Diễn viên Diệu Thúy bỏ showbiz, tốn 6 tỷ đồng để trở thành phi công
Nữ diễn viên Diệu Thúy đã rời showbiz hơn 7 năm. Sau đó, cô bỏ ra 6 tỷ đồng để ra nước ngoài học phi công trước khi trở về làm việc cho hãng hàng không dân dụng Việt Nam.
Diệu Thúy sinh năm 1989, từng là người mẫu ảnh và diễn viên được khán giả yêu thích vào đầu thập niên 2010. Cô từng đạt giải trong các cuộc thi nhan sắc như Duyên dáng sinh viên thế kỷ 21 năm 2009, Người đẹp Hoa anh đào 2010 và sánh vai với Bình Minh, Đức Tiến trong các phim Dốc sương mù, Huyền thoại 1C …
Sự nghiệp nghệ thuật đang rộng mở và có nhiều hứa hẹn, Diệu Thúy đột ngột từ bỏ showbiz, rẽ hướng sang làm ngành hàng không. Sau nhiều năm, nữ diễn viên 32 tuổi mới ngồi lại và tâm sự về quyết định của bản thân. Cô cho biết: “Dù trải qua nhiều khó khăn, thời gian học phi công cũng thực sự vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận hay muốn từ bỏ nghề phi công”.
“Tôi không định quay lại showbiz, nhưng việc showbiz cứ tìm tới tôi”
- Từng đóng phim với các nam diễn viên nổi tiếng như Bình Minh, Đức Tiến và đạt giải tại nhiều cuộc thi nhan sắc, vì sao chị từ bỏ nghệ thuật để theo đuổi nghề phi công?
- Lần cuối cùng tôi đóng phim là từ năm 2013, tới nay tôi đã bỏ nghề diễn viên hơn 7 năm rồi. Thực ra, thời điểm đó, nhiều người mời tôi quay lại làm diễn viên, nhưng tôi vẫn quyết định làm đúng chuyên ngành đã học là kỹ sư an toàn cho một công ty nội thất nước ngoài. Tôi làm nửa năm thôi, sau đó cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt vì công việc quá vất vả, tôi không còn thời gian cho bản thân nữa.
Trong một lần, tôi vô tình tìm thấy thông tin tuyển dụng của hãng hàng không. Tôi được gọi đi phỏng vấn sau khi nộp hồ sơ 3 ngày. Vô tình ngành kỹ sư an toàn của tôi và kỹ năng ngoại ngữ giúp tôi đậu tiếp viên hàng không.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện 2 tháng, lần đầu tiên bước chân lên máy bay, tôi đã biết mình yêu và sẽ gắn bó với nghề này rồi. Tôi muốn chuyển sang học phi công ngay, tôi nộp hồ sơ nhưng hãng không còn tuyển phi công nữa. Tôi làm tiếp viên hàng không hai năm rồi trở về Việt Nam, nộp hồ sơ học phi công.
- Chị đã ngừng diễn xuất bao lâu rồi, và trong từng ấy thời gian có bao giờ chị nghĩ tới việc trở lại showbiz?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện quay lại showbiz, nhưng việc showbiz vẫn tìm tới tôi (cười). Đến tận bây giờ, vẫn có người mời tôi đóng phim. Nói thật, tôi từng ký hợp đồng 1-2 bộ phim rồi, nhưng không thể sắp xếp được thời gian nên đành hủy vai. Hiện giờ tôi chỉ nhận lời quay quảng cáo, dự sự kiện nếu những lịch trình đó không ảnh hưởng tới việc làm phi công của tôi.
Đúng là thu nhập từ showbiz rất lớn. Nhưng tôi đã bỏ qua những cám dỗ đó bảy năm rồi, không có lý do gì bây giờ tôi không làm được. Tôi trung thành với nghề phi công của mình.
Lần cuối Diệu Thúy đóng phim là năm 2013.
- Điều khó khăn nhất chị gặp phải khi từ bỏ showbiz để chuyển sang làm hàng không là gì?
