Diễn viên chuyên nghiệp lột xác như nào khi vào vai ‘trái chất’?
Vốn quen với dạng vai hiền lành, chân chất nhưng khi được đạo diễn tin tưởng mời đảm nhận nhân vật “trái chất”, NSND Lan Hương và NSƯT Trung Anh vẫn thể hiện xuất sắc.
Việc một diễn viên đảm nhận nhiều dạng vai khác nhau không phải là câu chuyện xa lạ trên màn ảnh. Phim trước, diễn viên vào vai một bác sĩ tốt bụng, sẵn sàng bỏ tiền túi để chữa trị cho bệnh nhân.
Phim sau, họ lại có thể trở thành sát thủ với ánh mắt sắc lạnh, điệu cười nham hiểm hay kẻ nhẫn tâm. Đó là sự tài tình của diễn xuất.
Diễn viên Quốc Quân cho biết diễn viên nào cũng muốn được đảm nhận nhiều dạng vai.
&’Là diễn viên, ai cũng muốn vào nhiều dạng vai’
Chia sẻ với Zing.vn, nhiều nghệ sĩ cho biết họ luôn muốn được thể hiện những nhân vật khác nhau, thay vì bị đóng đinh vào dạng vai phản diện hoặc chính diện.
“Chỉ đóng một dạng vai, gương mặt diễn viên sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán trước khán giả, đồng thời cũng không có cơ hội để thể hiện hết tài năng diễn xuất của bản thân”, một diễn viên tiết lộ.
Video đang HOT
Đồng tình với quan điểm này, diễn viên Quốc Quân, người vẫn đóng đinh với dạng vai giang hồ cộm cán, thừa nhận diễn viên nào cũng khao khát được đóng những vai trái hoàn toàn với dạng nhân vật mà mình đã thể hiện.
Người chuyên đóng chính diện thì mong một lần được làm vai phản diện. Và ngược lại, người chuyên đóng phản diện lại muốn một lần được làm người tốt.
“Tôi đã vào hàng trăm vai phản diện. Thế nên tôi mong muốn sẽ được mời làm người tốt và tử tế thực sự. Và tôi biết những đồng nghiệp chuyên đóng chính diện cũng luôn mong ước được một lần đóng những dạng vai đầu trộm đuôi cướp như tôi”, diễn viên đóng vai Lân “sứa” trong Người phán xử chia sẻ.
Theo nghệ sĩ Chu Hùng, khi diễn viên đã làm tốt một dạng vài, đạo diễn sẽ thường “đóng đinh” cho các phim sau.
&’Không phải đạo diễn nào cũng thử thách diễn viên’
Thế nhưng, khao khát và mong ước của diễn viên là một chuyện, còn việc đạo diễn có tin tưởng và sẵn sàng giao cho vai trái chất hay không lại là một chuyện khác.
Theo nghệ sĩ Chu Hùng, ở Việt Nam không phải đạo diễn nào cũng dám thử thách diễn viên. “Mọi người phải hiểu là khi diễn viên đã làm tốt một dạng vai nào đó, đạo diễn sẽ mời luôn cho những phim sau thay vì mời họ cho dạng vai mới”, ông cho biết.
“Nhưng trong điều kiện phát triển của điện ảnh – truyền hình Việt Nam, điều này cũng rất khó tránh. Tôi đã đóng không biết bao nhiêu vai phản diện không nhớ hết được cũng vì sự đóng đinh này của đoàn làm phim”, nam diễn viên gạo cội nêu quan điểm.
Về phía đạo diễn, NSƯT – đạo diễn Đỗ Thanh Hải lại có một suy nghĩ khác. Giám đốc VFC cho rằng việc giao cho diễn viên những tạng nhân vật, kiểu vai mới là một hướng đi.
Ví dụ trước đây người đó chỉ đóng vai hiền lành, chân chất thì nay cho vào vai phản diện và ngược lại. Thế nhưng không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả.
“Đạo diễn có thể giao cho diễn viên những vai diễn trái ngược nhưng bản chất của người diễn viên lại không phù hợp thì cũng khó có thể ghi dấu ấn. Tôi lấy ví dụ NSND Trung Hiếu, đạo diễn có thể giao cho anh đóng phản diện nhưng khán giả lại không chấp nhận vì người ta thích anh ở những vai người tốt hơn”, Đỗ Thanh Hải nói.
“NSƯT Công Lý đóng vai người bố rất thành công nhưng khi nhắc đến mọi người vẫn luôn nhớ đến anh là một diễn viên hài. Vóc dáng, ngoại hình, giọng nói của họ như vậy thì không dễ ép vào tất cả các dạng vai”, anh phân tích.
NSND Lan Hương lần đầu vào vai trái chất trong Sống chung với mẹ chồng.
&’Tôi làm được vì là diễn viên chuyên nghiệp’
Thời gian gần đây, trên màn ảnh nhỏ có hai vai diễn trái chất nhận nhiều phản hồi tích cực của khán giả về diễn xuất. Một là NSND Lan Hương, người vẫn quen với hình ảnh hiền lành, chân chất, nhẹ nhàng trên màn ảnh lần đầu đảm nhận vai bà chồng tai quái, xét nét, ích kỷ trong phim Sống chung với mẹ chồng (Vũ Trường Khoa).
Hai là, NSƯT Trung Anh, người vẫn quen với những vai khắc khổ trên màn ảnh, lần đầu đóng vai Lương Bổng, một tay giang hồ cộm cán, tay chân đắc lực của ông trùm Phan Quân trong Người phán xử (Mai Hiền – Khải Anh – Danh Dũng).
Trao đổi với Zing.vn về việc lần đầu đóng vai “trái chất”, NSND Lan Hương cho biết là một diễn viên chuyên nghiệp thì dạng vai nào cũng phải thể hiện được. Do vậy, chị không gặp áp lực khi đảm nhận vai diễn này.
NSƯT Trung Anh cũng có chia sẻ tương tự. Không áp lực, thế nhưng cả hai đều tiết lộ rằng để “lột xác” thành công, họ phải vất vả hơn những bộ phim trước nhiều lần.
“Vai bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng khác với chất mà tôi vốn có nên khi diễn, tôi phải bỏ ra nhiều năng lượng hơn. Quay một đúp không đơn giản như trước mà phải hao tốn cả trí lực lẫn thể lực”, nghệ sĩ Lan Hương kể.
“Hình ảnh của tôi trong phim này cũng hoàn toàn khác. Trước đây, tôi thường tết hoặc búi tóc, rất thuần Việt. Tất nhiên, bây giờ vẫn Việt nhưng là một bà mẹ Việt mới, hiện đại hơn”, bà nói.
Đồng cảm với NSND Lan Hương, NSƯT Trung Anh tiết lộ: “Đóng Người phán xử tôi vất vả hơn phim khác, thậm chí phải đánh vật với nhân vật. Về chủ quan, từng cảnh quay, từng trường đoạn, từng ánh mắt, tôi đều phải rất tập trung”.
“Còn về khách quan, khi phải vào một vai ngược hẳn với mình, tôi cũng áp lực rất nhiều vì không biết diễn xuất của mình có thuyết phục được khán giả và vượt qua được hình ảnh đã quen thuộc của mình hay không”, diễn viên đóng vai Lương Bổng nói thêm.
Theo Zing