Diễn viên gốc Á tại Mỹ không hạnh phúc với ‘Doctor Strange’
Bước đầu gặt hái thành công tại thị trường quốc tế và chính thức khởi chiếu ở Bắc Mỹ từ 4/11, nhưng bom tấn siêu anh hùng của Marvel tiếp tục vấp phải chỉ trích “tẩy trắng”.
Trailer mới bộ phim ‘ Doctor Strange: Thầy phù thủy tối thượng’: “Doctor Strange” là bộ phim siêu anh hùng tiếp theo của Marvel Studios trong năm 2016, xoay quanh nhân vật phù thủy tối thượng do Benedict Cumberbatch thể hiện.
Từ trước khi ra mắt, Doctor Strange từng bị nhiều người chỉ trích là đã “tẩy trắng” nhân vật Ancient One – Thượng Cổ Tôn Giả. Ở nguyên tác truyện tranh, đây là một ông lão người Tân Cương hơn 500 tuổi.
Nhưng khi lên phim, nhân vật lại biến thành một phụ nữ da trắng có nguồn gốc châu Âu và do Tilda Swinton thể hiện.
Trong phim, khi Stephen Strange (Benedict Cumberbatch) đến ngôi đền Kamar-Taj ở Kathmandu, Nepal để nhận sự bảo ban của Ancient One, khán giả cũng rất ít được thấy các nhân vật châu Á ngoài pháp sư Wong (Benedict Wong).
Lựa chọn Tilda Swinton cho vai Ancient One đẩy Marvel Studios vào cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Ảnh: Disney.
Từng có tin đồn cho rằng Marvel Studios phải thay đổi nguồn gốc của nhân vật Ancient One để tránh gặp rắc rối tại Trung Quốc, thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.
Song, đạo diễn Scott Derrickson và ngôi sao Tilda Swinton phản pháo rằng công chúng nên nhìn vấn đề rộng hơn, và việc thay đổi giới tính của Ancient One chính là nỗ lực tạo ra sự đa dạng của Marvel Studios.
Bất chấp điều đó, Mạng lưới Truyền thông Hành động dành cho người Mỹ gốc Á (MANAA) là tổ chức mới nhất lên tiếng chỉ trích Doctor Strange.Họ cho rằng Scott Derrickson hoàn toàn có thể chọn một phụ nữ châu Á thay vì một nữ diễn viên Anh quốc cho vai Ancient One.
Nguyên chủ tịch của MANAA là Guy Aoki chỉ ra rằng hàng loạt nhân vật truyện tranh đã bị “tẩy trắng” khi lên phim, như Mandarin trong Iron Man 3, Talia al Ghul trong The Dark Knight Rises và nay là Ancient One.
Trả lời phỏng vấn tờ Variety, tài tử Benedict Wong của Doctor Strangetiếp tục bảo vệ cho bom tấn mà ông tham gia: “Đây là một tác phẩm mang nét đa dạng rõ ràng. Chúng tôi có hai nhân vật nữ mạnh mẽ do Tilda và Rachel McAdams thể hiện. Chúng tôi có diễn viên da màu Chiwetel Ejiofor, tài tử Bắc Âu Mads Mikkelsen, một Benedict điển trai và một Benedict không điển trai”.
Ông đồng thời ca ngợi giám đốc Marvel Studios là Kevin Feige khi đã quyết định thay đổi bản chất nhân vật Wong. “Từ chỗ là một người hầu, chuyên pha trà cho Doctor Strange, Wong nay là pháp sư tài giỏi, có chỗ đứng trong thế giới pháp thuật. Nếu nhân vật giống như nguyên tác, tôi đã chẳng tham gia”, tài tử người Anh gốc Á cho biết.
Benedict Wong là gương mặt châu Á hiếm hoi trong Doctor Strange, dù bom tấn có nhiều phân cảnh diễn ra ở Nepal. Ảnh: Disney.
Nhưng một số đồng nghiệp đóng phim dựa trên truyện tranh của Benedict Wong không chia sẻ quan điểm đó. Kelly Hu là nữ diễn viên có may mắn được sắm vai các nhân vật đúng như nguyên tác là Lady Deathstrike trong X2 và China White trong series Arrow. Ở truyện tranh, cả hai đều là người châu Á.