- Khi có suy nghĩ muốn trở thành phi công, tôi đã 24-25 tuổi rồi. Nhưng phải tới năm 27 tuổi, tôi mới chính thức ngừng làm tiếp viên hàng không để học lái máy bay. Trong hơn hai năm đó, tôi làm việc để tích lũy tiền bạc, học thêm tiếng Anh chuyên ngành, rèn luyện thể lực.
Thời làm diễn viên, tôi gầy “mình dây” để lên hình cho đẹp. Nhưng khi khám sức khỏe ngành hàng không, tôi bị yêu cầu tăng cân vì chỉ số BMI quá thấp, thiếu tới mấy ký so với tiêu chuẩn. Bác sĩ cho tôi vài tháng để thay đổi cân nặng, nếu quay lại khám mà vẫn không tăng cân thì không cấp chứng nhận sức khỏe hàng không cho tôi.
Thế là trong ba tháng, tôi ăn rất nhiều, ăn mọi lúc mọi nơi, thậm chí uống nước socola nóng buổi tối. Kết quả, tôi tăng được 6 kg. Nhưng thêm được 6 kg thì tôi cũng mới chỉ vừa đủ chạm vào BMI cân bằng, chứ chưa thực sự đủ tiêu chuẩn cân nặng.
Khi đó, tôi bị toát mồ hôi nhiều và stress nặng vì ép bản thân phải tăng cân thật nhiều trong thời gian ngắn. Tôi cố gắng ăn, tới lúc được cấp phép đi học phi công thì đã tăng được tổng cộng 9 kg so với thời làm tiếp viên hàng không. Nhưng khi sang Mỹ học, chương trình học vất vả quá, tôi sút mất cả 9 kg mãi mới tăng được ấy. (Cười)
Không nhận lương trong vài tháng vì dịch Covid-19
- Vậy còn quá trình học lái máy bay, là phụ nữ lại một mình ra nước ngoài học, chị đã trải qua những vấn đề gì?
- Thời đi học lái, tôi xác định mình đã lớn tuổi rồi (27 tuổi – PV) nên không có nhiều thời gian. Tôi phải học thật nhanh, không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để được bay. Tôi ăn, ngủ luôn ở sân bay, chỉ cần một bạn hủy lịch tập, tôi sẽ “nhảy” vào thế chỗ ngay lập tức.
Hai năm làm tiếp viên hàng không, tôi đã gom góp tiền tiết kiệm, chuẩn bị đủ khoản tiền học và đóng “một cục” cho nhà trường nên không còn lo lắng về học phí như nhiều bạn khác. Tôi chỉ gặp áp lực về khoản chi tiêu cá nhân thôi.
Để tiết kiệm tiền, tôi mua một chiếc xe đạp cũ, cũ tới mức không thể cũ hơn, với giá 150 USD. Sau đó, tính cả chi phí gắn đèn, mua mũ bảo hiểm xe đạp cho đúng luật ở Mỹ, chi phí cho phương tiện đi lại của tôi bị đội lên tới 300 USD. Lúc đó, cả trường chỉ có mình tôi đi xe đạp thôi. Các học viên khác không biết tên, nhưng chỉ cần nói “xe đạp” là cả trường sẽ biết đang nhắc tới tôi.
Năm 27 tuổi, Diệu Thúy ngừng làm tiếp viên hàng không, nộp đơn xin học phi công.
Video đang HOT
Có xe đạp, tôi tự đạp hơn 20 km cả đi cả về để, tốn mất nửa ngày chỉ để đi siêu thị. Vì thế mỗi lần đi, tôi đều cố gắng mua được càng nhiều càng tốt, rồi “thồ” về. Nếu muốn ăn rau rẻ, tôi ra khu chợ cách nhà trọ khoảng 5 km để mua. Ở chợ ấy, rau để từ hôm trước qua hôm sau vẫn còn tươi, nhưng lại bán giá rất rẻ, mỗi thùng chỉ tốn 5 USD thôi. Tôi thường cuốn băng dính cho nắp thùng dựng lên, gia tăng diện tích đựng đồ. Thế là tôi có đủ rau ăn cả tuần mà chỉ mất 5 USD.
