Diễn viên Cao Minh Đạt: “Tiếng sét trong mưa” hấp dẫn vì kịch bản quá hay
Khi đọc kịch bản, diễn viên Cao Minh Đạt đã bị hấp dẫn với vai diễn cậu Ba- cậu ấm nhà giàu, phong lưu, ăn chơi nhưng ẩn bên trong là tình yêu mãnh liệt, sự hy sinh dành cho Thị Bình. Thế nhưng khi phim phát hành, anh cũng bất ngờ vì không nghĩ hiệu ứng của phim và vai diễn lại tốt đến thế.
Diễn viên Cao Minh Đạt. ảnh: TL
Đúng là nhân vật cậu Ba Duy quá ác
Từng là gương mặt nổi bật của điện ảnh Việt trong những năm của thập niên 2000 nhưng bẵng đi một thời gian, phải đến vai cậu Ba trong “ Tiếng sét trong mưa” Cao Minh Đạt mới lại nhận được nhiều quan tâm của khán giả. Cá nhân anh cảm thấy hài lòng với vai diễn này không?
- Thực sự tôi là người ít khi nào hài lòng với bản thân, đặc biệt là với các vai diễn. Vì sao? Vì nếu hài lòng nghĩa là chấp nhận giậm chân tại chỗ. Với diễn viên điều đó là không nên.
Khi nhận vai cậu Ba Khải Duy tôi xác định đây là vai chiếm nhiều thời lượng, tâm lý phức tạp, mệt cả sức khỏe và tâm trí. Nhưng tôi tự nhủ lâu lắm mới có một vai hay như thế nếu không dồn tâm sức thì sẽ bị hư vai rất uổng phí.
Vào vai cậu Ba Duy ăn chơi, nóng nảy, độc ác nhưng rất đặc biệt là lại được khá nhiều khán giả yêu thích. Vậy theo anh đây có phải là thành công của vai phản diện?
- Mặc dù sau khi phim phát sóng, ra đường khán giả vẫn gọi tôi là Cậu Ba, thậm chí có người còn hỏi: “Tại sao cậu ba ác thế?”. Cá nhân tôi cũng cảm thấy nhân vật quá ác. Nhưng đặt trong bối cảnh phong kiến người ở địa vị cao, có tiền sẽ có quyền, khoảng cách giữa địa chủ – nông dân quá lớn thì việc người ở bị đánh, bị coi thường là sự thật.
Nhưng nói cậu Ba là vai phản diện tôi nghĩ không đúng vì nhân vật phản diện là xấu hoàn toàn đè người này hại người kia, mưu cầu cá nhân. Cậu Ba Duy chỉ là vai tính cách, vốn là cậu ấm nhà giàu nên ăn chơi, phong lưu. Nhưng ẩn bên trong là tình yêu mãnh liệt, sự hy sinh dành cho Thị Bình chứ không phải chỉ “vui chơi qua đường”. Khán giả hiểu được con người cậu Ba và dành tình cảm cho nhân vật như thế tôi nghĩ là thành công của vai diễn rồi.
Anh cảm nhận xu hướng xem phim của của khán giả bây giờ có gì khác so với trước?
- Khi phim phát hành tôi không nghĩ hiệu ứng của phim và vai diễn lại tốt đến thế. Còn việc được khán giả đón nhận thì không thể so sánh với trước được vì mỗi thời mỗi khác, khán giả càng ngày càng khó tính. Nên với tôi, sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật lặng lẽ thì hiện tại khán giả quan tâm, khen ngợi là rất hạnh phúc rồi.
Thành công với dạng vai này, anh có dự định theo đuổi chất vai này không?
- Tôi quan niệm là diễn viên, có công việc, vai diễn, mình phải làm nhưng không phải cái gì cũng nhận. Chưa bao giờ tôi nghĩ diễn cho xong để nhận cát-sê. Tôi muốn khi đóng vai gì, kể cả vai nhỏ cũng phải làm cho tới chứ không vì vai nhỏ mà diễn hời hợt.
Bản thân tôi chưa bao giờ hài lòng với bất cứ điều gì, khen chê là dấu hiệu tốt nhưng nhiêu đó là chưa đủ. Nghệ thuật đâu có giới hạn, đâu biết điểm cuối cùng vì thế tôi vẫn sẽ tiếp tục đa dạng hình ảnh, vai diễn thử thách bản thân.