Video đang HOT
Nữ diễn viên 48 tuổi người gốc Hoa chia sẻ: “Tẩy trắng là điều đáng xấu hổ. Nhiều studio nghĩ rằng các diễn viên gốc Á không thể lôi kéo khán giả tới rạp và công chúng không bỏ tiền ra để xem những người như chúng tôi diễn xuất.
Các biên giới trong lĩnh vực điện ảnh nay đã mở rộng hơn và người châu Á đang dần chiếm giữ những vị trí quan trọng. Tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra nhiều hơn nữa tại Hollywood trong thời gian tới”.
Tuy siêu anh hùng Iron Fist là một người da trắng, nhưng các fan từng kêu gọi Marvel chọn diễn viên châu Á. Nhận thấy cơ hội, tài tử Lewis Tan gửi đơn đăng ký, nhưng anh rốt cuộc lại được giao cho vai ác nhân Zhou Cheng.
Lewis Tan là một trong số những diễn viên gốc Á tỏ ra không vui khi Marvel Studios chọn Tilda Swinton cho vai Ancient One. Ảnh: Outnow.
“Họ đưa ra lựa chọn khác với ý định ban đầu của tôi, và tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Ở nguyên tác, Iron Fist vốn là người da trắng, có mắt xanh, tóc vàng. Tôi nghĩ Finn Jones hoàn toàn hợp với vai diễn siêu anh hùng”, anh nói.
Khi được hỏi về Tilda Swinton, Lewis Tan cho rằng: “Tôi có thể hiểu tại sao họ đưa ra thay đổi đó. Nhà sản xuất, studio, đạo diễn, biên kịch…, rất nhiều ý kiến sẽ được đưa ra. Tôi nghĩ nếu chọn một người phụ nữ châu Á sẽ rất tuyệt vời.
Đoàn làm phim Doctor Strange từng nói rằng họ không muốn lặp lại định kiến &’Dragon Lady’ về phụ nữ châu Á với Ancient One, nhưng tôi không nghĩ như vậy”.
Trong dòng phim siêu anh hùng thời gian qua, khán giả được chứng kiến sự xuất hiện của nhiều diễn viên mang dòng máu châu Á như Olivia Munn (nửa dòng máu Trung Quốc) vai Psylocke, tài năng trẻ gốc Việt Lana Condor vai Jubilee trong X-Men: Apocalypse, hay nữ diễn viên Nhật Bản Karen Fukuhara vai Katana trong Suicide Squad.
Nhưng điểm chung là họ đều chỉ là nhân vật phụ, có rất ít đất diễn trong các tác phẩm bom tấn.
Hai trường hợp ngoại lệ hiếm hoi là Rila Fukushima vai Yukio và Hal Yamanouchi vai Silver Samurai trong The Wolverine. Song, đó là câu chuyện của dị nhân “người chồn” tại xứ sở hoa anh đào và lựa chọn diễn viên Nhật Bản là điều đương nhiên đối với Fox.
Trong khi Doctor Strange đang thắng thế tại phòng vé, thì câu chuyện “tẩy trắng” xoay quanh bộ phim chắc chắn sẽ còn là đề tài gây tranh cãi trong thời gian tới.
Theo Zing
Những chi tiết khán giả có thể bỏ qua trong 'Doctor Strange'
Theo truyền thống của dòng phim siêu anh hùng, "Doctor Strange" cài cắm rất nhiều chi tiết ẩn giấu mà chỉ các fan ruột của Marvel mới có thể nhận ra.
*Lưu ý: Bài viết tiêt lộ một phần nội dung phim Doctor Strange
Nhóm Avengers đã được thành lập: Trong cảnh mở màn của Doctor Strange, tòa tháp Avengers hiện lên rõ nét giữa khung cảnh thành phố New York. Như vậy, theo dòng thời gian của Marvel Cinematic Universe (MCU), bộ phim rất có thể diễn ra sau Avengers: Age of Ultron (2015).