Do trường rất ít học viên nữ, tôi không có bạn thuê nhà chung. Phải thuê nhà ở một mình nên tôi mất gần 600 USD tiền nhà mỗi tháng. Nhớ lại, bà chủ nhà ở Mỹ của tôi khá ghê gớm (cười). Bà ấy không cho tôi dùng máy giặt, tôi phải giặt quần áo, chăn đệm bằng tay. Vào mùa đông, tôi giặt chăn bằng tay nên chăn không thể khô được, tôi không có gì đắp nên nằm co ro chịu rét trong túi ngủ. Tới khi nhiệt độ xuống mức âm gần 10 độ, vì quá lạnh tôi không thể tự giặt đồ được nữa, phải đòi chuyển nhà đi nơi khác, bà ấy mới chịu cho tôi dùng máy giặt.
Vào mùa hè, bà chủ nhà lại tiếc tiền không cho tôi dùng điều hòa. Tôi phải đi tìm các chợ thanh lý đồ cũ ở cách nhà rất xa, mãi mới tìm được một chiếc quạt cũ mèm. Tôi mua quạt mất 50 USD và chở về bằng xe đạp. Trời ơi, lúc đó tôi mừng muốn chết.
- Năm qua, ngành hành không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19, chị đã trải qua năm khó khăn vừa rồi thế nào?
- Vì tình huống khó khăn, nhân viên chúng tôi tự nguyện chung tay giúp đỡ hãng bằng cách không nhận lương trong thời gian ngắn. Có người tình nguyện đăng ký không nhận lương vài tháng, có người xin nhận lương muộn, tùy quyết định và tinh thần cống hiến của mỗi người. Cá nhân tôi, tôi cũng không nhận lương đôi ba tháng để giúp đỡ hãng, nhưng cuộc sống trong thời gian ấy vẫn ổn định vì tôi có khoản tiết kiệm.
Trong những tháng dịch bệnh nghiêm trọng nhất, chuyến bay cắt giảm rất nhiều nên tôi có thời gian ở nhà để đọc sách, học thêm tiếng Pháp, dọn dẹp nhà cửa… Nhưng cuộc sống ấy quá buồn tẻ. Cảm giác được cầm lái đã ăn sâu vào máu của tôi rồi, không được đi bay tôi nhớ nghề lắm. Vì vậy, chỉ cần được ngồi trong buồng lái, tôi đã đủ hạnh phúc rồi, không quá quan trọng chuyện kinh tế, lương thưởng nữa.
Bây giờ, tôi bay trung bình bốn chặng một ngày. Hầu hết thời gian của tôi đều ở sân bay và buồng lái. Nói thật với bạn, một năm nay tôi chưa được đi làm tóc. Tôi mua 3 cây son và một hộp phấn từ năm trước nhưng mới dùng được vài lần vì quá bận. Nhiều khi đi làm về mệt quá, tôi không còn đủ sức chăm sóc da nữa. Có những hôm, tôi xé gói mặt nạ ra nhưng chưa kịp đắp lên mặt đã ngủ quên. Sáng hôm sau tỉnh dậy, mặt nạ khô cứng lại rồi (cười).
- Bận rộn như vậy, chị thu xếp đời sống hôn nhân, gia đình thế nào?
- Trước kia, tôi từng kết hôn với bạn trai người Pháp. Nhưng hiện tại, vì tính chất công việc, chúng tôi quyết định quay lại làm bạn. Tôi độc thân đã hơn một năm nay. Chúng tôi đang hạnh phúc theo cách của mình.
Nữ diễn viên 32 tuổi đang là cơ phó, bay trung bình bốn chặng/ngày.