Vừa làm nghề vừa kinh doanh mới đủ sống
Nỗ lực như thế nhưng có một khoảng thời gian dài anh không có phim nổi bật dù đã có bước đệm khá tốt của những năm 1990-2000?
- Đó là tình hình chung của phim ảnh, của các diễn viên thị trường miền Nam nhiều năm gần đây dậm chân tại chỗ.
Thực tế trước đây, phim tư nhân với đề tài mới, cách làm mới nên khán giả đã rất ủng hộ. Sau đó, nhà nhà đua nhau làm phim và thiếu sự đầu tư nghiêm túc khiến chất lượng phim đi xuống. Phim phát sóng mà khán giả phải thốt lên “vô lý, kỳ vậy” thì tất nhiên bị quay lưng.
“Tiếng sét trong mưa” kịch bản quá hay, logic, dàn diễn viên phù hợp, bối cảnh hợp lý… nên kết quả tất yếu là hấp dẫn khán giả, nâng tầm cho dàn diễn viên.
Thời kỳ phim ảnh phía Nam khủng hoảng, nhiều diễn viên không trụ được với nghề nên buộc phải từ bỏ. Anh có từng nghĩ đến chuyện đó không?
- Đúng là thị trường phim miền Nam thời kỳ vừa rồi rất ít phim dài nhưng tôi vẫn sống được bằng nghề. Tôi nhận phim ngắn, tiểu phẩm… Năm 2018, tôi chỉ đóng hai phim và đều chỉ là vai thứ chính. Tất nhiên vẫn phải thừa nhận thu nhập bị ảnh hưởng nhiều không được như xưa.
Đôi lúc, tôi cũng gặp khó khăn nên phải mở rộng kinh doanh ngoài để có thêm thu nhập. Thu nhập bình thường nhưng nếu mình biết liệu cơm gắp mắm thì mọi chuyện sẽ qua. Kiếm tiền núi mà xài bạc tỷ thì cũng hết.
Tôi chưa bao giờ nghĩ bỏ nghề chỉ sợ nghề bỏ tôi thôi. Nhưng sau này đâu nói trước được gì (cười).
Phim truyền hình phía Nam yếu thì VFC của miền Bắc lại mạnh, nhiều diễn viên miền Nam ra Bắc đã thành công. Anh có ý định “tấn công” thị trường này không?
- Nói tấn công thì to tát quá. Thực ra năm 2003 tôi đã từng ra Hà Nội quay phim “Khi người ta yêu” của “bố” Trần Phương nhưng có vẻ chưa “nên duyên”. Nói chung tôi quan niệm, nếu có cơ hội thì vẫn sẽ nhận lời và thử sức. Duyên đến thì đến chứ tấn công gì. Nam hay Bắc gì cũng vậy, kịch bản hay, vai diễn hay thì dù ở đâu tôi cũng nhận.
Hiện nay phim điện ảnh cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều diễn viên chứng tỏ thực lực và đến gần công chúng. Anh có ý định thử sức?
Video đang HOT
- Phim điện ảnh bây giờ toàn bán vé qua tên tuổi dàn diễn viên nên hầu hết các nhà sản xuất hướng tới lợi nhuận đều lựa chọn những danh hài hoặc những hotboy hotgirl nổi nổi. Cao Minh Đạt không phải là cái tên bán được vé.
Xu hướng, thời thế như vậy nên diễn viên phải chấp nhận việc nhà sản xuất, đạo diễn sẽ ưu tiên mời diễn viên hài như anh Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang…
Nhưng tất cả còn ở phía trước, biết đâu có cơ hội tôi sẽ tham gia. “Cờ đến tay ai người đó phất”, bản thân tôi cũng muốn tham gia thử sức mà.
Cảm ơn chia sẻ của anh!
Theo giadinh.net.vn
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền: Tôi không lăng xê hai chữ "loạn luân", Tiếng Sét Trong Mưa dừng lại giữa ranh giới phản cảm và bi kịch
Là người đứng sau sự thành công của phim truyền hình "Tiếng Sét Trong Mưa", tác phẩm chuyển thể từ kịch bản Lôi Vũ - vốn nổi tiếng với những mối tình ngang trái giữa anh em ruột, dì ghẻ con chồng, nhưng đạo diễn Phương Điền lại lên án và cương quyết không lăng xê kiểu tình cảm này lên sóng truyền hình.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền từng nổi danh với phim truyền hình Âm Tính (2010). Anh chính là cái tên thầm lặng, người đã "khai quật" ra một nhân vật hoa hậu nghiện ngập đến ám ảnh của Hoa hậu Mai Phương Thúy.
