái ấm mới, nếu muốn, thời điểm làm quán bar có rất nhiều người theo đuổi, trong đó có đại gia tôi đã chọn rồi. Vả lại, môi trường quán bar, mấy ông đại gia nay đi cô này mai cô kia, như thay áo, tôi thấy cảnh đó nên không còn niềm tin vào tình cảm, tình yêu nữa.
Đến gần 9 năm sau, tôi mới quen người thứ hai. Khi quen anh ấy, tôi cũng không dự định lập gia
đình, có con. Đến khi có em bé, tôi mới dự định đi đường dài nhưng lúc này anh ấy đã khác. Tôi không trách anh, anh không phải là người xấu, có quá nhiều biến cố xảy ra dồn dập, biến anh thành con người khác. Tôi đã cố gắng sống chung để cảm hóa anh trở lại con người như cũ, nhưng anh không nhận ra và không thay đổi. Tôi buộc phải chọn con đường tốt nhất, rời xa anh để bảo vệ các con.
Xin cảm ơn chị đã có những chia sẻ chân tình và thú vị!
Đạo diễn Trần Thanh Huy: 'Ròm và số đề là tuổi thơ của tôi'
Đạo diễn Trần Thanh Huy hé lộ nguyên cớ đằng sau đề tài gần gũi nhưng mới lạ của bộ phim Việt mang về giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019.
Tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 - một trong những liên hoan phim quốc tế lớn nhất châu Á, Ròm đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn và khán giả nước ngoài. Sau hành trình chu du quốc tế và giành được giải thưởng cao nhất, Ròm chuẩn bị trở về Việt Nam để gặp gỡ các khán giả đã chờ mong bộ phim từ lâu.
Tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy chiếm được cảm tình của hội đồng chuyên môn và báo chí quốc tế khai thác đề tài vô cùng gần gũi với đời sống Việt nhưng còn xa lạ với màn ảnh - Số đề. Ròm là câu chuyện xoay quanh người lao động nghèo và trẻ em đường phố - các thân phận bấu víu vào ước mơ đổi đời nhờ trò số đề may rủi. Những trò đỏ đen vốn thân thuộc với tầng lớp lao động nghèo ở Việt Nam nhưng chưa từng trở thành đề tài chính cho một tác phẩm điện ảnh.
Ròm - nhân vật chính cùng tên của bộ phim là một cậu bé làm nghề bán giấy dò số đề
Chia sẻ về quyết định lựa chọn câu chuyện số đề cho tác phẩm đầu tay của mình, đạo diễn Trần Thanh Huy tâm sự: 'Tôi được sinh ra trong một gia đình lao động. Ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán và tôi được sống gần gũi với những đứa trẻ bụi đời, những đứa trẻ đường phố. Tôi lang thang đi chơi với họ rất lâu nên phần nào hiểu được đời sống của họ. Câu chuyện về số đề và những đứa trẻ như Ròm xuất phát từ một phần tuổi thơ của tôi'.
Ý tưởng về đề tài này được Trần Thanh Huy nuôi dưỡng từ phim ngắn tốt nghiệp mang tên 16:30, từng được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 2013 và tiếp tục đeo đuổi đạo diễn trẻ tới phim dài đầu tay. Một đề tài gần gũi, đặc biệt và rất đậm chất Sài Gòn đã thôi thúc Trần Thanh Huy trong nhiều năm, cho tới khi Ròm ra đời.
'Số đề là một phần của đời sống người dân lao động Việt Nam, tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi với mình nhất. Đa số người lao động nghèo đều biết tới trò may rủi này. Để có được những con số đánh đề, họ tin vào những điều vô cùng phi lý. Những con số có thể đến từ con vật, sự kiện, giấc mơ hoặc thậm chí có người còn đi cầu cơ để xin số đánh đề. Thực tế, trò chơi số đề đã ngấm vào máu của nhiều người dân Việt Nam, có người xem nó là một trò mua vui, nhưng cũng có những bộ phận đặt cược cả gia tài vào cuộc chơi may rủi này' - Trần Thanh Huy chia sẻ thêm.
Số đề và người dân lao động nghèo là những điều rất gần gũi với tuổi thơ của đạo diễn Trần Thanh Huy
Những đứa trẻ trong Ròm là những thiếu niên đường phố, tuy không có cuộc sống đủ đầy nhưng không hề nguội tắt ước mơ. Dù đối mặt với hiện thực tàn khốc, song vẫn có những đứa trẻ gắng hết sức để biến điều mình mong muốn thành sự thật. Giống như nhân vật chính Ròm, cố gắng chạy thật nhanh về phía trước để chạm được ước mơ của mình.
Mất 8 năm để hoàn thành, Ròm đã trải qua một hành trình đi từ trải nghiệm tuổi thơ đến đỉnh cao vinh danh tại nước ngoài, để rồi lại trở về với quê nhà. Hồi hộp chờ ngày bộ phim ra rạp, đạo diễn Trần Thanh Huy đã xúc động tâm sự rằng: 'Câu chuyện cổ tích của Ròm tôi và ekip đã viết xong'.
Đối với Trần Thanh Huy, việc đưa được Ròm đến với khán giả quê nhà chính là mảnh ghép cuối trong bức tranh thực hiện ước mơ tuổi trẻ của mình. Đồng thời, Trần Thanh Huy cũng hy vọng rằng qua Ròm, anh có thể góp một giọng kể câu chuyện về những đứa trẻ đường phố đầy khát khao chạm đến ước mơ.
Trailer Ròm
Ròm dự kiến khởi chiếu ngày 31/07/2020 tại các rạp trên toàn quốc.
IU, YoonA, Lee Je Hoon được chọn làm giám khảo danh dự cho liên hoan phim ngắn lần thứ 19 Các giải thưởng trong Liên hoan phim năm nay sẽ được tổ chức online và giám khảo chỉ định gồm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như IU, YoonA, Lee Je Hoon. Theo công bố chính thức được đưa ra, giám khảo của Liên hoan phim ngắn Mise En Scène năm nay sẽ bao gồm các nghệ sĩ IU, YoonA (SNSD), Lee Je Hoon,...