Chi phí học phi công hết 5-6 tỷ đồng
- Nhiều người cho rằng phi công là nghề có đãi ngộ rất cao, kiếm tiền tỷ mỗi tháng. Là người trong cuộc, chị phản hồi thế nào?
- Phi công là nghề vất vả và tốn kém. Ví dụ, tới khi được cầm lái chính thức, tôi đã tiêu 5-6 tỷ tiền học. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm với mạng sống của hàng trăm hành khách. Nên tôi nghĩ mức lương cao, đãi ngộ tốt là điều phi công xứng đáng được nhận.
Nhưng nghiêm túc mà nói, lương của nghề phi công không đến mức tiền tỷ như nhiều người vẫn đồn. Nếu nói tiền tỷ, có lẽ chúng tôi phải làm cả năm mới có được chừng ấy. Từ khi dịch bùng phát, tôi nói thật, thu nhập của chúng tôi giảm nhiều.
- Chị nói chi phí học phi công lên đến 6 tỷ đồng, đây có phải sự thực?
- Đến thời điểm tôi trở thành cơ phó chính thức, tôi đã chi ra khoảng 6 tỷ đồng. Đó là khoản tiền tôi còn nhớ được và ước tính sơ sơ từ tiền USD. Những khoản lặt vặt không tên khác tôi không tính tới nữa.
Số tiền trên bao gồm cả chi phí học, thực hành và sinh hoạt phí ở nước ngoài. Tôi di chuyển nhiều lần giữa Mỹ và châu Âu để học nên khá tốn. Bố mẹ cho tôi 400 triệu đồng, chị gái hỗ trợ thêm 500 triệu đồng, còn lại là tiền tôi tiết kiệm từ thời gian đóng phim và làm tiếp viên hàng không.
Cô tiết lộ đã tiêu tốn 6 tỷ để học lái máy bay.
- Vậy cụ thể, chị chi tiêu những gì trong thời gian đi học ở nước ngoài?
- Ban đầu, tôi học lý thuyết vận tải hàng không ở Việt Nam hết hơn 200 triệu đồng. Sau đó, tôi qua Mỹ học, ở Mỹ tôi có học bổng 10.000 USD. Sau đó, tôi bỏ thêm 55.000 USD để học chuyển đổi từ bằng phi công tư nhân lên phi công thương mại.
Do tôi học bay khá tốt và thực hành nhanh, nên sau cùng, tôi bị thiếu giờ bay tích lũy để đạt tiêu chuẩn gia nhập hãng hàng không Việt Nam. Tôi phải bỏ tiền bay thực hành thêm 50 giờ nữa, khoản này tốn khoảng 7.000 USD.
Tiếp theo, tôi học bay theo đội ở Mỹ, tốn 3.000 USD. Nhưng tôi cảm thấy ở Mỹ họ dạy bay theo phi đội không tốt bằng trong nước, nên tôi về Việt Nam học lại mục này, cũng mất khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, khoản tiền ăn ở, di chuyển… của tôi cũng mất khoảng 15.000 USD, ở Mỹ vật giá đắt đỏ lắm.
Tôi còn đi châu Âu học chuyển loại, từ loại tàu 2 động cơ cánh quạt lên tàu phản lực Airbus nên mất thêm 20.000 euro. Tôi còn học huấn luyện bay đường dài, tốn thêm 85.000 USD.
Một khoản tiền nữa là 10.000 euro cho khóa học cất cánh, hạ cánh bằng máy bay thật ở Đan Mạch. Vì phải thuê máy bay thật giá tiền rất cao, tôi và 5 bạn học viên khác góp tiền thuê chung để tiết kiệm chi phí. Chúng tôi điều khiển máy bay dân sự thật, chỉ có điều đó là chuyến trống, không có khách mà thôi.
Gặp gỡ Diệu Thúy - nữ diễn viên đầu tiên của Việt Nam trở thành phi công: Cứ gõ rồi cánh cửa ước mơ sẽ mở!
Không còn khoác lên mình bộ đồ phi công với những nét chững chạc, cương nghị, Diệu Thúy trò chuyện như một cô gái nhà bên, về những gì đã trải qua từ hành trình trầy da tróc vảy.