Quyển sách Cagliostro: Các fan truyện tranh Marvel sẽ dễ dàng nhận ra Cagliostro chính là Quyển sách của Vishanti, một trong ba bảo vật luôn song hành với siêu anh hùng Doctor Strange (cùng Con mắt Agamotto và Áo choàng bay). Trên thực tế, Cagliostro gắn liền với một đầu truyện khi Karl Mordo ăn cắp quyển sách, nhằm lợi dụng khả năng du hành thời gian để tiêu diệt Ancient One (Thượng Cổ Tôn Giả). Ngoài ra, Cagliostro còn chứa đựng một đoạn của Darkhold - quyển sách cổ xưa đang là trung tâm của series truyền hình Agents of S.H.I.E.L.D.
Night Nurse: Ở truyện tranh, Christine Palmer (Rachel McAdams) là một thành viên của nhóm Night Nurse, những người chuyên bí mật chữa trị cho các siêu anh hùng. Marvel từng trình làng một Night Nurse trên sóng truyền hình là Claire Temple (Rosario Dawson) trong loạt Daredevil và Jessica Jones. Tuy nhiên, việc nếu có nhiều hơn một Night Nurse cũng hoàn toàn phù hợp với truyện tranh.
Viên đá Vô cực: Đúng như những lời đồn đoán, nhân vật Wong mới xác nhận rằng Con mắt Agamotto mà Doctor Strange sử dụng để điều khiển thời gian chính là một Viên đá Vô cực. Sự xuất hiện của hòn đá thời gian có màu xanh lá đồng thời báo hiệu ác nhân Thanos đang ngày một tiến đến gần hơn.
Stan Lee: Ở tuổi 93, các fan của ông trùm dòng truyện tranh Marvel hoàn toàn có thể an tâm về sức khỏe của huyền thoại. Không chỉ Doctor Strange, ông dự kiến xuất hiện trong bốn phim Marvel nữa với vai trò khách mời (cameo). Trong bộ phim mới, Stan Lee đang ở trên xe buýt và ngồi đọc cuốn sách Cánh cửa của tri giác với nội dung xoay quanh chuyện sử dụng thuốc thần kinh có nguồn gốc là chất kích thích.
War Machine?: Trước khi chiếc xe hơi của Stephen Strange gặp nạn trong đoạn đầu phim, khán giả được nghe đoạn hội thoại về một Đại tá Thủy quân Lục chiến 35 tuổi, bị chấn thương cột sống trong lúc thử nghiệm áo giáp chiến lược. Các fan lập tức dự đoán đó có thể là War Machine khi anh gặp chấn thương tương tự trong Captain America: Civil War. Vấn đề là Rhodey Rhodes lớn tuổi hơn như vậy rất nhiều. Do đó, nhiều người đang nghiêng về hướng cho rằng đây là một viên sĩ quan thử nghiệm bộ giáp của Justin Hammer trong tập Iron Man 2 (2010).
Cây gậy của Wattomb: Vũ khí mà Wong sử dụng khi chuẩn bị chiến đấu với Kaecilius chính là Cây gậy của Wattomb - thứ thần khí mạnh mẽ có khả năng che chắn các đòn tấn công phép thuật và bắn ra năng lượng. Trong Spider-Man: The Animated Series, Mordo đã ăn cắp thứ vũ khí để mở cánh cổng triệu hồi Dormammu.
Thor: Ragnarok: Trong đoạn phim mid-credits của Doctor Strange, khán giả chứng kiến Stephen Strange nói chuyện với Thor về việc Thần Sấm đã dẫn Loki trở lại Trái đất để đi tìm kiếm Odin. Đây là một phần cốt truyện của Thor: Ragnarok (2017), nhưng hiện chưa rõ liệu đất diễn dành cho Strange trong phần ba của Thor sẽ lớn tới đâu.