Năm 2019, anh cho ra mắt một dự án thành công vang đội nữa đó là Tiếng Sét Trong Mưa. Lại một lần nữa khán giả được chứng kiến từng ngóc ngách của thời phong kiến, Pháp thuộc như sống lại ở từng khung hình, từng số phận con người tréo ngoe và đau khổ đến tâm can.
Nói về Tiếng Sét Trong Mưa, người đạo diễn tâm huyết đã chia buổi phỏng vấn thành hai phần. Phần đầu tiên là dành để khen ngợi, cám ơn những con người đã góp sức làm nên bộ phim.
Phần thứ hai là để khẳng định rõ cái nhãn hiệu "18 ", hay thậm chí là "trái luân lý" mà nhiều người đang gán cho bộ phim. Giới hạn của phim dừng ở đâu, tới đâu gọi là vừa đủ và tình tiết trong phim phải "bạo" tới mức nào mới gọi là "18 "?
Tiếng Sét Trong Mưa là phim chung của "mọi người"
Lời dẫn: Như đã nói ở trên, đạo diễn Phương Điền dành quá nửa buổi nói chuyện để ca ngợi công lao của đoàn phim và các mạnh thường quân giúp đỡ. Nên tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có gì là quá lời nếu gọi Tiếng Sét Trong Mưa là phim chung của "mọi người", khi mà ngay cả những cá thể chẳng liên quan gì đến đoàn phim cũng nhiệt tình giúp đỡ phim hết mực.
Khó khăn nào lớn nhất khi anh bắt tay vào làm Tiếng Sét Trong Mưa?
Điều khó nhất là phải đi tìm địa điểm, chọn được căn nhà đúng phong cách thời Pháp thuộc, tôi lang thang khắp nơi hết cả năm trời. Vào tận những nơi sâu xa, hẻo lánh vì những gia đình gìn giữ nhà cổ thường sống xa đô thị.
Căn nhà chính của bà Hội đồng là ở thành phố Sa Đéc. Chọn căn nhà này nghĩa là chỉ quay được nội thất bên trong, phần bên ngoài dường như bỏ, không quay được vì đường xá lúc nào cũng đông đúc chợ búa.
Nhưng tôi đã nhìn thấy câu chuyện của Khải Duy (Cao Minh Đạt), Thị Bình ( Nhật Kim Anh ), Hai Sáng, Lũ v.v... diễn ra ở đây, phải tìm mọi cách để mượn được địa điểm này.
Vậy là tôi phải thuyết phục người đang trông coi ngôi nhà cho mình thuê lại ít ngày để quay. Sau đó còn phải thuyết phục họ cho phép đoàn phim được cải tạo tạm thời thành bối cảnh phù hợp với Tiếng Sét Trong Mưa.
Phần cải tạo khá "căng thẳng", vì tôi cần phải tháo dỡ gần như toàn bộ phần phía trước của ngôi nhà để nội thất bên trong lộ ra ngoài.
Trong nhà là một chuyện, chúng tôi còn phải đi thuyết phục chính quyền và dân cư trong chợ cho chúng tôi mượn địa điểm để đoàn cố định vị trí. Toàn bộ phần chợ xung quanh ngôi nhà là phải dẹp đi hết.
May mắn và rất biết ơn những người dân khu vực đó, ai cũng thông cảm và dọn hàng về sớm để chúng tôi mượn địa điểm. Tức là chợ họp từ sáng, đến đầu giờ chiều là các gian hàng sẽ dọn về sớm để chúng tôi bắt đầu thi công, dàn dựng bối cảnh quay.
Anh thuyết phục chủ nhân của căn nhà cổ trong chợ thế nào, để khi họ chịu cho anh tu sửa lại "báu vật thời gian" mà họ đang gìn giữ?
Tôi phải áp dụng phương pháp sửa "tạm bợ". Nghĩa là phần cải tạo được thực hiện rất "rén", chỉ ép hờ lên bề mặt thực tế của những bức tường. Về bản chất tình trạng ngôi nhà, không có gì thay đổi. Phần sân nơi Khải Duy giết Lũ, tôi phải xin phép để được quét tạm một lớp sơn giả rêu.
Đó là căn nhà của bà Hội, vậy còn căn nhà của Khải Duy 24 năm sau thì sao?