Gõ từ khóa phi công Diệu Thúy trên Google, tôi nhận được 2.870.000 kết quả trong 0.78 giây. Cô gái gốc Quảng Trị với 10 năm đầu đời chỉ toàn đi chân đất, không biết đến Yahoo, không có một ý niệm nào về ngành giải trí nhưng đã tự mình làm nên những điều "vô tiền khoáng hậu" - trở thành diễn viên chính trong loạt phim Dốc sương mù, Huyền thoại 1C, Những mảnh đời giông bão, Đồng tiền đen chỉ trong vòng 2 năm. Ngoài diễn xuất, Diệu Thúy cũng là một kỹ sư, tiếp viên hàng không của một hãng 5 sao tại Dubai. Chưa hết, Diệu Thúy còn là nữ diễn viên đầu tiên của Việt Nam trở thành phi công, tính đến năm 2020.
Diệu Thúy hiện lên qua các bài viết dường như có một hành trình khá suôn sẻ, may mắn, làm đâu được đấy. Nhưng khoảnh khắc tôi thấy Diệu Thúy và trợ lý đến trước giờ hẹn hẳn 30 phút, làm tóc và makeup xong xuôi, bộ đồ chụp hình đã phẳng phiu để sẵn trong túi chuyên dụng - tôi biết cô gái này, ngoài may mắn, còn nhiều điều để nói hơn thế.
Chào Diệu Thúy, thời điểm nào giúp bạn nhận ra phi công là nghề mình muốn theo đuổi lâu dài và thấy hạnh phúc khi nghĩ đến?
Ngay từ lần đầu được ngồi trong buồng lái xem tổ lái cất cánh, hạ cánh với vai trò là một tiếp viên hàng không mới. Yêu từ giây phút đầu tiên!
Xuất phát điểm là một diễn viên năm 23 tuổi, làm kỹ sư, tiếp viên hàng không, rồi phi công - 1 lĩnh vực hoàn toàn khác khi đã 27 tuổi. Thúy tự nhận xét về mình là người như thế nào?
Diệu Thúy là một người thích khám phá, ưa trải nghiệm nhưng không phải tuýp bất chấp. Nếu trải nghiệm đó không mang lại tương lai tốt đẹp hơn, chắc chắn Thúy sẽ không làm. Như quyết định trở thành phi công chẳng hạn, Thúy phải đánh giá rủi ro của cả quá trình, rằng mình có thể mất tiền, mất thời gian, tuổi trẻ. Nhưng nếu làm được, đây sẽ là công việc khiến mình hạnh phúc khi đi làm, có thu nhập tốt hơn, lo được cho gia đình và giúp đỡ cả những người khác. 7 năm dành dụm không phải là một số tiền nhỏ, Thúy sẽ không vì sở thích nông nổi mà ra quyết định vội vã.
Lo sợ lớn nhất của bạn khi dấn thân vào con đường rủi ro này là gì?
Là chuyện tài chính. Học phi công đòi hỏi một khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng cho chi phí đào tạo và các loại bằng lẻ, chứng chỉ phụ trong cả quá trình. Học phi công có thể là 2 năm, cũng có thể mất 4 năm. Bạn bè Thúy bán nhà đi để có tiền học không phải ít, nhưng 100 người thì chỉ khoảng 20 người có việc làm sau khi tốt nghiệp. Thêm nữa, tuổi Thúy không còn quá trẻ, sức khỏe không còn như 18-20, Thúy lại là con gái... có quá nhiều thứ không chắc chắn phải đánh đổi cho quyết định này.
Diệu Thúy đã chuẩn bị như thế nào để giảm bớt những phần không-chắc-chắn để được sải cánh trên bầu trời?