Bác sĩ Nicodemus West: Vai diễn của Michael Stuhlbarg từng xuất hiện trong tập truyện Doctor Strange: The Oath (2006). Giống như truyện tranh, West là người thực hiện phẫu thuật cho Strange sau khi vị bác sĩ đại tài gặp tai nạn. Điều khác là West sau đó theo chân Stephen Strange tới Kamar-Taj và được Thượng Cổ Tôn Giả dạy cho ma thuật chữa trị. Việc sử dụng một diễn viên nổi tiếng cho vai Nicodemus West chứng tỏ nhân vật có thể sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tương lai.
Tina Minoru: Một trong những màn cameo thú vị nhất của Doctor Strange chính là nhân vật Tina Minoru do Linda Louise Duan thủ vai. Cô xuất hiện lướt qua màn hình trong vai trò một người Thầy (Master) dưới trướng Thượng Cổ Tôn Giả. Minoru vốn là nhân vật chủ chốt trong loạt truyện Runaways của Marvel, có nội dung xoay quanh nhóm trẻ em phát hiện ra cha mẹ mình là thành viên tổ chức tội phạm The Pride.
Shamballa: Mật mã Wi-Fi mà Mordo đưa cho Stephen Strange trong phim là tên một vương quốc thần thoại ở gần Tây Tạng trong Phật giáo và Hindu giáo. Cái tên cũng gắn liền với đầu truyện Into Shamballa của Doctor Strange, khi anh muốn mang loài người đến thời đại hoàng kim, nhưng cái giá dành cho điều đó là quá đắt.
Kaecilius: Nhân vật do Mads Mikkelsen thủ vai đã "cướp" vị trí phản diện chính của Mordo. Trong nguyên tác, Kaecilius chỉ là một tay sai của Mordo và phiên bản điện ảnh của gã là sự kết hợp giữa Baron Mordo với tên pháp sư chuyên sử dụng ma thuật đen Kaluu. Con mắt màu đen của Kaecilius không phải do bị Dormammu ám, mà là dấu hiệu của việc sử dụng phép thuật bóng tối.
Dormammu: Trong nguyên tác, Dormammu vốn là kẻ có rất nhiều duyên nợ với Doctor Strange. Sau cùng, anh cứu Dormammu khỏi The Mindless Ones và bắt hắn phải hứa không xâm lăng Trái đất nữa.
Áo choàng bay: Trong nguyên tác, chiếc áo choàng bay hoạt động theo ý muốn của người mặc chứ không hề có ý thức riêng. Nó được ban cho Stephen Strange sau khi anh đánh bại Dormammu, chứ không phải chiếc áo "chọn" anh như trên phim.
Drumm: Nhân vật Daniel Drumm, người hộ vệ của Thánh đường New York, trong nguyên tác chính là Brother Voodoo. Sau khi anh qua đời, người anh trai sinh đôi Jericho Drumm trở thành Brother Voodoo tiếp theo, với linh hồn của Daniel đi theo để chỉ dạy.
Benedict Cumberbatch chống lại chính mình: Có một chi tiết thú vị rằng tài tử người Anh không chỉ sắm vai chính Stephen Strange, mà còn lồng tiếng và diễn xuất mo-cap (bắt biểu cảm) cho ác quỷ Dormammu. Do đó, đoạn cuối phim chỉ toàn là giọng của Benedict Cumberbatch.
Living Tribunal: Trong lúc tập luyện với Stephen Strange, Mordo có "mượn" cây gậy của Living Tribunal làm vũ khí. Các fan của Marvel hẳn rất quen thuộc với cái tên đó bởi đây là người quản lý đa vũ trụ trong truyện tranh Marvel. Việc nhắc tới Living Tribunal cho thấy ông có thể xuất hiện trong cuộc chiến giữa nhóm Avengers với Thanos trong thời gian tới đây.
Theo Zing
'Doctor Strange': Tác phẩm kỹ xảo mãn nhãn nhất 2016 Tuy năm 2016 còn hai tháng nữa mới khép lại, nhưng khó tác phẩm nào từ giờ tới cuối năm có thể mang lại hiệu ứng thị giác đặc biệt như bom tấn siêu anh hùng mới của nhà Marvel. 2016 là khoảng thời gian rực rỡ đối với hãng Disney khi hàng loạt tác phẩm do họ phát hành kể từ đầu...