Chuyện đi mượn căn nhà của Khải Duy còn khủng khiếp hơn. Nơi chúng tôi chọn là một homestay, nhưng trông như một căn... biệt phủ của một vị quan vậy. Mỗi căn phòng trong thuê có giá khoảng 1000$/ngày/phòng (khoảng 20 triệu VND). Tới đây là tôi bắt đầu lo.
Đoàn phim bắt buộc phải thuê hết 10 phòng của ngôi nhà đó. Vì không thể vừa quay phim vừa để khách vào ở được, như vậy sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Máy móc để khắp nơi, các góc quay rộng - hẹp v.v... liên tục thay đổi cũng sẽ làm cho khách trọ không thể di chuyển được trong nhà. Nên đoàn phim cần phải sử dụng trọn gói ngôi nhà ấy.
Vấn đề là chúng tôi không có đủ tiền để thuê cả một căn biệt phủ kiểu cổ to lớn trong gần một tháng trời. Vị chi 30 ngày thuê 10 phòng là 300,000$ (hơn 600 triệu VND), số tiền quá khổng lồ đối với một đoàn phim truyền hình kinh phí eo hẹp, chưa kể đến phần cải tạo thêm để cho ngôi nhà giống với yêu cầu kịch bản.
Tôi còn phải đi mua, mượn thêm đồ để mang trang trí trong nhà như đèn cổ, bàn ghế, phông màn v.v... cho ra kiểu phong cách thời Đông Dương.
Cả đoàn phải dùng mọi sự tâm huyết, chân thành ra để thuyết phục. Cuối cùng vợ chồng chủ gia đình mới đồng ý cho đoàn phim thuê với giá 8 - 9 triệu/ngày. Cặp vợ chồng chủ nhà còn rất nhiệt tình.
Đoàn Tiếng Sét Trong Mưa ban đầu chỉ xin tầm 10-20 ngày, nhưng cuối cùng đoàn phim bị trễ lịch quay, "đóng quân" đến gần một tháng trời mà gia chủ vẫn hỗ trợ. Sau khi phim lên sóng và được khán giả yêu mến. Tôi thực sự muốn tìm lại những người chủ nhà nhiệt tình để cám ơn. Ngặt nỗi họ đã bán nhà và chuyển đi, tôi không cách nào liên lạc được.
Tới đây, có một điểm khó hiểu, đó là căn phòng của Khải Duy ở nhà cũ lẫn nhà mới đều giống hệt nhau. Anh có thể giải thích điều này không?
Đó là sự cố tình của Khải Duy. Trong phim, anh ta phục chế lại căn phòng kỷ niệm của mình với Thị Bình cho giống hệt bản gốc trong ngôi nhà của bà Hội. Khải Duy muốn mang theo ký ức với Thị Bình đến nhà mới. Anh không cho ai bước vào phòng, kể cả bà vợ Hạnh Nhi. Chỉ có bà Bảy được Khải Duy tin tưởng, mới được vào dọn dẹp.
Còn ở hậu trường, chúng tôi chỉ quay mặt ngoài của căn phòng ở nhà Sa Đéc thôi. Sau đó dồn mọi cảnh quay trong phòng ngủ của Khải Duy vào một phòng ở biệt thự kiểu Pháp sau này để hai căn phòng giống hệt nhau.
Vấn đề địa điểm đã là như vậy, còn về đạo cụ, phục trang thì sao? Những món đồ cổ trong phim có dễ tìm thấy không anh?
Về đạo cụ thì tôi và mọi người phải đi... mượn bạn bè, đoàn phim làm gì có tiền mà mua hay thuê hẳn một chiếc xe hơi cổ để quay cũng như những món đồ cổ đắt tiền? Rồi đi mượn nhà cửa cho các nhân vật phụ nữa.
Cả đoàn lại phải đi năn nỉ, nhờ vả chính quyền, bạn bè gần xa để mượn giúp... Nhưng mượn thì mượn, chúng tôi cũng phải biết ai có mà đến tìm. Vậy là lại phải tỏa nhau đi săn "đồ cổ" để biết chúng ở đâu mà nhờ giúp đỡ.
Ngoài ra thì phần phục trang cũng khá là khó khăn. Chúng tôi không đủ tiền để may đầy đủ phục trang cho diễn viên. Nếu đặt may cho đúng kiểu trang phục so với lịch sử, thì sẽ có rất nhiều quần áo phải chuẩn bị cho diễn viên từ các tuyến nhân vật chính: bà Hội, Hai Sáng, Hạnh Nhi v.v... cho đến cả dàn quần chúng mấy chục người.