Khi làm tiếp viên Thúy thường xuyên có những chuyến bay dài lên đến 20 tiếng. Thiếu ngủ, đau đầu, jet lag khiến thể lực bị suy giảm ít nhiều. Chính vì thế nên khi nghỉ làm tiếp viên, Thúy chọn học lý thuyết 6 tháng tại Việt Nam để vừa có thời gian ôn tập, vừa có cơ hội để bản thân nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
Về tài chính, để hiện thực hóa ước mơ, 2 năm trước khi thi đầu vào, mỗi lần nhận tiền lương Thúy đều chia ra làm 3 phần: 70% để dành học phi công, 20% để du lịch, 10% ăn uống. Nếu có lỡ tiêu hết 30% còn lại thì Thúy sẽ nhịn chứ nhất định không đụng tới dù chỉ là 1 USD.
Riêng chuyện học, 1 năm trước khi thi, Thúy phải cày lại toàn bộ môn Toán và Vật lý THPT từ lượng giác, đại số đến hình học. Thúy phải tìm hiểu trước về máy bay, nguyên lý bay cơ bản dành cho người mới bắt đầu. Đối với thời gian học lý thuyết hàng không, dù các bạn có cày ngày cày đêm, riêng Thúy cứ đúng 11 giờ sẽ tắt đèn, tắt điện thoại đi ngủ. 6 rưỡi thức dậy, tự ăn sáng và ôn bài 2 tiếng rồi mới đi học. Không quan trọng là thời gian, quan trọng là cách học.
Được biết là Thúy đã giấu gia đình và chỉ thông báo vào phút cuối...
Thúy giấu mọi người bởi vì biết là mình sẽ không nhận được sự ủng hộ. "Mấy tỷ đồng là số tiền cả cuộc đời bố mẹ đi làm không bao giờ có được. Con may mắn có được công việc tốt, vì sao con lại phí phạm như vậy? Năm nay con đã 27 tuổi, nên lập gia đình thì tốt hơn. Phụ nữ chỉ cần tới 30 là mọi thứ sẽ lỡ dở hết, lúc ấy không còn cơ hội để ổn định nữa" - Lúc đó bố đã rất căng thẳng với Thúy. Cả nhà chỉ có mẹ là ủng hộ: "Nếu con mất tất cả, con có thể quay về đây với mẹ. Mẹ sẽ cố gắng hỗ trợ con bằng tất cả những gì mẹ có để con làm lại từ đầu".
Chỉ cho đến khi Thúy lấy được bằng Private Pilot (bằng lái máy bay nhưng không được phép kiếm tiền - PV), Thúy đã gửi ảnh về và nói với bố rằng con chưa bao giờ hạnh phúc như thế, từ lúc đó bố mới chấp nhận và ủng hộ. Sau này, mỗi khi gặp khó khăn bố cũng nói với Thúy: "Trong mắt bố, con rất bản lĩnh. Bố tin con sẽ làm được".
Diệu Thúy đã hoàn thành khóa đào tạo phi công tại Mỹ chỉ trong 9 tháng, trước dự định 3 tháng. Bạn đã chạy vượt rào như thế nào?
Lúc ấy động lực lớn nhất là ước mơ được trở thành phi công. Chất xúc tác lớn nhất là thiếu thốn sự ủng hộ tinh thần, những ánh mắt nghi ngại của người khác. Chi phí huấn luyện rất đắt đỏ và chi phí phát sinh cực lớn nên áp lực vô cùng nặng nề. Học lý thuyết 6 tháng Thúy tăng 9kg nhưng học thực hành 3 tháng, Thúy sụt luôn 9kg đó. Mỗi ngày đi bay nếu không đạt thì số tiền 20-40 triệu coi như mất. Thúy đã phải tiết kiệm từng chút một, từ thỏi son đến cái áo đều đắn đo và rất ít khi đi chơi cùng bạn bè.