Cao Thái Hà phải mang bộ bà ba có sẵn ra dùng nên trông cô ấy hơi hiện đại. Cụ thể là ở chỗ: Thời ấy làm gì đã có cúc áo, người ta gài chéo bằng nút vải. Do kinh phí không nhiều, nên cái nào cần tiết kiệm thì phải tiết kiệm.
Còn các bộ phận khác trong đoàn phim thì sao, mọi người có nỗ lực hỗ trợ anh thực hiện phim cho chỉnh chu không?
Tất nhiên! Mọi bộ phận đều làm việc hết mình. Đặc biệt là tổ diễn viên. Trong dàn diễn viên Tiếng Sét Trong Mưa có nhiều người còn cho rằng mình bị... giao nhầm kịch bản. Vì những vai diễn được giao đều nằm ngoài "giới hạn" của họ, chưa ai thử bao giờ.
Hứa Minh Đạt trước giờ toàn đóng hài, Thảo Trang chưa bao giờ đóng vai lả lơi, hiểm ác, Cao Thái Hà lần đầu tiên đóng vai đanh đá, Lê Bê La đã quen những vai hiền lành, phúc hậu v.v...
Tiếng Sét Trong Mưa đã khiến các diễn viên phải bỏ lại những dạng nhân vật quen thuộc và ép mình vào tuyến vai khác hoàn toàn.
Ban đầu, khi được giao kịch bản, các diễn viên kể trên ai cũng hoang mang và hỏi tôi là có giao nhầm kịch bản cho họ không? Tôi đã phải thuyết phục và làm việc với từng người rất kỹ để ai nấy có thể nhập vai nhuần nhuyễn, đồng thời khai thác một khía cạnh diễn xuất mới ở con người mình.
Đạo diễn Phương Điền kể về quá trình
Về yếu tố "Trái luân thường đạo lý" trong phim
Cảnh phim phải nhạy cảm tới đâu mới gọi là "trái luân lý"? Người làm phim đã hạn chế, tinh giảm sự "trái luân lý" từ kịch bản gốc Lôi Vũ tới mức nào để làm ra được Tiếng Sét Trong Mưa?
Khi đưa yếu tố tình ái giữa những người anh em, mẹ con với nhau trong nhà vào phim, anh có lo rằng sẽ bị phản cảm?
Tôi đã cân nhắc rất nhiều trước khi chuyển thể. Trong văn học và điển tích Việt, đã có khá nhiều ví dụ điển hình như: Hòn Vọng Phu, Tô Thị v.v. thì chuyện tôi phóng tác lại những chi tiết nhạy cảm trong Lôi Vũ, tôi phải giữ nguyên gốc. Nhưng đây vẫn là những điều khá xa lạ, thậm chí là cấm kỵ trong văn hóa nước ta.
Tiếng Sét Trong Mưa dừng lại ở ngay ranh giới "phản cảm" và "bi kịch", tôi không muốn lăng xê hai chữ "loạn luân" quá nhiều trên truyền hình. Giữa Bình - Phượng chỉ là tình yêu chớm nở nhưng dập tắt kịp thời.
Họ không biết mình là anh em ruột của nhau, nếu biết đã không dám đi quá xa. Trong kịch bản gốc, thậm chí Phượng còn có bầu với Thanh Bình nhưng tôi tuyệt đối cắt bỏ hết.
Giữa Bình và Hạnh Nhi, một là do Hạnh Nhi bị xuân dược khống chế, Thanh Bình thì tò mò tuổi mới lớn. Tôi đã giải thích cặn kẽ lý do của những mối quan hệ phức tạp này, đồng thời cắt bỏ bằng hết những chi tiết thừa thãi trong tác phẩm gốc.
Ở kịch bản gốc Lôi Vũ, Phượng còn có bầu với Thanh Bình, Hạnh Nhi và Thanh Bình còn giả ma giả quỷ, kéo nhau vào làm tình trong phòng ngủ của Khải Duy, nhưng tôi tuyệt đối cắt bỏ hết. Nếu chi tiết đó được chuyển thể, thì mối quan hệ giữa hai người mới thực sự trở thành một thứ tội lỗi, nhơ nhuốc do hai kẻ thú tính cố tình gây nên.