Giai đoạn 3 tháng trước khi về nước trúng ngay lúc giao mùa, Thúy bị ốm phải nhập viện đến 3 lần. Các bạn nam rất khỏe nên không bị huấn luyện ngắt quãng nhiều, có chăng là vì thời tiết không thuận lợi. Riêng Thúy mất gần 2 tháng không huấn luyện nhanh được vì bị ốm liên tục. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua hết. Càng khó càng cố gắng, càng nhớ nhà càng nỗ lực. "Bản thân chỉ là đang làm điều mình muốn, mạnh dạn lên" - Thúy luôn tự nhủ như vậy.
Mọi người thường nói 27 là độ tuổi con gái nên tính đến chuyện ổn định, 29 tuổi lại càng muộn để khởi đầu 1 công việc mới. Là người đã có 1 cú đầu tư mạo hiểm ở tuổi 27, Thúy nhìn nhận về những định kiến tuổi tác đối với con gái như thế nào?
Có chứ, Thúy thực sự nghĩ đến vấn đề tuổi tác. Nhưng Thúy cũng tự hỏi khi 35 tuổi, làm một công việc không như mình mong muốn, khi nhìn thấy các cô gái khác bay lượn khắp nơi trên màu áo phi công, bản thân sẽ cảm thấy gì? Thúy sợ bản thân không hạnh phúc kéo theo gia đình mình không hạnh phúc hơn là sợ thất bại.
Suy nghĩ này của Thúy một phần được ảnh hưởng bởi mẹ. Mẹ nói 27 tuổi mẹ mới lấy chồng, mẹ sinh con trễ, mẹ theo đuổi sự nghiệp của mẹ. Mẹ học từ trung cấp, lên cao đẳng rồi đại học. Từ một người không biết tiếng Anh phải mò từng chữ để học thêm khi đã lớn tuổi. "Một người không được sống cho mình thì sẽ không hạnh phúc" - mẹ dặn Thúy như thế. Thúy chấp nhận việc lập gia đình, sinh con muộn hơn so với đại đa số bạn bè để chính mình được hạnh phúc, từ đó mới lan tỏa sự tích cực đến những người xung quanh.
Ngoài độ tuổi, tính chất công việc cũng thường bị xã hội đóng khung. Ví dụ như là tiếp viên, phi công thì thường có những mối quan hệ không bền vững, là con gái ai lại học ngành kỹ thuật... Thúy có suy nghĩ như thế nào?
Mình không nghĩ, mà mình thực sự, đã, đang và luôn phải đối diện với những định kiến đó. Tuy nhiên, muốn đi nhanh, đi khỏe thì phải bớt mang vác. Thúy không cố gắng thay đổi bản thân quá nhiều vì sợ đánh mất con người thật của mình. Định kiến, đánh giá ở đâu cũng tồn tại, nó vẫn xảy ra và mình đã chấp nhận đó là một phần của cuộc sống.
Vậy ngoài những rào cản, định kiến từ bên ngoài, bạn có bao giờ (vô tình) tạo nên rào cản cho mình hay không?
Thật lòng là có và Thúy biết điều đó không tốt chút nào - đó là sợ thất bại. Thúy sợ một khi mình thất bại thì bố mẹ sẽ xấu hổ về mình, gia đình sẽ gánh thay những dị nghị: "Biết ngay mà, con gái tham vọng thì chỉ có kết cục thế thôi". Nỗi sợ này rất nặng nề, nó gặm nhấm sự tự tin và bản lĩnh của chính mình và rất khó để loại bỏ. Covid-19 cũng thử thách sự tự tin của Thúy 1 lần nữa. Khủng hoảng kinh tế đặc biệt trong ngành hàng không do ảnh hưởng của COVID khiến mình và đồng nghiệp bị giảm phần lớn thu nhập, kéo theo những ngày nghỉ dài đằng đẵng. Là phi công, quan trọng nhất là được bay để giữ được cảm giác tốt khi điều khiển buồng lái. Nghỉ bay làm Thúy bất an, lo lắng vì rơi khỏi guồng quay bình thường của mọi ngày. Thúy luôn phải tự nhủ Covid-19 cũng chỉ là thử thách mình phải vượt qua như những lần trước đây mà thôi. Là bất kỳ ai, ở độ tuổi nào cũng có thử thách, đón nhận theo cách tích cực sẽ luôn tốt hơn là lảng tránh.
Trầy da tróc vảy để được làm chủ văn phòng trên không như mơ ước, chặng đường này đã dạy cho Thúy điều gì?
"Ta là sản phẩm của chính mình". Là thế này, có những ngày rất tuyệt vời, cả đội bay 4 chặng từ 5 giờ sáng nhưng vẫn muốn bay nữa. Có những ngày thực sự mệt mỏi vì gặp vô vàn áp lực. Nhưng Thúy có một nguyên tắc cho mình: từ khi đóng cửa bước ra khỏi nhà cho tới khi mở cửa trở về, không được giữ thái độ buồn giận hay chán nản, dù là bất kỳ lý do gì. Phi công là nghề đòi hỏi sự kỷ luật trên cả tuyệt đối, không bao giờ được để tâm trạng ảnh hưởng đến an toàn bay.
Những lần đầu Thúy thực sự khó khăn nhưng theo thời gian, điều này tạo cho mình sự cứng cỏi và dày dạn. Sau cánh cửa, Thúy hít thở sâu, tự thưởng cho mình một giấc ngủ ngon là đủ. Thế nên đối thủ lớn nhất, sức cản lớn nhất, động lực mạnh mẽ nhất đều nằm ở trong mỗi người. Cũng chỉ có chúng ta mới đủ hiểu bản thân muốn gì, đam mê điều gì và làm thế nào để trở thành một phiên bản tốt hơn.
Liệu đã có ai nói với bạn rằng vì đã thành công với lựa chọn của mình nên mới có thể tự tin như vậy hay chưa. Nếu như ngày đó Thúy thất bại thì sao?
Thúy đã từng thất bại tan nát, đã từng thi rớt, đã từng có những bài bay hỏng trị giá 30-40 triệu chỉ vì một lỗi nhảm nhí. Thế nên thực lòng Thúy thấy mình chưa thành công, và cũng không định nghĩa được thành công là gì. Chỉ biết rằng mình của hôm nay tốt hơn, hạnh phúc hơn ngày hôm qua thì Diệu Thúy đã thấy sự cố gắng của bản thân được đền đáp rồi.
Thành công hay thất bại nằm ở góc nhìn của bản thân. Mỗi lựa chọn đều có lý do, có vai trò của nó trong hành trình trưởng thành của mỗi người. Chỉ cần nuôi đủ đam mê thì rào cản nào cũng có thể trở thành động lực. Mỗi bước đi, dù ngắn hay dài đều là một cách để chúng ta chạm đến ước mơ mà!
Cảm ơn Diệu Thúy đã chia sẻ. Với những người trẻ cũng đang loay hoay theo đuổi ước mơ của riêng mình giống như bạn hồi đó, Thúy có lời nào muốn nhắn nhủ đến các bạn ấy không?
Thúy cũng có những thời điểm rất tệ, dường như đã ở dưới đáy rồi và không biết phải đi lên như thế nào. Chỉ biết tự động viên là phải đi lên, mà nếu tệ quá thì đi ngang cũng được. Chúng ta thường tốn quá nhiều thời gian để cân nhắc, để đắn đo ngần ngại. Cứ gõ đi, rồi cửa sẽ mở. Nếu bạn có ước mơ hãy cứ dấn bước để sau này không phải hối hận vì những gì mình muốn nhưng đã không làm.
Cảm ơn Diệu Thúy và xin chúc bạn những điều tốt đẹp nhất!
Năm 2020, chiến dịch Bung mình tỏa sáng, bung ước mơ riêng do Sunsilk khởi xướng nhằm cổ vũ nữ giới vượt qua rào cản, định kiến để theo đuổi đam mê. Hãy xem phim ngắn mang về hành trình chinh phục ước mơ bay của phi công Diệu Thúy tại Fanpage Sunsilk để tiếp thêm động lực, bung mình tỏa sáng con gái nhé!