Đạo diễn Phương Điền nêu rõ quan điểm về yếu tố loạn luân trong "Tiếng Sét Trong Mưa"
Dự án sắp tới - Vua Bánh Mì
Đạo diễn Nguyên Phương Điền chia sẻ thêm một chút về dự án Vua Báng Mì đang được thực hiện.
Quốc Huy và Bạch Công Khanh sau Tiếng Sét Trong Mưa lại hội ngộ với anh trong Vua Bánh Mì, riêng Bạch Công Khanh đã làm với anh từ Đánh Cắp Giấc Mơ. Hai gương mặt này có phải là "chàng thơ" mới của anh không?
Với tôi, không có khái niệm chàng thơ hay "gửi gắm" ai cả, mà sẽ đánh giá diễn viên qua góc nhìn chuyên môn. Hợp vai thì tôi mời, còn không cho tiền tôi cũng không ngỏ lời.
Quốc Huy và Bạch Công Khanh đều đã phải "cực khổ" với tôi khá nhiều. Cả hai đã đi thử vai liên tục trong 8 - 9 ngày liên tục.
Dù sao ai cũng là diễn viên, những ngày ngày vẫn phải đến phim trường để đóng thử với các lựa chọn nhân vật khác. Tôi cứ tổ hợp qua lại giữa các nhân vật với nhau để xem thử phản ứng giữa hai bạn này với những người còn lại ra sao.
Khi nào cảm thấy đủ tốt tôi mới giao vai. Thực ra, chỉ một ngày trước khi bấm máy Vua Bánh Mì tôi mới bảo trợ lý xác nhận vai diễn cho hai người đó.
Tôi công nhận và rất thích cách hai diễn viên này xử lý tình huống, tâm lý nhân vật. Ngoài ra thì họ còn chịu khó, cần mẫn nên mới vừa mắt tôi.
Trong quá trình quay Tiếng Sét Trong Mưa và Đánh Cắp Giấc Mơ, tôi vẫn quan sát kỹ lưỡng hai gương mặt này cho tới khi tin chắc mình có thể giao một nhân vật khác cho họ mới tính đến chuyện mời thử vai Vua Bánh Mì.
Trong vòng thử vai cho Vua Bánh Mì có 10 ngày để tuyển chọn diễn viên. Quốc Huy với Bạch Công Khanh sẽ phải "chọi" với ứng viên xuất hiện trong 10 ngày đó. Tới nỗi hai bạn ấy hoàn toàn không còn mong đợi gì vào vai diễn trong Vua Bánh Mì nữa, nhưng vẫn tuân thủ theo quy trình thử vai tôi đưa ra.
Ngày nào tôi đến xem thử vai, thì cả hai phải xuất hiện để diễn thử với các nhân vật khác. Đối với Vua Bánh Mì, phim bấm máy ba ngày tôi mới thông báo nhận vai cho hai người bọn họ.
Anh có cho rằng mình đã nắm được tâm lý của khán giả ở Tiếng Sét Trong Mưa và áp dụng bài học này cho Vua Bánh Mì?
Tất nhiên là tôi không thể nắm được hết tâm ý khán giả. Tôi dựa vào kịch bản đã thành công khắp châu Á của Vua Bánh Mì và khả năng chuyển hóa, đưa tình cảm, ngôn ngữ và cách sống của người Việt vào phim, từ đó thuyết phục công chúng.
Ngoài ra, tôi và đoàn phim đến phim trường mỗi ngày với sự kiên trì và một thứ giống như "quyết tâm" không để cho bản Việt bị thua so với bản gốc. Ai nấy đều cố gắng không làm việc sơ sài, từ diễn viên đến các tổ sản xuất đều nỗ lực hết mình. Chúng tôi chỉ dựa vào nhiêu đó để chạm đến người xem.
Cám ơn anh đã chia sẻ thật chân thành trong bài phỏng vấn hôm nay.
Theo Helino
Cao Minh Đạt: 'Tôi xót xa, xin lỗi bạn diễn sau khi đánh họ' Khải Duy của "Tiếng sét trong mưa" cho hay anh ngại quay cảnh đánh đập bạn diễn. Anh sợ họ bị đau nên sau mỗi cảnh quay, bao giờ cũng chủ động xin lỗi. Những ngày qua, phim Tiếng sét trong mưa thu hút sự quan tâm của khán giả màn ảnh nhỏ. Dàn diễn viên của phim được đánh giá diễn xuất...